Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Sáu - Phẩm Cảnh Giới Của Thức - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM SÁU
PHẨM CẢNH GIỚI CỦA THỨC
PHẦN BỐN
Đức Như Lai Tịnh Tôn lúc này đang ở nơi đại chúng và đọc bài tụng:
Tám hành không cao thấp
An nhiên gốc quy diệt
Bỏ thân rồi thọ thân
Càng thêm nhiễm phiền não
Hư không chẳng hai pháp
Không trụ cũng không dấu
Tám nẻo tuệ bình đẳng
Chốn Chư Phật du hóa
Ta xưa tự lập hạnh
Thệ nguyện lớn chuyển pháp
Thể tin quy nơi không
Nay đạt Nhân Trung Tôn
Cõi Chư Phật an trụ
Pháp phương tiện mỗi khác
Hiện khắp mọi nơi chốn
Hiện thân độ quần mê.
Lại vui chỗ trói buộc
Mãi nơi chốn u tối
Đạo từ gốc không thệ
Sau đấy mới được lìa
Như người cõi nước ta
Tâm giữ chẳng tạo ác
Trọn dốc sùng giải thoát
Luôn gần đạo như vậy.
Dâm, giận, si cấu uế
Cũng chẳng dốc ân cần
Tự nhiên vào hạnh luật
Như hoa theo thời nở
Tâm đạo chẳng dời chuyển
Khổ vui tâm hằng dứt
Đi đến nơi cõi ấy
Dốc tu pháp tuệ không
Ta nay đã dốc hành
Chúng ấy cũng chẳng khác
Nay nghe Năng Nhân Tôn
Nên tu tập tuệ ấy
Đại thánh đều vân tập
Tôn quý không thấp cao
Tuy hiện khác Quốc Độ
Nẻo tu cùng một pháp
Nay xem năm cõi người
Vô minh, hành che phủ
Đắm chìm biển sinh tử
Khổ não mãi chồng chất
Sao chẳng tự lập ý
Dốc tu lối tuệ không
Mau đạt đến giải thoát
Như chúng sinh cõi ngoài.
Đức Như Lai Tịnh Tôn nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất.
Về phương Bắc cách xa chốn này ba hằng sa Cõi Phật có Quốc Độ tên là Phổ Chiếu, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Dũng Biện Như Lai, là Bậc Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.
Lúc này đang ở nơi đại chúng và đọc bài tụng:
Đạo Như Lai nhất tướng
Theo gốc danh sắc sinh
Qua vô số khổ nhọc
Mới dứt sạch phiền não
Như người muốn vượt không
Chẳng cầu phương tiện khéo
Chỉ nhớ mong pháp không
Sau thu đạt đạo quả.
Nẻo buộc của tưởng ý
Chẳng vướng vật không thường
Muốn cầu cõi bất tử
Điều ấy chưa từng được
An trụ chốn không lìa
Không trụ cõi không, có
Đã đạt nẻo tuệ không
An nhiên dứt nhiễm chấp
Đạo theo gốc thân sinh
Sau đấy thành Chánh Giác
Mê tối tâm ý lạc
Lìa tâm ngoài cầu không
Ngoài khổ tuy có hiệu
Chẳng lìa thức tưởng ấy
Pháp giới đạo thanh tịnh
Nên hợp tuệ thanh tịnh
Chúng sinh nơi sinh tử
Trôi nổi chẳng tự cứu
Muốn lìa được mọi khổ
Trước nên xua ý thức
Chốn Như Lai hiển hiện
Diễn thông pháp thù thắng
Một tưởng không cấu nhiễm
Sao lại nhiễm nơi không
Ba đạt trí tối thắng
Đều vượt mọi ngại ngăn
Nay niệm chẳng niệm gốc
Duy niệm mọi chúng sinh
Các pháp chẳng nghĩ bàn
Chẳng có cũng chẳng không
Do thanh nên có hưởng
Chúng sinh nên có Phật
Bao chúng sinh thọ hóa
Luôn tự chán lìa thân
Đạo dốc dứt phi đạo
Có không chẳng đạo chánh.
Đức Như Lai Dũng Biện nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất.
