Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa - Phần Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN
CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN CHÍN
Lúc bấy giờ, Đại Đức Ca Diếp nói với thiện nam Tát Già: Này thiện nam! Ông phụng sự cúng dường nhiều các Đức Phật, công đức của ông thành tựu đầy đủ, vì cớ gì mà ông không thành đạo vô thượng chánh chân?
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Ca Diếp! Nếu có bồ đề, có người giác ngộ bồ đề thì ta sẽ giác đạo vô thượng chánh chân.
Đại Đức Ca Diếp nói với Tát Già: Hằng hà sa số các vị Đại Bồ Tát đều phát nguyện bồ đề, giác ngộ đạo vô thượng chánh chân. Họ đã giác ngộ, đang giác ngộ và sẽ giác ngộ.
Tát già đáp: Thưa Đại Đức Ca Diếp! Vì chúng sinh kiêu mạn nên kể ra như vậy. Nhưng trong đệ nhất nghĩa thì không có bồ đề, không có người giác ngộ bồ đề.
Vì sao vậy?
Thưa Đại Đức Ca Diếp! Bồ đề là vô vi, lìa tất cả số. Bồ đề không phải sắc, không thể thấy vậy. Bồ đề chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng, chẳng phải tía, chẳng phải màu pha lê trong suốt.
Không có hình tượng, không tướng không mạo, vượt qua tất cả tướng, không có chỗ đến, dứt tất cả chỗ đến. Không phải hữu. Lìa tất cả hữu. Không phải tướng lìa tất cả tướng. Không có lời nói, khẩu nghiệp bất cập vậy. Chẳng phải thấy, chẳng phải trụ, cũng chẳng phải có vật. Chẳng phải tối, chẳng phải sáng, không hình không thể.
Chẳng có thể nói lời, không phải chẳng thể nói. Chẳng phải xúc, chẳng phải tri, chẳng phải nghe, chẳng phải tiếng, chang phải câu, chẳng phải trói, chẳng phải buộc, chẳng phải mở. Chẳng phải nhiễm, chẳng phải sân, chẳng phải si, chẳng phải tất cả các việc. Chẳng phải giả danh, chẳng phải chẳng giả danh.
Thưa Đại Đức Ca Diếp! Đó là tánh bồ đề. Lại nữa, bồ đề không phải sở giác của thân. Lại nữa, bồ đề không phải sở giác của tâm.
Vì sao vậy?
Thưa Đại Đức Ca Diếp! Thân si không trí giống như cỏ cây, tường vách, khối đất. Vậy nên chẳng có thể giác ngộ được tâm bồ đề không sắc. Lại chẳng thấy được, cũng chẳng thể giác ngộ được bồ đề.
Thưa Đại Đức Ca Diếp! Tất cả pháp tánh thảy đều như vậy.
Đại Đức làm sao nói được đạo vô thượng chánh chân?
Đại Đức làm sao thành tựu được đạo vô thượng chánh chân?
Lúc bấy giờ, chúng Bồ Tát, chúng Đại Thanh Văn, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Đế Thích, Phạm Vương, bốn Vua Trời Hộ thế suy nghĩ như vậy: Đức Thế Tôn biết lòng chúng sinh như thật, theo đó mà cởi mở sự hiểu biết.
Đức Như Lai sẽ đoạn dứt lòng do dự, nghi hoặc của chúng ta. Đức Như Lai sẽ nói lời ký cho thiện nam Tát Già bao nhiêu lâu nữa ông sẽ thành đạo vô thượng chánh chân.
Thế Giới của ông ấy tên là gì?
Đắc đạo bồ đề rồi, danh hiệu ông ấy là gì?
Ông ấy trụ thọ bao nhiêu năm?
Có bao nhiêu đại chúng?
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý niệm trong lòng của các Bồ Tát, Thanh Văn, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Đế Thích, Phạm Vương, bốn Vua Trời Hộ thế nên liền bảo Văn Thù Sư Lợi: thiện nam Tát Già đó khi kiếp hiền này qua rồi, về sau trải qua một số kiếp nhiều không tính toán được sẽ được làm Phật hiệu là Thật Ý Tướng Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Thế Giới của vị Phật đó tên là Thiện Quán Xưng, kiếp tên là Diệt Thứ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Thế Giới Thiện Quán Xưng đó đoan nghiêm, rất đáng yêu thích. Hàng trăm ngàn bảy báu trang nghiêm giáp vòng. Tường cao, tường thấp trang nghiêm bằng bảy báu.
Có hàng trăm ngàn hào sâu, trong đó đầy nước thơm của bảy loại hương. Lại có hàng trăm ngàn đài quan sát cao lớn làm bằng bảy thứ lưu ly rất quý. Có hàng trăm ngàn van lưới bằng vàng Diêm Phù Đàn dùng để trang nghiêm khắp nơi trên cõi ấy.
Có hàng trăm ngàn vạn tiên báu ma ni xen lẫn trong các đài quan sát. Có hàng trăm ngàn vạn ngọc Sư Tử ma ni báu hơn dùng trang nghiêm cửa sổ. Có hàng trăm ngàn vạn ngọc báu ma ni Sư Tử tràng dùng trang nghiêm bảo tòa.
Có hàng trăm ngàn vạn ngọc báu Ma Ni Đại tràng chiếu sáng tất cả. Có hàng trăm ngàn vạn lưới chuông rung phát ra những âm thanh nhiệm mầu, êm dịu, hài hòa, thích hợp khắp trong cõi ấy. Lủng lẳng giữa không trung là hàng trăm ngàn vạn lưới vàng trân báu. Dựng đứng lên hàng trăm ngàn vạn loại tướng tràng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Thế Giới Thiện Quán Xưng này đất bằng phẳng như bàn tay, cây báu bao phủ khắp, mọc cỏ mềm mại. Cỏ cõi ấy đều xoay về bên phải, màu như màu cổ chim Khổng Tước Nan Đê Bạt Đán. Cỏ này mọc khắp cõi Thiện Quán Xưng. Có hàng trăm ngàn vạn ngôi vườn để trang nghiêm cõi ấy.
Mỗi một ngôi vườn ấy lại dùng trăm ngàn vạn ngôi vườn nhỏ vây quanh để trang nghiêm. Cõi đó có trăm ngàn vạn ao trang nghiêm khắp mọi nơi. Mỗi một cái ao này xen lẫn vào bằng ngọc báu Ma Ni tám cạnh, thềm bậc làm bằng vàng Diêm Phù Đàn, đáy hồ trải cát vàng, chứa đầy nước tám vị. Hoa báu lan cùng khắp, có ngỗng, nhạn, uyên ương cùng hòa điệu hót.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ở Thế Giới Thiện Quán Xưng ấy có trăm ngàn vạn Quốc Độ, thành ấp, thôn xóm đều rất trang nghiêm. Trong mỗi đại thành ấy lại có trăm ngàn vạn thành nhỏ cũng rất trang nghiêm. Các thôn xóm, tụ lạc ở cõi ấy cũng như vậy. Đó là Thế Giới mà các Quốc Độ, thành ấp, làng mạc có số lượng người sinh sống cực kỳ sung mãn.
Này Văn Thù Sư Lợi! Trong Thế Giới Thiện Quán Xưng đó có bốn hạng người đều có tên là Thích ý kiến hết sức đặc thù, rất mực đoan trang, rất giàu có và con cháu rất đông đúc. Như Lai Thật Ý Tướng Vương Ứng Cúng Chánh Biến Tri đang trụ thế ở đó.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai Thật Ý Tướng Vương ấy xuất thân từ trong dòng họ Bà La Môn. Thân mẫu tên là Dũng Mãnh, như Ma Gia mẹ ta ngày nay.
Thân Phụ tên là Phạm Ma Bà Tú, như Phụ Vương ta nay tên là Tịnh Phạn vậy. Con tên là Biến Thanh, như nay con ta tên La Hầu La vậy.
Vợ tên là Đại Ý, như hiền thê của ta nay là người con gái thuộc dòng họ Thích có tên là Cù Bà Già vậy. Nhũ mẫu có tên là Đại Xứng, như nhũ mẫu của ta nay tên là Ma Ha Ba Xà Ba Đề Cù Đàm Di vậy. Đức Phật ấy có người thị vệ tên là Thường Thuận Hành, như thị vệ của ta nay có tên là Xiển Đà vậy.
Đức Phật Như Lai ấy có đại Mã Vương tên là Đại Lực, và Đức Thật Ý Tướng Vương đã cỡi nó để đi Xuất Gia, như Mã Vương của ta nay có tên là Kiền Trì Ca vậy. Đức Phật Như Lai ấy có Đạo Tràng tên là Pháp Dũng, và Đức Phật ấy đã thành tựu đạo vô thượng chánh chân tại Đạo Tràng đó. Xung quanh Đạo Tràng ấy có đến tám mươi ức cây bồ đề bao bọc rất trang nghiêm.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bấy giờ chỗ Đức Phật ấy không còn chúng Ma và Thiên ma quấy nhiễu nữa.
Này Văn Thù Sư Lợi! Vào thời vị lai, khi Đức Thật Ý Tướng Vương ấy thành tựu đạo quả vô thượng chánh chân thì tất cả chúng sinh ở Cõi Phật đó liền mang vô số hương hoa và nhạc cụ, trỗi lên vô số các thứ âm nhạc và cùng nhau đi đến chỗ Đạo Tràng Pháp dũng ay. Trên từ chúng Trời A Ca Nị, thảy đều đến tập hội.
Tất cả chúng Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già cũng đều đến tập hội. Tất cả chúng Đại Bồ Tát khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc thảy đều về tập hội.
Này Văn Thù Sư Lợi! Lúc Đức Thật Ý Tướng Vương vừa chứng quả bồ đề, thì liền ở trong hội chúng đó mà thuyết giảng Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa này, cùng vô lượng trăm ngàn ức các Kinh khác nữa.
Này Văn Thù Sư Lợi! Khi Đức Như Lai Thật Ý Tướng Vương giảng nói Kinh này thì có hằng hà sa số các chúng sinh đều được không thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đức Thật Ý Tướng Vương Như Lai chẳng nói đến pháp Tam Thừa vì Cõi Phật này không có Thanh Văn và Duyên Giác chỉ có chúng sinh Nhất Thừa diệu giải sinh ở Thế Giới ấy thôi.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đức Thật Ý Tướng Vương Như Lai Thế Tôn mở hội thuyết pháp lần đầu sẽ có hằng hà sa số Bồ Tát đạt được địa vị không thoái chuyển.
Đức Phật mở hội thuyết pháp lần thứ hai có tám mươi na do tha Bồ Tát sẽ chứng được bậc nhất sinh và mở hội thuyết pháp lần thứ ba sẽ có sáu mươi tần bà la số Bồ Tát. Từ đó về sau sẽ có số Bồ Tát nhiều không tính toán được, an trụ không thoái chuyển nơi đạo vô thượng chánh chân.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đức Thật Ý Tướng Vương Phật thành đạo rồi thọ được sáu mươi trung kiếp. Sau khi Đức Phật Niết Bàn, chánh pháp trụ thế tám mươi ức trăm ngàn na do tha năm. Xá Lợi của Đức Phật sẽ lưu bố rộng rãi, đã điều hóa số chúng sinh nhiều như trước.
Này Văn Thù Sư Lợi! Khi Đức Phật kia sắp diệt độ thì thọ ký cho Đại Tướng Bồ Tát xong rồi mới diệt độ. Vị Đại Tướng Bồ Tát này xếp ở sau ta và sẽ thành đạo vô thượng chánh chân hiệu là Đại Trang Nghiêm Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.
Khi ấy, đại chúng ở đây lòng sinh Kinh nghi là ai lúc ấy là Đại Tướng Bồ Tát, kế tiếp sau Đức Thế Tôn kia sẽ thành đạo vô thượng chánh chân hiệu là Đại Trang Nghiêm Như Lai Ứng Cúng Chanh Biến Tri đây?
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết được lòng đại chúng nên liền bảo Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử: Đó chính là Tiểu Đồng Tử ngoại đạo ngồi trước thiện nam Tát Già, tên là Thật Hoan Hỷ, hơn hẳn các Đồng Tử khác.
Đồng Tử ấy sẽ thành Phật hiệu là Đại Trang Nghiêm Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Việc trang nghiêm Thế Giới Đức Phật kia giống như Thế Giới Đức Phật Thật Ý Tướng Vương Như Lai không khác.
Mọi người ở đây nghe uy đức của Cõi Phật Công đức trang nghiêm kia thì trong pháp hội có sáu mươi ức trăm ngàn na do tha các vị Bồ Tát phát tâm nguyện sinh vào Cõi Phật ấy, nên bạch Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Khi Đức Thật Ý Tướng Vương được thành đạo, chúng con sẽ nguyện sinh vào Cõi Phật kia.
Đức Thế Tôn liền thọ ký cho họ sẽ sinh vào cõi đó.
Có tám mươi ức các Ni càn đồng thanh xướng lên: Thưa Thế Tôn! Chúng con sẽ sinh vào Cõi Phật kia.
Đức Phật thọ ký cho tất cả sẽ sinh vào Cõi Phật kia.
Khi ấy ở trên không trung có chín mươi ức trăm ngàn na do tha các Thiên Tử nói lên như vậy: Thưa Thế Tôn! Khi Đức Phật Thật Ý Tướng Vương kia đắc đạo bồ đề, chúng con sẽ sinh trong Thế Giới Thiện Quán Xưng kia để sẽ chứng kiến được công đức trang nghiêm như vậy.
Đức Phật liền nói lời ký: Này các Thiên Tử! Các ông cũng sẽ sinh vào cõi Thiện Quán Xưng kia để phụng sự Đức Phật đó.
Này các Thiên Tử! Các ông cũng sẽ ở tại cõi Thiện Quán Xưng kia mà thành đạo vô thượng chánh chân. Mỗi người có tên khác nhau nhưng thọ mạng bằng nhau.
Ngay khi ấy, khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới liền có sáu thứ chấn động. Tự nhiên trên mặt đất ấy mọc ra vô lượng trăm ngàn ức na do tha hoa sen báu lớn, cánh sen bằng vàng Diêm Phù Đàn, đài sen bằng ngọc biếc lưu ly ma ni, tua sen bằng xa cừ, cành sen bằng lưu ly.
Trong các hoa sen có các vị Bồ tat hiện ra ngồi kiết già, thân tướng hảo trang nghiêm cung kính lễ Phật, đem các thứ chuỗi ngọc như lưới mây để cúng dường Đức Phật Thế Tôn.
Tất cả đều nói: Chúng con mỗi người đều ở tại các Cõi Phật khác nhau xa nghe Phật thuyết giảng Kinh Công Đức Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn này nên đi đến đây yết kiến Đức Thế Tôn, cung kính làm lễ đi quanh bên phải Đức Phật. Chúng con cũng vì muốn gặp gỡ thiện nam Tát Già và các đại chúng nữa.
Tất cả lại nói: Thưa Thế Tôn! Có vô số chúng sinh trong các Cõi Phật nhiều không thể nghĩ bàn, nghe Kinh này rồi đều không thoái chuyển đối với đạo vô thượng chánh chân.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên ý nghĩa Kinh này nên nói kệ rằng:
Nghe ta nói nghĩa này
Lắng lòng chớ tán loạn
Lời Như Lai không dối
Điều Ngự chẳng nói sai
Phật Tát Già ra đời
Hơn ức kiếp về trước
Hiệu Thật Ý Tướng Vương
Kiếp thanh tịnh chẳng cấu
Không có hại dâm dục
Không có các tội ác
Cùng các nghiệp ngu si
Không có trong kiếp đó.
Thế Giới Thiện Quán Xưng
Nhiều sắc đẹp trang nghiêm
Trời người xem hoan hỷ
Cõi Phật ấy hiện có
Đài cao báu dạo xem
Thảy đều rất nghiêm tịnh
Lưới vàng bủa hư không
Rung lên tiếng vi diệu
Có bảo tràng Sư Tử
Mắc trên lưới báu vàng
Thành trân bảo cao ngất
Trong có cung điện Trời
Có sông, hồ và giếng
Tất cả đều trang nghiêm
Sen xanh vàng mọc khắp
Nước đầy đủ tám vị
Bốn hạng người cõi đó
Tên là Thích Ý Kiến.
Phật ấy vốn xuất thân
Dòng giỏi Bà La Môn
Mẹ tên là Dũng Mãnh Cha:
Phạm Ma bà tú
Con tên là Biến Thanh
Như La Hầu con ta,
Phật ấy có vợ đẹp
Nàng tên là Đại Ý
Như Cù Bà vợ ta,
Nhũ mẫu tên Đại Xưng
Như nhũ mẫu ta nay
Là Cù Đàm di vậy
Thị vệ tên Thuận Hành
Theo hầu Đức Phật ấy
Cung phụng Bậc Thiện Thệ
Như Xiển đà của ta
Phật ấy cỡi Mã Vương
Có tên là Đại Lực
Vượt thành đi xuất gia
Như Kiền Trắc của ta.
Đạo Tràng của Phật ấy
Có tên là Pháp Dung
Tám mươi ức trăm ngàn
Cây bồ đề bao bọc
Đức Thế Tôn ngồi đó
Thật Ý chẳng ai bằng
Đạo vô thượng vô ưu
Dưới cây chứng đạo lành
Không có các chúng ma
Trọn không còn ma nghiệp
Cõi Phật đó nhu hòa
Chỉ gồm bậc Trượng Phu
Chúng sinh ở cõi đó
Đủ công đức Trời, Người
Mang hoa và kỹ nhạc
Đến Đạo Tràng Phật ấy
Phật rõ biết chúng hội
Tâm tánh đều thanh tịnh
Nên thuyết Kinh Vương này
Cùng ức Kinh khác nữa.
Khi nghe Đức Thế Tôn
Thuyết giảng Thắng Kinh này
Hằng sa ức chúng hội
Được Phật trí không thoái,
Không cầu nghe hạ thừa
Cùng với Duyên Giác thừa
Kiện toàn Bồ Tát tuệ.
Thế Giới của Phật ấy
Mở pháp hội lần đầu
Có hằng sa chúng hội
Được công đức không thoái
Đều gọi là Bồ Tát.
Mở pháp hội lần hai
Tám mươi na do tha
Chúng hội trụ nhất sanh.
Trong pháp hội thứ ba
Sáu mươi Tần Ba La
Bồ Tát được lợi ích.
Đức Phật ấy thọ mạng
Trong sáu mươi trung kiếp
Khi Phật diệt độ rồi
Chánh pháp vẫn lưu bố
Đến tám mươi ức ngàn
Na do tha năm nữa.
Rộng lưu bố Xá Lợi
Điều phục khắp chúng sinh.
Lúc Phật ấy diệt độ,
Truyền Đại Tướng Bồ Tát
Ông đời sau thành Phật
Hiệu là Đại Trang Nghiêm
Đại Trang Nghiêm cũng vậy
Vì lợi ích chúng sinh
Thực hành đạo vô thượng
Của Phật Đại Chánh Giác.
Ta tri kiến vô thượng
Biết rõ vô lượng kiếp
Dù loài nào hiện ra
Trí nhất thiết đều rõ.
Hãy vững tin lời ta
Lời Như Lai chẳng dối
Ai ở trong đạo ta
Nên nhớ điều ta dạy.
Nghe Thế Tôn giảng xong
Đại chúng rất hoan hỷ
Đối với Cõi Phật kia
Đều nguyện sanh về đó
Đức Thế Tôn dạy rằng
Muốn sanh cõi vô cấu
Cac ông nên ngộ đạo
Rộng lợi ích chúng sinh.
Khi thuyết Kinh Vương này
Sáu lần đất rung chuyển
Trong hoa hiện Bồ Tát
Chắp tay lễ Điều Ngự:
Lành thay! Bậc Trượng Phu
Khéo nói pháp bất đoạn
Phật thuyết, chúng con nghe
Xa đến đây vì pháp.
Vào lúc bấy giờ, tất cả đại chúng rất vừa ý Kinh ấy nên vui mừng nhảy nhót, ái lạc, thọ trì. Họ chỉ lưu lại trên người một manh áo, bao nhiêu áo còn lại đều đem dâng lên cúng dường Đức Phật.
Họ nói lời như vậy: Đức Thế Tôn ra đời chuyển pháp luân một lần nữa, ở thành Ba La Nại lần đầu chuyển pháp luân, nay lại chuyển tối đại pháp luân nữa.
Tất cả đều nói rằng: Thưa Thế Tôn! Nay chúng con nguyện thường không rời Pháp Bảo như thế này, cũng thường không rời thiện trượng phu này.
Khi ấy trên không trung tấu lên các thứ thiên nhạc, mưa các hoa sen lớn xanh, vàng, đỏ, trắng xuống trước Đức Phật.
Áo Trời của Chư Thiên ở giữa hư không bay đi bay lại, họ xướng lên lời như vậy: Quả là bậc Thiện trượng phu trong đời đương lai thành tựu công đức chẳng thể nghĩ bàn. Được gọi thế, nếu có thọ trì Kinh này như đọc tụng thông lợi, vì người khác thuyết giảng rộng rãi.
Nói lời đó rồi, Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật: Thưa Thế Tôn! Vậy những thiện nam, thiện nữ… biên chép Kinh này, thọ trì đọc tụng cho thông lợi, rồi vì người khác thuyết giảng rộng rãi thì được bao nhiêu công đức?
Hỏi như vậy rồi, Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có một thiện nam hay thiện nữ đối với tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, trong các cõi hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng mà có chúng sinh giới.
Chỉ có Đức Phật mới có thể biết các hữu tất cả, chưa được làm thân người, đều được làm thân người, đã thành đạo vô thượng chánh chân, mà một thiện nam hay thiện nữ đó cung kính cúng dường, tôn trọng lễ bái họ như là tất cả Phật, bố thí cho họ các điều kiện sống an lạc, kéo dài thọ mạng trong một kiếp.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ý ông như thế nào?
Người thiện nam hay thiện nữ này do cái nhân duyên đó được phước nhiều chăng?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Rất nhiều, thưa Đấng Thiện Thệ.
Nhiều đến nỗi không có thể tính toán, đo lường được.
Đức Phật bảo: Này Văn Thù Sư Lợi! Người thiện nam hay thiện nữ chép ta, thọ trì, đọc tụng thông lợi, vì người khác thuyết giảng rộng rãi Kinh này, phước nhiều hơn người thiện nam hay thiện nữ cúng dường các Đức Phật kia.
Ngài Văn Thù Sư Lợi thưa: Thưa Thế Tôn! Thật chưa từng có vậy! Đức Thế Tôn đã vì lợi ích cho tất cả thế gian mà thuyết giảng Kinh này.
Thưa Đức Thế Tôn! Kinh này sẽ lưu bố ở Cõi Diêm Phù Đề trong bao lâu?
Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Sau khi ta vào Niết Bàn, Xá Lợi của ta sẽ lưu bố rộng rãi. Lúc bấy giờ tám vị Vua sẽ dùng hòm báu chứa đựng Xá Lợi của ta. Xá Lợi của ta được chia làm tám phần, rồi ở mỗi nước tự kiến tạo đại Tháp.
Vua A Xà Thế lấy phần Xá Lợi thứ tám của ta đựng trong cái hộp hương báu. Ở ngoài thành Vương Xá, nhà Vua cho đào xuyên qua đất để giấu kín Xá Lợi, đặt để đủ thứ các loại diệu hương, dựng lên đủ loại tràng phan bảo cái, tung các hoa báu, thắp đèn giữ trăm năm. Nhà Vua cất giữ hòm Xá Lợi để đợi Vua A Thúc Ca. Kinh Vương này viết trên lá bằng vàng, cất giữ theo hòm Xá Lợi đó.
Này Văn Thù Sư Lợi! Sau khi ta vào Niết Bàn một trăm năm, sẽ có Vua A Thúc Ca, Vua này xuất thân từ dòng Mộ Sát Lợi, làm Vua Diêm Phù Đề, được tự tại ở bốn cõi chuyển luân. Lúc bấy giờ vị Vua kia tu niệm theo hạnh của ta, ở trong Phật Pháp, ông được tâm thanh tịnh.
Lúc bấy giờ, có Tỳ Kheo tên Nhân Đà Xá Ma, đắc đại thần thông, có đại uy đức, nhiếp trì chánh pháp, thọ trì Kinh Phương Đẳng, xuất gia từ dòng Vua, thường ra vào trong cung của Đại Vương A Thúc Ca.
Này Văn Thù Sư Lợi! Vì lưu bố rộng rãi Xá Lợi của ta nên Đại Vương tự trong uy đức, đem theo rất nhiều các quý nhân… đem theo các hoa mạn, bột thơm, hương xoa, các thứ kỹ nhạc đến thành Vương Xá, thiết Đại lễ cúng dường, đào vỡ chỗ đất ấy, lấy hòm Xá Lợi.
Trong bảy ngày, nhà Vua thiết đủ thứ lễ cúng dường, dùng tất cả hoa hương, tất cả vòng hoa, tất cả bột thơm, tất cả hương xoa, tất cả kỹ nhạc làm Đại Lễ cúng dường như vậy rồi, sau đó theo từng chỗ dân chúng cư trú đông đúc, trong một ngày, một giờ, cho khởi dựng tám muôn bốn ngàn Tháp.
Lúc bấy giờ Pháp Sư Nhân Đà Xá Ma từ nơi hòm báu đã lấy ra quyển Kinh này. Pháp sư đem an trí Kinh này ở phương Bắc, một trụ xứ có nhiều người. Kinh này lại không nhiều người hiểu biết, không nhiều người giải được, không nhiều người thọ được, nên ít người thọ trì đọc tụng Kinh này.
Này Văn Thù Sư Lợi! Kinh này ẩn lâu ở trong cái hòm nhỏ.
Tại sao vậy?
Vì không người nhận vậy. Chẳng phải pháp khí của họ vậy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ông phải biết Kinh này khó giải, khó tin, khó được chỗ thâm áo của Kinh. Không phải là chỗ người thường có thể tín thọ, không phải kẻ phàm thấp hèn mà có thể đọc tụng, có thể thâm nhập được.
Này Văn Thù Sư Lợi! Sau thời gian năm mươi năm, nếu lại có người nghe Kinh Điển này tín giải, cung kính.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ông chẳng nên nghi ngờ mà phải biết đây là người đã cúng dường nhiều Đức Phật, giỏi hành trì Kinh Điển Đại Thừa này, là người có chân thật khí.
Nếu có ai biên chép, thọ trì Kinh này, đọc tụng thông lợi thì những chúng sinh đó nên phải tự biết rằng chúng ta đã thấy hằng hà sa số các Đức Phật Như Lai đã phụng sự cúng dường đi nhiễu bên phải, lễ bái. Và cũng thấy ta khi thuyết giảng Kinh này tại trong vườn đây.
Lúc bấy giờ Đức Phật bảo A Nan: Ông thọ Kinh này, đọc tụng thông lợi. Hãy thận trọng, chớ thuyết giảng Kinh này trước kẻ thấp hèn, chẳng biết căn vậy.
Vì sao?
Vì đây là Như Lai nói thuần túy không tạp pháp. Đây là ấn Như Lai, đây là kiên pháp Như Lai. Đây là thắng tài của Như Lai.
Này A Nan! Ông phải kiên trì, chớ đem cho người bừa bãi trừ trưởng tử của ta, người giữ Pháp tạng của ta, người hộ Pháp tạng của ta mà thôi.
A Nan bạch Đức Phật: Con đã giữ Kinh này rồi.
Thưa Thế Tôn! Kinh này tên là gì?
Thọ trì ra sao?
Đức Phật bảo A Nan: Kinh này tên là Kinh nói về Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa. Cũng có tên là Như Lai Mật Xứ, cũng có tên là Như Lai Thuyết Thuần Vô Tạp Pháp, cũng có tên là Như Lai Thuyết Xuất Nhất Thừa, cũng có tên là Văn Thù Sư Lợi Sở Vấn, cũng có tên là Tát Đà Thọ Ký, cũng có tên là Tát Đà Phẩm. Cứ như vậy mà thọ trì.
Khi Đức Như Lai diễn thuyết Kinh pháp này, có ba mươi na do tha các chúng sinh… vốn chưa từng phát tâm thọ vô thượng chánh chân thì nay đều phát tâm hết. Có sáu vạn Bồ Tát đạt được vô sinh pháp nhẫn. Có vô lượng chúng sinh đều định được nơi đạo vô thượng chánh chân.
Đức Phật thuyết Kinh đó xong, Đại Đức A Nan hoan hỷ thích ý, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi, tất cả Bồ Tát, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Đế Thích, Phạm Vương, Trời Hộ thế và người đời nghe Đức Phật thuyết giảng xong thảy đều hoan hỷ tín thọ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Hai Mươi Bảy - Vô đoạn Vô Diệt
HOÀNG HẬU VI ĐỀ VỚI PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Nại Nữ Kỳ Vực Nhân Duyên - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Mười Chín
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Tám - Phẩm Thập Bất Thiện - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Thân Hành Niệm - Phần Năm - Quán Thân Bất Tịnh
Phật Thuyết Kinh đại Bi Không Trí Kim Cương đại Giáo Vương Nghi Quỹ - Phần Mười Ba - Nói Phương Tiện