Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Pháp Trụ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU
THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU
THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI NĂM
PHẨM PHÁP TRỤ
Bấy giờ, thấy chúng hội tịch nhiên thanh tịnh, thuần nhất không tạp loạn, Thế Tôn đưa lưỡi dài rộng liếm đến hai tai, phóng ánh sáng lớn lên đến vô lượng A tăng kỳ cõi. Thấy ánh sáng, chúng hội rất vui mừng khôn xiết, ca ngợi chưa từng có.
Khi ấy, Thế Tôn thâu ánh sáng lại và nói với Đại Bồ Tát Di Lặc: Từ vô số kiếp đến nay, thân khẩu ý của ta thanh tịnh, không có vết dơ, được quả báo ánh sáng thật tướng này. Đây là do không nói dối.
Phật lại dạy Đại Bồ Tát Di Lặc: Nay ta giao phó Kinh Điển Bồ Tát Thai Hóa này cho ông. Ông hãy tuyên giảng, lưu bố rộng rãi.
Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đọc tụng Kinh này, đem hương hoa cúng dường, nào hương vụn, hương bột, the lụa, tràng phan, bảo cái, ca xướng âm nhạc… thì công đức này rất nhiều, rất nhiều.
Nếu có thiện nam, thiện nữ không thể rốt ráo sáng chiều đọc tụng, dù chỉ khoảng trong chốc lát tâm nghĩ nhớ đến Kinh này thù công đức phước ấy không thể tính kể.
Vì sao?
Vì Thai Kinh này là cha mẹ của Chư Phật, là đứng đầu trong các Kinh. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại cần y theo trong mẫu Thai Kinh mà giáo hóa cứu độ chúng sanh quá hơn sắc thân trăm lần, ngàn lần, ức vạn lần cũng không thể tính kể được.
Phật lại dạy Đại Bồ Tát Di Lặc: Nếu có thiện nam, thiện nữ nào lễ bái cúng dường Kinh Điển này, muốn được diện kiến Chư Phật mười phương, nên nhất tâm quy mạng, không có tư tưởng nào khác, thì lập tức được thấy Chư Phật mười phương.
Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát đại thệ nguyện: Con muốn làm cho địa ngục được chấm dứt, ngạ quỷ, súc sanh không còn bệnh phiền não, rồi nhất tâm quy mạng đọc tụng Kinh này thì các chúng sanh khổ não ấy đều được giải thoát.
Phật dạy Đại Bồ Tát Di Lặc: Duyên ta nay đã tận, không còn giáo hóa được nữa.
Kinh này được lưu giữ ngàn năm, đến hai ngàn năm hoặc ba ngàn năm rồi phân làm ba phần: Một phần giao cho A Nan, đệ tử mà ta để lại giáo hóa. Một phần giao cho Nan Đà Ưu Bát La Long Vương. Phần còn lại, Di Lặc cùng ta giảng nói để cho tất cả chúng sanh đều được nghe biết, không được để gián đoạn.
Này Di Lặc! Khi ông làm Phật, ông nên giảng nói rộng rãi Kinh này. Chúng sanh mười phương thiên hạ, cho đến loài côn trùng, loài người đều nhờ Kinh này mà được giải thoát.
Này Di Lặc! Sau khi ông Bát Niết Bàn, Kinh này lưu bố trên đời hai mươi mốt kiếp, sau đó mới đoạn mất.
Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đọc tụng Kinh này, tâm không tán loạn, phát đại thệ nguyện: Muốn cho chúng sanh đều đồng một thệ nguyện như ta, đồng thời đều sanh vào nước thanh tịnh, phụng thờ Lễ Kính Chư Phật Thế Tôn thì đạt được nguyện này, không bị trở ngại.
Phật dạy Bồ Tát Di Lặc: Ông nên vâng giữ giáo pháp của ta. Hãy nghĩ đến ân Phật. Ai muốn báo đáp ân Phật thì phải nhất tâm phụng trì cúng dường Kinh Thai Hóa, công đức phước lợi này không thể nào nói hết được.
Vì sao?
Vì Kinh Thai Hóa này là kho báu của các pháp, được Chư Phật ấn chứng. Chỉ có Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn mới có thể khai phát ấn phong này để thị hiện cho chúng sanh.
Này Di Lặc! Ông nên biết rằng: Những gì mà ta nói trước sau đều ở trong Kinh thâm sâu tam muội tổng trì, nếu ông quên một chữ, một câu thì tội này còn nhẹ. Còn như với Kinh này mà quên một câu, một chữ thì tội ấy rất nặng.
Vì sao?
Vì Kinh này là cha mẹ của Chư Phật Thế Tôn. Sau khi Thế Tôn nói xong, khắp mặt đất chấn động sáu cách.
Các Bồ Tát trong hội nói với nhau: Thích Ca Văn Phật lìa pháp tánh không lâu đâu. Chắc chắn sẽ hiện sắc tướng trở lại như cũ. Khi ấy trong chúng hội có tám mươi bốn ức chúng sanh đều phát tâm vô thượng, trụ Bất thối chuyển.
Các Bồ Tát bỗng nhiên biến mất và đều lìa thai hóa, cúng dường Kim Quan Xá Lợi của Thích Ca Văn Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ương Quật Ma La - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Sáu - Nhân Duyên Sanh
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bánh Xe - Phần Năm - Vassakàr
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Niệm Tử Tướng
Phật Thuyết Kinh Bát đại Nhân Giác
Phật Thuyết Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Chư Pháp Bổn