Phật Thuyết Kinh Vô Hy Vọng - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH VÔ HY VỌNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa ở núi Linh Thứu thuộc thành Vương Xá, cùng năm trăm vị Đại Tỳ Kheo và sáu vạn Bồ Tát, tất cả đều chứng thần thông của Bậc Thánh, thành tựu pháp tổng trì và biện tài vô ngại.

Thuyết giảng Kinh pháp thường không sai khác, thần thông biến hóa không thể nghĩ bàn, hạnh nguyện đầy đủ thể nhập cùng khắp. Những vị ấy tên là Bồ Tát Vô Tổn Tấn, Bồ Tát Độ Hưởng Lôi Chấn Oai, Bồ Tát Nhã Dạ Nguyệt Hoa, Bồ Tát Đại Vũ Điện Ngôn Từ, Bồ Tát Quán Vô Để Độ Cảnh Giới, Bồ Tát Siêu Sơn Đỉnh, Bồ Tát Hân Nhạo Linh Duyệt.

Bồ Tát Đa Ly Cấu Mạc Năng Đương Quang, Bồ Tát Quyết Chúng Sinh Tánh Nghị Độ, Bồ Tát Đắc Kiên Cường Như Kim Cang, Bồ Tát Ư Chư Âm Hưởng Tối Diệu, Bồ Tát Việt Phạm Oai Thanh, Bồ Tát Xứng Tự Tại Khả Úy Mạc Năng Phạm, Bồ Tát Tích Chư Đức Bổn Như Lũy Bảo, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đồng chân là những vị đứng đầu trong sáu vạn Bồ Tát.

Trong các Hiền Giả! Có Tôn Giả Xá Lợi Phất chỉ ở một mình, nhất tâm thiền định từ chỗ ngồi đi đến nơi Đức Phật. Lúc ấy, Đức Thế Tôn ngồi ở dưới gốc cây, đã đạt được Tam Muội chánh định vắng lặng, khi Xá Lợi Phất từ xa nhìn thấy Đức Thế Tôn oai nghi đức hạnh điềm tỉnh hòa nhã, đang tìm tấm tòa bằng cỏ trải ra và ngồi kiết già trên đó, ngay thẳng, thân không nghiêng ngửa nương tựa.

Bồ Tát liền nghĩ: Thật chưa từng có, ánh sáng, oai thần của Như Lai Chí Chân không thể tính kể, an tỉnh trong đạo, nhờ đó chúng sinh được an lạc, có thể đạt được trí tuệ chân chánh vô thượng, nếu có thưa hỏi về công đức, hiểu rõ các pháp đều thông suốt.

Bấy giờ, Đức Phật đang yên tĩnh thanh vắng, từ tam muội phát ra âm thanh, khi ấy Xá Lợi Phất nghe Phật Thế Tôn phát ra tiếng nói, tâm hoàn toàn an ổn, đạt được bản nguyện, liền đến trước Đức Phật, đứng chí thành đảnh lễ, tâm luôn vui mừng.

Dùng kệ để tán thán:

Nếu có chúng sinh

Không có mong cầu

Chưa từng chấp niệm

Đối với Kinh Điển

Du hóa thế gian

Chỉ thích bình đẳng

Thì thường thọ nhận

Những Kinh pháp này.

Chúng sinh không bằng

Thấy những lỗi nhỏ

Tin hiểu tất cả

Đều là hư huyễn

Hiểu rõ các pháp

Đều như hư không

Không thấy tôi, ta

Mới an lạc nhiều

Người không suy nghĩ

Tất cả chúng sinh.

Không nhớ chúng sinh

Hoặc không chúng sinh

Chưa từng chứng đắc

Hết thảy suy nghĩ

Không thấy tôi, ta

Mới an lạc nhiều

Từ xưa đến nay

Không tướng hòa hợp

Không vì có tướng

Mà bị mê hoặc

Không làm phát khởi

Cũng không chỗ trú

Chẳng thấy thọ mạng

Được an ổn nhiều

Nếu có trí tuệ

Không dựa mọi người

Ở trong pháp giới

Chẳng có đấu tranh.

Bỏ đi tất cả

Tưởng của chúng sinh

Nhớ nghĩ không còn

Là được an ổn

Người luôn thực hành

Ở trong giới cấm.

Nhân từ tất cả

Thường không bỏn sẻn.

An trú trong pháp

Không còn suy tính

Chẳng thấy sợ hãi

Thế được an lạc.

Hoặc dùng nhẫn nhục

Hòa thuận tất cả.

Người chưa từng có

Ưa thích tranh cãi,

Không được tinh tấn

Cũng không lười biếng

Không nghĩ nhẫn nhục

Thế được an lạc.

An trú kiên cố

Nhất tâm thiền định

Tâm không còn niệm

Trừ hết tán loạn.

Hiểu rõ các pháp

Trú trong các định.

Không nghĩ đến thiền

Thế được an lạc.

Hoặc không thấu hiểu

Cũng không trí tuệ

Cũng chẳng nương theo

Người vô trí dạy

Chẳng thường hiểu rõ

Cũng không mê mờ

Không tưởng trí tuệ

Là được an lạc

Ở nơi thanh vắng

Cũng như xóm làng.

Cả hai nơi ấy

Tu tập bình đẳng.

Cũng không nghĩ xấu

Đây là xóm làng

Không nghĩ nhàn rỗi

Mới là an lạc.

Giả sử khất thực

Đầy đủ thức ăn

Cũng không cho rằng

Ta cầu thức ăn.

Không tự khen mình

Ta hành khất thực.

Không nhớ đến nó.

Mới là an lạc

Đã từ lâu xa

Mặc y hoại sắc.

Lãnh thọ giữ gìn

Che thân thể này.

Không tự cho là

Ta mặc áo thô

Người không kiêu mạn

Mới được an lạc.

Giáo pháp Chư Phật

Dạy muốn an lạc

Nương ba pháp y

Không được lìa thân.

Không nhớ nghĩ mình

Thực hành chân chánh.

Chẳng tự vui mừng

Ấy là an lạc.

Có thể giảng thuyết

Các pháp vi diệu.

Không chấp ta, tôi,

Không lệ thuộc người.

Không tự khen mình,

Là đã giảng pháp.

Không theo âm thanh

Ấy là an lạc.

Nguồn gốc các đức

Không ôm vọng tưởng.

Không tưởng bền vững

Không nhớ việc làm.

Chẳng nghĩ sạch dơ

Nhớ nghĩ trong tâm

Thân không tạo tác

Ấy là an lạc.

Hoặc làm phát khởi

Không tưởng đến nó.

Có nơi an trú

Không nhớ chỗ ấy.

Đêm ngày tinh tấn

Kinh hành đúng lúc

Không nói trau chuốt

Ấy là an lạc.

Giả không nhớ nghĩ

Làm và không làm

Thường không vọng tưởng

Niệm thật phi thường.

Như Lai ngoại đạo

Không có sai biệt

Không nghĩ thù thắng

Ấy là an lạc.

Không còn toan tính

Trong tưởng an ổn.

Đều như hư không

Không chỗ vượt qua

Tâm không nhớ nghĩ

Ta và chúng sinh

Chẳng thấy sai khác

Ấy là an lạc

Nếu hiểu huyễn hóa

Như mộng trong đêm

Chứng được biện tài

Tâm không quên mất

Đi vào thế gian

Như trăng trong nước

Không có tiến lùi

Mới được an ổn.

Hiểu rõ phương tiện

Nhận thấy Chân đế

Cho rằng thân này

Không có bền vững

Thì nhận biết được

Các pháp vắng lặng.

Không khởi vọng tưởng

Ấy là an lạc.

Bấy giờ, Thế Tôn khen ngợi Xá Lợi Phất: Lành thay, lành thay! Xá Lợi Phất! Sự hiểu biết của ông thật sâu xa, tu hành trí tuệ đạt tới chỗ cứu cánh. Rồi vì các chúng sinh giảng nói chánh pháp khiến cho họ quay về với đạo vi diệu.

Tại sao như vậy?

Này Xá Lợi Phất! Từ chỗ thiền định đi đến núi Kỳ Xà Quật vì các người học, Tỳ Kheo, Bồ Tát bố thí pháp ngữ khiến cho chúng hội mở mang trí tuệ và thọ lãnh giáo pháp.

Bấy giờ Xá Lợi Phất liền bạch: Kính Bạch Thế Tôn! Con không thể làm cho chúng hội tập họp.

Vì sao?

Vì ở trong hội này, các vị Bồ Tát có oai đức rất lớn, trí tuệ vô tận vượt thoát khỏi Trời, Rồng.

Con chẳng sánh bằng. Khi ấy Đức Phật từ thân phóng ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, đồng thời các Bồ Tát ở Cõi Phật nhờ ánh sáng rực rỡ này, chỉ trong chốc lát đều đến tập trung ở núi Linh Thứu. Tất cả đi đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, trở lại an trú trên hư không.

Các Tỳ Kheo và Bồ Tát từ nơi thiền định đều đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một bên. Có trăm ngàn nhân dân ở trong thành Vương Xá đi đến chỗ Đức Phật đảnh lễ sát chân, liền ngồi qua một bên.

Khi ấy thấy vô số chúng đều đến tụ họp, Đức Phật nhìn Văn Thù Sư Lợi liền mỉm cười. Văn Thù Sư Lợi lập tức từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y bày vai phải, quỳ gối sát đất chắp tay thưa.

Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì Thế Tôn cười, Như Lai Chí Chân chưa từng cười mà không có nguyên do.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Hôm nay, ở núi Linh Thứu có vạn Bồ Tát đều thuyết giảng Kinh Dụ Tượng, từ xưa cũng chưa từng được giảng.

Hiền Giả A Nan nghe Đức Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y phục tề chỉnh, hai chân quỳ xuống, chắp tay hướng về Đức Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Lành thay! Thế Tôn thương xót chúng sinh làm cho họ hoàn toàn an lạc, nguyện xin thuyết giảng Kinh Dụ Tượng Ví dụ về con voi, Kinh này khó nghe, mọi người muốn nghe, mong Thế Tôn thuyết giảng cho các bộ chúng đã về đây tập họp được nghe Kinh này, nhất định sẽ chứng được ánh sáng, sâu xa vi diệu.

Vì sao?

Vì Như Lai Chí Chân trên hết trong ba cõi không ai sánh bằng, trước đây Đức Thế Tôn nhìn thấy Bồ Tát Văn Thù liền cười. Ở đây có thật ý nghĩa, không phải hư dối.

Đức Phật bảo: Lành thay, lành thay! Này A Nan! Ông mới thấy rõ nguồn gốc công đức châu báu, trí tuệ nhận biết không có giới hạn.

A Nan! Hãy lắng nghe suy nghĩ kỹ sẽ vì ông mà giải thích về ý nghĩa cười trước đó.

Khi ấy, A Nan và đại chúng lãnh thọ và lắng nghe.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần