Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Mười Sáu - Chuyển Pháp Luân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG

ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN

MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

KINH BỒ TÁT XỬ THAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI SÁU

CHUYỂN PHÁP LUÂN  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì muốn thị hiện vô lượng di thể báo ứng của Chư Phật khiến cho tất cả Bồ Tát có thần thông, bậc hữu học, vô học và bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều thấy rõ nên hiện sinh thọ báo chuyển đại pháp luân. Sự báo ứng này, Sa Môn, Bà La Môn, Ma, Phạm Thiên chẳng thể nào chuyển được.

Đức Thế Tôn liền dùng thần lực, từ lỗ chân lông trên thân phóng ra ánh sáng chiếu xa đến các Cõi Phật khắp mười phương, mỗi vầng ánh sáng đều có ba ngàn đại thiên Cõi Phật, mỗi Cõi Phật đều có hóa Phật, mỗi hóa Phật đều có ba ngàn đại thiên loài chúng sinh, mỗi Chư Phật và chúng hội ấy giảng nói vô tận pháp tạng, có vô lượng điều kỳ diệu, không pháp nào sánh bằng.

Pháp chân tế thâm diệu được nói ra, đầu giữa cuối đều thiện, diệt trừ dâm nộ si, lấy nước bát giải rửa trừ tâm cấu.

Khi ấy, trong ao, Chư Phật hóa làm đài cao bảy báu, cách đất bảy nhận. Trên đài cao trải tòa cao báu, bốn góc đều treo linh vàng, ở giữa dùng đủ thứ báu treo xen lẫn nhau, treo lọng lụa, cờ phướn năm màu đỏ, vàng v.v… an lạc không thể tả.

Ngay trên tòa, chúng sinh nghe tạng pháp vô tận, ngồi thẳng tư duy, tâm không tán loạn. Tất cả đều muốn nghe pháp bí mật tinh túy của Như Lai.

Theo pháp thường của Chư Phật, Đức Thế Tôn lại phóng ra ánh sáng nơi nhục kế chiếu lên đến vô số ức Cõi Phật. Cõi Phật trên không giới có Phật hiệu Bảo Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thấy ánh sáng từ nhục kế của Đức Phật Thích Ca Văn.

Liền nói với các hội Bồ Tát nơi cõi mình: Phương Dưới có Phật hiệu Thích Ca Văn Ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện đang ở trong thai mẹ rộng giảng nói pháp tạng sâu xa vô thượng, hướng dẫn các Bồ Tát có thần thông khắp mười phương.

Các ông hãy đến đó lễ lạy thăm hỏi và đem lời thăm hỏi của ta đến Thích Ca Văn Ni: Đức Phật giáo hóa có dễ dàng không?

Đi lại có khỏe mạnh không?

Chúng sinh ở đó có dễ độ không?

Đến đó các ông phải giữ gìn, thâu giữ oai nghi. Chúng sinh nơi cõi đó nhiều phiền não, đầy lòng kiêu mạn.

Khi đó, các Bồ Tát ở cõi này cả mười bảy vạn vạn ức vị, mặc pháp phục đàng hoàng, lễ sát chân Phật rồi biến mất ở đấy, hiện đến cõi Ta Bà.

Đức Phật Thích Ca Văn Ni lại dùng thần lực định tâm làm cho các Bồ Tát này không thấy Đức Thích Ca Văn Ni và che xung quanh bốn mặt của Đạo Tràng thuyết pháp. Các Bồ Tát tìm kiếm Đức Thích Ca Văn Ni từ Cõi Diêm Phù Đề đến khắp ba ngàn đại thiên cõi nhưng không thấy.

Các Đại Bồ Tát ấy nói với nhau: Ở nơi cõi thượng hư không của chúng ta cách đây rất xa, ánh sáng chúng ta thấy vừa rồi chẳng lẽ do Đức Phật Thích Ca Văn Ni nhập Niết Bàn nên đã phóng ra ánh sáng?

Chẳng lẽ chúng ta đã mất thiên nhãn thông rồi chăng?

Vì sao?

Vì đã đi tìm khắp các Thế Giới trong mười phương mà không biết Đức Phật ở đâu cả.

Các vị Bồ Tát suy nghĩ: Chúng ta đành phải trở về thôi.

Nghĩ vậy xong, tất cả đều không thể nào đến Cõi Phật của mình nên đều rất lo sợ, vì cho rằng đã mất thần túc, tâm chán nản, mệt mỏi, không thể tham cứu pháp môn tạng vô tận.

Vì sao?

Vì đó đều là oai thần của Đức Thích Ca Văn Ni khiến ra như vậy.

Biết rõ tâm của các Bồ Tát ấy, Đức Phật dùng thần túc tiếp các Bồ Tát ở trong thai mẹ. Bấy giờ, các Bồ Tát đều cung kính làm lễ, thưa hết những lời dạy thăm hỏi của Đức Phật nơi cõi mình và ngồi qua một bên.

Khi ấy, Đức Thích Ca Văn Ni Như Lai lại dùng thần túc phóng ra ánh sáng lớn chiếu sáng đến Thế Giới Diệm ở phương Đông, cõi nước tên là Kỳ Đặc, Phật hiệu Thâm Nghĩa gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện đang giảng nói pháp, đầu giữa cuối đều thiện.

Thấy ánh sáng này, Phật ấy nói với các Bồ Tát: Các ông hãy chuẩn bị đi đến chỗ Đức Phật Thích Ca Văn Ni ở cõi Ta Bà để nghe tạng pháp vô tận, được nhiều lợi ích.

Vì sao?

Vì Bồ Tát nơi cõi đó đều là bậc Nhất sinh bổ xứ, chắc chắn có pháp kỳ diệu khó nghĩ bàn.

Các Đại Bồ Tát cung kính vâng lời Phật, lễ sát chân Phật rồi bỗng nhiên biến mất ở đấy, hiện đến chỗ Đức Phật Thích Ca Văn Ni ở cõi Ta Bà, đầu mặt lạy sát chân Ngài rồi lui qua một bên. Phật dùng thần đức cho mời Ma Ba Tuần, do được cảm ứng nên khiến ma đến.

Đức Thế Tôn biết chúng sinh tập hợp, Chư Thiên trỗi nhạc ca tụng vô lượng phước nghiệp của Như Lai, Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Hãy ngưng nhạc của Chư Thiên lại. Ta sắp giảng nói pháp.

Phật bảo chúng hội từ xa đến: Khi Phật xuất hiện nơi đời ức vạn ngàn kiếp, khi ấy mới có hoa Ưu Đàm Bát. Đại Bồ Tát nào lậu tận, có thần thông, biết pháp căn bản, trừ vọng tưởng, bỏ ý niệm, thì gọi là hữu tận. Không thấy lậu tận, không tưởng pháp thì gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát nghĩ do thân bị trói buộc, không đến bờ kia thì gọi là hữu tận. Có thể bỏ tưởng về thân, không còn bỉ thử thì gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát đã cởi bỏ trói buộc, không trụ vào chân tế thì gọi là hữu tận. Không còn bị tưởng trói buộc, đạt được về tưởng là không  vô ngã thì gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát luôn luôn quán các Thế Giới rõ ràng, không thật có thì gọi là hữu tận. Phân biệt hư không không có thật, không thấy có độ, không độ, Thế Giới không như thế thì gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát tu hành mười sáu pháp thù thắng, cứu độ A tăng kỳ chúng sinh thì gọi là hữu tận. Mười sáu pháp thù thắng tự tánh là không tịch, không thấy độ, không thấy không độ thì gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát tu hành khắp nơi, chịu khổ cho chúng sinh mà không lấy làm mệt mỏi, đó gọi là hữu tận. Không thấy chúng sinh, Quốc Độ thanh tịnh, không một không hai, đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát vâng giữ giới, tu pháp nhập ba môn giải thoát, đó gọi là hữu tận. Không thấy chúng sinh giới khuyết thiếu hay giới trọn vẹn, đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát hiểu rõ, phân biệt nghĩa từng câu, nghĩa từng chữ, ứng phó không ngại, đó gọi là hữu tận. Không thấy nghĩa của câu, không phân biệt nghĩa chữ, đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát phân biệt Cõi Trời, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, ở đó Bồ Tát cứu vớt hết thảy, khiến được giải thoát thì gọi là hữu tận. Mặc dù ở trong năm trược nhưng không nhiễm, không bị nhiễm cũng không chấp trước, đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát bỏ tham lam, cao ngạo, không có tăng thượng mạn, cũng không tự ti, tu hành thanh tịnh thì gọi là hữu tận. Pháp tánh là không tịch, không có tâm tự đại, không thấy ngã mạn với pháp được mất, không thấy siêng năng thọ chứng đạo quả, đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát làm trang nghiêm cây Bồ Đề, diễn xướng vô số âm thanh thanh tịnh vang khắp mười phương, phá trừ tham lam chấp trước để hành bố thí thì gọi là hữu tận, không thấy Thế Giới thành tựu hoại, sinh diệt, có tham đắm thì gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát dùng tâm Kim Cang phá kiết ba cõi, từ lúc mới phát tâm cho đến ngôi vị bất thoái chuyển không thấy đoạn diệt làm chướng ngại chúng sinh, đó gọi là hữu tận. Sự chấp trước về ngã, không còn có ngã, không còn ngã sở.

Thế nào là ngã?

Là tự ngã không thật có. Ngã cũng không có ngã, đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát diệt trừ tên họ, không chấp vào pháp thế tục, nói đó là ngã sở chẳng phải ngã sở, là cha, là mẹ, là anh, là em, dòng họ của ta rất tối thắng, dòng họ của người khác không bằng, ta là Tộc Tánh Tử, còn kia chẳng phải là Tộc Tánh Tử v.v… người chấp danh hiệu ấy gọi là hữu tận.

Từ khi mới phát tâm cho đến lúc thành Phật không thấy có chứng thành, cũng không thấy Phật. Giả sử tên tự danh hiệu cũng đều là không tịch, không thấy có không tịch.

Thế nào là không?

Ai tạo ra không này?

Không tự nó không có không, thì làm sao nói không?

Đó gọi là vô tận.

Pháp Đại Bồ Tát nói từng chữ, nói từng câu, nói từng nghĩa, từ vô minh đến hành, cho đến sinh tử. Vô minh, ái, thủ là pháp làm nhân duyên bất tận. Mê hoặc, điên đảo bị vô minh trói buộc, từ chỗ tối vào chỗ tối có thể cứu vớt ra được, đó gọi là hữu tận.

Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu bi, khổ não. Sự trói buộc vướng mắc đều diệt trừ.

Không bị vướng mắc thì vô minh diệt, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì tức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, ưu bi, khổ não diệt.

Lão tử, ưu bi, khổ não duyên sinh, sinh duyên hữu, hữu duyên thủ, thủ duyên ái, ái duyên thọ, thọ duyên xúc, xúc duyên lục nhập, lục nhập duyên danh sắc, danh sắc duyên thức, thức duyên hành, hành duyên vô minh.

Lão tử, ưu bi, khổ não diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì thức diệt, thức diệt thì hành diệt, hành diệt thì vô minh diệt. Hiểu rõ pháp tánh diệt hay không diệt, cũng không thấy diệt, cũng không thấy không diệt.

Sao gọi là diệt diệt?

Không diệt, đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát phân biệt hiểu rõ về pháp khởi, pháp tận. Khởi không biết từ đâu đến, không biết đi về đâu. Khởi cũng không khởi, tận cũng không tận, đó gọi là vô tận.

Hiểu rõ khởi  tận đều không có xứ sở, giống như hư không, không vướng mắc.

Sao gọi là vô trước?

Vì không thấy vô trước, vô trước hoàn toàn không có, đấy là vô trước. Đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát muốn chứng đắc tam muội tổng trì, bốn tuệ vô ngại, đêm ngày kinh hành, toàn thân nhẹ nặng, đầu tiên tập pháp quán cách mặt đất, ban đầu như quả A Ma Lặc, lần lần như quả Tỳ Hê Lặc, chuyển lần lên như quả Ha Lê Lặc, cách đất bằng bóng của ngón chân, từ từ cách đất bằng bóng của bảy người. Đây là thiền của thế tục mà kẻ phàm phu, tiên nhân học.

Đối với sự học ấy, Bồ Tát trụ vào thì gọi là hữu tận. Tâm thông suốt, không chướng ngại, không trụ vào năm thần thông, chẳng phải là không trụ năm thần thông, hiểu rõ pháp tánh của các pháp là tự nhiên, vô minh và chân tế đều tự nhiên, cũng không tự nhiên.

Sao gọi là tự nhiên?

Là không thấy tự nhiên, không có tự nhiên. Đó gọi là vô tận.

Đại Bồ Tát lấy không mà diệt tưởng, không thọ sắc, không bị mọi tầng lớp chúng sinh sai khiến, ở nơi thanh vắng ngồi tư duy, không thấy tạo sắc, không thấy không tạo sắc, một lòng chỉ hướng đến cửa Niết Bàn, đó gọi là hữu tận.

Niệm thân là vô thường, nên bố thí, trì giới, định tâm, không lo sợ bị đọa lạc, chìm đắm trong sinh tử. Mặc dù ở trong sinh tử nhưng giống như chim bay trên hư không, không thấy dấu vết, biết tất cả là vô sở hữu, đó gọi là lửa tắt, chỉ còn đống tro, không còn hơi nóng.

Tìm người chủ và chất liệu của lửa không phải người, không phải ta, không phải thọ, không phải mạng. Quan sát phân biệt ai đã tạo tác. Thức cũng không phải thức, tìm nơi mười tám giới, nhập cũng không có nguồn gốc.

Một trăm lẻ tám phiền não đều vô sở hữu, qua lại đều thông suốt, không thấy, không thể thấy, không nắm giữ, không thấy có người nắm giữ.

Thế nào là nắm giữ?

Là nắm giữ mà không có gì để nắm giữ. Đó gọi là vô tận.

Lúc ấy, trong đại chúng có Bồ Tát tên Kim Sắc chứng đắc sáu thông, thấu triệt, thâm hiểu Phật tuệ, công đức vô lượng, quyền biến muôn hình vạn trạng, muốn hỏi Như Lai về nghĩa vô tận nên liền đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là vô tận?

Phật bảo Bồ Tát Kim Sắc: Pháp vô tận của Đại Bồ Tát là không nói, không lời thì làm sao thấy, nghe, nói về pháp vô tận.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ nói với Bồ Tát Kim Sắc:

Hư không không hình tướng

Tìm sinh không nguồn gốc

Thai phần không thể lường

Như sông chảy vào biển.

Bảo tạng pháp vô tận

Cha Mẹ Phật ba đời

Muốn tìm tận nguồn gốc

Chính là tâm mê hoặc.

Hiểu rõ pháp tướng không

Dứt sạch hết bụi trần

Thành Phật thân Kim Cang

Đầy đủ tướng trang nghiêm.

Phân biệt thân Phật không

Không chấp trước trong ngoài

Dầu giảng vô tận báu

Ức vạn không nói một.

Khi Đức Như Lai giảng nói về vô tận báu, các Bồ Tát bậc hữu học và vô học ngay nơi chỗ ngồi phát tâm hướng đến tạng pháp vô tận. Chư Thiên, rồng, nhân và phi nhân đều phát tâm vô thượng an lập nơi quả vị bất thoái chuyển.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần