Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Bốn - Phẩm Phật Thọ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU
THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU
THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BỐN
PHẨM PHẬT THỌ
Sắp nhập vào cảnh giới Niết Bàn Vô Dư, Đức Thế Tôn cho nhóm họp các Bồ Tát có thần thông, đức lớn và dùng thần thông biến hóa, giảng nói pháp không thể nghĩ bàn: Ta có thể biến hóa làm cây bảy báu vượt qua sông dài này. Người nào bị chìm đắm trong sinh tử thì được giải thoát. Rồi liền nhập vào định Lưu ly, tam muội vô hình.
Về phương Đông, cách Cõi Ta Bà này sáu mươi bốn ức hà sa cõi, ta biến hóa cây bảy báu đầy khắp trong đó. Thân, nhánh, cành, lá, quả trên các cây báu ấy đều có cung điện bảy báu.
Mỗi cung điện có một Đức Phật. Chư Phật đều giảng nói bốn pháp vô thường. Đằng sau có vườn và ao với nhiều loài chim tụ tập, dạo chơi trong vườn ấy, thật hoan lạc không gì tả nổi.
Trong ao mọc hoa sen Ưu Bát, hoa Tu Càn Đề, hoa Mạt Càn Đề. Trên bờ có hoa Chiêm Bặc, hoa Tu Mạn La với mùi hương ngưu đầu Chiên Đàn, hương vụn. Cờ phướn, lụa Trời treo đầy Hư Không.
Khi ấy, Vua thần gió tên Tùy Ý phóng gió đại hương thổi lá cây bảy báu đưa qua đưa lại, mềm mại dịu dàng, làm lay động cành lá chạm vào nhau phát ra tám loại âm vang. Kỳ lạ nữa là phóng ra ánh sáng lớn. Tám loại âm thanh của Như Lai là nhằm độ người chưa độ.
Ai thấy điềm ứng ấy liền nói: Xưa kia ta không nghe như thế và cũng không thấy tướng sinh diệt vô thường, đâu phải là huyễn hóa chăng?
Bấy giờ, trong cung điện trên cây bảy báu, Chư Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác phát ra âm thanh lớn, xiển dương pháp không thể nghĩ bàn khó có, giảng nói trong Bát Địa làm trang nghiêm các Cõi Phật.
Giống như có người thích nhìn nước của biển cả, cách biển một trăm do tuần không thấy các cây cối đâu cả, gặp được một sông lớn liền nếm vào thì biết biển còn xa.
Khi ấy, tự mình làm phương tiện để qua biển. Đến lúc không còn thấy hình tướng, niệm định như hư không thì mới đến bờ biển.
Dùng tâm vô úy để tự trang nghiêm thân và nói: Lành thay Đại Thánh, những gì con mong muốn nay đã đạt được, thật là sung sướng vui mừng không mệt mỏi.
Ngay khi ấy, người này xả bỏ hết những gì trong cuộc sống để vào biển. Những ước nguyện xưa đều hiện ra trước mặt.
Đại Bồ Tát cũng vậy, dứt bỏ nhất trụ để lên đến địa lục trụ, dẹp trừ các kiết sử cho chúng sinh, không còn vướng lại một chút nào cả.
Nay ta thành Phật, tất nhiên không nghi ngờ. Đó gọi là ở trong thai Đại Bồ Tát trang nghiêm cây giác ngộ.
Lại nữa, Đại Bồ Tát tự mình muốn thân tướng trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai tướng chân thật của đại nhân không.
Từ đỉnh đầu xuống đến chân, chân có ngàn bánh xe, mỗi bánh xe có ngàn căm hoa, mỗi căm hoa có ngàn tướng, mỗi tướng có sáu độ vô cực tạo thành. Không thấy đảnh tướng tức là phá núi kiêu mạn, đắc thành tướng nhục kế.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta đã được quả báo không phạm dâm dục nên được tướng mã âm tàng.
Tướng mã âm tàng có công năng phá trừ các tà kiến và phóng tướng ánh sáng khắp hằng hà sa cõi trong mười phương, mỗi ánh sáng đều có hóa Phật, mỗi hóa Phật đều ngồi nơi tòa cao bảy báu phát ra âm thanh diễn nói sáu Độ Vô Cực như pháp mà chư Như Lai thường nói là khổ, tập, diệt, đạo, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ Ba la mật, dùng phương tiện thiện xảo làm cho hiểu rõ các pháp:
Không không, đại không, vô lượng không, nội không, ngoại không, tối không, hành không, tướng không, báo không, diệt tam tai không, tam minh báo không, tam tuệ không, tam đạt không, tam đẳng không, tam thế không, ba phần pháp thân không, ba cõi tịch tĩnh không.
Quá khứ, hiện tại và vị lai không. Đó là tướng quả báo do không dâm dục của Đại Bồ Tát.
Từ A tăng kỳ kiếp đến nay, ta luôn tu miệng thanh tịnh, không đến người kia nói chuyện người này, không đến người này nói chuyện người kia, nên đắc tướng lưỡi dãi rộng biến khắp A tăng kỳ Hằng hà sa cõi trong mười phương, phóng ánh sáng từ tướng lưỡi, mỗi ánh sáng đều có hóa Phật, mỗi hóa Phật đều ngồi trên tòa bảy báu dùng âm thanh thanh tịnh diễn nói vô lượng khẩu hành.
Do nghiệp báo thanh tịnh chân thật tạo ra nên thành tựu bốn vô úy, hiểu rõ các pháp không đến, không đi, âm vọng thanh tịnh, vượt qua nỗi sợ sinh tử không chướng ngại, phân biệt rõ ràng mỗi âm thanh vọng lại của chúng sinh, diễn nói với vô lượng trí tuệ biện tài.
Vượt qua vực sâu trong năm đường, mỗi pháp mỗi pháp đều được thành tựu, lấy chín giải thoát để tự làm anh lạc, đầy đủ mười lực không tánh vô hình, không thể nào cản trở phá hoại được. Người nào nghe pháp đều được tin hiểu. Đó gọi là quả báo nơi tướng lưỡi miệng thanh tịnh của Đại Bồ Tát.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta đạt được tướng âm vang biến khắp ba ngàn đại thiên quốc độ, lời nói nhẹ nhàng, hòa nhã, không thô bạo, xuất ngôn đều thành tựu, không do người khác dạy bảo. Ai nghe âm vang ấy đều vui vẻ.
Trong âm vang này cũng có vô số âm vang thanh tịnh được nói ra, như pháp mà chư Như Lai thường nói là mười hai nhân duyên: si, hành… sinh tử.
Tự quán thân mình, quán thân người, quán trong ngoài thân, hơi thở dài cũng biết, hơi thở ngắn cũng biết. Giáo hóa chúng sinh đạt đến chứng đắc nhưng cũng không trụ vào chỗ chứng đắc.
Âm vang ấy phát ra tướng ánh sáng, mỗi ánh sáng đều có hóa Phật, mỗi hóa Phật đều ngồi trên tòa cao bảy báu và giảng nói vô lượng pháp môn cho chúng sinh. Tâm đạt đến giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Quán rõ các pháp đều vô sở hữu.
Thường lấy bốn việc Từ, Bi, Hỷ, Xả, Bốn Thiền, Bốn Đế, pháp môn chúng trí, pháp môn đắc Tổng Trì, pháp môn nhanh nhạy, pháp môn ứng thanh, pháp môn biện tài, vô lượng pháp môn luôn hiện tiền.
Tâm thường hiện bày diệu dụng nơi vô lượng trăm ngàn tam muội. Đó gọi là quả báo tướng âm vang của Đại Bồ Tát.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta luôn tu tâm thanh tịnh, nhất tâm chánh niệm, biết hổ thẹn, giữ tâm một chỗ, không nghĩ đến một việc gì khác, dòng tư tưởng không vướng mắc trần cấu. Nếu có người nào đến hủy nhục cũng không có tâm lo buồn.
Giả sử được khen ngợi cũng không lấy làm vui, tâm không bao giờ chuyển đổi. Làm việc gì đều chắc chắn, giống như đất khó lay động.
Từ vô số kiếp từng phụng thờ Chư Phật, giảng nói pháp vi diệu cho chúng sinh. Việc làm không dối trá, một lòng hướng về đạo. Nơi nào có Phật, Pháp, Tăng thì đích thân đến giáo hóa, giảng nói, bàn luận vô lượng pháp môn Tổng Trì.
Những pháp bàn luận đó là những bộ luận: Thí luận, giới luận, sinh Thiên, dục là bất tịnh, Niết Bàn là an lạc. Hướng dẫn chúng sinh nhập vào định, tam muội, phân biệt về khổ đế để lìa bỏ bốn trói buộc, diệt trừ pháp tập, diệt hết đại phần kiết sử.
Đạo là trừ những tạp uế, chứng pháp nhẫn vô sinh, trụ vào bất thoái chuyển, đắc quán thanh tịnh, biết tâm của chúng sinh nghĩ gì và tùy theo mỗi loại để khai thị, giáo hóa, đắc thành đạo quả, giống như tấm vải trắng tinh mới sản xuất thì rất dễ nhuộm màu.
Thường tự thâu giữ tâm, không chê trách khuyết điểm của người khác, thường thích nơi yên tĩnh, không ở chỗ ồn ào. Nhập vào chúng Tỳ Kheo thì oai nghi đầy đủ.
Nếu nhập vào thiền định thì gắn chặt tâm ý vào ánh sáng. Kinh hành qua lại tâm không biếng nhác, ngã mạn. Ở trong đại chúng có tài năng như sư tử hống, phân biệt không tánh đều vô sở hữu. Đó là tâm thanh tịnh của Đại Bồ Tát.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta từng tu pháp môn Tổng Trì không trở ngại, hư hoại. Nghe một được trăm, nghe trăm đắc ngàn, nghe ngàn đắc vạn, nghĩa của từng câu từng chữ mà Chư Phật nói ra đều nằm lòng không quên mất. Đó là Đại Bồ Tát thành tựu pháp môn tổng trì.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta thường tu tập quán hành vô thường. Tất cả các pháp đều quy về luật vô thường, có sinh thì có diệt.
Ở đâu, nơi nào cũng đều làm hưng thịnh Chánh pháp để trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật. Những gì nói ra đều chân thật chắc chắn. Tự mình biết những nơi từng sống trong đời trước, thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, tâm thức kiên cố, có thần thông vô úy không thể nghĩ bàn.
Từ vô số kiếp đã chứa nhóm các hạnh khổ. Những thệ nguyện đã phát không bao giờ trái với bản hạnh. Hiện bày tiếp cận các pháp tự tại không nghi ngờ. Đó là Đại Bồ Tát thành tựu pháp môn Tổng trì.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta từng tu nhãn thần thông, biết hết tất cả các loài chúng sinh trong mười phương: Hạng hợp với không hành hay không hợp với không hành, hạng có tâm định hay không có tâm định, hạng có tâm loạn hay không có tâm loạn, hạng có ý chí như Kim Cang hay không có ý chí như Kim Cang, hạng có định tư duy hay không có định tư duy.
Cõi Trời, cõi người, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh, cõi địa ngục, với thiên nhãn ta đều thấy biết tất cả: Thấy chúng sinh này hướng đến Niết Bàn Vô Dư hay Niết Bàn Vô Dư Y.
Cũng biết chúng sinh này ở trong thân trung ấm chứng Niết Bàn, biết chúng sinh kia hướng về Tu Đà Hoàn đắc quả Tu Đà Hoàn, hướng về Tư Đà Hàm đắc quả Tư Đà Hàm, hướng về A Na Hàm đắc quả A Na Hàm, hướng về A La Hán đắc quả A La Hán, hướng về Phật Bích Chi đắc quả Phật Bích Chi.
Cũng quán chúng sinh xuất gia tu khổ hạnh không bỏ lời nguyện xưa, cạo bỏ râu tóc, thân đắp pháp phục nhập vào tam muội sư tử du bộ, ở bên gốc cây Thọ Vương tư duy quán, trải qua một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày.
Hoặc một năm, hai năm, cho đến bảy năm. Hoặc một kiếp, hai kiếp, cho đến bảy kiếp. Đó là Đại Bồ Tát thành tựu thiên nhãn thông.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta từng tu nhĩ thần thông, nghe hết thảy quả báo của chúng sinh trong mười phương: Đen có quả báo đen, trắng có quả báo trắng, không đen không trắng có quả báo không đen không trắng, hữu lậu có quả báo hữu lậu, vô lậu có quả báo vô lậu.
Nghe âm vang thanh tịnh của chúng sinh ấy, tiếng không phải nam, tiếng không phải nữ, tiếng dịu dàng không phải nam không phải nữ, tiếng không dài không ngắn, không phải tiếng phi nhân, tiếng Phạm âm, tiếng thanh tịnh, tiếng hòa nhã của Già La Tỳ La, tiếng không thô, tiếng không tế.
Lại dùng thiên nhĩ nghe chúng sinh ấy trừ bỏ trần cấu, đoạn diệt các trói buộc, không trụ vào tướng quá khứ, hiện tại và vị lai.
Trụ cũng không trụ, không trụ cũng không trụ. Ta không trụ, không trụ cũng chẳng phải không trụ, người thành Phật hay không thành Phật, người thành đạo hay không thành đạo, người sinh thiên hay không sinh Thiên.
Người sinh làm người hay không làm người, người sinh vào cõi ngạ quỷ hay không sinh vào cõi ngạ quỷ, người sinh vào cõi địa ngục hay không sinh vào cõi địa ngục, người sinh vào cõi súc sinh hay không sinh vào cõi súc sinh, phân biệt năm đường với thiên nhĩ thông đều nghe biết hết tất cả. Đó là Đại Bồ Tát thành tựu thiên nhĩ thông.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta từng tu tỷ thần thông, ngửi hết thảy vô lượng mùi của chúng sinh trong mười phương: Biết rõ ràng mùi thiện mùi ác, mùi thô mùi tế, mùi trong mùi ngoài, mùi thế tục, mùi đạo cho đến mùi Bồ Tát ngồi bên gốc cây Thọ Vương, mùi giới, mùi định, mùi tuệ, mùi giải thoát, mùi giải thoát tri kiến, mùi chỉ dạy chúng sinh với đại bi vô biên, mùi thương xót chúng sinh, mùi vui vẻ dịu dàng, mùi buông xả bao la, mùi thần thông vô úy, mùi giác lực căn bản, mùi phá mạn tự cao.
Mùi tự nhiên xông ướp tất cả, mùi trang nghiêm Phật Đạo, mùi hướng đến ba môn giải thoát, mùi tướng thù thắng, mùi quả báo minh hạnh, mùi phân biệt vi trần, mùi ánh sáng chiếu xa, mùi nhóm chúng hòa hợp, mùi năm tụ thanh tịnh.
Mùi trì nhập bất khởi, mùi diệt trừ các cấu bẩn, mùi quán diệt các cấu bẩn, mùi nghe giới bố thí, mùi hổ thẹn không kiêu mạn, mùi thắng pháp của Tiên Nhân, mùi nói pháp vô ngại, mùi Xá Lợi lưu hành khắp, mùi phong ấn Phật Tạng, mùi bảy báu vô tận.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Núi Ma Già xuất hiện
Hoa hương và Chiên Đàn
Tất cả hương ba cõi
Không bằng hương của giới.
Hương giới diệt các cấu
Đến đâu đều hiện quán
Bồ Tát bất thoái chuyển
Hướng Niết Bàn bậc nhất.
Ví như người bắn giỏi
Ngước bắn lên hư không
Lực tên vút trên cao
Rồi rơi lại xuống đất.
Đức hương xa cùng tận
Không bao giờ trở lại
Nay nói hương thân
Phật giới, định, huệ, giải thoát.
Qua ức ngàn vạn kiếp
Không sao hết hương Phật
Nếu qua ngàn vạn kiếp
Phật khen công đức Phật.
Đại Thánh không thể tận
Thân Phật hương giới đức
Pháp oai nghi Chư Phật
Trước thọ ký bổ xứ.
Năm mùi thơm trong miệng
Trên đến Trời Đao Lợi
Trở lại đến chỗ Phật
Nhiễu thân Phật bảy vòng.
Chư Thiên rải hoa hương
Khen ngợi chưa từng có
Hương định tỏa rất xa
Cứu độ A tăng kỳ.
Khi Đức Thế Tôn nói kệ này xong, trong hội có hai mươi na do tha chúng sinh tâm thức được khai ngộ và đều phát tâm: Nguyện muốn sinh về Cõi Phật Hương Tích. Đó là Đại Bồ Tát thành tựu tỷ thông.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta từng tu thần thông về khẩu nghiệp, nói năng qua lại không bao giờ ngưng trệ giữa chừng.
Tất cả mỗi lời nói nói ra đều có ánh sáng: Môi có ánh sáng của môi, răng có ánh sáng của răng, lưỡi có ánh sáng của lưỡi.
Giữa đại chúng, Như Lai giảng nói pháp thâm diệu, tất cả pháp ấy đồng một tên là A. A là vô. Vô có ngàn vạn nghĩa, trong ngàn vạn nghĩa lấy một nghĩa. Vô, nghĩa là độ vô lượng chúng sinh.
Hai tên là La. La là trừ cấu. Trừ cấu có ngàn vạn nghĩa. Trong ngàn vạn nghĩa lấy một nghĩa trừ cấu, nghĩa là trừ cấu uế cho vô lượng chúng sinh.
Ba là Ba giá. Ba giá còn tên là Quả Thục. Quả Thục có ngàn vạn nghĩa, lấy một nghĩa Quả Thục, tức khiến cho vô lượng chúng sinh đều đắc quả thành thục.
Bốn tên là Na. Na là nghĩa phi thường. Nghĩa phi thường có ngàn vạn nghĩa. Trong ngàn vạn nghĩa lấy một nghĩa phi thường, tức khiến cho họ vô lượng chúng sinh đều hiểu rõ không có thường.
Năm tên là Trà. Trà là vô tận. Nói về vô tận nghĩa là nói có thì không có, nói không thì cũng không không. Nghĩa vô tận có ngàn vạn nghĩa. Trong ngàn vạn nghĩa lấy một nghĩa vô tận, tức khiến cho chúng sinh được hiểu rõ sự cùng tận. Đó là nghĩa tận của Trà.
Vô lượng Hằng hà sa Chư Phật trong mười phương về oai nghi thọ thực thì dưới từ Diêm Phù Đề trên đến mười tám Cõi Trời đều thấy Như Lai thọ thực.
Bồ Tát từ Nhất trụ đến Tứ trụ thấy yết hầu lưu ly của thân Như Lai.
Bồ Tát bất thoái Chuyển cho đến Cửu Địa thấy Trời Kiện Tật dâng thức ăn cho Như Lai, rồi đến phương khác thi hành Phật Sự. Đó là quả báo về khẩu thần thông của Như Lai.
Như Lai hiện tại có ăn mùi vị này đến mùi vị khác nhưng mùi vị bất động, không nuốt không nhai. Khi Thế Tôn đưa bánh vào miệng thì nghĩ nhớ đến chúng sinh trong mười phương đều cũng có mùi vị này.
Theo sự nhớ nghĩ đó mà tất cả đều được no đủ, giống như Tỳ Kheo đắc chín thứ thiền, tâm nhu hòa dịu dàng, luôn thấy no ngon. Đó là Đại Bồ Tát với khẩu thông thanh tịnh.
Xưa kia trải qua vô số A tăng kỳ kiếp, ta từng tu thân thần thông, phân biệt rõ ràng trong thân tưởng tịnh hay bất tịnh, tưởng bất tịnh hay tịnh, ba mươi sáu thứ cấu uế tiết ra ngoài không thật.
Tóc, móng tay, răng, xương, máu, nước mắt, tư duy xuôi ngược, đem pháp thân của mình quán thân chúng sinh cũng như vậy.
Tự hóa thân của mình sình trướng lên, hôi thối nát rữa, máu mủ chảy ra. Hoặc hiện thân với xương trắng màu tro, màu xanh ứ bầm, màu đen điu giống như màu đất. Thấy thân này, vô lượng chúng sinh đều sinh suy nghĩ tưởng đến vô thường, khổ, không, vô ngã.
Hoặc giảng nói pháp nghiệp báo của thân cho chúng sinh: Thân này chẳng phải là thân, vậy thì cái gì là thân?
Mỗi mỗi phân biệt rõ ràng từ đầu xuống chân đều vô sở hữu. Do không có thân nên không có thức.
Nghe điều này, chúng sinh suy nghĩ tư duy về thân ô uế bất tịnh, giống như Cõi Trời Quang Âm thanh tịnh quán xuống đến sự ô uế hôi thối trong cõi Diêm Phù Đề. Mùi hôi thối xông lên đến cả bảy ngàn vạn dặm.
Vì thế Bồ Tát không sinh lên Cõi Trời Quang Âm. Với thân thần thông, Bồ Tát nhập vào tam muội Kim Cang, nghiền nát thân như bụi trần, mỗi hạt bụi đều là một Hóa Phật, cứu vớt vô lượng A tăng kỳ loài chúng sinh mà hiện tướng sắc thân. Trên thân ra lửa, dưới thân ra nước.
Dưới thân ra lửa, trên thân ra nước. Phía Đông nổi lên, phía Tây chìm xuống. Phía Tây nổi lên, phía Đông chìm xuống. Hiện mười tám loại thần biến, Như Lai làm cho các chúng sinh đều thấy Như Lai biến hóa và ngay lúc ấy tất cả đều giác ngộ, đoạn trừ sạch các kiết sử và nhập vào đạo vô vi.
Mỗi hạt bụi hóa ra Phật, hiện thân để giáo hóa, cứu độ vô lượng A tăng kỳ chúng sinh. Đó là thân Như Lai giáo hóa mật kín nhưng không nói pháp.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, ta từng tu tập ý thức, thành tựu thần thông của Bồ Tát, thâu giữ tâm nhập định, dạo đến vô lượng Cõi Phật, giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc đã về lại chỗ cũ.
Ý thức của Bồ Tát cũng nhập vào hóa sinh, thai sinh, thấp sinh và noãn sinh, hiện ra thần biến không thể nghĩ bàn để giáo hóa, lập tức ngay chỗ đó thành đạo vô vi.
Đối với các thần thông, ý thức Bồ Tát rất tối thượng, chẳng phải điều mà Phật Bích Chi, A La Hán suy nghĩ, luận bàn.
Vì sao?
Vì chẳng phải là cảnh giới của họ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Tám - Phẩm Thấu Tỏ
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Mười Tám
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Hữu Vô
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Ba - Phẩm Phân Biệt Ba Thân
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đoạn Trừ
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Chín - Phẩm Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Nước Dụ