Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Hai Mươi Bốn - định ý
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG
ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN
MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
KINH BỒ TÁT XỬ THAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI BỐN
ĐỊNH Ý
Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ Tát tên Trì Không, đầy đủ tướng tốt, nhập vào bốn pháp môn, biện tài bậc nhất, tu trì Cõi Phật, mỗi Cõi Phật đều lưu thân lại để giáo hóa, thị hiện sinh diệt tùy theo căn cơ cao thấp của con người, âm thanh nói năng có khi ngọt có khi đắng, nói rõ ràng về quá khứ, hiện tại, vị lai, trước mặt người hỏi thì một khi trả lời bằng vạn ý, ý nghĩa thâm thúy khó có thể lường được.
Bấy giờ, Bồ Tát Trì Không từ tòa ngồi đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, thưa Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để độ chúng sinh khổ đau?
Phật bảo Bồ Tát Trì Không: Bồ Tát làm thế nào để chúng sinh nghe tiếng khổ, hạnh khổ thì khổ đoạn, khổ diệt, không còn thấy nguồn gốc của khổ nữa. Con đường đưa đến khổ là do ân ái sinh ra, những sợi dây ân ái trói buộc tâm người.
Lấy hai mươi pháp hạnh làm thuốc trị liệu, không còn theo gốc khổ, chất chứa hành nghiệp nhiều kiếp, diệt rồi sinh trở lại. Chúng sinh tà kiến cho là đạo chân thật, chuyển nhập định ý tam muội thanh tịnh. Thanh tịnh không vết dơ, không kia không đây.
Tâm thức khai ngộ, dần dần được định ý. Lành thay sự lợi ích của ta, an ổn diệu lạc không gì bằng. Tâm ý thức bị trói buộc lần lần mở ra, gọi đó là đạo chân thật, còn đây chẳng phải đạo chân thật.
Vì sao?
Vì pháp hư ngụy lừa dối chẳng phải bản hạnh của Phật. Những gì xưa kia Chư Phật hành là chân thật. Ngoài Ta ra, không có pháp chân thật nào hơn những pháp mà Phật đã hành, đó là bốn bất tư nghì.
Bốn bất tư nghì là gì?
Bồ Tát giữ ý có thể làm cho ba ngàn đại thiên Thế Giới nơi Cõi Phật đều bằng bảy báu, rồi làm trở lại như cũ. Đó là bất tư nghì thứ nhất.
Như Ta ngày nay ở trong bào thai mẹ dẫn dắt cho vô lượng atăng kỳ chúng sinh, người chưa độ được độ, người chưa đến được đến, trừ bỏ đi những cấu bẩn để đạt đến vô cấu. Đó là bất tư nghì thứ hai.
Xưa kia ta thệ nguyện cốt yếu là độ người đau khổ để đến nơi không còn khổ. Một người khổ, chưa độ được thì ta không bao giờ vào Niết Bàn. Đó là bất tư nghì thứ ba.
Thân Phật vô lượng, Đông, Tây, Nam, Bắc có thể dung chứa hết. Một mình không có bạn bè, tự tánh pháp không, quán chúng sinh rồi tự quán tánh của mình, đây đẹp kia xấu, đây tịnh kia bất tịnh, đây là địa thủy hỏa phong.
Đây là của ta kia chẳng phải là của ta, đây khổ kia không khổ, đây vui kia không vui, đây thường kia vô thường, đây là đời này kia là đời sau, làm phước được phước, tạo tội chịu tội.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Thân như tro, đất, phân
Do bốn đại tạo thành
Không phong, thủy trang nghiêm
Thì địa thủy ly tán.
Hỏa diệt trong chốc lát
Thí thức không chỗ trụ
Tội nhiều chứa gốc khổ
Đây do thức tạo nên.
Nay Ta biết bản thức
Bỏ ngươi, ngươi không thật
Vải năm màu rực rỡ
Làm hư hoại tâm người.
Như người thở ra vào
Hành pháp không dừng lâu
Hiểu biết vô thường, khổ
Không đây, kia, chặng giữa.
Một tiếng ứng vạn ức
Hiển bày giáo đệ nhất
Thân vô thường, khổ, không
Hiểu rõ các pháp tướng.
Trở về trụ sáu tịnh
Hiểu không, vô tướng, vô nguyện
Thân chẳng phải của ta
Như Phật dạy chúng sinh.
Thân còn tâm thức lìa
Nếu Phật không như vậy
Làm sao phân thân dạy
Báo tội phước theo trước.
Nguyện đều được thỏa mãn
Nay thọ, sau không thọ
Hiện tại cũng như vậy
Tội giết hại cha mẹ.
Cũng hiện, cũng không hiện
Giống như việc đánh cầu
Thần thức bị ô nhiễm
Hoặc nghịch hoặc hối hận.
Một lòng hướng Niết Bàn
Bậc Đại Sư vô vi
Xả thân bỏ tục lụy
Pháp vốn không nhân duyên.
Quả báo như hình bóng
Như có cũng không có
Tà kiến nói chân thật
Bị lưới si quấn trói.
Từ đen vào lại đen
Không phân biệt pháp trắng
Giới nhẫn có năm hạnh
Không sợ, không bị sợ.
Định lực chấn đại thiên
Thắng ma như điều binh
Người cầu đạo vô thượng
Có người thoái, người tiến.
Như sông chảy về biển
Đến nhiều, đạt thì ít
Gặp được duyên đại bi
Thiện quyền vượt bờ kia.
Phật là nhất thiết trí
Không nhiễm, không chấp trước
Ta vốn hành nghiệp khổ
Bỏ nước, thành, vợ con.
Quên cha mẹ, Sư Trưởng
Không tiếc thân mạng mình
Như người giữa đồng hoang
Khao khát cần nước uống.
Gặp sông, suối, ao, giếng
Lấy uống không còn khát
Người thọ thân bốn đại
Có định không định xứ.
Huống thức không thiện ác
Thức thọ báo rõ ràng
Nhà bảy báu trì giới
Có trăm vạn Thiên Nữ.
Nhạc trỗi để vui chơi
Không bao giờ sầu ưu
Lực Phật nhất thiết trí
Thấm nhuần khắp mọi người.
Trước đạt năm thần thông
Nhuần gội pháp cam lồ
Xưng dương bốn cú nghĩa
Không trước, sau, chính giữa.
Pháp này nối pháp khác
Thông pháp tánh trong ngoài
Những gì ta đã tạo
Bị ác sử trói buộc.
Luân hồi trong năm đường
Mà cho là nhà cửa
Cảnh Trời như lửa xẹt
Tìm kiếm không có thật.
Rùa mù tìm bọng cây
Có lúc còn được gặp
Một khi ta mất mạng
Ức kiếp khó lại được.
Biển rộng lớn sâu thẩm
Ba trăm ba mươi sáu
Nếu quăng kim vào biển
Tìm kiếm còn khi được.
Một khi ta mất thân
Khó được hơn đó nữa
Người giữ luật, trì giới
Ở đời khó gặp được.
Trong ức ngàn vạn kiếp
Phật như hoa Ưu Đàm
Những chúng sinh hữu duyên
Được Phật giáo hóa đạo.
Đoạn trừ các kiết sử
Vĩnh viễn không bị vướng.
Khi Đức Phật nói kệ này xong, có hai mươi na do tha chúng sinh lập tín căn kiên cố, không còn nghi ngờ và đều phát tâm cầu đạt đạo chánh chân vô thượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba