Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN

CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống  

PHẦN SÁU  

Lúc bấy giờ, Vua Chiên trà bát thọ đề nghe người nói lỗi mình trước mặt mình, liền giận dữ, phẫn nộ, không vừa ý.

Rồi không chịu được, nhà Vua nói với Tát Già Ni Kiền Tử: Ông có nên ở trước mặt mọi người mà quở trách ta chăng?

Rồi vì tức giận nên Vua ra lệnh xử chém.

Lúc bấy giờ, Tát Già kinh sợ hướng về Vua nói: Thưa Đại Vương! Chẳng nên có thái độ hung ác như vậy. Hãy cho tôi sự không sợ hãi, xin nghe tôi thưa.

Nhà Vua nói: Ta cho phép ông không sợ, ông muốn nói điều gì?

Đáp: Thưa Đại Vương! Tôi cũng có lỗi là dám trước mặt đức Vua mà nói lỗi xấu của Vua là quá bạo ngược, tánh ác, hấp tấp, hung tợn, không có tâm từ bi, cứ như sự thật mà nói.

Thưa Đại Vương! Người có trí tuệ không nên lúc nào cũng nói ra sự thật của người khác.

Thưa Đại Vương! Người trí tuệ nên phải biết lúc nào nên nói, lúc nào chẳng nên nói.

Thưa Đại Vương! Nói sự thật kẻ khác thường không làm vừa ý họ, người sẽ chẳng gần gũi. Kẻ không trí tuệ thì trách mắng.

Rồi nói kệ rằng:

Như thật nói Vua người

Kẻ phàm phu bị hủy

Do đó người trí tuệ

Suy nghĩ rồi mới nói.

Lúc bấy giờ, Vua khen rằng hay lắm, Vua lại bàn bạc hỏi han: Này Bà La Môn! Trong các chúng sinh ở thế gian, có chúng sinh nào trí tuệ, sáng rõ, tâm trí không rối loạn mà không có lỗi lầm chăng?

Tát già đáp: Thưa Đại Vương, thật có!

Nhà Vua nói: Là ai?

Đáp: Thưa Đại Vương! Đó là Sa Môn Cù Đàm. Ngài thuộc dòng họ Thích bỏ ngôi đi xuất gia. Như chúng tôi xét thấy thì Ngài không lỗi lầm. Dòng họ Ngài cao quý nên không có lỗi lầm. Ngài sinh trong dòng họ Vua chuyển luân nên không có lỗi lầm.

Ngài chẳng sinh trong dòng họ thấp hèn nên không có lỗi lầm. Ngài sinh trong dòng họ Thích nên không có lỗi lầm. Tướng mạo, uy đức Ngài rất trang nghiêm nên không có lỗi lầm. Ngài có tướng tốt trang nghiêm nên không có lỗi lầm. Vì những ý nghĩa đó nên không có lỗi lầm.

Nếu Ngài Cù Đàm họ Thích không xuất gia thì sẽ làm Vua đại chuyển luân, bảy thứ báu đầy đủ. Đó là banh xe báu, voi báu, ngựa báu, ma ni báu, nữ báu, tàng báu, thân báu, chủ binh báu. Ngài có đầy đủ một ngàn người con trai mạnh mẽ khôi ngô, có khả năng hàng phục mọi người, cũng có đầy đủ tướng mạo của Vua chuyển luân.

Ngài ở trong bốn châu thiên hạ thống lãnh tự tại, làm Vua Chánh Pháp Vương. Ngài chẳng dùng binh trượng mà cai trị đất nước bằng chánh pháp. Nhưng Ngài đã xuất gia, tu khổ hạnh sáu năm, mỗi ngày ăn một hột mè, một hạt gạo, ngồi dưới cội Bồ Đề hàng phục các ma.

Sau khi hàng phục, Ngài nhất tâm niệm tuệ, sở tri chân như, sở đắc chân như, sở xúc chân như, sở giác chân như, sở chứng chân như, giác ngộ tất cả. Không có chúng sinh nào ngang bằng Ngài, huống là hơn Ngài. Không có ai ngang bằng được vị Sa Môn Cù Đàm này. Vậy nên Ngài không có lỗi lầm.

Vì sao?

Thưa Đại Vương! Vì vị Sa Môn Cù Đàm này có gia tộc không ai bằng, oai đức trang nghiêm không ai bằng, uy đức trí tuệ không ai bằng, vậy nên Ngài không có lỗi.

Rồi ông nói kệ:

Giữ gìn ba mươi hai tướng tốt

Sinh ra họ Thích Sư Tử người

Là Thái Tử con Vua Tịnh Phạn

Thế Tôn, nhất thiết trí không lỗi.

Tát già Ni Kiền Tử nói xong, Vua Bát thọ đề hỏi: Này Đại Bà La Môn!

Bây giờ ông hãy nói những gì là ba mươi hai tướng đại trượng phu của Đức Như Lai?

Vị Bà La Môn nói: Giờ đây tôi sẽ nói.

Nhà Vua hỏi: Là những gì?

Đáp: Thưa Đại Vương!

Đó là: Sa Môn Cù Đàm có chân đứng vững vàng trên bàn chân đầy đặn.

Bánh xe ngàn căm tròn đủ.

Tay chân mềm mại.

Ngón tay dài thon thả.

Tay chân có màng mỏng nối liền.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có gót chân đầy đặn.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có xương chân móc liền nhau.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có đùi như đùi nai.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có thân ngay thẳng.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có âm tàng ẩn kín.

Đó là tóc Sa Môn Cù Đàm từng sợi, từng sợi đều xoắn về bên phải.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có lông đều hướng lên.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có tóc xanh biếc.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có da dẻ màu vàng rất mịn màng.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có bảy chỗ đầy đặn.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có thân thể vạm vỡ.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có các chi tiết rất đẹp.

Đó là Sa Môn Cù Đàm khi đi thân chẳng xiêu vẹo.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có thân thể cao lớn.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có thân tròn lẳng như thân cây Ni Câu Đà.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có thân như thân Vua Sư Tử.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có đủ bốn mươi cái răng.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có răng khít với nhau.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có hàm răng bằng đều.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có hàm răng trắng tươi.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có được vị giác tuyệt vời.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có luỡi rộng dài.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có âm thanh Phạm Thiên.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có mắt pháp hiền từ.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có đôi mắt xanh biếc.

Đó là Sa Môn Cù Đàm có sợi lông trắng.

Đó là Sa Môn Cù Đàm trên đỉnh đầu có bướu thịt.

Thưa Đại Vương! Đó là Sa Môn Cù Đàm có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu. Vì ý nghĩa này nên Ngài không có lỗi lầm.

Rồi nói kệ rằng:

Sinh từ họ Thích, đỉnh bướu thịt

Tóc xoăn về phải màu xanh biếc

Mắt như trâu chúa màu sen xanh

Vậy nên Thế Tôn không lầm lỗi

Tiếng nói như Ca Lăng Tần Già

Lưỡi dài rộng, mỏng sạch tươi tắn

Thế Tôn loài người răng bằng khít

Đủ bốn mươi răng sạch trắng trong

Tất cả người đời và các Trời

Nhìn ngắm thân Ngài đều mừng vui

Lưỡi Đức Thế Tôn che khắp mặt

Cho nên chúng sinh không ai bằng

Tất cả các vị đều gom lại

Tiết ra từ tướng lưỡi Như Lai

Tất cả các vị hòa một vị

Vậy nên Thế Tôn không lầm lỗi

Thân như Sư Tử, môi đỏ thắm

Hai vai vạm vỡ, rộng đầy đẹp

Thân Phật nào khác cây Ni Câu

Giáp vòng tròn trịa, khéo an trụ

Thân Thế Tôn trang nghiêm, ngay thẳng

Thân Sư Tử, người rất to cao

Bảy chỗ bằng đầy không ai bằng

Màu vàng thượng diệu tươi sạch trong

Lông như Sư Tử hướng lên trên

Da dẻ thân Ngài rất mịn màng

Các sợi tóc xoắn thành trôn ốc

Cho nên chúng sinh không ai bằng

Dáng như Sư Tử không xiêu vẹo

Âm tàng ẩn kín như ngựa chúa

Vế đùi tròn trịa giống đùi nai

Nhìn Ngài ai ai cũng vui mừng

Chân tay Thế Tôn có màng mỏng

Ngon tay thon dài màu đồng đỏ

Gót chân bằng phẳng, xương móc nhau

Lòng bàn chân thẳng không cao thấp

Tay chân Đức Phật khỏe mềm mại

Ngón tay dài thon có bánh xe

Chân Đấng Nhân Tôn thật vững vàng

Khi đi trên đất không nghiêng động

Tướng như vậy, không có ai bằng

Ngọn đèn thế gian khéo trang nghiêm

Rất nhiệm mầu ngự giữa đại chúng

Giống như mặt trăng, sao vây quanh

Đại tướng phu này sắc như vậy

Thế Tôn làm đèn sáng cho đời

Huống chi pháp vô lậu của Ngài

Nhờ pháp này mà tự giác ngộ.

Thưa Đại Vương! Đó là Sa Môn Cù Đàm có sắc thân nhiệm mầu, tất cả chúng sinh không ai sánh bằng. Vì ý nghĩa này nên Ngài không có lỗi lầm.

Này Đại Vương! Đó là Sa Môn Cù Đàm đầy đủ năng lực đại bi.

Đối với các chúng sinh, tam Ngài không hề ngăn ngại. Ngài thường hành đại từ không ngăn ngại, không mê đắm. Tự nhiên chan hòa khắp tất cả Thế Giới, thâm nhập vào các chúng sinh.

Thưa Đại Vương! Như ngọc báu Ma ni có công năng làm lắng trong nước bẩn. Tánh báu thanh tịnh có công năng làm cho tất cả nước dơ bẩn trở thành trong sạch.

Thưa Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm cũng vậy. Bên trong bản thân Ngài thanh tịnh cho nên có khả năng làm thanh tịnh bùn lầy kết sử ô uế của tất cả chúng sinh, cho nên Ngài không có lỗi.

Rồi nói kệ rằng:

Lòng từ trùm thế gian

Các Thế Giới ba đời

Tất cả tâm chúng sinh

Đức Phật rải tâm từ.

Không chỗ nào chẳng khắp

Tâm từ không ai bằng

Trùm khắp hư không giới

Nhất thiết trí không lỗi

Báu Ma ni thanh tịnh

Làm trong sạch nước bẩn

Thế Tôn tịnh ba cõi

Sạch kết tử chúng sinh.

Thưa Đại Vương! Đó là Sa Môn Cù Đàm đầy đủ ba mươi hai hạnh đại bi, ba mươi hai hạnh đại bi gồm:

Thấy chúng sinh ở thế gian chìm đắm trong bóng tối ngu si nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh thực hành hạnh đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian sống trong vỏ vô minh nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh thực hành hạnh đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian rơi vòng sinh tử nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh thực hành hạnh đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian thường siêng làm những việc bất thiện, không vắng lặng nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh thực hành hạnh đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian rơi vào dòng nước lớn bị cuốn trôi đi, nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian rớt xuống núi lớn bị khổ não dữ dội ép bức, nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian lìa xa Thánh đạo rơi vào tà đạo, nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị giam trong ngục lớn, tự nhiên bị ràng buộc cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc nên không biết chán, không biết đủ, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian thích làm tôi đòi, thường lệ thuộc người khác, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh mày mà khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị sinh, già, chết ép ngặt, khốn khổ nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian thường bị bệnh ép ngặt cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị ba thứ lửa thiêu đốt, thường phải tiếp xúc với lửa cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị ba thứ lửa thiêu đốt, thường phải tiếp xuc với lửa cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị hạ triền trói buộc, sinh tử, thêm dài cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian tâm thường kinh hãi sợ sệt, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian tham đắm chút mùi vị chẳng thấy lỗi lầm cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian mãi ngủ, buông lung, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian chịu sự đói khát, thường hại lẫn nhau, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian thường bị suy tổn, cướp đoạt lẫn nhau, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị vô minh che lấp thường không thấy rõ, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian tranh chấp lẫn nhau, não loạn chẳng ngừng, cho nên Sa Môn Cu đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian như cỏ lan, đậu bò, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian giao hội bất tịnh, lìa xa thanh tịnh, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian làm những việc khó khăn, xa lìa những việc không khó khăn, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian nhiều nghi ngờ, mê đắm các tà kiến, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian như hoa Đầu la nương theo các thứ thấy, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian tâm tưởng đảo kiến, vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là vui, bất tịnh tưởng là tịnh, vô ngã tưởng là ngã, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối vơi chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian mang vác cái gánh nặng nề thường chịu đau khổ thiếu thốn, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian nương cậy sự yếu kém, không có ý tưởng vững chắc, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian thường sống trong sự nhơ bẩn, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị ràng buộc trong Dục hữu mà lòng sinh tham đắm, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị lợi dưỡng che lấp, thường cầu lợi dưỡng, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

Thấy chúng sinh ở thế gian bị các thứ bệnh khổ, lo buồn, khóc lóc, sầu não… các khổ dồn dập nhóm họp, cho nên Sa Môn Cù Đàm đối với chúng sinh này sinh khởi tâm đại bi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần