Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Bảy - Phẩm Các Tướng Lành

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG THẬP LUÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM CÁC TƯỚNG LÀNH  

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng ở trong chúng hội, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay dùng kệ thưa Phật:

Hủy phá giới mất hạnh Đầu Đà

Tạo tội nghịch chẳng phải ta diệt

Thuyết pháp Chư Phật đời quá khứ

Người phá giới tịnh không vào chúng.

Tất cả việc làm của Sa Môn

Giống như đuốc cháy đều tiêu hết

Ba cấu làm nhiễm rời giải thoát

Hoàn toàn không được nhận cúng dường.

Vật dụng sinh sống Tăng bốn phương

Đều không nên lấy dù phần nhỏ

Phạm tội căn bản của giới trọng

Bị chúng xả bỏ như thây chết.

Làm sao Kinh này nói nhẫn nhục

Với Tỳ Kheo ác khởi tâm bi

Chế, ngăn tất cả các hình phạt

Lại khiến cúng dường Tỳ Kheo ác.

Xưa ở trong Kinh khác có nói

Các ông phải nên tin đại thừa

Rất chân thật, bồ đề thù thắng

Các ông nên phải lìa hai thừa.

Ở trong Kinh này nêu ba thừa

Và các căn, lực, giác, đạo phần

Thiền định giải thoát pháp ba thừa

Nghe kỹ tin hiểu nhân giải thoát.

Đây có bốn quả Thánh Sa Môn

Ngoài Kinh này không có Sa Môn

Ba thừa đều cùng tám chánh đạo

Mong cầu giải thoát dốc tinh tấn.

Nếu có Bậc Trí các Trời, Người

Bồ Tát Đại Sĩ đến nơi này

Đại chúng ấy đều đã chứng đắc

Như vậy đại thừa của các người.

Có thể thuyết giảng nghĩa chánh pháp

Người nghe được thì đạt lợi gì

Phân biệt mười loại của Thanh Văn

Nói như thế ai không có lợi.

Nếu có người nghe được pháp nào

Làm sao có thể tăng trưởng được

Lại có ai nghe mà giảm bớt

Lại có người nghe đến già, chết.

Các pháp hữu vi đều chán lìa

Ngày đêm tu tập theo thiền định

Khi nào sẽ chứng được giải thoát

Thoát khỏi bốn dòng, gọi cứu đời.

Đức Phật bảo Bồ Tát Kim Cang Tạng: Này thiện nam! Lành thay, lành thay! Vì tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nếu là hàng Trời, người thì không thể hỏi Như Lai như vậy.

Này thiện nam! Hãy lắng nghe! Lắng nghe và khéo suy niệm. Ta sẽ giảng thuyết cho ông rõ.

Kính vâng Thế Tôn! Con nay muốn được nghe.

Này thiện nam! Lại có mười loại khó được thân người.

Những gì là mười?

Đó là không gieo trồng căn lành đời trước, chưa tu phước đức, tâm còn rối loạn, đi theo bạn ác, không sợ đời sau, đắm nhiễm tham dục, sân giận, ngu si, cuồng loạn, điên đảo, mất chân tâm, cho đến tà kiến. Đó là mười pháp khó đạt được thân người.

Lại có mười pháp không nương vào nhân duyên, phạm tội căn bản, do phá giới nên rơi vào đường ác.

Những gì là mười?

Không nương tựa theo oai nghi, có dựa theo pháp của ta mà xuất gia, trong tâm không hoại, tu đạo hoại, tu đạo không hoại, trong tâm hoại. Hoặc có trong tâm, tu đạo đều hoại. Có giới hoại, nhận thức không hoại, có nhận thức hoại, giới không hoại. Có giới, nhận thức đều hoại. Có trong tâm, tu đạo, giữ giới nhận thức đều không hoại.

Nếu theo bạn ác, không học theo oai nghi, tuy gặp được tri thức thiện mà lại ngu si như loài dê trắng, nghe pháp thiện rồi không thể thọ trì, cũng không giảng giải cho người khác, không biết thiện hay ác, không nương theo oai nghi, đầy đủ vô lượng mà không biết đủ. Do nhân duyên ấy, tâm thường tán loạn, gọi là không nương tựa nơi oai nghi, là nơi chốn của tất cả bệnh khổ não. Vì nhân duyên này nên tu tập các chú thuật.

Nếu có dựa theo mười điều không oai nghi này thì phạm vào các trọng tội căn bản, tâm bồn chồn lo sợ, nên thường hổ thẹn, luôn không tạo việc ác. Như Lai vì muốn làm lợi ích cho những người này. Đó gọi là làm nhiễm ô đạo.

Vì sao?

Nếu làm những việc ác như thế cần phải sám hối, nguyện xin bỏ hết, hoàn toàn không che giấu, nếu có thể đạt như vậy khiến tội được tiêu trừ mà không tạo thêm nữa. Tuy tạo tất cả dụng cụ nằm ngồi, tạo cơ nghiệp cho Chúng Tăng, nhưng không được sử dụng những vật cần dùng. Những người như vậy là đã thành tựu pháp khí.

Như Lai vì họ giảng pháp đại thừa, Bích Chi Phật, Thanh Văn, là có sự việc như vậy. Hoặc gặp bậc thiện tri thức trong hai đời, ba đời, tất cả nghiệp ác đều diệt sạch, đạt quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, cho đến hội nhập chánh pháp sâu xa của đại thừa. Như vậy, người này gọi là hoại giới, không gọi là hoại kiến.

Nếu có người trong tâm hoại, hành không hoại, kiến không hoại, Như Lai vì những người này thuyết giảng về bốn tâm vô lượng, cũng có thể lãnh thọ pháp khí Thanh Văn và pháp khí của Bích Chi Phật. Hoặc có người hành hoại thể hoại thì ở trong hai thừa ấy pháp khí không thành. Như vậy, vì những chúng sinh này Như Lai giảng thuyết pháp bố thí.

Lại có người kiến hoại, giới không hoại. Như vậy, vì chúng sinh ấy mà giảng thuyết pháp mười hai nhân duyên, được xa lìa kiến hoại rồi, ở trong một thân được hội nhập pháp Thanh Văn. Hoặc đổi thân được pháp Bích Chi Phật.

Hoặc có người giới hoại kiến không hoại, ở trong pháp của Bậc Thánh nhận lãnh pháp khí. Hoặc có người hoại đủ cả giới, kiến, hành và nội tâm, nhưng gặp tri thức thiện, do nhân duyên ấy nên Như Lai vì họ thuyết giảng pháp mười thiện.

Hoặc có người ngu si theo bạn ác, không biết thiện, ác, Như Lai vì những người này mà dạy dỗ tụng tập. Hoặc có người bị tà kiến mê hoặc muốn cầu giải thoát, Như Lai liền dùng thừa Thanh Văn, vì người ấy thuyết giảng pháp bốn Thánh Đế.

Hoặc có người phát khởi đoạn kiến, Như Lai vì họ mà giảng dạy pháp mười hai nhân duyên. Hoặc có người khởi thường kiến, Như Lai vì họ giảng dạy luân hồi sinh tử trong ba cõi. Biết pháp như thế, chết nơi này, sinh nơi kia, Như Lai vì họ mà giảng thuyết pháp Thanh Văn.

Như Lai quán sát trọn không nêu giảng hư dối. Hoặc có chúng sinh thành thục và không thành thục, tất cả đều dùng phương tiện để thông đạt không chướng ngại, về tất cả tội trọng, các tội nghịch…

Hoặc có chúng sinh tạo tác không ích lợi, cho đến phá hủy pháp nhãn thanh tịnh. Như vậy, Như Lai vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, tùy thuận tất cả thừa Thanh Văn, thừa Bích Chi Phật và thừa Bồ Tát.

Nếu phỉ báng chánh pháp, ngăn chận che giấu, không hiển bày, cho đến một bài kệ, những người như vậy gọi là hủy báng chánh pháp, phá hoại tám chánh đạo cũng gọi là hủy hoại pháp nhãn của tất cả chúng sinh. Những người như vậy tức mất lợi lớn, cũng làm cho chúng sinh không có lợi ích. Dựa vào Tăng ngu si nên phỉ báng chánh pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Có bốn loại Tăng.

Những gì là bốn?

Đó là Tăng Đệ nhất nghĩa, Tăng thanh tịnh, Tăng như loài dê câm và Tăng không biết hổ thẹn.

Thế nào là Tăng Đệ nhất nghĩa?

Chư Phật Thế Tôn, Đại Bồ Tát, Bích Chi Phật, ở trong tất cả pháp đều được tự tại, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, bảy hạng người này gọi là tăng đệ nhất nghĩa. Còn có tại gia không có pháp phục, không thể thọ giới Cụ Túc, Ba La Đề Mộc Xoa, không được dự bố tát, tự tứ mà được quả Thánh, được quả Thánh rồi cũng gọi là tăng đệ nhất nghĩa.

Thế nào gọi là Tăng thanh tịnh?

Các vị có thể thọ giới Cụ Túc, giữ gìn Ba La Đề Mộc Xoa, đúng như luật tu hành, oai nghi không phạm gọi là Tăng thanh tịnh.

Thế nào gọi là Tăng như loài dê câm?

Không biết tội căn bản, không biết phạm không phạm, không biết tội nặng nhẹ, không biết tội vi tế để sám hối, ngu si không thấy biết có tội để sợ hãi, cũng không nương theo tri thức thiện, trượng phu, không gần gũi tri thức thiện, trượng phu nên không thể thưa hỏi về nghĩa lý sâu xa trong Kinh.

Thế nào là thiện, ác?

Thế nào là phạm tội nặng, nhẹ?

Tu hành những việc gì là thiện, những việc gì là ác?

Những người như vậy đều gọi là Tăng như loài dê câm.

Thế nào gọi là Tăng không biết hổ thẹn?

Nếu có người vì sự sống của mình mà đến ở trong pháp Phật, thọ giới Ba La Đề Mộc Xoa, rồi Phạm, phá hòa hợp Tăng, không biết hổ thẹn, không sợ đời sau, bên trong chất chứa cấu uế, âm thanh luôn đầy đủ, các ngôn từ sắc sảo vững vàng, nhưng thường ôm lòng ganh tỵ, ngu si, kiêu mạn, xả bỏ ba nghiệp, chỉ vì lợi dưỡng.

Buông lung sáu căn, tham đắm vào năm dục sắc, thanh, hương, vị, xúc, phỉ báng chánh pháp. Những người như vậy nương theo pháp của Như Lai mà tâm không biết hổ thẹn, nên gọi là Tăng không biết hổ thẹn.

Thế nào là Tăng Đệ nhất nghĩa?

Tuy có được Thánh Đạo, ẩn mà không hiện. Nhân nơi tám chánh đạo, có thể vượt khỏi phiền não và dòng chảy sinh tử trong ba cõi. Đó gọi là đạo chân thật.

Vì sao?

Vì Chư Phật Thế Tôn, Duyên Giác, A La Hán, đoạn trừ mọi trói buộc nơi tất cả cõi, nên gọi là đạo chân chánh.

Lại, các Đại Bồ Tát tự tỉnh ngộ về lỗi lầm của mình, mong cầu tất cả pháp, được trí vô ngại mà không thủ chứng, vì chúng sinh nên chỉ rõ việc diệt trừ các kết sử. Nếu lại có người không thể thành tựu giới Ba La Đề Mộc Xoa, gọi là nương theo Tăng Đệ nhất nghĩa và Tăng thanh tịnh.

Nếu có phàm phu chân thiện cho đến chánh kiến chân thiện và các phàm phu, dùng Thần thông biến hóa thị hiện đạo chân chánh.

