Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Năm - Phẩm Nói Về Các Pháp Môn Anh Lạc - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM NĂM

PHẨM NÓI VỀ

CÁC PHÁP MÔN ANH LẠC  

PHẦN BỐN  

Này các vị Tộc Tánh Tử! Như thế là đã gồm đủ sáu pháp Anh Lạc thanh tịnh.

Bấy giờ Bồ Tát Vô Đảnh Tướng liền đến trước Đức Phật cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Làm thế nào để thiệt thức có thể nói ra những lời chỉ dạy, nêu bày rõ vô lượng pháp định ý là gốc của trí tuệ?

Thiệt thức chẳng phải là thức nhận biết, cũng chẳng phải ngang hàng với các thức khác. Hết thảy âm thanh cùng tiếng vang là cảnh giới của nhĩ thức. Mọi hình sắc, cảnh tượng bên ngoài là cảnh giới của nhãn thức. Các mùi hương thơm thối là cảnh giới của tỷ thức.

Những lời nói từ miệng phát ra có âm thanh mà vô hình, chủ thể biết các pháp bên ngoài mà không tự biết, làm sao thiệt thức thọ nhận hình tướng của nhĩ thức?

Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Đảnh Tướng rằng: Này vị Tộc Tánh Tử! Thế nào gọi là âm thanh theo tai mà phát ra là từ bên ngoài đến?

Thưa: Là vì nhận biết từ bên ngoài chứ không từ bên trong.

Lại hỏi: Miệng phát ra lời nói, hoặc lớn, hoặc nhỏ là do miệng, tai nhận biết nghe được hay chẳng do miệng, tai nhận biết nghe được?

Thưa: Hoặc do miệng, tai nhận biết nghe được, hoặc chẳng do miệng, tai nhận biết nghe được.

Lại hỏi: Làm sao do miệng nghe được hay chẳng do miệng nghe được?

Thưa: Miệng phát ra âm thanh tiếng vang, điều ấy chính là do miệng nghe được. Còn như đất, nước, lửa, gió, núi, sông, đá dốc… những cái đó chẳng do miệng nghe được.

Lại hỏi: Miệng phát ra âm thanh tiếng vang được gọi là thức.

Còn đất, nước, lửa, gió thì há không phải là thức sao?

Thưa: Đất, nước, lửa gió chẳng phải là khẩu thức.

Lại hỏi: Làm sao thành tựu được khẩu thức?

Thưa: Do bốn đại hợp thành.

Lại hỏi: Đã nói miệng chẳng phải là bốn đại, nay lại cho là bốn đại hợp nên sao?

Thưa: Có sự nhận biết về bốn đại, không nói là không nhận biết về bốn đại.

Lại hỏi: Thế nào gọi là nói có sự nhận biết bốn đại, chứ không nói không nhận biết về bốn đại.

Thưa: Có sự nhận biết bốn đại, đó là khẩu thức. Không nhận biết về bốn đại là đất, nước, gió, lửa.

Lại hỏi: Có sự nhận biết về bốn đại, há chẳng phải là đất nước lửa gió sao?

Thưa: Đúng vậy.

Lại hỏi: Không có nhận biết về bốn đại, đó là cái gì?

Thưa: Đất lìa nước thì không nhận biết. Nước lìa lửa thì không nhận biết. Lửa lìa gió thì không nhận biết. Gió lìa hư không thì không nhận biết. Hư không lìa thức thì không nhận biết. Đó gọi là bốn đại không nhận biết.

Lại hỏi: Có sự nhận thức về bốn đại, nơi chốn phát ra âm thanh, tiếng vang, thế thì đó là đất, nước, lửa gió, hư không hay thức?

Thưa: Do tất cả hợp lại.

Lại hỏi: Trừ bỏ bốn đại ra thì thức lấy gì để tồn tại?

Thưa: Thức không có chỗ nương tựa.

Lại hỏi: Đất, nước, lửa, gió cùng phát ra âm thanh và tiếng vang, thế thì không nói đến thức sao?

