Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN
CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN BẢY
Thưa Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm này đã thành tựu ba mươi hai hạnh đại bi như vậy. Nên Ngài không có lỗi.
Rồi nói kệ rằng:
Vô minh, ngu si rất đen tối
Thấy vô minh che đậy chúng sinh
Thấy chúng sinh hướng ngục sinh tử
Nên Đấng Nhân Tôn sinh đại bi.
Chúng sinh thường siêng tu các hạnh
Đức Phật thấy chúng sinh nổi trôi
Thường hay thuận theo dòng trôi ấy
Đấng thập lực sinh tâm đại bi.
Rớt vào trong núi lớn rất cao
Thấy chúng sinh đi theo đường tà
Khéo đem an trụ trong Thánh đạo
Ở nơi vắng lặng không phiền não
Bị các thứ tà kiến buộc ràng
Cảnh giới giận, yêu không thỏa mãn
Bị sự sinh, già chết nhận chìm
Nên Đấng Thập Lực khởi đại bi
Bị các thứ khổ luôn ép ngặt
Thấy ba lửa thế gian cháy rực
Kinh sợ người đắp tấm da nai
Vì thế Phật sinh tâm đại bi.
Chúng sinh tham đắm ưa thích vị
Buông lung tham đắm các cảnh giới
Thấy họ rơi vào đường quỷ đói
Đấng Điều Ngự cứu giúp oán hại.
Thấy các chúng sinh hại lẫn nhau
Bị vô minh tối tăm che phủ
Giống như cỏ lan bò tươi tốt
Đấng Thập Lực vì duyên cớ ấy,
Dâm dục sinh ra các buộc ràng
Thấy các chúng sinh làm việc khó
Thực hành tà kiến trong rừng rậm
Đấng Thập Lực vì duyên cớ đó,
Đối với bất tịnh tưởng là tịnh
Vô thường, hữu thường, vô ngã, ngã
Thấy các chúng sinh mang vác nặng
Nên Đấng Thập Lực sinh từ bi.
Thấy gánh vác những vật nặng nề
Phàm phu thường nương cậy yếu kém
Thường bị kết sử làm ô nhiễm
Nên Đấng Thập Lực phát đại bi.
Thấy bị lợi dưỡng làm che lấp
Lại nữa cảnh giới không nhàm đủ
Bị rơi vào biển lớn Cõi Dục
Cho nên Phật phát tâm đại bi.
Có rất nhiều thứ bệnh lo buồn
Thấy các chúng sinh khổ não rồi
Vì tất cả các khổ não đó
Cho nên Phật phát tâm đại bi.
Biết là phi hữu cũng phi vô
Ngài thường có tâm đại từ bi
Tất cả chúng sinh tâm trùm khắp
Cho nên nhất thiết trí không lỗi.
Thưa Đại Vương! Nay tôi lại nói lược về Sa Môn Cù Đàm thành tựu được bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy pháp trợ đạo, tám phần Thánh Đạo, Ngài thành tựu đầy đủ.
Vậy nên thưa Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm này không có lầm lỗi.
Rồi nói kệ rằng:
Thường siêng tinh tấn tu niệm xứ
Đại Giác khéo biết bốn chánh cần
Đại Tiên thiền định được tự tại
Hơn hẳn chúng sinh, không lỗi lầm,
Điều Ngự thành tựu các thần thông
Biện tài tự tại, đến bờ kia
Như Lai khéo biết chú giải thoát
Đạt giác khéo thông đạt các đế,
Đối với phạm hạnh được tự tại
Tu tập từ, bi và hỷ, xả
Khéo léo an trụ trong định tuệ
Vậy nên thường không có lỗi lầm.
Đại Tiên khéo biết giúp bồ đề
Như Lai khéo biết tám đường Thánh
Thấy chúng sinh khổ đối Thánh đạo
Rốt ráo an trụ bền an vui,
Tất cả cõi đời không chúng sinh
Nào bằng được như Đấng Điều Ngự
nhất thiết trí có mọi công đức
Thường hay chẳng hủy báng người khác.
Thưa Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm này có đủ mười Lực.
Nhà Vua nói: Này đại Bà La Môn! Mười Lực của Như Lai gồm những gì?
Đáp: Thưa Đại Vương!
Đó là: Phật Như Lai chỗ này biết như thật, chỗ này chẳng phải chỗ biết như thật.
Biết như thật chẳng phải chỗ quá khứ, vị lai, hiện tại tạo nghiệp, thọ nghiệp, chỗ ở, nhân quả, báo ứng.
Biết như thật vô lượng các cõi, các thứ Thế Giới.
