Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Diêm Phù Xa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH DIÊM PHÙ XA
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại xóm Na La, nước Ma Kiệt Đề.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất cũng ở xóm Na La, Ma Kiệt Đề.
Khi ấy, có xuất gia ngoại đạo tên là Diêm Phù Xa, là bạn cũ của Xá Lợi Phất, đi đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Xá Lợi Phất: Trong pháp luật của Hiền Thánh có việc gì khó?
Xá Lợi Phất bảo Diêm Phù Xa: Chỉ có xuất gia là khó.
Xuất Gia, cái gì là khó?
Đáp: Ái lạc khó.
Ái lạc, cái gì là khó?
Đáp: Thường tu tập thiện pháp là khó.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì thiện pháp tăng trưởng không?
Đáp: Có.
Đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.
Diêm Phù Xa nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, đây là con đường tốt đẹp, đây là sự thực hành tốt đẹp, nếu được tu tập, tu tập nhiều, đối với các pháp thiện thường tu tập để tăng trưởng.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, nếu người xuất gia luôn luôn tu tập con đường này, thì chẳng bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận được các hữu lậu.
Khi ấy hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau. Tương tự như Kinh trên, với những câu hỏi của Diêm Phù Xa, gồm bốn mươi Kinh.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất:
Thế nào là vị khéo thuyết pháp?
Thế nào là vị chánh hướng trong đời?
Thế nào là vị thiện thệ trong đời?
Xá Lợi Phất nói: Nếu thuyết pháp mà điều phục dục tham, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si. Đó gọi là vị khéo thuyết pháp.
Nếu hướng đến sự điều phục dục tham, hướng đến sự điều phục sân nhuế, hướng đến sự điều phục ngu si. Đó gọi là chánh hướng.
Nếu tham dục đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn. Sân nhuế và ngu si đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn. Đó gọi là thiện thệ.
Lại hỏi: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì có thể phát khởi thiện thệ?
Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.
Sau khi hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là Niết Bàn.
Thế nào là Niết Bàn?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Niết Bàn là sự đoạn tận vĩnh viễn của tham dục. Sự đoạn tận vĩnh viễn sân nhuế, ngu si. Sự đoạn tận vĩnh viễn của tất cả các phiền não. Đó gọi là Niết Bàn.
Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì chứng đắc Niết Bàn chăng?
Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.
Sau khi hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Vì sao ở chỗ Sa Môn Cù Đàm xuất gia tu phạm hạnh?
Xá Lợi Phất đáp: Vì để đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân nhuế, đoạn trừ ngu si nên ở chỗ Sa Môn Cù Đàm xuất gia tu phạm hạnh.
Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có đoạn được tham dục, sân nhuế, ngu si không?
Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.
Sau khi hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là hữu lậu đã đoạn tận.
Thế nào là hữu lậu đã được đoạn tận?
Xá Lợi Phất đáp: Hữu lậu có ba. Đó là dục hữu lậu, hữu hữu lậu và vô minh hữu lậu. Ba thứ hữu lậu này đã trừ hết, không còn sót, nên gọi là hữu lậu đã được đoạn tận.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì các lậu trừ hết không.
Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là A La Hán.
Thế nào là A La Hán?
Xá Lợi Phất đáp: Tham dục, sân nhuế, ngu si đã trừ sạch không còn sót, thì gọi là A La Hán.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để chứng đắc A La Hán không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định. Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là A La Hán.
Thế nào là A La Hán?
Xá Lợi Phất đáp: Khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn diệt tận không còn sót, đó gọi là A La Hán.
Lại hỏi: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì chứng đắc A La Hán không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là vô minh.
Thế nào là vô minh?
Xá Lợi Phất đáp: Nói là vô minh, là không biết tiền tế, không biết hậu tế, không biết tiền, hậu, trung tế. Không biết Phật, Pháp, Tăng. Không biết khổ, tập, diệt, đạo. Không biết thiện, bất thiện và vô ký. Không biết trong, không biết ngoài.
Nếu đối với những sự này hay sự kia mà không biết, bị ám chướng, đó gọi là vô minh.
Diêm Phù Xa nói với Xá Lợi Phất: Đây là khối u ám vĩ đại.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đoạn trừ vô minh không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là hữu lậu.
Thế nào là hữu lậu?
Như trên đã nói.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là hữu.
Thế nào là hữu?
Xá Lợi Phất đáp: Hữu có ba. Đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có hướng đến nào để tu tập và khi tu tập nhiều thì có đoạn trừ những hữu này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là hữu thân.
Thế nào là hữu thân?
Xá Lợi Phất đáp: Hữu thân, đó là năm thọ ấm.
Thế nào là năm thọ ấm?
Đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào, để đoạn trừ hữu thân này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là khổ.
Thế nào là khổ?
Xá Lợi Phất đáp: Khổ là chỉ cho sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ân ái xa cách nhau khổ, oán ghét gặp nhau khổ, những gì cầu không được khổ, lược nói về khổ của năm thọ ấm, thì đó gọi là khổ.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ những khổ này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là lưu.
Thế nào là lưu?
Xá Lợi Phất đáp: Lưu là chỉ cho dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những lưu này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là ách.
Thế nào là ách?
Ách cũng nói như lưu.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là thủ.
Thế nào là thủ?
Xá Lợi Phất đáp: Thủ có bốn, đó là dục thủ, ngã thủ, kiến thủ và giới thủ.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những thủ này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là hệ phược.
Thế nào là hệ phược?
Xá Lợi Phất đáp: Phược có bốn, đó là tham dục phược, sân nhuế phược, giới thủ phược và ngã kiến phược.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những phược này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là kết.
Vậy thế nào là kết?
Xá Lợi Phất đáp: Kết có chín, đó là ái kết, nhuế kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, tha thủ kết, nghi kết, tật kết và xan kết.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những kết này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là sử, vậy thế nào là sử?
Xá Lợi Phất đáp: Sử có bảy, đó là tham dục sử, sân nhuế sử, hữu ái sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử và nghi sử.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những sử này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là dục, vậy thế nào là dục?
Xá Lợi Phất đáp: Dục là, đối với sắc được nhận thức bởi mắt đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ, mà đam mê sắc. Tiếng được nhận thức bởi tai, hương bởi mũi, vị bởi lưỡi, xúc bởi thân đáng yêu, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, nhiễm đắm xúc.
Này Diêm Phù Xa, năm phẩm chất này không phải là dục. Nhưng dục chỉ do giác tưởng tư duy.
Bấy giờ, Xá Lợi Phất liền nói bài kệ:
Tất cả sắc thế gian,
Không phải ái dục sử,
Duy chỉ là giác tưởng,
Đó chính là người dục.
Bao nhiêu hiện sắc này,
Thường ở tại thế gian,
Điều phục tâm ái dục,
Đó là người thông tuệ.
Diêm Phù Xa hỏi lại Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ được những dục này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bà luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là cái.
Thế nào là cái?
Xá Lợi Phất đáp: Cái có năm, đó là tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo hối cái và nghi cái.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được những cái này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là sự nghỉ ngơi, vậy thế nào là sự nghỉ ngơi?
Xá Lợi Phất đáp: Sự nghỉ ngơi là sự đoạn trừ ba kết sử.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là đạt đến sự nghỉ ngơi.
Thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi?
Xá Lợi Phất đáp: Đạt đến sự nghỉ ngơi là ba kết sử đã bị đoạn, đã được biết.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng, vậy thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng?
Xá Lợi Phất đáp: Đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng là đã vĩnh viễn đoạn tận tham dục, sân nhuế và ngu si. Đó gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng không?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Gọi là đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng.
Thế nào là được chỗ dừng nghỉ bậc thượng?
Xá Lợi Phất đáp: Đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng là đối với tham dục vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn. Đối với sân nhuế, ngu si, vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn. Đó gọi là chỗ dừng nghỉ bậc thượng.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng không?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là thanh lương, vậy thế nào là thanh lương?
Xá Lợi Phất đáp: Thanh lương là năm hạ phần kết đã trừ sạch. Tức là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân nhuế.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để có thể đoạn trừ năm hạ phần kết này, để đạt đến thanh lương không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là được thanh lương, vậy thế nào là được thanh lương?
Xá Lợi Phất đáp: Đối với năm hạ phần kết đã đoạn tận, đã niệm tri, đó gọi là được thanh lương.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là thanh lương bậc thượng?
Xá Lợi Phất đáp: Thanh lương bậc thượng là khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn trừ sạch không còn. Tất cả mọi thứ phiền não đã vĩnh viễn trừ sạch không còn. Đó gọi là thanh lương bậc thượng.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đạt được thanh lương bậc thượng không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Nói là đạt được thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là đạt được thanh lương bậc thượng?
Xá Lợi Phất đáp: Đạt được thanh lương bậc thượng là đối với tham dục đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn. Đối với sân nhuế và ngu si đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn. Đó gọi là đạt được thanh lương bậc thượng.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương bậc thượng này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là ái, vậy thế nào là ái?
Xá Lợi Phất đáp: Ái có ba, đó là dục ái, sắc ái và vô sắc ái.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể diệt trừ được ba ái này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định. Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là nghiệp đạo, vậy thế nào là nghiệp đạo?
Xá Lợi Phất đáp: Nghiệp đạo. Đó là mười nghiệp đạo bất thiện, tức sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào để diệt trừ mười nghiệp đạo này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định. Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm Phù Xa hỏi Xá Lợi Phất: Gọi là ô uế, vậy thế nào là ô uế?
Xá Lợi Phất đáp: Uế có ba, đó là tham dục, sân nhuế và ngu si.
Lại hỏi Xá Lợi Phất: Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể trừ được ba uế này không?
Xá Lợi Phất đáp: Có! Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định. Hai vị Chánh Sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau. Như Kinh uế, cũng vậy các Kinh nói về cấu bẩn, cấu ghét, gai nhọn, luyến và hệ phược cũng như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một