Những người như vậy đều gọi là có thể thị hiện đạo pháp, thứ hai là Tu Đà Hoàn, thứ ba là Tư Đà Hàm, thứ tư là A Na Hàm, thứ năm là Đại Bồ Tát an trú vào địa thứ nhất cho đến trú vào địa thứ mười, là bậc Nhất sinh bổ xứ. Những bậc như vậy gọi là chỉ rõ về đạo. Nếu lại có người thành tựu giới Ba La Đề Mộc Xoa, gọi là nương theo đạo mà sinh hoạt.

Đại Bồ Tát vì thâu phục tất cả chúng sinh cho thuần thục nên tu tập sáu pháp Ba la mật. Những vị như vậy gọi là thị hiện đạo, cũng gọi là dựa nơi đạo mà sinh hoạt, cũng gọi là diệt trừ các kết sử nơi đạo. Đó là ruộng phước của thế gian.

Ngoai trừ những hạng này, còn lại đều gọi là làm cấu uế đạo, cũng gọi là ruộng phước xấu ác, dựa vào Tăng không biết hổ thẹn. Tăng như vậy, ở trong Pháp Phật cũng gọi là thây chết, là thứ nên xả bỏ, nơi biển lớn của Tăng, cũng gọi là không thành tựu pháp khí, người ấy chẳng phải là đệ tử của Như Lai và Như Lai cũng chẳng phải là thầy họ.

Lại có người không thành tựu pháp khí, xưng Phật là Thế Tôn của mình. Sau khi Như Lai diệt độ có lòng tin hướng về pháp, giới, Thánh Tăng, tự mình không khởi nhận thức sai lầm, cũng không nêu lỗi của người khác, mà vì người giảng thuyết rộng rãi pháp của ta, không sinh chê bai, phát thệ nguyện chân chánh đã lam ác rồi luôn luôn sám hối thì có thể diệt trừ vô lượng tội.

Người có lòng tin như vậy đối với chín mươi lăm học phái ngoại đạo đều có thể hướng dẫn họ đến Niết Bàn. Chẳng phải Vua Chuyển Luân Thánh Vương có được cong đức có thể sánh bằng.

Vì ý nghĩa ấy nên Như Lai quán xét tất cả nghiệp căn bản của chúng sinh, nói lời như vậy: Do nhân duyên đó, ở trong pháp của ta xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc Ca Sa, không nên khởi tâm ác. Tất cả tâm đại bi của Chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai đều hộ trì người xuất gia mặc Ca Sa như vậy.

Vì thế, đối với tất cả người xuất gia mà khởi tâm ác thì giống như việc đã làm ác đối với Chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu lại có người phá giới, không thành tựu pháp khí, những người như vậy sẽ khởi ác kiến, cũng chê bai lỗi người khác.

Ví như Sát Lợi chân thiện, phụ tướng chân thiện, Đại Thần chân thiện, Sa Môn chân thiện, Bà La Môn chân thiện, Cư Sĩ chân thiện, Tỳ Xá, Thủ Đà chân thiện, hoăc nam, hoặc nữ không có cha mẹ ở thế gian, như A La Hán không có đạo chân chánh, không hướng về chánh kiến, không tu thiện, ác, quả báo, không chứng đạt quả thì tất cả pháp đều không có nhân duyên.

Hoặc có thuyết nói: Sắc Giới là pháp thường còn, là không biến hoại, hoặc chấp cho Cõi Vô Sắc là pháp thường còn, không biến hoại.

Hoặc giảng thuyết về khổ hạnh ngoại đạo, nằm dựa trên gai nhọn, dùng năm ngọn lửa thui, nướng thân thể, cho đó là bậc nhất.

Hoặc chỉ thuyết thuần về thừa Thanh Văn cho là đệ nhất, không thuyết về thừa Bích Chi Phật, cho đến phỉ báng pháp đại thừa, che giấu tất cả, không thể hiển bày, khai thị phân biệt.

Hoặc chỉ có một mực tin đại thừa, chê bai thừa Thanh Văn, thừa Bích Chi Phật.

Hoặc có thuyết cho: Bố thí là đệ nhất, trì giới cho đến trí tuệ chẳng phải là đệ nhất.

Hoặc có người nói: Giới là đệ nhất, bố thí cho đến trí tuệ chẳng phải là đệ nhất.

Hoặc có thuyết nói: Nhẫn nhục là đệ nhất. Bố thí, trì giới cho đến trí tuệ chẳng phải là đệ nhất. Hoặc có người cho thiền định là đệ nhat, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và trí tuệ chẳng phải là đệ nhất.

Hoặc có người cho trí tuệ là đệ nhất, còn bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định chẳng phải là đệ nhất. Hoặc có người cho khổ hạnh cua ngoại đạo là đệ nhất.

Như vậy, này thiện nam! Các Tỳ Kheo phá giới thực hành việc ác đối với người thành tựu pháp khí, riêng sinh vô số thứ hủy báng.

Người hướng đến ác kiến nói như vậy: Có người thấy biết điên đảo, phá hoại Sát Lợi chân thiện, tín, giới, văn, xả, trí tuệ đều phá bỏ tất cả.

Phụ tướng chân thiện, Sa Môn chân thiện, Cư Sĩ chân thiện, Tỳ Xá Thủ Đà chân thiện, nam nữ chân thiện nơi tín giới, văn, xả, trí tuệ, các thứ như vậy đều bị phá hoại, gọi là Sát Lợi Chiên Đà La, cho đến Cư Sĩ Chiên Đà La, Tỳ Kheo phá giới tự đoạn mất căn lành cũng khiến cho Sát Lợi chân thiện mất đi căn lành cho đến bị đọa vào địa ngục.

Này thiện nam! Ví như thây chết bị thối rữa, nếu đến gần thì rất hôi thối. Còn tự đến chỗ đó, mình hôi thối cũng khiến người khác hôi thối. Như vậy, Sát Lợi chân thiện nếu thân gần tri thức ác, Tỳ Kheo phá giới, đến gần họ tức sinh mùi hôi thối là ác kiến.

Mùi hôi như thế khiến cho Sát Lợi dứt bỏ căn lành, hướng về địa ngục A tỳ. Như vậy, phụ tướng chân thiện cho đến phụ nữ chân thiện thân gần tỳ Kheo phá giới làm ác đều là Chiên Đà La, đoạn trừ căn lành, hướng về địa ngục.

Này thiện nam! Ông quán xét thì sẽ thấy thân cận Tỳ Kheo phá giới làm ác này là bỏ mất tất cả việc lành.

Cho nên muốn chứng được Niết Bàn, đều nên gần gũi cúng dường để diệt các kết sử, tu học đạo ba thừa đầy đủ, chỉ rõ đạo, nên thân gần cúng dường đầy đủ trong tâm và tu đạo, hiểu biết đầy đủ, nên lãnh thọ đạo Thanh Văn, Bích Chi Phật, không hủy báng Bậc Hiền Thánh, đối với đại thừa cũng không hủy báng. Tùy theo chỗ mong cầu của mình mà tinh tấn ở trong ba thừa.

Tùy theo sự phát nguyện của mình mà tu học nhất thừa, không nên phỉ báng Kinh Điển đại thừa, cho đến một câu, một bài kệ. Nếu có người phỉ báng thì không nên sống chung và gần gũi. Nếu có gần gũi sống chung tức là cùng hướng về địa ngục A tỳ.

Như vậy, này thiện nam! Ở trong ba thừa, tùy theo sở thích mà hướng đến nhất thừa, muốn xa lìa được tất cả khổ, các hàng Thanh Văn, thừa Bích Chi Phật đều nên tin sự thuyết pháp của Như Lai, nương theo đại thừa để giảng thuyết các pháp, không nên phỉ báng, che giấu một câu một kệ, phải nên lắng nghe phát lời nguyện chân chánh.

Nếu có kẻ hủy báng chánh pháp thì không nên sống chung, cũng không nên nương theo người ấy mà thưa hỏi, lãnh thọ giáo pháp. Nếu nghe pháp ở người ấy thì vì nhân duyên đó nên rơi vào địa ngục A tỳ, chịu nhiều khổ não.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì ta vốn là Bồ Tát, khi thực hành cầu đạo vô thượng, nương theo thừa Thanh Văn vì cầu một bài kệ, cho đến xả bỏ cả tay chân, đầu, mắt, tủy não nơi thân như vậy để cầu thừa Bích Chi Phật và cầu Phật thừa.

Ta vốn là Bồ Tát, khi cầu đạo vô thượng cũng lại như vậy, vì một bài kệ mà bỏ tay chân, đầu mắt, tủy não, máu, thịt, da, xương nơi thân mạng, cho đến hoàn toàn thành tựu đạo vô thượng. Pháp ba thừa này đều là sự thuyết giảng của hằng sa Chư Phật nơi ba đời, năng lực Thần thông luôn hộ trì vì thương xót chúng sinh và làm hưng thịnh Tam Bảo không để đoạn tuyệt.

Lại, ở đời vị lai nếu có Sát Lợi Chiên Đà La, cho đến phụ nữ Chiên Đà La, vì ngu si nên cho mình là trí, nhiều hành ác thô xấu, không sợ đời sau, làm các việc sát sinh cho đến tà kiến ganh tỵ, keo kiệt theo tri thức ác.

Lại, ở nơi ba thừa mà không thành tựu pháp khí. Ở thừa Thanh Văn mà ít nghe, ở thừa Bích Chi Phật cho đến đại thừa, tất cả sự hộ trì của Đức Phật lại sinh hủy báng, ngăn che không làm cho hiển bày.

Nếu ở pháp đại thừa mà nghe ít, đối với hàng thừa Thanh Văn, thừa Bích Chi Phật, được năng lực Thần thông của Chư Phật hộ trì mà sinh hủy báng chê bai, không tin pháp đại thừa của ta, cũng có thể phân biệt nêu giảng về đại thừa.

Nếu nói ta lãnh thọ pháp đại thừa không lãnh thọ Thanh Văn, thừa Bích Chi Phật, vì mình ít năng lực, trí tuệ ngu si, cũng chính là diệu lực đại bi của Chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Có hai loại hộ trì:

Thứ nhất, vì muốn làm hưng thịnh Tam Bảo, không để đoạn tuyệt nên xuất gia tu đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa.

Thứ hai, nên thuyết giảng pháp bốn đế, hướng về ba thừa. Hai loại như vậy mà Như Lai hộ trì, chẳng phải là Thanh Văn, Bích Chi Phật có thể hộ trì, cho đến trăm ngàn Đế Thích, Phạm Thiên cũng không thể hộ trì, trăm ngàn triệu Chuyển Luân Thánh Vương cũng không thể hộ trì được.

Lại có Sát Lợi Chiên Đà La, nếu thấy có người ở trong pháp của ta mà xuất gia, đệ tử Thanh Văn như vậy bị hình phạt giam cầm trong lao ngục đánh bằng roi, gậy cho đến giết chết.

Đây là chỗ sâu xa của tất cả pháp được sự hộ trì của Chư Phật và Bồ Tát, đều làm hủy hoại, rối loạn đạo chân chánh nơi ba thừa, phỉ báng, che giấu. Những người như vậy không biết được pháp đại thừa. Sát Lợi Chiên Đà La này còn không thể nhận lãnh là pháp khí của Thanh Văn huống nữa là đại thừa.

Lại có phụ nữ Chiên Đà La, lừa dối người đời: Tự nói ta thực hành đại thừa, vì ngu si, keo kiệt, tham lam, ganh ghét, hủy hoại pháp của Như Lai, tự cho ta nhanh chóng chứng Niết Bàn.

Ở nơi chỗ Phật, Như Lai, Thế Tôn, sinh các tội lỗi như thế, cho tất cả Đại Bồ Tát, tất cả đệ tử Thanh Văn thân cận cua Đức Phật cũng đều phạm tội, khiến mạng sống ngắn ngủi, khổ não, các căn thiếu và tật nguyền, các chi không đầy đủ, thường nhiều bệnh tật.

Sát Lợi Chiên Đà La, cho đến phụ nữ Chiên Đà La tạo các nghiệp ác, đều sinh hiểu biết điên đảo nên diệt trừ các căn lành. Tuy bố thí nhiều, nhưng ở trong hàng súc sanh lãnh chịu vô số thân theo quả báo.

Ở đời vị lai, sau khi chết, hoàn toàn không sinh vào Cõi Sắc để căn lành thành tựu trí tuệ vô ngại, cũng không thể chứng được Nhất thiết chủng trí, nhiều bệnh tật, lưỡi không thể nói, hướng về địa ngục. Cho nên Như Lai vì muốn tạo lợi ích cho Sát Lợi chân thiện được An Lạc, cũng khiến cho phụ nữ chân thiện được lợi ích như trên. Vì nhân duyên này, không cho kẻ não loạn ở trong pháp của ta mà xuất gia.

Lại nữa, nơi pháp của ta đã giảng thuyết, sinh tâm phỉ báng. Vì những việc ấy nên bị nhiều tội báo như trước đã nói.

Tại sao?

Vì mặc Ca Sa là tướng giải thoát của Chư Phật. Cho nên, hết thảy Chư Phật hộ trì cờ pháp chân chánh lớn của vị giải thoát nơi hàng Thanh Văn, cũng là cờ của vị giải thoát nơi đệ nhất đại thừa và Bích Chi Phật. Vì thế mong cầu giải thoát, trước hết nên đọc tụng.

Lắng nghe pháp của Thanh Văn thừa, xa lìa tất cả bạn ác, gần gũi bạn lành, cung kính cúng dường, sau đấy đọc tụng Kinh Phương Đẳng đại thừa, sáu pháp Ba La Mật.

Tất cả các việc làm ác đều tỏ bày đúng như pháp sám hối, phát đại nguyện rộng lớn, sau khi mạng chung ở đời sau có thể thành tựu pháp khí nơi Thanh Văn, điều này như vậy, cũng là chủng tử của Bích Chi Phật, cho đến là chủng tử vô thượng của đại thừa Bất thoái chuyển.

Vì sao?

Này thiện nam! Lại có mười loại nương theo luân, hoặc thành tựu luân rồi, Sát Lợi chân thiện cho đến phụ nữ chân thiện có thể thành tựu pháp khí của Bích Chi Phật, đại thừa bất thoái chuyển.

Những gì là mười?

Như vậy Sát Lợi chân thiện cho đến phụ nữ chân thiện tin có nghiệp báo, đầy đủ hổ thẹn, xa lìa tà kiến và bạn ác, trì giới, không sát sinh, không uống rượu, tâm từ đối với chúng sinh, xa lìa sân giận não hại, đầy đủ tâm bi.

Cứu giúp mọi thứ khốn khổ, chúng sinh thấp kém, khổ não được tâm vui vẻ, xa lìa lời nói hai lưỡi, lời nói dối, lời nói hoa mỹ, được tâm không tranh cãi, dứt trừ tâm tham lam keo kiệt, ganh tỵ, hoàn toàn không nương vào các tà kiến ngoại đạo khác, diệt trừ lưới nghi, được các tướng lành, phát tâm siêng năng, đứng vững trong tất cả pháp, mau chứng đạo vắng lặng, pháp hoan hỷ.

Này thiện nam! Đây là nương theo mười luân. Sát Lợi chân thiện cho đến phụ nữ chân thiện thành tựu mười luân, mau chứng được pháp khí nơi Thanh Văn, chủng tử của Bích Chi Phật và đại thừa Bất thoái chuyển, gọi là nương theo mười luân, những luân như vậy đều giống Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Bấy giờ, muốn nhắc lại nghĩa trên Đức Thế Tôn nói kệ:

Thứ nhất ở trong chúng

Cạo đầu mặc Ca Sa

Vì sao Tỳ Kheo ác

Phá giới được cúng dường?

Hủy phạm hạnh Đầu Đà

Nói doi giữ tà kiến

Chẳng phải khí, phá đạo

Không nên dùng hình phạt.

Nếu nghe pháp người kia

Tin Niết Bàn vắng lặng

Hoặc bậc được giải thoát

Làm thuốc quý người kia.

Ở trong các Kinh khác

Chỉ nói đạo nhất thừa

Bảo không có hai thừa

Giải thoát nhất thừa thôi.

Lợi ích các chúng sinh

Hết nghiệp báo phiền não

Thường có tâm thương xót

Sát Lợi ưa chánh pháp.

Bà La Môn, Tỳ Xá

Và Thủ Đà, tội cấu

Muốn hại các Tỳ Kheo

Tất hướng theo đường ác.

Các Chư Phật như vậy

Giữ gìn áo nhiễm sắc

Đạo giải thoát Chư Phật

Gọi là đệ nhất đạo.

Mặc y phục giải thoát

Nhanh chóng bỏ ác kiến

Hướng đến đạo Niết Bàn

Như thuốc men trị bệnh.

Tuy phá nơi giới cấm

Cũng diet khổ người khác

Ta không nghe cùng họ

Trong chúng cùng Bồ Tát.

Vì người khác thuyết pháp

Người kia được đủ phước

Xưng ta là Thế Tôn

Quy y ba ngôi báu.

Trừ bỏ các nghiệp ác

Cũng thắng nơi ngoại đạo

Ví như Vua La Sát

Người buôn vào sợ hãi.

Nhổ một sợi lông ngựa

Chắc qua biển khổ lớn

Phá giới, xả tà ác

Lìa phiền não La Sát.

Nên hộ trì giải thoát

Được Chư Phật giữ gìn

Người không hại phá giới

Quyết bỏ các tội ác.

Người có phước như vậy

Muốn cầu đạo giải thoát

Hộ trì khí, phi khí

Giải thoát cũng không khó.

Người không có uy lực

Mê mờ nơi Thanh Văn

Không biết đến Duyên Giác

Mà thuyết giảng đại thừa.

Không rõ nơi Duyên Giác

Mà tán thán đại thừa

Người ấy phá lòng tin

Đọc tụng Kinh đại thừa.

Không hộ trì thừa khác

Chỗ phạm thân, miệng, ý.

Chỉ nói về đoạn kiến

Phá hoại nơi chánh pháp.

Về sau được làm người

Lại đọa ngục A tỳ

Quán chúng sinh như vậy

Chớ có là phi khí.

Hoặc hủy phạm giới cấm

Không thương, lại dua nịnh

Phải nên biết là nhân

Miệng ác mà đoạn kiến.

Chẳng Thanh Văn, Duyên Giác

Cũng chẳng phải đại thừa

Hủy báng ba đời Phật

Quyết chắc hướng A tỳ.

Dua nịnh mà trì giới

Tâm loạn keo kiệt pháp

Nhàm ác, tranh tham, ganh

Gọi là hàng Thanh Văn.

Có trí ưa bố thí

Phát khởi tướng sinh diệt

Giữ tâm thường ở riêng

Gọi là hàng Duyên Giác.

Trì giới không tiếc thân

Giống như Sư Tử mạnh

Chí cầu đạo tịch diệt

Gọi là đạo đại thừa.

Giữ gìn pháp chân chánh

Khéo giảng thuyết chỉ bà.

Được pháp nhẫn sâu xa

Gọi là đạo đại thừa.

Pháp khí chẳng pháp khí

Tâm thường hành bình đẳng

Không nhiễm pháp the gian

Gọi là đạo đại thừa.

Nên gọi là ba thừa

Người trí như pháp thuyết

Giữ gìn Thanh Văn ta

Nhanh chóng thành Chánh Giác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần