Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Sự Nhiếp Lấy Của Tất Cánh địa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẨM HAI MƯƠI SÁU
PHẨM SỰ NHIẾP LẤY
CỦA TẤT CÁNH ĐỊA
Khi Bồ Tát tu tất cả hạnh, có sáu việc khéo nhiếp chúng sanh:
Hết lòng nhiếp lấy.
Tăng thêm sự nhiếp lấy.
Giữ sự nhiếp lấy.
Rốt ráo nhiếp lấy.
Chẳng rốt ráo nhiếp lấy.
Sự nhiếp lấy sau hết.
Đại Bồ Tát lúc sơ phát tâm nhiếp lấy chúng sanh như: Cha mẹ, anh em, vợ con, bà con thân tộc, v.v…
Hết lòng buộc niệm về phương tiện nhiếp lấy, nghĩ rằng: Làm sao tôi có thể đem lại cho chúng sanh mọi sự an vui.
Khi khởi nguyện như vậy rồi, tùy sức của mình mà cấp giúp cho. Đây gọi là sự hết lòng nhiếp lấy của Bồ Tát. Đại Bồ Tát tuy tấm lòng trội hơn cha mẹ, vợ con, anh em thân thuộc, nhưng không kiêu căng, tự cao ngã mạn, mà còn cung cấp, nuôi dưỡng gấp bội.
Nếu được làm vua, thì việc cư xử đối với thân tộc lại cũng như vậy. Sự tăng thêm là phá hỏng điều ác, dạy làm điều lành, tùy sức lễ lạy, ca tụng, cung cấp dưỡng nuôi, mang lại món ăn, áo mặc và các món cần dùng.
Biết ơn, báo ơn, trông nom bệnh hoạn, tìm kiếm thuốc thang. Đối với gia nhân, chẳng xem họ là kẻ tớ hèn hạ mà tưởng chừng như anh em cật ruột.
Nếu thấy tộc thuộc gây tạo tội lỗi, bèn kham nhẫn chịu. Nói năng ngay thẳng lời lẽ nhu hòa, không hề thô bạo. Nếu làm vua một nước, chẳng gây đau khổ đối với nhân dân, chẳng giết mạng người, lìa bỏ cực hình, lấy chánh pháp trị nước.
Tùy theo gốc gác của mỗi giòng tộc mà phân ranh giới, chẳng sanh tham lam xâm đoạt nước người, ra sức nuôi dân, xem khắp dân chúng dường như con một.
Những vật sở hữu đều cùng quyến thuộc chia dùng cân bằng, lời nói thành thực, lời nói dịu dàng không chút thô tục và lìa tánh sẻn tham. Đây gọi là tăng thêm sự nhiếp lấy của Bồ Tát.
Đại Bồ Tát nhiếp lấy chúng sanh, có hai nhân duyên: Nột là bố thí tài sản, hai là bố thí giáo pháp. Đem tài sản thí phá sự nghèo nàn. Đem giáo pháp bố thí phá chấp tà bậy. Đối với chúng sanh tâm Bồ Tát luôn luôn bình đẳng, chẳng tạo điều sẻn lận, chẳng có ý ngã mạn kiêu xa, làm ra tướng trạng bậc thầy, chẳng cầu mong người đền ơn đáp nghĩa, chẳng cầu mong người cung cấp dưỡng nuôi.
Nếu có người nào vì cầu phước báo mà tìm đến cúng dường, Bồ Tát cũng không ngăn cấm, vì khiến cho họ thêm lớn phước đức trang nghiêm.
Nếu như có người tu tập pháp lành, trì giới, tinh tấn, Bồ Tát thấy rồi cúng dường, gần gũi và làm người sai khiến. Người không hiểu nghĩa, vì họ giải nói rõ nghĩa. Người đã hiểu nghĩa, Bồ Tát vì nói khiến được tăng trưởng. Nếu như có người mắc vào lưới nghi, liền vì người ấy nói nghĩa sâu xa khiến dứt trừ nghi.
Dẫu khổ hay vui cũng đồng cảnh ngộ với người nhưng tâm không tăng giảm. Biết người phạm tội, dùng phương tiện khéo chỉ vẽ sám hối, có khi quở trách, có lúc đề cao, gặp người bệnh khổ trông nom không bỏ, khéo dùng phương tiện trừ mối lo âu.
Nếu có chúng sanh kém sắc, chậm tiến, tâm Đại Bồ Tát không hề khinh miệt, mà tùy lúc giảng nói nhân duyên của tâm chân chánh, gặp người sầu khổ, nói pháp an ủi.
Tự mình khéo tư duy, lời lẽ bất tín của những người khác không thể lay động, được người cho vật liền đem chia đều đại chúng.
Thành tựu đầy đủ sự tu tập lòng từ, gặp người mưu sinh chân chánh đón chào hỏi han, xa lìa ác tâm, thường tu thiện pháp, không hề phóng túng, lìa bỏ biếng lười, thường lập thệ nguyện:
Làm sao cho phước đức của tôi san sẻ đồng đều đến khắp tất cả. Trong tất cả thế gian, không phải lúc nào Đại Bồ Tát cũng thực hành giữ sự nhiếp lấy, mà là những lúc có sự lợi ích mới là nhiếp giữ. Đây gọi là giữ sự nhiếp lấy của Đại Bồ Tát.
Nếu có những người căn tánh tối chậm, hoặc là những người căn lành khó thuần, thì sự nhiếp lấy của Đại Bồ Tát phải trải lâu xa. Vì trải qua lâu xa, cuối cùng họ phải có tâm trong sạch. Đây gọi là rốt ráo nhiếp lấy. Nếu những chúng sanh căn tánh trung bình sự thành thực bậc trung, thì việc nhiếp lấy chẳng phải lâu xa.
Vì sao?
Vì không bao lâu sẽ được tâm trong sạch. Đây gọi là chẳng rốt ráo nhiếp lấy. Nếu như có người căn cơ lanh lợi, dễ được thuần thục, sự thuần thục bậc thượng, dễ tịnh, dễ điều. Đây gọi là sự nhiếp lấy sau hết của Đại Bồ Tát.
Như trên gọi là sáu điều nhiếp lấy của Đại Bồ Tát. Đại Bồ Tát dùng sáu sự nhiếp thủ này, nhiếp tất cả chúng sanh trong ba đời. Bồ Tát quá khứ, vị lai, hiện tại nhiếp lấy chúng sanh đều không ra ngoài sáu thứ nhiếp này.
Khi Đại Bồ Tát nhiếp hóa chúng sanh có mười hai sự khó: Đại Bồ Tát biết rõ không ngã, không ngã sở, không chúng sanh, nhưng vì chúng sanh mà tu tập hạnh khổ. Đó là sự khổ thứ nhất.
Vì điều phục chúng sanh mà tạo sự quở trách, nhưng vẫn tự mình bảo vệ giới cấm chẳng để tổn thương. Đây gọi là cái khó thứ hai.
Vật dùng có ít kẻ xin lại nhiều, ấy là cái khó thứ ba.
Bồ Tát chỉ một thân lại hệ thuộc nhiều người, phải quây quần đem thân làm người cung cấp sai khiến. Đây là cái khó thứ tư.
Cùng mang một thân, đồng với Chư Thiên phóng dật, nhưng trong thâm tâm không chút phóng dật. Đây gọi là cái khó thứ năm.
Thường làm sai sử cho rất nhiều người nhưng riêng tự mình đối với giới cấm không để hỏng mất. Ấy là cái khó thứ sáu.
Thường chung đụng với những kẻ xấu ác như tham dục, giận hờn, ngu si, se lận, nịnh hót quanh co, gian tà xảo quyệt… ở chung với họ nhưng chẳng hành động theo. Đó là cái khó thứ bảy.
Biết rõ sanh tử có nhiều mối lo ngại, nhưng vì chúng sanh mà chẳng bỏ xa. Ấy là cái khó thứ tám.
Tất cả phiền não qua lần sống chết, khi bỏ mạng sống tâm chưa thanh tịnh, dầu chưa thanh tịnh nhưng không mất chánh niệm. Đây là cái khó thứ chín.
Chưa được tâm thanh tịnh nhưng có thể đem thân mình và những gì yêu mến nhất như vợ con, quyến thuộc cung cấp cho người. Đây là cái khó thứ mười.
Chúng sanh tâm tư khác biệt, cảnh giới rộng lớn chẳng đồng, có khi phải mềm mỏng, có khi phải hỷ xả. Ấy là cái khó thứ mười một.
Trọn không buông lung, chẳng dứt phiền não, ấy là cái khó thứ mười hai.
Đại Bồ Tát đối với chúng sanh, chẳng tạo điều khinh trọng.
Có lúc làm ra vẻ khinh thường, có lúc giả làm ra vẻ trịnh trọng, có khi chỉ nhìn cảnh tượng, có khi tâm phát mạnh dạn, khi thì lập nguyện, khi thì buông lung, hoặc tu trí tuệ, hoặc tu mềm mỏng, hoặc như quở trách, hoặc như bỏ rơi, hoặc siêng năng tinh tấn, hoặc bê trễ lười biếng, hoặc tạo ra phương tiện v.v...
Đại Bồ Tát lập sự học như thế, ở trong cảnh ngộ khó khăn mà làm người không lo rầu, hối hận, đã có thể tự bảo vệ lấy mình, lại làm lợi ích cho khắp tha nhân.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bổn Sư - Phẩm Ba - Phẩm Pháp Ba - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Mười - Phẩm độ Vua Ba Tư Nặc
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Mười Chín - Phẩm Không Phóng Dật
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Tại Sao Phật Không Giống Cha Mẹ?
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Năm Và Ba - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đông Phương Tối Thắng đăng Vương đà La Ni
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Mười Sáu - Kết Luận