Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Năm - Phẩm Nghĩa Chân Thật
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẨM NĂM
PHẨM NGHĨA CHÂN THẬT
Thế nào là nghĩa chân thật?
Nghĩa chân thật có hai:
Một là tánh các pháp.
Hai là sự bình đẳng của các pháp.
Lại có bốn thứ:
Một là sự lan rộng trong đời.
Hai là phương tiện lan rộng.
Ba là sạch phiền não chướng.
Bốn là sạch sở tri chướng.
Sao gọi là sự lan rộng trong đời?
Các pháp thế gian danh hiệu của nó đồng gọi như vậy.
Đất chẳng hạn, chúng sanh thấy đất bèn gọi là đất, chẳng gọi là lửa. Lửa gọi là lửa chẳng gọi là đất. Đến như nước, gió, màu sắc, tiếng tăm, mùi vị, xúc chạm, quần áo, ăn uống, đồ trang sức, chén bát, âm nhạc, sáng tối, trai gái, nhà cửa, ruộng đất, khổ, vui v.v…
Khổ rõ thật là khổ chẳng gọi là vui. Vui rõ thật là vui chẳng gọi là khổ. Tất cả người trong thế gian, từ nào những giờ truyền bá những tên, những tướng của các thứ này, tự nhiên mà biết, chẳng phải từ sự tu tập sau đó mới biết. Đây gọi là nghĩa chân thật về sự lan rộng trong đời.
Sao gọi là phương tiện lan rộng?
Như những người có trí biện thông, trước hết lấy sự trù tính, sau đó làm ra các sách luận lý. Đây gọi là phương tiện lan rộng.
Thế nào là sạch phiền não chướng?
Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác do trí vô lậu, đạo vô lậu phá hoại phiền não nên được trí vô ngại. Đây gọi là sạch phiền não chướng.
Thế nào là sạch sở tri chướng?
Do hoại phiền não chướng, cho nên trí được sáng sạch, trí tuệ sáng sạch nên thân tâm không ngăn ngại. Đây gọi là nghĩa chân thật sạch sở tri chướng.
Vì sao gọi là nghĩa chân thật?
Chân thật mệnh danh là bốn Thánh Đế: Khổ, tập, diệt, đạo.
Quán bốn Thánh Đế này được trí tuệ chân thật, bậc này gọi là Thanh Văn, Duyên Giác.
Thanh Văn, Duyên Giác quán từng phần năm ấm, do đó lìa ấm đều không thấy có ngã và ngã sở.
Quán từng phần nhân duyên, do đó lìa ấm, chẳng thấy chúng sanh hay sĩ phu.
Đây gọi là nghĩa chân thật sạch sở tri chướng.
Nếu trí chẳng thể biết đúng cảnh giới, gọi là trí chướng sở tri. Nếu có thể hoại chướng, biết đúng cảnh giới, gọi là nghĩa chân thật sạch sở tri chướng.
Lại nữa, nghĩa chân thật là: Chư Phật Bồ Tát quán sát một cách sâu thẳm về ấm, giới, nhập, quán ngã chẳng phải ngã, chúng sanh chẳng phải chúng sanh, sĩ phu chẳng phải sĩ phu. Đây gọi là sạch sở tri chướng.
Quán các pháp giới chẳng thể tuyên nói, rõ biết thế đế, cho nên phân biệt pháp giới, biết tánh chân thật các pháp, cho nên gọi là vô thắng huệ, vô thắng huệ phá hoại tất cả chướng, do đó gọi là nghĩa chân thật sạch sở tri chướng.
Nghĩa chân thật lại có hai:
Một là có.
Hai là không.
Có gọi là lan rộng trong đời, lan rộng trong đời là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đất, nước, lửa, gió, sắc, thanh, hương, vị, xúc, thiện, ác, vô ký, pháp sanh, pháp diệt, do duyên sanh pháp, quá khứ, vị lai, hiện tại, hữu vi, vô vi, đời này, đời khác, đêm, ngày, thấy, nghe, hiểu biết, sở đắc, giác quán, tu tập, thọ trì cho đến Niết Bàn. Đây gọi là có lan rộng trong đời.
Cái Có ra thế gian ấy, gọi là pháp tánh. Pháp tánh là cái không của cái có lan rộng trong đời. Từ sắc, thanh, hương cho đến Niết Bàn, tánh nó đều rỗng rang, thế nên gọi là là không. Vì chúng sanh thấy có nên gọi là có. Tánh các pháp rỗng rang, cho nên gọi đó là không.
Các Đức Như Lai nói có, nói không, gọi là chân thật, là trung đạo, chẳng phải có, chẳng phải không gọi là trung đạo. Trung đạo còn gọi là vô thượng đạo.
Lý trung đạo như thế, các Đức Như Lai diệt trừ chướng ngại, do đó gọi là đấng nhất thiết trí. Đại Bồ Tát tuy cũng học trung đạo trên đây, song còn có chướng ngại, thế nên chẳng được gọi là bậc nhất thiết trí. Trí tuệ của Bồ Tát là phương tiện trí, gọi là nhân của vô thượng bồ đề.
Tại sao thế?
Đại Bồ Tát tuy chẳng đủ trí tuệ trung đạo, nhưng nói về tướng sanh tử cũng có cũng không và cũng làm cho lan rộng Phật Pháp vô thượng.
Tuy ở trong sanh tử, vẫn có thể biết rõ tai họa của sanh tử mà tâm không chán, không hối. Như vị nào chẳng biết tai họa của sanh tử, tức vị đó chẳng thể phá hoại kết sử phiền não. Nếu tâm chán nản ắt không thể giáo hóa chúng sanh, hộ trì Phật Pháp để mau được Niết Bàn. Nếu được Niết Bàn cũng chẳng thể mau chứng vô thượng bồ đề.
Nếu không giáo hóa chúng sanh, làm sao chứng vô thượng bồ đề?
Do đó nếu Bồ Tát ở trong đường sanh tử tu đạo bồ đề, chẳng sợ Niết Bàn, chẳng cầu Niết Bàn. Nếu Bồ Tát sợ Niết Bàn, tức chẳng đầy đủ sự trang nghiêm đạo bồ đề, cũng chẳng hay vì vô lượng chúng sanh mà khen ngợi Niết Bàn. Đối với sở chứng Niết Bàn chẳng sanh lòng tin vui chuyên nhớ.
Bởi thế Bồ Tát đối với sở chứng Niết Bàn chẳng sanh tâm sợ sệt. Nếu Bồ Tát này cầu chứng Niết Bàn, tức có thể chứng được, như vị đó chứng được, ắt chẳng thành vô thượng bồ đề, để đem Phật Pháp giáo hóa chúng sanh.
Bồ Tát này nếu chẳng hay quán sát sâu xa tai họa sanh tử, hoặc sanh nhàm lìa, sợ sệt Niết Bàn hoặc cầu Niết Bàn, đó gọi là Bồ Tát không có phương tiện hay khéo.
Nếu Bồ Tát này quán sát sâu xa tai họa của sanh tử, thích ở trong đó, chẳng sợ Niết Bàn, chẳng cầu Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát có phương tiện hay khéo, phương tiện hay khéo là sự hiểu đệ nhất nghĩa không.
Đại Bồ Tát tu tập đệ nhất nghĩa không như thế, gọi là đại phương tiện của Thế Giới Bồ Tát, vì được trí vô thượng Như Lai vậy. Nếu có người tu tập giới Bồ Tát được trí chân thật, thấy biết các pháp là không ngã, không ngã sở, biết tánh các pháp, do đó đối với pháp, tâm không chỗ thấp.
Cũng nói được thế đế và đệ nhất nghĩa đế, thấy rõ các pháp mà tâm vẫn bình đẳng, luôn luôn đại thí, do nhân duyên đại thí nên khéo biết việc đời, tuy học việc đời nhưng tâm không chán đổi, rõ biết các việc và được sức trí nhớ. Dầu biết việc đời nhưng tâm không kiêu mạn, thường dạy dỗ chúng sanh, tâm không lẫn tiếc điều gì.
Dùng những phương tiện hay khéo chỉ bảo chúng sanh những việc ở đời, với mục đích làm cho chúng sanh được vô thượng bồ đề.
Bồ Tát đối với những việc thế gian cũng siêng lòng học tập, không chán, không đổi. Nếu thấy chúng sanh lúc phải chịu khổ, tâm bồ đề của Bồ Tát được nuôi lớn, Bồ Tát nuôi lớn pháp lành như vậy tâm không kiêu mạn, khởi lòng thương yêu đối với chúng sanh, Bồ Tát như thế thêm lớn trí tuệ, không sanh kiêu mạn, phá hỏng các quan niệm tà vạy của chúng sanh.
Nếu Bồ Tát được thiền định thế gian hay chánh định xuất thế, chẳng nêu đức mình để người cúng dường, chẳng bị pháp thế gian làm cho ô nhiễm.
Bấy giờ Bồ Tát thành tựu vô lượng công đức, gọi là giới Bồ Tát. Đại Bồ Tát có những công đức gì đều hồi hướng đạo bồ đề, đây gọi là giới Bồ Tát.
Chư Bồ Tát quá khứ được vô thượng bồ đề đều do thành tựu cấm giới Bồ Tát, vị lai và hiện tại cũng vậy. Đại Bồ Tát thọ trì các pháp của Chư Phật và Chư Bồ Tát ba đời, có thể đem Phật Pháp giáo hóa chúng sanh, dốc lòng tu hành đạo bồ đề, vì đạo bồ đề mà không tiếc thân mạng, không tiếc thân mạng là giới Bồ Tát.
Người tiếc thân mạng trọn không thể được giới cấm của Bồ Tát, đến như còn lẫn tiếc một vật đáng giá một tiền, cũng không thể được giới cấm của Bồ Tát.
Đại Bồ Tát vì chúng sanh mà thọ nhận hay chứa giữ tiền của, nếu đối với thân mạng, tài sản mà sanh tâm lẫn tiếc, như thế là Bồ Tát giả danh, chẳng phải đúng nghĩa Bồ Tát.
Nếu Bồ Tát luôn luôn không tiếc tài sản, thân mạng, nên biết vị này có thể lợi ích chúng sanh, có thể thực hành đức nhẫn, hủy bỏ tâm giận dỗi, ganh ghét, rõ biết việc đời, khéo biết phương tiện quyền biến, hay phá lòng nghi của chúng sanh, có thể tự mình tăng trưởng nhân quả bồ đề.
Chế ngự các giác quan, không bị bốn điều điên đảo khuynh động, có thể hiểu nghĩa sâu xa các pháp, có thể được bốn vô lượng tâm, thành tựu năm sức thần thông bốn vô ngại trí, cuối cùng có thể quán sát mười hai nhân duyên mãi đến địa vị cứu cánh Diệu Giác, được thân thường, lạc, ngã, tịnh, được đại tự tại của Niết Bàn vô thượng, khéo mở bày phương tiện của Niết Bàn v.v…
Đại Bồ Tát thành tựu vô lượng công đức như vậy, đều do nhân duyên giới cấm mà được. Đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ giới Bồ Tát, có thể làm người sai sử cho tất cả chúng sanh. Nếu bị chúng sanh giận tức đánh mắng, làm hại, Bồ Tát sanh lòng từ bi. Nếu gặp chúng sanh phiền não dày đặc nặng nề, Bồ Tát sanh lòng thương xót.
Vì muốn phá hoại phiền não của chúng sanh Bồ Tát nhiếp tâm tư duy phương tiện hay khéo. Đối với chúng sanh, tâm Bồ Tát không giận dỗi quanh co, mặc tình dùng tài năng thí thố, đem lại an vui cho khắp chúng sanh, chẳng cần báo đáp, chẳng màng sân hận.
Vì phá hoại tâm buồn giận của chúng sanh, Bồ Tát nghĩđến phương tiện biết ơn, nhớ ơn. Kẻ không cầu gì, Bồ Tát cũng khởi ý thí trước. Những gì mình có nếu chẳng cấp giúp cho kẻ đến xin, tức chẳng được giới cấm của Bồ Tát, người cầu xin đến ba lần mà không cấp giúp, gọi là phạm trọng.
Thế nào không phạm?
Hoặc dùng phương tiện khéo lời an ủi, làm cho người xin chẳng sanh lòng hiềm hận.
Người xin có hai hạng:
Một là hạng nghèo cùng.
Hai là hạng tà kiến.
Chẳng cấp thí cho kẻ nghèo cùng tức mắc phải tội, chẳng thí cho kẻ tà kiến, không gọi là phạm. Nếu không bị phạm gọi là khéo làm.
Bồ Tát khéo làm, biết rõ pháp giới chẳng thể tuyên nói, biết tánh pháp giới, biết luôn sự lan rộng thế gian. Sự lan rộng thế gian là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Niết Bàn. Sắc cho đến Niết Bàn chẳng gọi là chân thật.
Tại sao vậy?
Vì sắc đây chẳng phải có, chẳng phải không, cho đến Niết Bàn chẳng phải có chẳng phải không.
Nếu chẳng phải có chẳng phải không làm sao chân thật?
Thế nào là chẳng phải có?
Chúng sanh điên đảo kể sắc là ngã, cho đến Niết Bàn cũng kể ngang là ngã. Đó là chẳng phải có.
Thế nào là chẳng phải không?
Vì lan rộng thế gian, vì có thể tuyên nói. Đây gọi là chẳng phải không. Bởi hai nghĩa trên gọi là chẳng phải có chẳng phải không.
Như bất cứ pháp gì được nói ra, bảo rằng có ư?
Nếu có thì trong một pháp lẽ ra phải có vô lượng tên, vì vô lượng tên lẽ ra có vô lượng tánh.
Tại sao vậy?
Vì mỗi pháp có vô lượng tên.
Thế nào là vô lượng tên?
Như một pháp thuộc về sắc chẳng hạn, cũng nói là xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn, vuông, tròn, lớn, nhỏ, có thể thấy, không thể thấy, có rối, trơn, rít, nhẹ, nặng v.v… thế gọi là có thể nói.
Tùy sự nói, lẽ ra trong một pháp vô lượng tướng. Những gì có thể tuyên nói, thật sự không tánh nhất định, bởi lời lẽ mà lan rộng trong đời. Thật ra không có người nói hay sự nói, cũng như không có tánh chân thật.
Một pháp như vậy, tất cả pháp cũng như vậy. Như sắc cho đến Niết Bàn, nếu là có thật tánh, lẽ ra chẳng nói có xanh, vàng, đỏ, trắng, cho đến nhẹ nặng v.v…
Nếu không thật tánh thì khi chưa lan rộng, làm sao có thể truyền?
Cũng vì tánh cách lan rộng là có, tánh cách lan rộng này không ba đầu, khởi thỉ, do đó có thể lan rộng.
Nếu lúc chưa có sắc, đã có sự lan rộng, thì do nhân duyên gì lúc không có sắc lại chẳng lan rộng?
Như sự lan rộng ấy có thể làm tánh của sắc vì sao lan rộng mà không làm vô lượng tánh của sắc?
Thế nên pháp tánh chẳng thể tuyên nói. Như sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Niết Bàn cũng vậy. Có hai hạng người bị cách xa Phật Pháp, chẳng phải đệ tử Phật, mất hết Phật Pháp.
Một là hạng nói về sắc cho đến Niết Bàn, cho là có tánh chân thật.
Hai là hạng chẳng tin có tánh lan rộng trong đời.
Hai hạng người như thế chẳng kham lãnh thọ trì nổi giới cấm của Bồ Tát, như ai truyền trao, người thọ cũng không đắc giới, vị thầy truyền trao phải mắc tội lỗi.
Vì sao không đắc giới?
Vì chê bai pháp chân thật, chấp chặt điều phi pháp. Thế nên dầu có thọ, rốt cuộc không đắc giới.
Nếu không đắc giới, làm sao được gọi là đệ tử của Phật?
Vì thế gọi là hạng cách xa Phật Pháp. Giới Bồ Tát đây không phải ở miệng mà được. Tâm và miệng cùng hòa hợp, sau đó mới được. Hai hạng người nói trên không thật tâm làm sao có thể được giới.
Nếu đối với sắc mà sanh tâm hư vọng, so đo, chấp trước, thì đối với Phật Pháp sẽ bị mất mát lâu dài. Nếu đối với sắc mà chẳng tin sắc là sự lan rộng, đó cũng là bài báng tất cả pháp, người này cũng là vĩnh cửu mất mát Phật Pháp. Bởi vậy chẳng thể tuyên nói là có hay không.
Vì lẽ gì?
Như nhân năm Ấm mà có ta, người, chúng sanh, thọ mạng.
Nếu không năm Ấm, những danh từ như thế do đâu mà lan rộng?
Sắc cũng như vậy, bởi có sắc nên có các thứ danh từ lan rộng. Pháp chân thật không có lan rộng, lìa pháp chân thật cũng không lan rộng, người ngu si nói các pháp là ngoan không, sẽ mang tội rất lớn.
Người nào cho rằng trong các Kinh Đại Thừa nói các pháp trống không cũng mang tội lớn, chẳng thể hiểu đúng nghĩa lý Kinh Đại Thừa mà sanh tâm kiêu mạn bảo rằng ta hiểu đúng nghĩa, tùy tự tâm người đó vọng tưởng suy nghĩ, lại vì người khác nói ra, như thế cũng là mang tội lớn.
Nếu lại nói tất cả các pháp tánh là không, làm sao có sự lan rộng thế gian. Nói như vậy cũng là đắc tội rất lớn.
Tại sao vậy?
Vì chê bai tất cả pháp. Kẻ chê bai tất cả pháp là hạng ngoại đạo, như Phú Lan Na và đám đệ tử của y.
Phú Lan Na cho rằng: Tánh các pháp không là gì cả, nhưng trong Phật Pháp là cũng có cũng không.
Nếu người nào nói tất cả pháp là trống không, nên biết người đó nói không đúng nghĩa.
Đối với người đó chẳng nên cùng ở, cùng nói, cùng bố tát cùng thuyết giới, sẽ mang tội lớn.
Tại sao vậy?
Vì chẳng hiểu nghĩa không, người này chẳng thể tự lợi, lợi tha.
Bởi vậy Kinh Đại Thừa nói nếu chẳng hiểu nổi nghĩa không, còn thậm tệ hơn là kẻ si mê vì sao?
Kẻ si mê nói sắc là ngã, cho đến nói thức là ngã, người có chấp ngã chẳng làm bại hoại Phật Pháp, người chẳng hiểu nghĩa không mãi mãi làm hư hoại Phật Pháp, phá diệt làm cho mất mát Phật Pháp.
Người chấp ngã, không đến nỗi đọa ba đường ác. Người chẳng hiểu nghĩa Không lại vì kẻ khác nói rộng, nên biết kẻ đó quyết đến A tỳ. Người chấp ngã chẳng chê bai Tam Bảo, kẻ nói quấy trống không, ắt phỉ báng Tam Bảo.
Người nói có ngã chẳng dối gạt chúng sanh, chẳng chê thật tánh, chẳng phương hại pháp tánh, chẳng phương hại chúng sanh, được chứng quả giải thoát, chẳng dạy người khác hủy phạm giới cấm.
Kẻ chẳng hiểu nghĩa không, bài báng tất cả pháp, chẳng hiểu thật tánh, chẳng hiểu pháp danh, phương hại đến sự giải thoát, làm ác tri thức cho biết bao chúng sanh, tự họ chẳng giữ giới, còn dạy người khác hủy giới, thường ưa nói rằng: Không có người làm, không có người nhận, làm cho nhiều chúng sanh thêm lớn tội địa ngục. Bởi nghĩa đó gọi là xa lìa Phật Pháp vô thượng.
Thế nào là chẳng hiểu nghĩa không?
Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Nam Nữ Cư Sĩ, chẳng tin, nhận lấy cái không vô tri, chẳng hiểu về chân không chẳng hiểu về pháp. Đây gọi là chẳng hiểu nghĩa không.
Tại sao vậy?
Vì số kia nói rằng tất cả pháp bản tánh tự trống không cái không vô nhân duyên hoặc nói rằng tất cả pháp không xứ sở.
Nếu không xứ sở thì sao gọi là rỗng rang?
Đây gọi là chẳng hiểu nghĩa không.
Thế nào là chân thật hiểu nghĩa không?
Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Nam Nữ Cư Sĩ nói rằng: Trong tất cả pháp vì không có tánh, đó gọi là không, nhưng pháp cũng chẳng không phát biểu như đây gọi là hiểu nghĩa không. Hiểu như thế không hại gì đến nghĩa, chẳng chê bai Tam Bảo, gọi là hiểu đúng, không bị lầm lạc.
Thế nào là hiểu đúng?
Như Sắc chẳng hạn, nói sắc cho đến Niết Bàn, phân biệt không có tướng, tánh gọi là Sắc không. Do sắc chân thật lan rộng thế gian, gọi là bất không.
Bởi nghĩa này cho nên nói một pháp thuộc về sắc cũng là có, cũng là không.
Do hiểu hai nghĩa này cho nên pháp cũng là pháp cũng là không, đối trong nghĩa đây chẳng vọng sanh so đo vướng mắc. Đây gọi là chân thật hiểu nghĩa không.
Thế nên trong Kinh Đại Thừa có bài kệ:
Một pháp có nhiều tên
Trong pháp thật thì không
Vì không mất pháp tánh
Lan rộng nơi thế gian.
Như Sắc cho đến Niết Bàn có rất nhiều tên. Sắc lại không tự tánh, không tự tánh ắt không có nhiều tên. Có nhiều tên gọi là sự lan rộng.
Bởi nghĩa này mà trong Tạp Tạng nói: Các Đức Thế Tôn chẳng vướng mắc vào sự lan rộng, hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghĩ ngợi, hoặc xét biết!
Như tên của sắc cho đến Niết Bàn gọi là lan rộng. Chư Phật không nói có tánh lan rộng để sanh nhiễm mắc.
Vì sao?
Vì phá sự điên đảo. Có nhiễm mắc gọi là điên đảo. Như Lai đã dứt tất cả những ác kiến nên không còn nhiễm mắc.
Vì chẳng quan niệm, chẳng nói năng, chẳng nhiễm mắc cho nên gọi là chánh kiến.
Bởi Như Lai vì Tỳ Kheo Ca Chiên Diên mà nói như vậy: Ca Chiên Diên! Đệ tử Như Lai là người chẳng chấp, chẳng vướng mắc các định thuộc đất, nước, lửa, gió, không, thức. Không chấp định vô sở hữu xứ, định chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng.
Chẳng phải đời này, chẳng phải đời sau, chẳng phải ban ngày, chẳng phải ban đêm, chẳng phải thấy, chẳng phải nghe, chẳng phải nghĩ, chẳng phải lường, chẳng phải lấy, chẳng phải được, chẳng phải giác, chẳng phải quán… như thế mệnh danh là thiền định.
Tỳ Kheo chẳng chấp định về đất như thế nào?
Tỳ Kheo đối với đất chẳng khởi tướng đất cho đến giác quán cũng vậy, chẳng khởi tướng giác quán. Đây gọi là chẳng chấp định về đất, cho đến định về giác quán.
Nếu Tỳ Kheo nào có thể tu tập định như vậy tức được Chư Thiên Cõi Trời Phạm Vương, Đế Thích khen ngợi, được Chư Phật, Bồ Tát mười phương khen ngợi.
Chư Thiên đều nói: Nam Mô Đại Sĩ! Nam Mô Đại Sĩ!
Chúng tôi chẳng biết Ngài ở trong định nào, tu tập định nào?
Nếu có nhiễm sắc tướng đất, tên đất, nên biết người này chẳng mệnh danh là tu về không quán.
Nếu đối với sắc chẳng mắc vào danh, tướng, đây gọi là pháp tu quán không.
Vì sự lan rộng nên tuyên nói tướng đất và tên đất. Nếu chấp tướng và tên của sắc, gọi là tướng tăng trưởng.
Nếu diệt tướng và tên của sắc, gọi tướng buông xả, chẳng tăng chẳng xả gọi là trung đạo, tu tập hai thứ tướng như trên tức tướng tăng trưởng và buông xả, gọi là Tỳ Kheo tu tập về đất cho đến giác quán.
Nếu có Tỳ Kheo tu tập về định trung đạo này gọi là thật tướng.
Do thật tướng nên Tỳ Kheo đối với pháp, không có lời lẽ nói năng, vì tánh các pháp không thể nói, do đó Tỳkheo không chỗ ngôn thuyết.
Nếu tất cả pháp đều không thể nói, vì sao lại nói bất khả thuyết?
Nếu không nói làm sao được nghe?
Nếu chẳng nói, chẳng nghe, làm sao biết được tất cả pháp chẳng thể tuyên nói?
Do có thể biết cho nên nói ra để lan rộng khắp nơi.
Người ngu si chẳng hiểu chẳng biết sự lan rộng. Đối với các pháp, sanh ra tám thứ lầm lạc.
Thế nào là tám thứ lầm?
Một là lầm về tánh.
Hai là lầm về phân biệt.
Ba là lầm về nhóm.
Bốn là lầm về ngã.
Năm là lầm về ngã sở.
Sáu là lầm về ái.
Bảy là lầm chẳng ái.
Tám là lầm về chẳng ái, chẳng phải bất ái.
Trong tám sự lầm này, ba thứ đầu tánh, phân biệt, nhóm là cái lầm căn bản của tất cả. Chấp tánh, chấp tên, chẳng hiểu sự lan rộng, từ đó lần lượt sinh ra vô lượng sự lầm lạc.
Cái lầm về ngã và ngã sở, gọi chung là ngã kiến chấp ngã ngã kiến lại là căn bản của các chấp.
Hai thứ này từ kiêu mạn mà phát sanh, vì thế kiêu mạn là gốc của các chấp.
Ba cái lầm sau ái, chẳng ái, chẳng ái chẳng bất ái từ ba độc sanh ra.
Tám thứ này nhiếp tất cả kiết sử phiền não, làm cho chúng sanh xoay vần luân chuyển trong ba cõi.
Thế nào là cái lầm về tánh?
Nếu sắc, tưởng là sắc, cho đến nặng tưởng là nặng.
Đây gọi là cái lầm về tánh.
Thế nào là lầm về phân biệt?
Nếu phân biệt sắc là sắc hay chẳng phải sắc, là có thể thấy hay không thể thấy, là có đối hay không đối. Đây gọi là cái lầm về phân biệt.
Thế nào là cái lầm về nhóm?
Như nơi sắc thấy có ta, có người, chúng sanh, thọ mạng, nhà ở, bốn chúng, binh lính, tộc họ, y phục, ăn uống, hoa sen, ghe chở, cây cối, chất chứa v.v… trong mỗi cái như thế, mỗi cái là một tướng.
Đây gọi là cái lầm về nhóm.
Thế nào gọi là cái lầm về ngã và ngã sở?
Trong pháp hữu lậu mà bảo thủ cái ta và sở hữu của ta, trong vô lượng đời, luôn luôn sanh tâm chấp giữ, so đo về bản ngã và những gì thuộc bản ngã.
Đó gọi là cái lầm về ngã và ngã sở.
Thế nào là cái lầm về ái?
Đối với vật sạch sanh tâm yêu đắm.
Đó là cái lầm về ái.
Thế nào là cái lầm chẳng ái?
Đối với vật chẳng sạch, sanh tâm giận dỗi.
Đó là cái lầm chẳng ái.
Thế nào là cái lầm chẳng phải ái, chẳng phải bất ái?
Đối với tất cả các vật sạch hay chẳng sạch, sanh tâm tham giận.
Thế gọi là cái lầm chẳng phải ái, chẳng phải bất ái.
Như trên gọi là tám cái lầm.
Đại Bồ Tát làm sao có thể biết được tám thứ lầm này?
Nên suy xét bốn điều:
Một là suy về tên.
Hai là suy về vật.
Ba là suy về tánh.
Bốn là suy về phân biệt.
Thế nào là suy về tên?
Đại Bồ Tát chỉ gọi là tên là tên, mà không có quan niệm về tên của vật. Đây gọi là suy về tên.
Thế nào là suy về vật?
Chỉ biết vật là vật, ngoài ra chẳng phân biệt gì khác. Thế gọi là suy về vật.
Thế nào là suy về tánh?
Biết tên gọi là sự lan rộng. Đây gọi là suy về tánh.
Thế nào là suy về phân biệt?
Nơi tên chẳng quan niệm về vật. Nơi vật chẳng quan niệm về tên. Thế gọi là suy về phân biệt.
Đại Bồ Tát vì sao suy về tên gọi?
Vì để biết cái gọi là tên thật thế nên Bồ Tát suy xét về tên.
Bồ Tát quán kỹ: Nếu không tên của sắc, do đâu mà nói sắc. Nếu không nói đến sắc làm sao mà quán sắc. Nếu không quán sắc làm sao để được vô thượng bồ đề. Do đó Bồ Tát suy tầm biết tên.
Bồ Tát do gì suy tầm về tên?
Nếu như không vật, cái gì có tên gọi đây?
Nhưng cái tên để gọi này, chẳng phải là không thể nói, nếu không thể nói làm sao biết được tánh các pháp. Do đó Bồ Tát suy tầm về vật.
Bồ Tát do gì suy tầm về tánh?
Đại Bồ Tát biết về tánh của sắc, cho đến tánh của Niết Bàn. Biết sự lan rộng của sắc cho đến sự lan rộng của Niết Bàn.
Thế nào là biết về tánh của sắc?
Biết tánh của sắc đây như hình tượng trong gương, huyễn hoá không thật, như mộng ảo, như bóng, như vang, như tia lửa chớp, hay như ánh trăng dưới nước. Thế gọi là suy về tánh.
Bồ Tát do gì mà tầm về phân biệt?
Đại Bồ Tát hoặc phân biệt về tên, phân biệt về vật, phân biệt về tánh, phân biệt về pháp, phân biệt chẳng phải pháp, phân biệt là có, là không, là sắc, chẳng phải sắc, có thể quan niệm, không thể quan niệm v.v… đó gọi là phân biệt.
Do phân biệt nên được vô thượng bồ đề, vì thế Bồ Tát suy tầm về phân biệt. Đại Bồ Tát vì hoại diệt tám thứ lầm mà suy xét về bốn điều như trên.
Vì sao Bồ Tát hoại diệt tám thứ lầm này?
Vì nhân duyên tám thứ lầm làm tăng trưởng tà kiến. Tà kiến tăng nên phiền não càng thêm lớn. Phiền não thêm lớn sanh tử càng thêm lớn, mười hai nhân duyên càng thêm lớn.
Nếu Bồ Tát tu Bốn pháp như thế là trừ tà kiến. Tà kiến chấm dứt, các phiền não bị diệt, phiền não diệt nên sanh tử diệt, vì sanh tử diệt, mười hai nhân duyên diệt.
Rõ mười hai nhân duyên diệt cho nên tu đạo vô thượng, tu đạo vô thượng nên chứng vô thượng bồ đề. Chứng vô thượng bồ đề rồi, luôn luôn hoại diệt tám thứ mê lầm như trên của chúng sanh, luôn luôn giáo hóa chúng sanh rõ biết nghĩa lan rộng thế gian và thuyết minh nghĩa chân thật, hoặc trừ dứt những cái mê lầm như vậy của chúng sanh, mệnh danh là Đại Niết Bàn.
Vì hiện đời được sức đại tự tại, vì được thần thông lớn, vì được phương tiện lớn, vì được thiền định lớn, được nhất thiết trí rộng lớn, vì cầu được chẳng thoái, chẳng đọa, gọi là Đại Niết Bàn.
Đại Bồ Tát được sức tự tại, thành tựu năm điều:
Một là tâm được vắng lặng.
Hai là biết rõ việc thế, xuất thế gian.
Ba là vì chúng sanh mà ở nơi đường sanh tử nhưng tâm không buồn rầu.
Bốn là biết rõ ràng tạng pháp bí yếu sâu thẳm của Như Lai.
Năm là tâm bồ đề không thể nào hư hỏng.
Vì sao tâm của Bồ Tát vắng lặng?
Vì luôn luôn phá hoại phiền não của chúng sanh, nên tâm được vắng lặng.
Vì điều phục chúng sanh, làm cho chúng sanh được Phật Pháp, cho nên biết rõ sự việc thế xuất thế gian.
Vì làm cho chúng sanh được căn tánh lanh lợi, cho nên thích ở trong sanh tử mà tâm không buồn rầu.
Vì thọ trì giải nói nghĩa thậm thâm bí mật của Như Lai, để phá nghi tâm của những kẻ xấu ác muốn hoại diệt Phật Pháp, muốn làm ô nhục Phật Pháp, phạm nói không phạm, pháp nói phi pháp, nhận chứa tám vật bất tịnh v.v…
Dầu biết nghĩa lý vi tế trong các sách luận lý ngoại đạo mà không bị hư hỏng tâm bồ đề. Năm điều trên đây nhiếp lấy sự nghiệp bồ đề của Bồ Tát, cũng gọi là năm công đức.
Những gì gọi là sự nghiệp bồ đề?
Vì có sự tự tại, điều phục chúng sanh, thọ trì Phật Pháp, chẳng phá cấm giới của Bồ Tát, tu học tâm bồ đề không nghiêng ngả, siêng tu tinh tấn, phá hoại tà kiến v.v… và thuyết minh về tam thừa.
Bồ Tát thành tựu năm sự như trên, gồm có ba hạng: Thượng, trung, hạ.
Đầy đủ hai thứ gọi là bậc hạ.
Đầy đủ ba thứ gọi là bậc trung.
Đầy đủ bốn thứ gọi là bậc thượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tôn đà Lợi - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hữu Thân - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Cang đỉnh Siêu Thắng Tam Giới Thuyết Văn Thù Ngũ Tự Chơn Ngôn Thắng Tướng
Phật Thuyết Kinh Nhập định Bất định ấn - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Ngạ Quỷ Báo ứng
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Sáu - Pháp Hội Vô Ngôn Bồ Tát - Phần Một