Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN
CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ Đức Phật ngự trong vườn Vua Chiên Đà Bát Thọ Đề, thuộc nước Ưu Thiền Diên.
Trong vườn này được trang nghiêm bằng nhiều cây Ta La, cây Đa La, cây Ca Ni Ca La, cây Ni Câu La, cây Bác Xoa, cây Ưu Đàm Bát La. Lại có hoa Bà Sư, hoa Đà Nhị Ca, hoa Chiêm Bà, cây A Phúc Ca, cây Ba Sất La… lại trang nghiêm bằng suối, giếng, ao hồ, sông nước trong veo chảy quanh.
Lại có hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng khắp trên mặt nước. Chim ngỗng, chim nhạn, chim uyên ương, chim Câu Na La, chim Bát Tra Quân Đà, chim Anh Vũ, chim Khách… đủ các loài chim, hót lên đủ thứ âm thanh. Có nhiều ong đen kêu lên những âm thanh hay lạ. Có nhiều cỏ êm ái mềm mại mọc khắp trong rừng rộng.
Đức Phật ngự ở đây với mười hai ức vị đại Tỳ Kheo, như Đại Đức Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, A Ni Kiền Đà, Tu Bồ Đề, Đại Ca Chiên Diên, Ma Ha Kiếp Tân Na, Ly Bà Đa, Ba Tân Na, Nan Đề Xí Na Na Đề Ca Diếp, Dà Da Ca Diếp, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Kiều Phạm Ba Đề, Na Đà Xí Na, Châu Lợi Bàn Đặc, Thát Bà Ma La Tử, Khư Đà Bà Lâm, Nan Đà, Ma Ha Câu Hy La, La Hầu La, Đại Đức A Nan… đều là bậc thượng thủ.
Mười hai ức vị Tỳ Kheo tất cả đã nhập nhất pháp giới xứ hành, tiến nhập tất cả các pháp như tánh hành, hư không hành.
Họ không y chỉ xứ, không y chỉ hành, lìa tất cả kết phược chướng ngại che lấp, đã sinh khởi nhập vào Như Lai độ, không có pháp giới gần một pháp giới, hướng về đạo nhất thiết trí không bỏ phế. Đối với nhất thiết trí tâm không thoái chuyển, trí tuệ phân biệt rõ ràng, được đến bờ bên kia, tinh tấn tu hành cảnh giới phương tiện.
Tại đây có cả Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Da Du Đà La… cùng tám ức Tỳ Kheo Ni, tất cả đều thành tựu pháp bạch tịnh, đều có các hạnh lành, tất cả trí đạo gần nhất thiết trí. Thiện hạnh tiến lên nhập vào pháp tánh vô hữu, quán tất cả pháp không có tánh tướng, tự giải các pháp thật tế không bờ mé, được trí tuệ vô ngại giải thoát, tùy theo chúng sinh mà có phương cách điều phục, khéo léo thị hiện.
Tại nơi đây lại có bảy mươi hai ức chúng Đại Bồ Tát, các vị đó là: Bồ Tát Đại Lực, Bồ Tát Đại Lực Trì, Bồ Tát Đại Biến Hóa, Bồ Tát Đại Biến Hóa Vương, Bồ Tát Đại Tinh Tấn Thú, Bồ Tát Đại Tinh Tấn Kiện, Bồ Tát Đại Hống, Bồ Tát Đại Hống Ý, Bồ Tát Đại Chúng Chủ, Bồ Tát Đại Hương Thượng.
Bồ Tát Đại Nguyệt, Bồ Tát Thiện Nguyệt, Bồ Tát Công Đức Nguyệt, Bồ Tát Bảo Nguyệt, Bồ Tát Phổ Chiếu Nguyệt, Bồ Tát Pháp Vô Cấu Nguyệt, Bồ Tát Nguyệt Chiếu, Bồ Tát Diệu Danh Nguyệt, Bồ Tát Phóng Quang Nguyệt, Bồ Tát Mãn Nguyệt, Bồ Tát Phạm Âm, Bồ Tát Phạm Vương Lôi Âm.
Bồ Tát Địa Âm, Bồ Tát pháp giới Âm Thanh, Bồ Tát Hành Nhất Thiết Ma Trường Âm, Bồ Tát Diệu Âm Thanh, Bồ Tát Phổ Cáo Âm, Bồ Tát Vô Vọng Tưởng Phân Biệt Âm, Bồ Tát Địa Luân Âm, Bồ Tát Nhất Thiết Vô Chướng Âm, Bồ Tát Phổ Tạng, Bồ Tát Vô Cấu Phổ Tạng, Bồ Tát Đức Tạng.
Bồ Tát Chiếu Tạng, Bồ Tát Bảo Tạng, Bồ Tát Nguyệt Tạng, Bồ Tát Nhật Tạng, Bồ Tát Xí Tạng, Bồ Tát Liên Hoa Tạng, Bồ Tát Liên Hoa Đức Tạng, Bồ Tát Đại Ý, Bồ Tát Ích Ý, Bồ Tát Diệu Ý, Bồ Tát Hảo Y, Bồ Tát Thắng Ý, Bồ Tát Tăng Ý, Bồ Tát Vô Biên Ý, Bồ Tát Quảng Ý, Bồ Tát Giác Ý.
Bồ Tát Vô Tận Ý, Bồ Tát Tu Di Đăng, Bồ Tát Đại Đăng, Bồ Tát Pháp Cự Đăng, Bồ Tát Chiếu Nhất Thiết Phương Đăng, Bồ Tát Phổ Đăng, Bồ Tát Diệt Nhất Thiết Âm Đăng, Bồ Tát Chiếu Nhất Thiết Đạo Đăng, Bồ Tát Nhất Chiếu Minh Đăng, Bồ Tát Nguyệt Đăng, Bồ Tát Nhật Đăng.
Bồ Tát Ly Nhất Thiết Ác Đạo, Bồ Tát Ma Bất Hàng Phục, Bồ Tát Đại Ma Bất Hàng Phục, Bồ Tát Oai Đức, Bồ Tát Vô Hàng Phục, Bồ Tát Vô Năng Trắc, Bồ Tát Oai Đức Giác Càn Ác, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Di Lặc, Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử Bồ Tát Ma Ha Tát… gồm bảy mươi hai ức vị.
Họ đều trong một đời chứng được Đà La Ni, được các tam muội, được vô biên nhạo thuyết, được vô ngại, vô sở úy, được thần thông đến bờ bên kia, có khả năng đi qua vô biên Cõi Phật, dạo chơi với thần thông, thân tâm giải thoát.
Thành tựu các tri kiến ngại vô ngại. Thế Giới không có Phật thì thị hiện Phật ra đời, khéo quay bánh xe pháp, không có lầm lẫn, tùy theo cái tất cả chúng sinh hiểu mà nói pháp, nói pháp vô tác cho họ nghe.
Ở trong pháp tánh không có phát động, cũng không phải không phát động, tâm các vị ấy nhập độ đến bờ bên kia, giảng nói pháp không. Rống lên tiếng rống của Sư Tử, hàng phục phá tan tất cả ngoại đạo, hàng phục kẻ thù được thần thông mà Bồ Tát thực hành, dứt bỏ sân, ái, tâm kia bình đẳng, như đất, nước, lửa, gió.
Vào chỗ bí mật của tất cả Như Lai, vì tất cả chúng sinh mà làm các Phật Sự, thường được các Đức Phật khen ngợi, thọ trì tất cả kiếp đời vị lai, thọ trì tất cả pháp tánh của Như Lai, mưa xuống Pháp Bảo. Khen ngợi tất cả công đức, không thể cùng tận, làm chủ Thế Giới, bản nguyện thành tựu, thực hành hạnh giải thoát của Như Lai.
Trước đã khéo tu, thực hành đại thừa, mắt tin thanh tịnh không có cấu bẩn, thường tinh tấn cúng dường, thờ phụng các Đức Phật Như Lai. Trang nghiêm bằng điều lành, trang nghiêm bằng sự không lui sụt hướng về đại bi. Tánh chất giải thoát trong tâm các vị ấy không thể tỷ dụ, dứt bỏ tâm nghi ngờ Đức Phật, tâm do dự mê lầm, được Chư Phật quá khứ che chở, giữ gìn.
Ở nơi vườn này lại có vô lượng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Tư, uy đức không thể ví dụ trong tam thiên đại thiên Thế Giới này, các Trời và Chúa Trời, các Rồng và Rồng đầu đàn, Dạ Xoa và Chúa Dạ Xoa, Càn Thát Bà và Chúa Càn Thát Bà, A Tu La và Chúa A Tu La, Ca Lâu La và Chúa Ca Lâu La, Ma Hầu La và Chúa Ma Hầu La, Khẩn Na La và Chúa Khẩn Na La, Nhân Phi Nhân, và Chúa Nhân Phi Nhân… tất cả cùng trăm ngàn đại quyến thuộc đều đến ngồi trong hội này.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh. Thế Tôn ngồi trên Tòa Đức Tạng Sư Tử, ánh sáng trên thân Thế Tôn che lấp ánh sáng trên thân các đại chúng.
Giống như ánh sáng núi Tu Di hiển hiện giữa biển lớn che lấp ánh sáng các núi. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử ánh sáng che lấp phủ tất cả Trời, Người như ánh trăng rằm tròn đầy chiếu sáng thanh tịnh che kín các vì sao. Cũng vậy, ánh sáng của Đức Thế Tôn che kín tất cả người, Trời, chiếu sáng thanh tịnh.
Giống như hư không trong sáng tịnh khiết không có mây che, mặt trời chiếu ánh sáng che lấp ánh sáng của núi, lửa đom đóm mờ đi trong sự soi sáng thanh tịnh. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử, hàng phục che kín các Trời, Người đời rất la sáng chói còn che kín ánh sáng của Đế Thích, Phạm Thiên Vương, Tứ Thiên Vương Hộ thế…
Giống như trong đêm tối, lửa cháy rực rỡ trên đỉnh núi cao, chiếu sáng thanh tịnh. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử hàng phục che kín các Trời, Người đời bằng thứ ánh sáng rất sáng thanh tịnh, vô cấu.
Như Sư Tử đứng đầu các loài thú hàng phục tất cả các loài cầm thú nhỏ. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử hàng phục che kín tất cả Trời, Người.
Như ngọc báu như ý tỳ lưu ly tám cạnh không cấu bẩn phát ra ánh sáng thanh tịnh. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử trang nghiêm khác thường chiếu sáng mười phương, như Vua Chuyển luân hàng phục tất cả chúng sinh trong bốn cõi. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử hàng phục che kín các Trời, Người đời.
Như Thích Đề Hoàn Nhân đeo chuỗi ngọc báu Thích Ca Tỳ Lăng Già, ở trong thiện pháp đường hàng phục, che kín các Trời bằng ánh sáng. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử hàng phục che kín các Trời, Người đời bằng ánh sáng thanh tịnh.
Lúc bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi đã biết tâm đại chúng, thấy oai đức rạng rỡ của Đức Như Lai, bèn nghĩ: Đây là điềm ánh sáng gì?
Nay Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử rất sáng chói thanh tịnh khác thường, đại chúng rất nhiều, nay ta phải hỏi Như Lai ý nghĩa việc này.
Khi ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, sửa y bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, dùng bài kệ khen ngợi:
Đấng Thập Lực soi sáng
Hàng phục Trời, Người đời,
Ba Cõi không ai bằng
Chúng sinh không qua được
Như trên núi Tu Di
Các phương đều chiếu sáng
Hàng phục che các núi
Mạnh mẽ soi các núi
Phật trì đức cũng vậy
Núi trí vượt thế gian
Hàng phục che các chúng
Thường thanh tịnh chiếu sáng
Như trăng trên hư không
Tháng ngày công đức soi
Viên mãn rất tròn đủ
Hàng phục che các sao
Đấng Thập Lực cũng vậy
Sao đệ tử vây quanh
Phát ánh sáng bạch tịnh
Chiếu sáng cả Trời, Người
Như cung điện mặt trời
Soi sáng hàng phục hết
Đấng Nhân Tôn cũng vậy
Hàng phục Trời, Người đời
Giống như lửa đỉnh núi
Đêm tối chiếu các phương
Ánh sáng trí cũng vậy
Điều ngự phát ánh sáng
Như Sư Tử Vua thú
Bày uy đức hàng thú
Chúng ngoại đạo cũng vậy
Bày chiếu sáng hàng phục
Vua Chuyển Luân, Chúa Người
Uy đức hàng phục đời
Đấng Điều Ngự cũng vậy
Hàng phục chiếu sáng đời
Vua Trời Tam Thập Tam
Hàng phục hơn các Trời
Đấng Vô Đẳng cũng vậy
Hàng phục soi các chúng.
Lúc bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi dùng kệ khen ngợi xong, chắp tay bạch Phật: Giờ đây cúi xin Thế Tôn, vì đại chúng này giảng nói Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa.
Nếu chúng sinh nghe rồi hướng thượng tu hành thì sẽ phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, còn họ hướng xuống tu hành thì được dừng lại ở bậc Thắng tấn, rồi phát tâm vô thượng bồ đề, tăng thêm lợi ích cho cảnh giới vô thượng bồ đề.
Chúng sinh lười biếng phát sinh dục lạc dữ dội. Chúng sinh thoái chuyển đạo pháp thì an trụ trong đạo bồ đề. Các chúng sinh hướng về đạo bồ đề… thì đầy đủ trí độ trang nghiêm của Như Lai.
Văn Thù Sư Lợi thỉnh như vậy rồi, Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Lời của Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri nói rất khó hiểu, phải có duyên gì để nói?
Duyên gì để tinh tấn nhập?
Đây là vấn đề khó biết, khó hay, khó có thể đo lường, khó dạy, khó độ. Các Trời, Người đời, những kẻ phá hoại oai nghi, và những người phá giới không thể rõ biết, chúng sinh thấp kém không thể hiểu, các kẻ tâm tánh bại hoại không thể kính tin.
Kẻ bị bạn xấu lôi cuốn thì không thể vào. Kẻ rời khỏi bạn tốt thì chẳng thể biết. Kẻ chẳng được Chư Phật che chở thì chẳng thể nghe nhận, huống là hiểu rõ ý thú, không bao giờ có việc ấy, chỉ trừ người đã được Chư Phật che chở.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Văn thù nghe ta nói
Sự nghĩa ngươi đã hỏi
Người kém không thể làm
Không biết pháp tánh này.
Điều Phật trước chẳng làm
Đấng Điều Ngự chẳng hộ
Nếu người nghe pháp này
Không có tâm cung kính,
Bị bạn xấu lôi cuốn
Người xa lìa bạn tốt
Nếu nghe pháp như thế
Mau rớt xuống núi lớn,
Hẹp hòi không tiến hành
Không có tâm thắng diệu
Người kém không tín hiểu
Bọn ấy nghe chẳng mừng,
Phật thương họ chẳng nói
Chớ nhiễu chúng sinh kia
Vì chẳng tin pháp này
Đêm dài không ích lợi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Minh Triết - Thí Dụ Ba Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Cửu Phẩm Vãng Sanh A Di đà Tam Ma địa Tập đà Ra Ni
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Mười - Trụ Pháp Vũ - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Bảy - Phẩm Bị Thâu Thành Vật Khước Trưng Pháp
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Ba - đại Phẩm - Kinh Naflaka
Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu Mươi Mốt - Phẩm đồng Học