Về phương Đông Bắc, cách xa cõi này chín mươi hai ức hằng sa Quốc Độ, có Thế Giới tên là Pháp Quán, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Pháp Quán Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, lúc này đang ở nơi đại chúng và đọc bài tụng:
Sắc gốc không có sắc
Cũng chẳng có tướng sắc
Pháp thống thọ không sinh diệt
Cũng không sinh nên lạc
Ý thức như ngựa hoang
Bọt nước không trụ lâu
Không thân tuệ tự tịnh
Đó là không bình đẳng
Một quán, một ý dừng
Phạm hạnh thêm thanh tịnh
Chấp tưởng có tôi ta
Chẳng đến cõi không có
Tự giác lại giác tha
Khiến đạt tuệ hư không
Chúng sinh chẳng tự giác
Vì thế luôn do dự
Tánh có cao, vừa, thấp
Thiện, ác luôn đối nhau
Lìa ác, dốc hành thiện
Dốc đạt nẻo tuệ không.
Nên chẳng thấy thiện ác
Tâm định, dứt điên đảo
Thế mới tin rõ không
Đạt được tuệ thanh tịnh
Ý bình đẳng từ gốc
Chẳng thấy còn mầm mống
Lâu lâu mới tự đạt
Ứng hợp đạo vô thượng
Quán tuệ, dứt tham chấp
Tâm sạch, dứt cấu nhiễm
Trí nhân như tuệ không
Nên gọi pháp giác ngộ
từ bi với muôn loài
Nên diễn đạo không vô
Không dấy niệm thiện ác
Tưởng vô hình dứt tình
Gốc ngã từ nơi ý
Như Lai thọ pháp ấy
Nghe liền đạt tuệ không
Nhớ hóa quán cõi tịnh
Thọ mạng A tăng kỳ
Thuyết pháp nhằm giáo hóa
Dẫn dắt vô số người
Nhập gốc pháp giới ấy.
Đức Thế Tôn Pháp Quán nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất.
Về phương Đông Nam, cách đây một ức Cõi Phật, có Thế Giới tên là Cực Diệu, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Vi Diệu Như Lai Vô Thượng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, bấy giờ ở nơi đại chúng liền đọc tụng:
Gốc thức từ năm ấm
Nhân duyên cùng hợp nên
Chuyển biến vô số kiếp
Tự dấy, tự nhiên diệt
Muôn loài do mê lầm
Chẳng thấu gốc sinh tử
Chung cuộc nẻo đầu thai
Không mong lìa tai họa
Như người trong một niệm
Chỉ dấy kiến điên đảo
Buộc trói lại càng thêm
Sao khởi được gốc đạo?
Muôn loài luôn chấp niệm
Ái lạc gốc ba độc
Năm ấm lấp tâm diệu
Không mắt làm sao xem
Như Lai nêu đuốc lớn
Tiêu diệt gốc khổ dục
Tuy lại thấy tuệ sáng
Do dự chẳng dốc tin
Ta xem khắp mười phương
Phát tâm nhằm cầu đạo
Hành dứt lại thọ sinh
Nên luôn ba đường khổ
Khắp nơi chẳng bản nguyện
Tự lao vào bốn vực
Không lìa bốn cửa sinh
Chẳng thành bốn đạo quả
Có lúc rời bốn pháp
Liền sinh năm ấm thịnh
Dứt chấp, tăng thượng mạn
Chẳng diệt hành phóng dật
Dần tới vô số pháp
Không thấy gốc nẻo Thánh
Như người ý buông lung
Tâm chẳng tự thu giữ
Như Lai hành lục thông
Chẳng không, chẳng khác không
Hằng dứt gốc sinh tử
Nêu hợp tuệ bình đẳng
Gốc vốn không tử sinh
Lưu chuyển nhiễm đắm sắc
Nên thành pháp giới sắc
Dứt có chẳng chấp có
Có đạo nên có thức
Thức ấy chẳng gốc không
Nên chẳng thấy thức đạo
Mới hợp pháp tuệ định
Đạo theo thức thêm vui
Hiện thân biến vô số
Tự rõ nên tuệ không
Mới hợp mọi tướng biến
Không trụ, chẳng biến đổi
Dứt tưởng nghi do dự
Hàng phục mọi phiền não
Mới hợp tuệ bình đẳng
Người tu có ba ngại
Do tưởng chẳng lìa không
Chưa khởi gốc mọi hành
Nẻo ấy khó thành tựu.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Hai - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Tám - Phẩm Ananda - Phần Chín - Hương
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Tám - Bản Hạnh
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Ba - Kinh Con Trâu đá
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu- Phẩm Bảy Mươi Sáu - Phẩm Pháp Tánh Vô động