Biết như thật những người khác, chúng sinh khác… các thứ loại sở giải.
Biết như thật chúng sinh khác, người khác… có căn tánh thù thắng, không có căn tánh thù thắng.
Biết như thật tất cả đến với đạo.
Biết rõ như thật các căn, các lực, trợ đạo, các thiền định giải thoát định, thứ lớp định, tất cả các kết sử ô nhiễm hay bạch tịnh… tùy từng chỗ của các chúng sinh khác, của những người khác.
Biết như thật những điều mà người ta làm, người ta nói ở một đời hay ở vô lượng đời. Khi nghĩ nhớ đến các thứ túc mạng nhiều vô lượng.
Biết như thật các thứ sinh tử, đến cả việc sinh lên đường lành hay đường ác của các chúng sinh bằng mắt Trời thanh tịnh vượt hơn mắt thường.
Biết như thật các lậu đã hết, tâm vô lậu giải thoát và trí tuệ giải thoát.
Thưa Đại Vương! Đó là Như Lai đầy đủ mười lực, vì đầy đủ lực nên gọi là trì thập lực, vô hàng phục. Vậy nên Như Lai không lỗi.
Rồi nói kệ rằng:
Là xứ, phi xứ
Biết đúng như thật
Đại nhân nói thật
Ngài không có lỗi.
Quá khứ không chướng
Kia có trí tuệ
Hiện tại, vị lai
Biết không có lỗi,
Khéo biết nghiệp báo
Biết có nhân duyên
Đúng thật, chẳng lầm
Đấng Điều Ngự biết,
Biết đến vô lượng
Các thứ Thế Giới
Khéo biết các cõi
Người đời không bằng.
Các thứ kiến giải
Vô lượng Chư Phật
Soi đời biết rõ
Đúng thật, không khác
Biết kẻ căn chậm,
Cũng biết trung căn
Lại biết căn thục
Đến bờ bên kia
Tất cả đến đạo
Biết đúng như thật
Căn, lực giúp đạo
Thần thông giải thoát
Trong sạch, nhiễm ô
Mỗi mỗi biết rõ
Không có chướng ngại
Tri kiến vô ngại
Nghĩ nhớ bình đẳng
Xứng thật vô lượng
Thân mình, thêm người
Như thật không khác
Mắt Trời sạch trong
Hơn mắt người đời
Chúng sinh sinh chết
Điều Ngự thấy hết
Biết các lậu hết
Cũng biết giải thoát
Vô lậu có khác
Cũng đều thấy biết
Sức Đấng Nhân Tôn
Biết rõ tự tại
Một niệm có này
Tâm không phân biệt
Phát động, chẳng phát
Tự nhiên mà có
Mới quay pháp luân
Không phân biệt hành
Nhất tâm mà biết
Ý nghĩ chúng sinh
Và tâm chúng sinh
Không có hai tướng
Cho nên không lỗi
Phật được tự tại
Tất cả pháp lành
Sinh các công đức.
Thưa Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm này có đủ bốn vô úy.
Nhà Vua lại hỏi: Này Đại Bà La Môn! Bốn vô úy của Như Lai gồm những gì?
Đáp: Thưa Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm này tự nói ta chứng được Chánh Biến Tri.
Nếu có Sa Môn, các Bà La Môn, Thiên Ma, Đại Phạm và người đời nói là ông đối với các pháp chẳng Chánh Biến Tri, thì ta chẳng thấy tướng đó, vì chẳng thấy tướng nên được hạnh an ổn, được hạnh vô úy.
Ngài tự nói ta đạt được hạnh Tối thắng xứ, ở trước đại chúng, chánh thức rống lên tiếng rống Sư Tử, có khả năng quay bánh xe Phạm. Sa Môn, Bà La Môn và các thế gian khác không thể quay được bánh xe chánh pháp này.
Đức Phật có thệ nguyện: Ta đã dứt hết các lậu. Nếu có ai nói là ta chưa dứt hết các lậu thì Phật không thấy tướng đó, vì không thấy tướng nên Như Lai đắc được hạnh an vui, được hạnh vô úy, được hạnh Thắng xứ, ở trước đại chúng chánh thức rống lên tiếng rống Sư Tử, có khả năng quay bánh xe Phạm. Sa Môn, Bà La Môn và các thế gian khác không thể quay được bánh xe chánh pháp này. Đức Phật nói pháp chướng đạo.
