Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bảy - Phẩm Pháp Lành
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH NA TIÊN TỲ KHEO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BẢY
PHẨM PHÁP LÀNH
Vua hỏi: Bạch Đại Đức, ngoài điều lành chính đáng nhất đã nói, còn những điều lành nào khác đáng nói nữa không?
Và đó là những điều gì?
Tâu Đại Vương, đó là: Tín tâm, trì giới, tinh tấn, niệm thiện, nhất tâm và trí tuệ.
A. TÍN TÂM
Tín tâm ra sao và gồm những gì?
Tín tâm cởi mở lòng ngờ vực. Có tín tâm thì mọi nghi nan ngần ngại mới tiêu tan. Như tin có Phật. Tin nơi Kinh Pháp. Tin có Tỳ Kheo Tăng. Tin có đạo quả A La Hán. Tin có đời này và đời sau. Tin phải ăn ở hiếu hạnh với cha mẹ. Tin làm lành hưởng phước và làm ác bị đọa. Nhờ có tín tâm như thế, người ta mới trở nên trong sạch và tinh tấn mà lướt lên.
Trong sạch ra sao và tinh tấn lướt lên như thế nào?
Trong sạch là xa lìa và trừ khử năm điều ác: Tham dâm, sân nộ, lười biếng ham ngủ, say mê ca nhạc, nghi kỵ, không dám dấn thân. Hễ chưa diệt trừ được năm điều ác ấy thì tâm ý luôn luôn bất định. Chỉ khi nào tận diệt được năm điều ác ấy, tâm ý mới trở nên trong sạch không chút bợn nhơ.
Xin cho một ví dụ cho dễ hiểu. Ví như một vị Đại Vương dắt một đoàn người ngựa xe cộ vượt qua một con rạch, nước rạch bị quậy lên đục ngầu. Nhưng khi qua rạch rồi thì Vua khát nước muốn uống.
Giả sử bấy giờ Nhà Vua có một viên ngọc Định Thủy Châu ném xuống, nước liền trở nên trong và Nhà Vua có nước mà giải khát. Ấy, lòng người với năm điều ác nói trên cũng như nước đục vậy.
Đệ tử Phật tự độ thoát ra khỏi vòng sanh tử bằng viên ngọc Định Thủy Châu làm cho nước trong. Diệt được tội ác rồi thì tín tâm thanh tịnh như viên ngọc sáng rỡ dưới ánh trăng rằm.
Lúc nãy, Đại Đức có bảo rằng nhờ tín tâm mà tinh tấn lướt tới là như thế nào?
Đệ tử Phật hàng ngày chứng kiến hàng ngũ mình sách tấn nhau tu tập để trở nên thanh tịnh. Trong số đó, có kẻ đắc quả Tu Đà Hoàn, có kẻ đắc quả Tư Đà Hàm, có kẻ đắc quả A Na Hàm, có kẻ đắc quả A La Hán.
Quả nào cũng nhờ tận lực vận dụng tín tâm, trừ khử các mối ác trược dơ bẩn, mà thủ đắc. Nhân đó, các Ngài bèn ra sức tinh tấn, cố gắng xông lên mãi mãi để đạt đạo giải thoát.
Xin cho một ví dụ để dễ hiểu. Ví như khi trời đổ mưa to, nước mưa theo triền núi chảy xuống, tràn ngập cả sông hồ ao rạch. Một đoàn bộ hành trờ tới, ngại ngùng không biết nước nông sâu, dừng lại bên bờ rạch chẳng dám băng qua để tiếp tục lộ trình đã dự định. Bỗng có một người từ phương xa đến.
Người này ngắm thế rạch, độ được mực nước thấp cao tuỳ từng đoạn nông sâu, rồi bình thản vượt qua rạch. Đệ tử Phật cũng thế, thấy người đi trước mình nhờ tâm thanh tịnh mà đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, những kẻ đi sau bèn tinh tấn lướt tới để cùng đắc quả như nhau.
Trong Kinh, Phật có dạy rằng: Ai có tín tâm đều có thể tự độ được ra khỏi luân hồi sanh tử. Ai có đủ nghị lực tự kềm chế lòng mình, diệt trừ được ngũ dục, nhận chân được những nỗi đau khổ của tự thân thì có thể tự giải thoát được. Và trên con đường giải thoát, phải dùng trí tuệ mà mà thành tựu đạo đức của mình.
B. TRÌ GIỚI
Vua hỏi: Bạch Đại Đức, còn trì giới là như thế nào?
Tâu Đại Vương, là giữ giới, vì giới là nền tảng của tất cả các pháp lành, gồm tóm trong ba mươi bảy phẩm pháp.
Ba mươi bảy phẩm pháp đó là gì?
Đó là bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám đạo hành.
Bốn Ý chỉ ra sao và gồm những gì?
Là bốn điều ngưng nghỉ khiến ý thôi vọng động.
Phật dạy rằng:
Một là quán tưởng thân bất tịnh thì thân ngưng nghỉ.
Hai là quán tưởng bệnh tật đau đớn thì bệnh tật ngưng nghỉ.
Ba là quán tưởng ý nghĩ vô thường thì ý nghĩ ngưng nghỉ.
Bốn là quán tưởng các pháp do duyên sanh thì các pháp ngưng nghỉ.
Bốn ý chỉ là như vậy đó.
Còn bốn ý đoạn?
Là bốn điều dứt trừ. Đạt được bốn điều ngừng nghỉ nói trên, không còn nhớ nghĩ đến nữa, vĩnh viễn dứt trừ được chúng, như vậy gọi là ý đoạn.
Nhờ đoạn ý mà không còn phạm tội lỗi mới, tiêu trừ được tội lỗi cũ, tập làm điều lành chưa làm, tăng trưởng điều lành đã làm.
Còn bốn thần túc?
Là bốn điều thông suốt tận nguồn gốc.
Một là mắt thấy suốt vạn vật.
Hai là tai nghe suốt mọi âm thanh.
Ba là biết suốt tâm niệm kẻ khác.
Bốn là thân bay lên được hư không.
Bốn thần túc là như vậy đó.
Còn năm căn?
Là năm điều không đắm trước của căn.
Một là nhìn sắc dù đẹp, dù xấu, mắt không đắm trước.
Hai là nghe âm thanh dù hay dù dỡ, tai không đắm trước.
Ba là ngửi hương vị dù thơm dù thối, mũi không đắm trước.
Bốn là nếm mùi vị dù ngon dù dỡ, lưỡi không đắm trước.
Năm là đụng đồ vật dù mịn dù nhám, thân không đắm trước.
Năm căn là như vậy đó.
Còn năm lực?
Là năm sức mạnh kềm chế năm căn, không cho dấy khởi các điều dữ.
Một là kềm chế được con mắt.
Hai là kềm chế được lỗ tai.
Ba là kềm chế được lỗ mũi.
Bốn là kềm chế được lỗ miệng.
Năm là kềm chế được cái thân.
Nhờ năm sức mạnh này kềm chế năm căn khiến ý tránh khỏi sự sa ngã. Năm lực là vậy đó.
Còn bảy giác ý?
Là tác dụng của trí hiểu biết trong bảy phương diện.
Một là ý giác ý nghĩa là trí tự giác ngộ.
Hai là phân biệt giác ý nghĩa là trí chọn lựa chánh pháp, tà pháp.
Ba là tinh tấn giác ý nghĩa là trí chuyên cầntu tập chính pháp.
Bốn là khả giác ý nghĩa là ý trừ bỏ các chướng ngại.
Năm là ỷ giác ý nghĩa là trí thường niệm giải thoát.
Sáu là định giác ý nghĩa là trí thường ở trong đại định.
Bảy là hộ giác ý nghĩa là trí loại bỏ các tà pháp, bảo vệ các pháp lành đã tu tập được. Bảy giác ý là như vậy đó.
Còn tám đạo hành?
Là tám phương thức hành đạo, dẫn dắt đến đạo quả.
Một là trực kiến nghĩa là kiến giải ngay thẳng.
Hai là trực niệm nghĩa là nhớ nghĩ ngay thẳng.
Ba là trực ngữ nghĩa là lời nói ngay thẳng.
Bốn là trực trị nghĩa là trị lý công việc ngay thẳng.
Năm là trực nghiệp nghĩa là đời sống ngay thẳng.
Sáu là trực phương tiện nghĩa là phương tiện ngay thẳng.
Bảy là trực ý nghĩa là ý nghĩ ngay thẳng.
Tám là trực định nghĩa là định lực ngay thẳng.
Đó là tám phương thức hành đạo.
Tất cả ba mươi bảy phẩm pháp này đều lấy việc trì giới làm gốc. Xin cho một ví dụ để dễ hiểu. Ví như người mang đồ nặng đi xa, sở dĩ đi đứng vững vàng được là nhờ đất nâng đở.
Lại ví như ngũ cốc và các loại thảo mộc thảy đều từ đất mọc lên. Lại ví như tay thợ khéo xây thành, trước hết phải đo lường đám đất để thiết lập nền móng rồi mới khởi công xây cất.
Lại ví như người mãi võ muốn trình diện nghệ thuật của mình, trước tiên phải dọn dẹp một đám đất sạch sẽ, bằng phẳng nhiên hậu mới thi thố tài năng được.
Đất là căn bản của muôn vật. Cũng vậy, giới là nền tảng của đức hạnh. Là bậc cầu đạo giải thoát, đệ tử Phật trước tiên phải thực hành giới hạnh, ức niệm hơn hành, hiểu rõ sự cần khổ thì mới xả bỏ được ái dục và tư niệm tám phương thức hành đạo.
Làm sao xả bỏ được ái dục?
Nhất tâm niệm đạo thì ái dục tự nhiên diệt.
Hay thay! Hay thay!
C. TINH TẤN
Vua hỏi: Bạch Đại Đức, còn như tinh tấn là như thế nào?
Tâu Đại Vương, giữ gìn điều lành và tán trợ điều lành, đó là tinh tấn. Xin ví dụ cho dễ hiểu. Ví như trong việc ngăn ngừa một bức vách sắp đổ hay một ngôi nhà sắp sập, người ta dùng trụ chống để đỡ thì vách và nhà khỏi xiêu. Cũng thế, tinh tấn có công năng chống đỡ người tu hành, nhờ đó mà lòng lành khỏi ngã nghiêng.
Lại ví như khi Vua sai quân binh ra ngự giặc, thế giặc quá mạnh, quân binh sắp thua, Vua phải phái thêm viện binh ra tiếp cứu và trợ chiến, nhờ đó mà thắng trận đuổi được quân giặc.
Người có điều dữ như quân ít binh yếu trước thế giặc mạnh. Nếu không nhờ vào tinh tấn để níu giữ điều lành, làm cho vững và tiêu diệt điều dữ cho hết, thì không sao thắng được ác tâm mà thăng tiến trên con đường đạo. Như thế gọi là gìn giữ điều lành và tán trợ điều lành.
Nói đến đây, Na Tiên bèn dẫn đọc một bài kệ:
Tinh tấn giúp điều lành.
Đường lành ai đi xong,
Đường đời sẽ ra khỏi.
Ba Cõi chẳng trở lui.
Hay thay! Hay thay!
D. THIỆN NIỆM
Vua hỏi: Bạch Đại Đức, còn niệm thiện là như thế nào?
Tâu Đại Vương, niệm thiện là ý luôn luôn nhớ nghĩ các việc lành. Nhớ nghĩ bằng hai cách: phân ra và hiệp lại. Giống như người hái hoa, trước phải chọn từng cánh hoa thơm mà cắt, cắt xong lại phải buộc chặt lại thành một bó. Bó kỷ thì gió thổi qua không làm chúng tản lạc hay bay mất đi được.
Lại cũng ví như quan giữ kho của Vua, sau khi được giao nhiệm vụ, trước phải chia đếm từng món vàng bạc châu báu, soát xét cẩn thận.
Soát xét xong từng món mới gộp chung lại để biết tổng số vàng bạc châu báu phải gìn giữ là bao nhiêu. Cũng thế, người tu hành muốn đắc đạo, phải thường tâm niệm ba mươi bảy phẩm pháp để ghi nhớ.
Như vậy gọi là niệm đạo lý xuất sanh tử. Ai tưởng niệm đạo lý như thế mới biết điều lành để theo và điều dữ nên tránh. Phân biệt rành rẽ đâu là trắng, đâu là đen, rồi sau đó mới tự mình quan sát suy tư mà mà bỏ ác hướng lành.
Xin cho ví dụ. Ví như quan hầu giữ cửa cung Vua, phải biết những ai được Vua ưa chuộng, những ai không được Vua ưa chuộng, những ai có ích cho Vua, những ai không có ích cho Vua.
Người có ích được Vua ưa chuộng thì mới rước vào. Kẻ không có ích cũng không được Vua chuộng hẳn phải ngăn lại hoặc xua đuổi đi. Người tu hành gìn giữ niệm thiện cũng giống như thế.
Điều lành thì cho vào, điều không lành thì xua ra. Giữ gìn cái ý chế ngự cái tâm, phải như thế đó.
Đến đây Na Tiên dẫn đọc một bài kệ:
Tu hành cần giữ kỷ,
Sáu giặc và tâm ý.
Ái dục phải kềm chặt,
Luân hồi chắc chắn thoát.
Hay thay! Hay thay!
E. NHẤT TÂM
Vua hỏi: Bạch Đại Đức, còn nhất tâm là như thế nào?
Tâu Đại Vương, nhất tâm là quy cái tâm về một mối. Tức thiền định. Trong các điều lành, nhất tâm là pháp tối thắng hơn hết. Ai quy nhất được tâm mình thì khai thông được mọi điều lành. Vì mọi điều lành do nhất tâm mà ra.
Xin cho ví dụ. Ví như nhà phải có nóc thì rui, mè, kèo, cột mới từ đó mà trùm xuống làm kín nhà. Cũng thế, người làm điều lành phải bắt gốc từ nhất tâm thì điều lành mới trọn vẹn.
Lại ví như Vua xuất quân ra trận, các binh chủng như tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh thảy đều theo mệnh lệnh Vua và do Vua điều khiển, thì mới tiến đánh được quân giặc. Nếu không có chủ soái thì binh loạn.
Các giới điều và các việc lành mà Phật nói trong Kinh đều tùy nơi nhất tâm hết. Nhất tâm là chủ soái. Giới điều và việc lành là quân binh.
Đến đây Na Tiên dẫn đọc một bài kệ:
Nhất tâm là cội điều lành,
Y vào cội ấy tu hành mới xong.
Tử sanh nước chảy xuôi giòng,
Trước sau tiếp nối khốn hòng nghỉ ngưng.
F. TRÍ TUỆ
Vua hỏi: Bạch Đại Đức, còn trí tuệ là như thế nào?
Tâu Đại Vương, như đã nói ở đoạn trước, trí tuệ là đoạn và minh. Người có trí tuệ mới cắt đứt được đoạn các điều nghi ngờ và làm sáng tỏ được minh các điều lành. Trí tuệ là như thế đó.
Xin cho ví dụ. Ví như đèn sáng thắp trong phòng tối. Ánh sáng ngọn đèn vừa toả ra, tức khắc bóng tối tiêu tan, phòng tự bừng rạng, trông rõ mồn một. Cũng thế trí tuệ soi suốt cả, như ánh sáng ngọn đèn soi sángkhắp phòng. Lại ví như dao bén chặt cây, lát dao đưa đến đâu, cắt đứt đến đó.
Cũng thế, trí tuệ cắt đứt các điều dữ, giống như dao bén chặt ngọt. Trên thế gian này, trí tuệ là pháp tối thắng số một. Ai có trí tuệ mới mong độ thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi.
Bạch Đại Đức, các điều lành mà Đại Đức đã giải bày tường tận cho trẫm nghe nãy giờ gồm nhiều loại sai khác nhau, nhưng công hiệu của chúng trong việc xua đuổi các điều dữ có giống nhau không?
Tâu Đại Vương, các điều lành nói trong Kinh Phật thảy đều cùng một công hiệu như nhau là diệt trừ tất cả các điều dữ.
Xin cho ví dụ. Ví như bốn binh chủng: Tượng, mã, xa, bộ mà Vua đốc thúc ra trận để ngự địch, không binh chủng nào giống binh chủng nào, nhưng tất cả đều cùng nhằm một mục đích chung. Chiến thắng quân địch.
Cũng thế, các điều lành nói trong Kinh Phật, tuy chủng loại có khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một mục đích chung đua nhau công phá và tận diệt các điều dữ.
Hay thay! Hay thay! Lời Đại Đức nói, quả có đúng như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Kinh đại Trang Nghiêm Pháp Môn - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chánh Bất Chánh Tư Duy - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Thân Hành Niệm - Phần Sáu - Quán Tứ đại
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Hai Mươi Bảy - Vua Tịnh Phạn Tin Hiểu - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Tám - Phẩm Từ Nhân - Thí Dụ Hai Mươi
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh ô điểu Dụ