Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Xích Mã
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH XÍCH MÃ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, có Thiên Tử Xích Mã, dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên. Từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà.
Bấy giờ Thiên Tử Xích Mã kia bạch Phật: Bạch Thế Tôn, có thể vượt qua biên tế Thế Giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết chăng?
Phật đáp Xích Mã: Không thể vượt qua biên tế Thế Giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết được.
Thiên Tử Xích Mã bạch Phật: Lạ thay! Thế Tôn khéo nói nghĩa này!
Như những gì Thế Tôn đã nói: Không thể vượt qua biên tế Thế Giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết được.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn, con tự nhớ kiếp trước tên là Xích Mã, làm Tiên Nhân ngoại đạo, đắc thần thông, lìa các ái dục.
Lúc đó, con tự nghĩ: Ta có thần túc nhanh chóng như vậy, giống như kiện sĩ, dùng mũi tên nhọn trong khoảnh khắc bắn xuyên qua bóng cây Đa La, có thể lên một núi Tu Di đến một núi Tu Di, cất bước từ biển Đông đến biển Tây.
Lúc ấy con tự nghĩ: Nay ta đạt được thần lực nhanh chóng như vậy, hôm nay có thể tìm đến biên tế của Thế Giới được chăng?
Nghĩ vậy rồi liền khởi hành, chỉ trừ khi ăn, nghỉ, đại tiểu tiện và giảm bớt ngủ nghỉ, đi mãi đến một trăm năm, cho tới khi mạng chung, rốt cuộc không thể vượt đến biên tế của Thế Giới, đến nơi không sanh, không già, không chết.
Phật bảo Xích Mã: Nay Ta chỉ bằng cái thân một tầm để nói về Thế Giới, về sự tập khởi của Thế Giới, về sự diệt tận của Thế Giới, về con đường đưa đến sự diệt tận của Thế Giới.
Này Thiên Tử Xích Mã, Thế Giới là gì?
Là năm thọ ấm.
Những gì là năm?
Sắc thọ ấm, thọ thọ ấm, tưởng thọ ấm, hành thọ ấm, thức thọ ấm. Đó gọi là Thế Giới.
Thế nào là sự tập khởi sắc?
Ái đương lai hữu, câu hữu với hỷ tham, ưa thích chỗ này chỗ kia. Đó gọi là sự tập khởi của Thế Giới.
Thế nào là sự diệt tận Thế Giới?
Sự diệt tận của ái đương lai hữu, câu hữu với hỷ tham, ưa thích chỗ này chỗ kia. Đoạn tận, xả ly không còn sót, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh. Đó gọi là sự diệt tận Thế Giới.
Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận Thế Giới?
Tám Thánh Đạo: Chánh kiến, chánh trí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận Thế Giới.
Này Xích Mã, biết khổ Thế Giới, đoạn khổ Thế Giới. Biết sự tập khởi Thế Giới, đoạn sự tập khởi Thế Giới. Biết sự diệt tận Thế Giới, chứng sự diệt tận Thế Giới. Biết con đường đưa đến sự diệt tận Thế Giới, tu con đường đưa đến sự diệt tận Thế Giới.
Này Xích Mã, nếu Tỳ Kheo nào đối với khổ Thế Giới, hoặc biết hoặc đoạn. Sự tập khởi Thế Giới, hoặc biết hoặc đoạn.
Sự diệt tận Thế Giới, hoặc biết hoặc chứng. Con đường đưa đến sự diệt tận Thế Giới, hoặc biết hoặc tu, thì này Xích Mã, đó gọi là đạt đến biên tế Thế Giới, qua khỏi ái thế gian.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ lập lại:
Không bao giờ dạo xa,
Mà đến biên Thế Giới.
Chưa đến biên Thế Giới,
Trọn không hết biên khổ.
Vì vậy nên Mâu Ni,
Biết biên tế Thế Giới.
Khéo rõ biên Thế Giới,
Các phạm hạnh đã lập.
Đối biên Thế Giới kia,
Bình đẳng mà giác tri.
Đó gọi hạnh Hiền Thánh,
Qua bờ kia thế gian.
Sau khi Thiên Tử Xích Mã nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Mười Một - Phẩm Nhân Duyên Bảo Thiên
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Một - Phẩm Quang Tán - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Sáu - Phẩm đại - Kinh A Thấp Bối
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Sáu Mươi Chín - Phẩm Sa Di Quân đề