Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Mười
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MỘT
PHẨM VÔ THƯỜNG
TẬP MƯỜI
Nhân sự việc ấy, Đức Phật tìm hiểu tận ngọn nguồn, làm ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên ở trước đại chúng, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Chẳng nhờ được con
Chẳng nhờ cha anh
Bị chết bức ngặt
Chẳng nhờ được ai.
Hàng tứ chúng nghe Đức Phật nói xong, vui mừng làm lễ rồi lui.
Điều đúng nên làm đúng
Làm đúng việc thành đúng
Mọi người tự mệt nhọc
Nào hay già chết đến.
Đói khát thiếu nước uống
Như nai khát chạy quàng
Bị thợ săn bắn trúng
Không nghĩ dứt ái dục.
Không tìm phương tiện hay
Phân tích thân hình này
Già chết bỗng chợt đến
Không đến được Niết Bàn.
Tất cả chúng sinh ý chí và hành động khác nhau, việc làm cũng khác nhau, nên việc tu căn lành cũng không đáng nói. Nhiều người chăm lo chuyện bên ngoài, không lo nội pháp, không lo mình sẽ chết, cứ tưởng ta sống hoài.
Ngày xưa, ở nước Kế Tân có hai anh em nọ, một người xuất gia tu chứng quả A La Hán, một người ở nhà trông coi gia nghiệp.
Bấy giờ, người anh thường tới nhà em khuyên lơn, dạy bảo rằng: Em nên bố thí, giữ giới, làm các việc lành, còn sống thì được tiếng khen, sau khi chết thì sinh vào cõi tốt đẹp.
Người em đáp: Anh đã bỏ nhà làm Đạo Sĩ, không lo việc quan, không nghĩ đến cha mẹ, vợ con, cũng không nghĩ đến tài sản gia nghiệp. Nếu như bị mắng nhiếc làm nhục cũng không buồn rầu. Khi có chuyện vui sướng thì cũng không mừng rỡ.
Người anh nhiều lần khuyên lơn dạy bảo, nhưng người em vẫn không nghe lời. Về sau, người em mắc bệnh chết bất ngờ, bị đọa làm trâu, bị chủ bắt chở muối vào Thành.
Lúc ấy người anh là A La Hán từ trong thành đi ra, liền đến bên con trâu mà nói kệ:
Chở mang rất nặng nhọc
Bước đi không biếng nhác
Bị người đánh sai khiến
Ngày nay bị khốn khổ.
Xỏ mũi cột dây dàm
Lưng ung nhọt ghẻ lở
Bị ruồi nhặng bu chích
Ngày nay bị khốn khổ.
Ăn toàn là cỏ úa
Uống nước mưa đọng sình
Roi vọt chẳng rời mình
Ngày nay bị khốn khổ.
Đã làm thân súc sanh
Phương cách nào thoát ra?
Vậy hãy chuyên tâm niệm
Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Nghe bài kệ ấy, con trâu buồn bã không vui.
Người chủ liền hỏi Đạo Nhân: Ông nói gì mà khiến trâu tôi buồn bã như thế?
Đạo Nhân thưa: Con trâu này vốn là em tôi.
Nghe vậy, người chủ trâu thưa với Đạo Sĩ: Em Ngài, xưa kia là chỗ rất thân thiết với tôi.
Đạo Nhân nói: Ngày xưa em tôi còn mắc nợ của ông một đồng tiền muối.
Bấy giờ, người chủ trâu bảo trâu: Giờ đây, ta thả người, ngươi không còn phải làm việc cho ta nữa.
Lúc đó con trâu liền nhảy xuống vực sâu, dốc lòng nghĩ đến Phật, sau khi chết nó được sinh lên Cõi Trời. Có những chúng sinh mê luyến cõi đời, đắm say của cải, không biết làm lành, nên sau khi chết đọa vào loài ngạ quỷ. Có những người xuất gia học đạo, cắt đứt ân ái, bỏ tám việc ở đời, tu tâm thanh tịnh.
Giống như câu chuyện về Thái Tử và cô gái dòng Chiên Đà La. Cô đeo chuỗi anh lạc, nhan sắc xinh đẹp như gái Trời.
Nhìn qua, Thái Tử muốn cưới làm vợ, nhưng Vua cha bảo: Theo luật pháp triều đình thì không được cưới người giai cấp khác, không được kết hôn với dân thường, luôn phải kết hôn với hàng Trưởng Giả, Cư Sĩ.
Thái Tử thưa với Vua cha: Nếu không cưới được cô gái ấy thì con sẽ tự sát, không thể sống trên cuộc đời này nữa.
Nghe lời đó, giống như đang ăn mà bị mắc nghẹn, nuốt vào không được mà nhả ra cũng không xong, Vua liền cho người đến nhà cô gái Chiên Đà La, nói với cha mẹ cô ta: Các người phải gả con gái cho Thái Tử.
Bà mẹ cô gái nói: Nếu Thái Tử bằng lòng theo thói quen của giai cấp chúng tôi là sát sinh thì tôi mới bằng lòng gả con gái cho.
Sứ giả về tâu, Vua bèn bảo Thái Tử: Con phải làm việc sát sinh, bỏ cách sống hoàng gia mà sống theo thường dân.
Vì sao lại phải sát sinh để cưới được cô gái ấy?
Thái Tử thưa: Khi tâm đã tham muốn thì làm việc sát sinh không khó.
Thái Tử liền bỏ hoàng cung mà đến nhà sát sinh để xin cưới cô gái. Thái Tử phải làm những công việc nạng nhọc như đốn củi, hái rau, mang gùi, quét dọn. Cứ làm thế trải qua thời gian khá lâu.
Một lần, vị quan đại thần bậc nhất ra khỏi Thành, trông thấy Thái Tử, ông hỏi: Thái Tử đã cưới được cô gái ấy chưa?
Thái Tử trả lời: Bận rộn nhiều công việc, nên tôi quên mất cô gái, không còn nhớ nữa.
Quan đại thần lại hỏi: Xâu chuỗi ngọc anh lạc thơm ấy hiện giờ ở đâu?
Thái Tử trả lời: Tôi cũng quên mất, chẳng nhớ nó ở đâu.
Quan đại thần thưa Thái Tử: Chẳng những không cưới được vợ, cũng không được xâu chuỗi ngọc, lại mất cả ngôi Vua, không đạt kết quả gì, giờ phải làm sao đây?
Nghe vậy, Thái Tử rơi lệ, buồn bã không vui. Câu chuyện ngụ ngôn này, kể cho mọi người nghe ắt có lợi ích lâu dài.
Còn có Thái Tử, Trưởng Giả, Cư Sĩ xuất gia học đạo, làm các công đức, mong cầu chứng quả A La Hán, ngỡ mình ra khỏi mọi trói buộc ở đời, sống trong cõi dục mà vẫn không dính mắc vào dục, giải thoát kia đây, phân biệt vô minh trí tuệ giải thoát vô ngại, giải thoát thành tựu được thật nghĩa cao quý.
Cha mẹ, anh em thường chê trách người xuất gia.
Họ nói: Trong loài người hèn kém nhất thì không gì hơn kẻ xuất gia.
Đến từng nhà xin ăn cho đó là việc bình thường.
Bị mọi người chế nhạo cười chê, đâu có gì đáng vui?
Có lẽ người ta đã dùng bùa chú biến ngươi thành kẻ ăn xin, chi bằng làm người tại gia mà hưởng thú vui năm dục.
Ta lập đàn bố thí cầu phước không mệt mỏi, cung cấp cả tương lai, quá khứ và hiện tại, ban phát cho người nghèo cùng thấp kém, cúng dường cho các bậc Sa Môn, Bà La Môn, lữ khách đi xa. Bốn thứ cúng dường là y phục, thức uống ăn, giường nằm, thuốc men, ai cần áo mặc cho áo mặc, ai cần cơm ăn cho cơm ăn. Hương xông, tràng hoa, khăn tay, sáu món thường dùng trong nhà, đều cung cấp đầy đủ.
Xuất gia rất cực khổ?
Bấy giờ, những người học đạo bèn nói với bà con họ hàng: Ý chí chúng tôi là muốn học đạo, không thích sống đời tại gia bị ràng buộc vào mọi chuyện đời.
Bà con họ hàng bèn bảo: Nếu không ưa thích cuộc sống thế tục thì cứ việc xuất gia.
Rồi những người này bỏ nhà đi học đạo, nhưng họ lại học tập những điều không cốt yếu, không tu hành giáo theo chánh nghiệp, trải thời gian dài, bà con họ hàng đến thăm bèn hỏi: Quý vị đã chứng quả A La Hán chưa?
Các Đạo Nhân thưa: Từ khi học đạo đến giờ, nay chúng tôi mới nghe danh từ A La Hán.
Người bà con lại hỏi: Lìa bỏ ái dục, không chấp ngã chấp pháp, dứt bỏ vô minh, trí tuệ giải thoát, giải thoát vô ngại, thành tựu được thật nghĩa cao quý, những pháp đầy đủ vừa kể, các vị đạt tới hay chưa?
Các Đạo Nhân đáp: Các pháp như thế, chúng tôi chưa đạt được.
Tên các pháp ấy chúng tôi còn không biết huống gì là thực hành?
Bà con họ hàng cùng hỏi: Tại sao các vị đã bỏ nhà, bỏ tài sản, bỏ cả bà con họ hàng, bỏ cả ân ái để đi xuất gia, nhưng lại tu học những pháp không phải chánh pháp, không khác gì người thế tục?
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết thấy những lời đối đáp qua lại giữa những Đạo Sĩ và bà con họ hàng. Ngài biết những Đạo Sĩ kia học pháp tà, không tu theo chánh lý. Muốn đến giáo hóa họ, Ngài liền hiện đạo lực.
Đức Phật nhân việc ấy, muốn tìm tới ngọn ngành, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Đức Thế Tôn ở trước hội chúng, nói bài kệ:
Điều đúng nên làm đúng
Làm đúng việc thành đúng
Mọi người tự mệt nhọc
Nào hay già chết đến.
Lúc bấy giờ Tôn Giả Mã Thanh lại nói bài kệ:
Tắm gội trau chuốt thân
Ngu khờ không tu thiện
Cái chết bỗng nhiên đến
Như mẹ bồng con chết.
Người ta sống hơn thua, tranh nhau phải, trái, cứ làm theo thói tà, không thuận theo chánh pháp.
Xưa, có hai vợ chồng nọ, chàng trai thì khôi ngô, nàng thì xinh đẹp, đủ các tướng tốt đẹp, các căn đều vắng lặng. Họ cùng kính yêu chiều chuộng nhau, không hề thỏa mãn.
Như lời Kinh chép thì: Hai vợ chồng bỗng nhiên bị mù mắt, không còn trông thấy nữa.
Hai vợ chồng càng quyến luyến nhau sợ bị người lừa gạt. Chồng sợ mất vợ, vợ sợ mất chồng. Cả hai cùng ngồi bên nhau canh chừng cho nhau không rời xa giây lát. Lúc ấy bà con họ hàng đi khắp nơi tìm thầy về chữa bệnh cho họ. Thời gian sau, cả hai được sáng mắt ra.
Chồng thấy nhan sắc vợ thay đổi, không giống như xưa, liền lên tiếng hỏi: Ai đã làm thay đổi vợ tôi?
Trong khi đó, vợ thấy dung mạo chồng thay đổi, không giống như xưa, cũng lên tiếng hỏi: Ai đã làm thay đổi chồng tôi?
Bà con họ hàng bèn giải thích: Dung mạo thời trẻ trung đổi thay trong từng ngày, khi ốm, sức tàn, da dùn, mặt nhăn, mỗi ngày mỗi khác.
Thân hình đã già nua mà mong thấy lại sắc trẻ thiếu niên thì khác gì dùi nước đá mong lấy lửa, chẳng là sai lầm lắm ư?
Sao hai người cứ kêu khóc mà không nhận ra nhau như thế?
Soi vào gương thì thấy dung nhan thay đổi.
Than ôi! Già đến nơi, sắc đẹp không dừng lâu. Oai dung tuyệt vời thì một mai đã khác. Không biết mà cứ lo lắng buồn rầu chỉ càng thêm khổ.
Nhân việc này mà Tôn Giả Đàm Ma Dã Thế Lợi nói bài tụng rằng:
Giống như người ngủ mê
Trộm khoét tường lấy của
Của tiền mất nào biết
Biết rồi, tìm khắp nơi.
Ngu, ít học buông lung
Tự trầm trong ao tối
Không thấy trộm, mất của
Chống giặc già, không đức.
Cho nên nói: Quen theo thói tà, trái đạo, mất pháp, bất chợt già chết đến.
Bấy giờ, mọi người nghe lời ấy đều vui mừng ra về.
Cho nên tu thiền định
Hết sinh, không nhiệt não
Tỳ Kheo chán ma quân
Từ đó, thoát sinh tử.
Như Lai nói về: Vô thường biến đổi, các Tỳ Kheo nghe đều chán ngán muốn lìa bỏ thân này, vì nó là gốc để gìn giữ các nhập.
Đức Thế Tôn dạy bảo truyền trao chánh nghiệp, tu tập chánh pháp, hoặc khi ở gò mả, dưới gốc cây, hay khi kinh hành ở chỗ trống, ngồi thiền tu định, chớ nên biếng trễ. Bây giờ không siêng năng, về sau ăn năn vô ích. Đó là giới cấm của Tỳ Kheo.
Cho nên nói rằng:
Cho nên tu thiền định
Hết sinh, không nhiệt não.
Từ sáng sớm, giữa trưa, chiều tối, đầu hôm, nửa đêm, gần sáng, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo khi đi, đứng, nằm, ngồi, tới, lui, ngủ, thức, phải luôn nhớ nghĩ thực hành tam muội không xen hở.
Hết sinh, không nhiệt não nghĩa là thân, miệng, ý không nong bức, không bị lửa kết sử thiêu đốt, tinh tấn, mạnh mẽ.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Đầu bị cháy, áo bị cháy phải đề phòng ra sao?
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Cứu đầu, giữ áo là đề phòng.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Không đúng. Như Lai nói là phải nhìn kỹ đầu và áo. Lại còn phải tìm cách dùng pháp lành để dứt bỏ pháp ác, phải dụng ý cho bền chắc. Đối với pháp lành, hoàn toàn không nên vượt qua đầu mối.
Hết sinh, không nhiệt não: Sinh là tiếp tục còn đời sống, già, bệnh, chết vẫn còn sinh. Buồn rầu, khổ não, qua lại đều có sinh.
Nên khi Phật nói phẩm vô thường thì Tôn Giả A Nan liền nói bài tụng:
Ta nghe việc thuở nọ
Như Lai nói xuất diệu
Chúng sinh còn tăm tối
Dùng lòng thương cứu giúp.
Nói vô thường thì bản thân câu nói, ý vị câu nói, câu văn nói, nghĩa của câu nói phải đầy đủ thì miệng nói mới không lầm lỗi.
Câu nghe một thuở nọ: Tôi thấm trì đều hết, có khả năng phân biệt tất cả. Chính từ mạng sống có thân hình mà chịu bao hoạn nạn. Tôi nghe Đức Phật nói sự việc một thuở nọ, như thế chuyên tâm không rối loạn, cũng không có ý niệm nào khác xen vào. Tìm cầu pháp lành căn bản để chỉ bày con đường cho chúng sinh ngu tối.
Chúng sinh ở trên đời này giống như người bị mù bẩm sinh không có mắt thì mở mắt cho họ được thấy, dùng tâm đại từ nhổ sạch gốc khổ cho họ. Coi chúng sinh như cha mẹ, giảng nói ý nghĩa trên.
Phải hiểu cú nghĩa sâu
Khéo trau dồi đạo đức
Mới dứt được các khổ
Đạt tới chỗ vô dư.
Hoặc lấy nghĩa lý câu văn mà dứt bỏ kết sử, không lấy ý vị cũng như nguyên câu văn.
Trong Kinh Phật cũng nói: Không tu tập vô lậu thì sao gọi là đúng chánh pháp, vô kết, trừ lậu, không sinh mà nói là sinh. Đó không phải Kinh Phật, hoặc tụng Kinh Phật mà không dứt bỏ kết sử.
Cho nên Đức Thế Tôn nói: Phải hiểu cho sâu ý nghĩa câu văn.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả La Vân đến chỗ Đức Phật, lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, xin Như Lai nói pháp cho con nghe để dứt bỏ tâm hữu lậu mà mau chóng được giải thoát.
Đức Thế Tôn bảo La Vân: Thầy hãy suy nghĩ các bài về nhân duyên tạp, sau đó tụng, tụng xong hãy trở lại chỗ Như Lai.
Sau khi tụng nhân duyên tạp tụng một cách nhuần nhuyễn, La Vân liền đến chỗ Phật, bạch với Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, con đã tụng Nhân Duyên Tạp Tụng, nhưng tâm hữu lậu chưa giải thoát.
Đức Phật bảo La Vân: Thầy nên tụng Ngũ Thạnh Ấm Tạp Tụng.
Vâng lời ấy, La Vân liền tụng Ngũ Thạnh Ấm.
Lại nhân lúc khác, La Vân đến chỗ Đức Phật, bạch Phật: Con tụng Ngũ Thạnh Ấm xong, nhưng tâm hữu lậu chưa giải thoát.
Đức Phật bảo La Vân: Ngươi hãy tụng Lục Cánh Lạc Tạp Tụng.
Vâng lời dạy, La Vân tụng Lục Cánh Lạc.
Thừa thì giờ, La Vân lại đến chỗ Đức Phật bạch Phật: Con đã tụng Lục Cánh Lạc, nhưng tâm hữu lậu chưa giải thoát.
Bấy giờ Đức Phật bảo La Vân: Thầy phải quán xét ý nghĩa của nó.
Vâng lời dạy ấy, La Vân tự mình suy nghĩ rõ ràng ý nghĩa ấy, dần dần dứt hẳn kết sử, chứng quả A La Hán. Ấy là nhờ phân biệt ý nghĩa, cho nên vượt thứ bậc mà chứng quả, dứt hữu lậu thành vô lậu.
Do thế Tôn Giả A Nan nói: Nhờ hiểu sâu sắc ý nghĩa của câu, khéo trau dồi đạo đức, dùng chánh đạo cắt đứt kết sử, dứt bỏ bảy sử trói buộc, hết hẳn không còn sót, ấy gọi là Niết Bàn. Diệt hết, không còn sinh diệt, không còn dính mắc, dứt bỏ, được an ổn vui sướng.
Cho nên nói khéo trau dồi đạo đức mới dứt các nỗi khổ. Khổ là khổ về sinh, về già, về bệnh, về chết, về thương yêu phải chia lìa, về oán ghét mà phải gặp nhau… được đến chỗ vô dư, vô dư là nghĩa bậc nhất, vô thượng, không có lỗi lầm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Chánh Tri Kiến - Phần Mười Năm - Hành
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện Con Rắn
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Chín - Phẩm Khen Ngợi Thanh Tịnh - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Bốn