Thưa: Thức riêng lẻ không có bạn đồng hành nên không có sự nhận biết vậy.

Lại hỏi: Thức đứng riêng lẻ thì được gọi là thức sao?

Thưa: Thức riêng lẻ chẳng phải là thức.

Lại hỏi: Thức riêng lẻ chẳng phải là thức.

Vậy làm sao nương vào đất, nước, lửa, gió được?

Là hữu vi hay vô vi?

Thưa: Đúng như vậy.

Lại hỏi: Thức lìa thai chết thì có lại hiện hữu không?

Thưa: Có.

Lại hỏi: Cái gì có thể nhận biết tận cùng gốc của khổ?

Thưa: Đó chính là tính chất vô tận của thức.

Lúc này Bồ Tát Vô Đảnh Tướng lại hỏi Đức Thế Tôn: Kính bạch Thế Tôn! Các đại thành tựu thức, hay thức thành tựu các đại?

Đáp: Các đại giúp cho thức thành tựu.

Lại hỏi: Thức có chỗ nương tựa chăng?

Đáp: Đó là các đại.

Lại hỏi: Đất, nước, gió, lửa, hư không, nếu lìa các đại ấy thì thức còn tồn tại không?

Đáp: Thức không còn chỗ để tồn tại.

Lại hỏi: Thế thức đã hoàn toàn bị diệt sao?

Đáp: Không phải thế.

Lại hỏi: Vậy thức không bị diệt chăng?

Đáp: Không phải thế.

Lại hỏi: Thức chẳng phải là cõi sinh tử, cũng chẳng phải không là cõi sinh tử.

Pháp ấy đâu phải là pháp Nê Hoàn?

Đáp: Chẳng phải thế.

Lại hỏi: Thức Nê Hoàn là khác chăng?

Đáp: Không khác.

Lại hỏi: Có pháp bốn đại Nê Hoàn chăng?

Đáp: Không có pháp bốn đại Nê Hoàn.

Lại hỏi: Có thức Nê Hoàn chăng?

Đáp: Có thức Nê Hoàn.

Lại hỏi: Đất, nước, lửa, gió và thức cùng với thức Nê Hoàn có gì khác nhau?

Đáp: Đất, nước, lửa, gió và thức thì chuyển biến. Còn thức Nê Hoàn thì không chuyển biến. Khác biệt là vậy.

Lại hỏi: Đất, nước, lửa, gió lìa thức, Nê Hoàn lìa thức, có gì khác nhau?

Đáp: Bốn đại lìa thức nhưng không lìa quá khứ, hiện tại, vị lai. Còn Nê Hoàn lìa thức vĩnh viễn lìa quá khứ, hiện tại, vị lai.

Lại hỏi: Thức lìa bốn đại, lìa Nê Hoàn.

Thức ấy chưa ở nơi bốn đại, cũng chưa có nơi Nê Hoàn, hay lại có khác nhau?

Đáp: Chẳng phải vậy.

Lại hỏi: Bốn đại lìa thức, Nê Hoàn lìa thức, chẳng khác gì chăng?

Đáp: Chẳng khác.

Lại hỏi: Thức ở nơi Nê Hoàn thành pháp vô vi. Thức ở nơi bốn đại thành pháp hữu vi.

Chẳng khác nhau sao?

Đáp: Không khác.

Lại hỏi: Nếu cho là không khác thì sao có thức hữu vi, có thức vô vi?

Vậy khác nhau chăng?

Đáp: Thức hữu vi giúp cho bốn đại thành tựu. Thức vô vi không giúp cho bốn đại thành tựu. Do vậy mà có khác nhau.

Bấy giờ Bồ Tát Vô Đảnh Tướng liền đứng trước Đức Phật thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thức lìa bốn đại, thức lìa Nê Hoàn, cũng chẳng phải một, cũng chẳng phải hai.

Vì sao?

Vì thức ở nơi bốn đại thì có quá khứ, hiện tại, vị lai vậy.

Thức này, thức kia lại có khác nhau chăng?

Đức Phật Đáp: Không khác nhau.

Lại hỏi: Vì sao?

Có thể gọi đó là thức bốn đại hay là thức Nê Hoàn?

Đáp: Đó chỉ là giả hiệu, chẳng phải là giáo pháp chân thật.

Lúc này Bồ Tát Vô Đảnh Tướng bèn tự suy nghĩ: Ta nay nêu chỗ hỏi về bốn đại lìa thức là có hành quả báo. Nay Đức Thế Tôn dùng không có hành quả báo để đáp lại ta.

Hay là ta hỏi không đúng chỗ, hay lời đáp lại không thích hợp?

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết được nơi tâm của Bồ Tát Vô Đảnh Tướng đang có những suy nghĩ như thế liền gọi Bồ Tát Vô Đảnh Tướng và nói: Này Bồ Tát Vô Đảnh Tướng! Thức bốn đại hữu vi chẳng phải là thức bốn đại vô vi. Thức bốn đại vô vi khác với thức bốn đại hữu vi.

Thế thì thức bốn đại chẳng phải là thức này thức kia chăng?

Bồ Tát Vô Đảnh Tướng thưa: Chẳng phải!

Lại hỏi: Chẳng phải là thức bốn đại, chẳng phải thức Nê Hoàn, chẳng phải không thức chăng?

Đáp: Có thức diệt, có thức không diệt.

Thế nào là thức diệt?

Đó là chẳng phải ở hiện tại.

Thế nào là thức không diệt?

Đó là chính nơi hiện tại.

Lại hỏi: Thức có diệt chăng?

Đáp: Nơi hiện tại.

Lại hỏi: Pháp vô vi lại là hiện tại chăng?

Đáp: Không phải.

Lại hỏi: Pháp hữu vi lại là hiện tại chăng?

Đáp: Không phải.

Lại hỏi: Tướng hữu vi và vô vi, chẳng phải hiện tại, cũng chẳng phải không hiện tại.

Vậy chỗ dựa của nó là gì?

Đáp: Nương tựa ở chỗ không nương tựa.

Lại hỏi: Lành thay! Thức có nương tựa chăng?

Đáp: Thức không nương tựa.

Lại hỏi: Làm sao thức không có nương tựa mà có cảnh giới?

Đáp: Có Ba Cõi: Cõi thân, cõi pháp và cõi không. Đó là ba cõi làm cảnh giới cho thức.

Bấy giờ Bồ Tát Vô Đảnh Tướng liền đứng trước Đức Phật thưa: Kính bạch Thế Tôn! Có thức ô nhiễm, thức không ô nhiễm.

Làm sao mà thức không ô nhiễm lại trở thành thức bị ô nhiễm?

Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Đảnh Tướng: Thức bị ô nhiễm vốn động, có thể trở lại thành thức không ô nhiễm. Còn thức không ô nhiễm thì không trở lại làm thức bị ô nhiễm.

Vì sao?

Vì bản tánh của thức là thường trụ, không biến đổi, không sinh diệt, gắn bó hay đoạn lìa. Do vậy mà thức biến động là thức an trụ, còn thức an trụ thì không là thức biến động.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Vô Đảnh Tướng: Ta nay đã thành Phật, là bậc tôn quý đặc biệt trong ba cõi, gồm đủ các tướng, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, mọi đức thảy viên mãn. Nay đạt được thức an trụ, chưa được thức biến động.

Bồ Tát Vô Đảnh Tướng liền đến trước Đức Phật thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là thức an trụ chẳng được thức biến động?

Đức Phật nói: Chỗ gọi là thức biến động là cảnh giới của pháp hữu vi. Chỗ gọi là thức an trụ là cảnh giới của pháp vô vi. Không có thức vô vi trở thành thức hữu vi. Vì thế cho nên thức biến động trở thành thức an trụ và không có thức an trụ trở thành thức biến động.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần