Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Sáu - Phẩm Tưởng Vô Tưởng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU
THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU
THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM SÁU
PHẨM TƯỞNG VÔ TƯỞNG
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với Bồ Tát Di Lặc: Trong chúng hội hôm nay đều cùng một hạng thuần là nhất sanh bổ xứ. Nay ta sẽ nói về thức tưởng thọ. Vô thức vô tưởng vô thọ.
Lúc ấy, Bồ Tát nói thức tưởng thọ như thế nào?
Thế là Bồ Tát phân biệt nói về thức tưởng thọ:
Thức chẳng phải tưởng, chẳng phải thọ.
Thọ chẳng phải thức, chẳng phải tưởng.
Tưởng chẳng phải thọ, chẳng phải thức.
Tưởng chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.
Thọ chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.
Thức chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.
Phi thức chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.
Phi tưởng chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.
Phi thọ chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.
Vì sao thức chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại?
Lúc Bồ Tát nhập vô ngại định giáo hóa chúng sanh có thọ, thức.
Từ Hữu Trụ Địa đến vô Trụ Địa, thức này chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại..
Đại Bồ Tát lại giáo hóa chúng sanh có tưởng Từ Trụ Địa đến vô Trụ Địa.
Bồ Tát giáo hóa chúng sanh có thọ từ Trụ Địa đến vô Trụ Địa.
Bấy giờ Tôn Giả Đại Ca Diếp liền đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, bạch trước Phật: Bạch Thế Tôn! Ý tâm thức thọ tưởng có gì khác nhau?
Phật dạy Ca Diếp: Biết thân là biết có sai khác, vì là chúng sanh từ chân lên đến đầu có những chi tiết đều có tên riêng của nó. Như đã nói trong Kinh ví dụ về cây, thì rễ, vỏ, thân, cành, lá đều gọi là cây. Vậy thì tâm ý thức thọ tưởng cũng thế.
Đại Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tưởng là pháp bên ngoài, thọ là pháp bên trong.
Vậy sao cho là một?
Phật dạy Ca Diếp: Tưởng từ bên ngoài đến, từ bên trong ra.
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn!
Tưởng từ bên ngoài đến, làm sao biết được?
Nếu bên ngoài vô hình thì bên trong tưởng do đâu mà sanh?
Nếu vật bên ngoài không hại, thì bên trong làm sao biết đau?
Phật dạy Ca Diếp: Việc này không phải như vậy.
Vì sao?
Vì thức này chẳng phải ở bên ngoài, chẳng phải ở bên trong, chẳng phải hai bên, chính giữa. Chỗ thức trụ chẳng phải chỗ thức trụ.
Ngoại tưởng, ngoại thọ tức là pháp bên trong, chẳng phải pháp bên ngoài. Nếu Đại Bồ Tát nào tin hiểu một cách sâu xa về pháp bên trong, bên ngoài, chính giữa thì mới có thể hiểu rõ chỗ thức trụ. Đây là chúng sanh, đây là phi chúng sanh, cho đến pháp hữu vô chẳng phải đây chẳng phải kia, liền nhập vào vô ngại độc bộ tam muội.
Ca Diếp bạch Phật: Hôm nay nghe thuyết pháp, lòng con càng thêm nghi ngờ.
Vì sao?
Vì theo Phật đã nói thì tưởng cũng là thọ, thọ cũng là tưởng. Pháp thức phân biệt về thức cũng là tưởng, cũng là thọ tưởng. Tưởng từ không thọ. Thọ từ không thức. Thức từ không tưởng. Không chẳng phải là thức không, thức không chẳng phải là thọ không, thọ không chẳng phải là tưởng không. Như dụ về cây thì điều này không đúng.
Phật dạy Ca Diếp: Ta sẽ đem ví dụ khác nói cho ông.
Người trí theo ví dụ này đều được hiểu rõ: Thuở xưa có vị Vua tên là Đặc Dị.
Vua có bốn người con: Một tên Hỷ Duyệt, hai tên Trường Thọ, ba tên Bách Tuế và bốn tên Vô Úy.
Đứa con Trường Thọ ấy chưa đầy một tháng thì đã qua đời.
Đứa con Hỷ Duyệt thì thân thể mọc đầy mụt nhọt, ai thấy đều ghê gớm, cha mẹ rất lo lắng, luôn luôn buồn rầu.
Đứa con Bách Tuế thì chưa tới một trăm ngày lại qua đời.
Đức con Vô Úy thì môi sứt, mũi hỉnh, răng thì không trật tự, ai thấy đều phát sợ.
Như vậy, thọ tưởng thức cũng thế, không khác nhau bao nhiêu.
Phật dạy Ca Diếp: Ta sẽ nói cho ông về thức tưởng thọ và phân biệt từng pháp một: Chín mươi mốt kiếp về quá khứ có vị Vua tên Trí Huệ, chuyên thực hành thập thiện, lấy chánh pháp để trị dân. Ông ta không phiền não, theo dõi ý hành của chúng sanh. Khi biết chúng sanh kia có những ý niệm không giống nhau, ông liền sai Thị Thần đi tra xét đất nước.
Những ai bị mù thì đưa hết họ vào cung đình. Sau khi nhận lệnh Vua, vị quan Thị Thần đi tuần tra đất nước và đưa được năm trăm người mù về trong sân cung điện Vua lại dắt năm trăm con voi xếp trước điện và sai mỗi người mù tự mình rờ con voi.
Những người mù khi ấy, người thì rờ vòi mũi voi, người thì rờ tai voi, người thì rờ đầu voi, người thì rờ chân voi, người thì rờ bụng voi, người thì rờ đuôi voi.
Vua hỏi các người mù: Con voi giống như cái gì?
Người rờ vòi thì nói voi như cái sừng.
Người rờ đầu thì nói voi như cái vò.
Người rờ tai thì nói voi như cái sàng.
Người rờ bụng thì nói voi như cái giỏ tre.
Người rờ chân thì nói voi như cây trụ.
Người rờ đuôi thì nói voi như cây chổi.
Khi ấy, những người mắt sáng đứng bên cạnh thấy vậy đều cười cho những người mù kia không biết được hết tướng của con voi. Những người mù ở chỗ vắng cùng nhau bàn luận và họ đều cho mình là nói đúng rồi cùng tranh cãi. Chúng sanh kia cũng vậy, thấy pháp thức tưởng thọ đều không giống nhau.
Phật dạy Ca Diếp: Ví như có người bày ra một trăm vị thức ăn, nào: Tấm, gạo, đậu, lúa mạch lớn nhỏ, mè… người nào ăn trúng tấm, gạo thì không biết có loại thuộc đậu hay lúa mạch khác.
Này Ca Diếp, đây cũng vậy, pháp thọ tưởng thức đều khác nhau, nhưng quán về pháp của chúng thì không sai không khác.
Khi ấy, Thế Tôn liền nói với Ca Diếp bằng kệ:
Thấy trán biết có đầu
Thấy khói biết có lửa
Thấy mây biết có mưa
Quán hành biết thể tánh
Hư không không vết chân
Bóng nước không bắt được
Pháp Sư nói cùng tận
Kiết sử tận Niết Bàn
Tưởng tận trong vô Tưởng
Thọ diệt cũng không Thọ
Thức diệt không có thức
Đạo phạm hạnh vô thượng
Ta từ vô số kiếp
Thường bị thức lừa gạt
Đời nay và đời sau
Không gặp chỗ an lạc
Hiện ta ở trong thai
Phân biệt tướng các pháp
Không thấy tên tưởng thọ
Huống sẽ có pháp thức.
Khi Thế Tôn nói kệ này có năm trăm Tỳ Kheo đắc bất khởi pháp nhẫn. Có ngàn chúng sanh tâm lạc không hành, tâm được tự tại trong cảnh giới vô Dư Y Niết Bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Xích Mã
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi - Kinh Chữa đầu Không Tóc
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Ba - Kinh Con Trâu đá
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Bảy - Phẩm Các Tướng Lành
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bảy Mươi Bốn - Kinh Tham Cầu Lợi Dưỡng
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Hai