Nếu có người nói là gần gũi pháp này không bị chướng ngại, Phật chẳng thấy tướng đó, vì không thấy tướng nên được hạnh an vui, được hạnh vô úy, được hạnh Thắng xứ, ở trước đại chúng chánh thức rống tên tiếng rống Sư Tử, quay bánh xe Phạm. Sa Môn, Bà La Môn và các thế gian khác không thể quay được bánh xe chánh pháp này. Ta nói đạo xuất thế của Bậc Thánh.
Nếu có người nói là gần gũi này chẳng thể xuất thế thì Phật chẳng thấy tướng này, vì chẳng thấy tướng này được hạnh an vui, được hạnh vô úy, được hạnh Thắng xứ, ở trước đại chúng chánh thức rống lên tiếng rống Sư Tử, có khả năng quay bánh xe Phạm. Sa Môn, Bà La Môn và các thế gian khác không thể quay được bánh xe chánh pháp này.
Thưa Đại Vương! Đây là bốn việc không sợ hãi của Như Lai. Đức Như Lai có đủ bốn việc không sợ hãi này, ở trước đại chúng chánh thức rống lên tiếng rống Sư Tử… cho nên Như Lai không có lỗi.
Rồi nói kệ rằng:
Trước chúng rống Sư Tử
Phật không hề sợ hãi
Lại không ai bằng ta
Huống chúng sinh lỗi lầm
Nếu ta đã ngộ pháp
Là chân thật không dối
Là chánh biến tri kiến
Vua nai, Sư Tử rống
Nếu có kẻ trái ngược
Chẳng thấy có tướng ấy
Vì không thấy tướng nên
Phật không hề sợ hãi
Ta hết tất cả lậu
Thân ta là vô lậu
Không có người bằng ta
Các Trời và người đời
Có pháp chướng ngại ấy
Đấng Điều Ngự đã nói
Là chân thật không dối
Không có thể thay đổi
Ta nói đạo xuất thế
Tự giác rồi giảng nói
Người tu hành pháp này
Không có chướng ngại gì
Phật biết điều đó rồi
Như Lai được an vui
Đắc an vui không sợ
Hạnh hơn Đại Trượng Phu
Quay bánh xe chánh pháp
Kẻ khác không quay được
Thế gian không thể quay
Trừ Đấng Lưỡng Túc Tôn.
Lại nữa, này Đại Vương! Vị Sa Môn Cù Đàm này thành tựu mười tám Pháp Phật bất cộng.
Thưa Đại Vương! Những gì là mười tám Pháp Phật bất cộng?
Thưa Đại Vương! Đó là:
Đức Phật Như Lai không có thác loạn.
Miệng không lời nói.
Không có mất niệm.
Không có dị tưởng.
Không lúc nào chẳng định tâm.
Không lúc nào chẳng biết mình.
Bỏ dục không thoái giảm.
Tinh tấn không thoái giảm.
Niệm không thoái giảm.
Tuệ không thoái giảm.
Giải thoát không thoái giảm.
Giải thoát tri kiến cũng không thoái giảm.
Tất cả hành động của thân lấy trí tuệ làm đầu, theo trí tuệ mà hành động.
Tất cả hành động của miệng lấy trí tuệ làm đầu, theo trí tuệ mà hành động.
Tất cả hoạt động ý của lấy trí tuệ làm đầu, theo trí tuệ mà hành động.
Biết quá khứ tri kiến không ngăn ngại.
Biết vị lai tri kiến không ngan ngại.
Biết hiện tại tri kiến không ngăn ngại.
Đó gọi là Như Lai thành tựu mười tám Pháp Phật bất cộng. Vậy nên Như Lai không lầm lỗi.
Rồi nói kệ rằng:
Thế Tôn không thác loạn
Miệng không có nói lời
Ngài luôn không thất niệm
Vậy nên không lỗi gì.
Lòng không có dị tưởng
Chánh trí không loạn tâm
Theo thời chẳng sinh, xả
Như Lai không lỗi lầm,
Xả dục, không thoái giảm
Thiện Thệ tiến không suy
Niệm Ngài không bị mất
Kia không thể hủy đi
Trí tuệ không tổn giảm
Giải thoát không thoái giảm
Giải thoát tri kiến nguyên
Trí kia không não phiền
Tất cả các thân nghiệp
Khẩu nghiệp và ý nghiệp
Lấy trí lực làm đầu
Trí cũng không lầm đâu
Biết đến đời quá khứ
Trí kia không ngại ngăn
Vị lai cũng không ngại
Hiện tại có gì ngăn
Có công đức như vậy
Chính Sa Môn Cù Đàm
Việc hơn thế vô vàn
Ta chẳng thể nói hết.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba