Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Mười Tám - Thức Trụ Xứ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG
ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN
MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
KINH BỒ TÁT XỬ THAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI TÁM
THỨC TRỤ XỨ
Khi đó, trong đại chúng có Bồ Tát tên Phổ Quang đầy lòng đại từ đại bi, có thần túc tự tại, ưa thích công đức sâu xa mầu nhiệm, đã thành tựu từ vô số A tăng kỳ kiếp, cứu vớt chúng sinh, nhổ đứt nguồn gốc khổ, đắc sáu thần thông, ở chỗ nào làm Phật Sự đều không bị gián đoạn liền từ tòa ngồi đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất.
Chấp tay thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã nghe Như Lai phân biệt về sáu thần thông không chướng ngại, biến khắp cả mười phương Thế Giới Chư Phật, làm cho chánh pháp của chư Thế Tôn bình đẳng không có sai biệt.
Pháp thức này trụ hay không chỗ trụ?
Thức của sáu thần thông, thức của pháp là một pháp hay nhiều pháp?
Nếu thức là một pháp thì thân sắc Như Lai với thần túc Đạo Tràng được dạo qua các Cõi Phật.
Thức đưa đến thân hay thân đưa đến thức?
Nếu thân đưa đến thức thì không có sáu thần thông. Nếu thức đưa đến thân thì đây gọi là một pháp, không thân không thức. Cúi xin Thế Tôn Giảng nói cho con về nghĩa này.
Phật bảo Bồ Tát Phổ Quang: Theo nghĩa của ông hỏi là hỏi theo đệ nhất nghĩa hay hỏi theo nghĩa thế tục?
Nếu hỏi theo nghĩa thế tục thì thức pháp rất nhiều, không có tướng nhất định. Còn hỏi về đệ nhất nghĩa thì không thân không thức.
Vì sao?
Vì nếu phân biệt về pháp thức thì tự tánh của nó là không tịch, không đến, không đi, cũng không nhiễm vướng. Ông hỏi về thân sắc vàng thì đây là pháp hữu vi do năm ấm thành tựu, chẳng phải pháp tự nhiên, chẳng phải đệ nhất nghĩa. Pháp sắc thân Phật đối với đệ nhất nghĩa thì không có mất.
Nay Ta sẽ giảng nói cho ông về pháp tướng của thức: Bồ Tát hành sáu thần thông, thân thức đều có một lượt, chẳng phải thức có trước thân có sau, chẳng phải thân có trước thức có sau.
Vì sao?
Vì pháp tướng tự nhiên, thức không lìa thân mà thân cũng không lìa thức.
Giống như hai con bò cùng chung một cái ách: Nếu con bò đen đi trước, con bò trắng đi sau thì cày bừa trồng trọt không thành.
Nếu như con bò trắng đi trước, con bò đen đi sau thì cày bừa trồng trọt cũng không thành. Chẳng phải bò đen đi trước, bò trắng đi sau. Chẳng phải bò trắng đi trước, bò đen đi sau thì cày bừa trồng trọt mới thành.
Thần túc đạo quả cũng như vậy, thân và thức cùng sinh một lượt, không có trước sau hay chặng giữa. Sắc thân của Như Lai có trước có sau có chặng giữa. Đây là pháp thế tục chứ chẳng phải là đệ nhất nghĩa. Đối với pháp không tịch thì không có như thế.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Thể kim sắc Như Lai
Được ba đời cung kính
Làm trọng trách cho người
Đấng tôn quý vô thượng.
Các chúng Trời Đao Lợi
Đêm ngày rải hoa hương
Phạm Thiên và quyến thuộc
Trỗi nhạc để làm vui.
Ở trong trăm do tuần
Khắp cả cõi hư không
Lớn tiếng khen: Lành thay!
Thức Phật không thể thấy.
Không có trong, ngoài, giữa
Vì kẻ ngu thế gian
Mà hiện pháp sáu thông
Vô số Phật quá khứ.
Tướng ánh sáng giống đây
Muốn cầu gốc thức pháp
Tịch diệt không thể thấy
Đạo sáu thông Bồ Tát.
Hiện tận không có tận
Niệm trong hơi thở ra
Không chấp hữu ba cõi
Quán trong ngoài thân tịnh.
Kim sắc: Không, không chấp
Thức pháp cũng như vậy
Không khứ, lai, hiện tại
Tánh năm ấm thanh tịnh.
Không thân này, thân sau
Phân biệt tướng rõ ràng
Được đến nơi an ổn
Tướng thức có sáu điều.
Cũng gọi là sáu chứng
Sáu thức không chỗ trụ
Sinh diệt không cùng tận
Giống như bọt trên nước.
Vừa diệt lại sinh ngay
Thức pháp tự nhiên không
Theo dòng nước muôn nơi
Những gì xưa ta tạo.
Thân thức đủ hai điều
Đi một mình không bạn
Nói pháp vô thượng đạo
Các pháp, thức là gốc.
Luôn luôn đi theo thân
Tuy trụ mà không trụ
Giáo hóa người khổ não
Mắt thấy sắc hiện tại.
Thức chướng ngại ở giữa
Chẳng phải sắc nhập nhãn
Không phải nhãn nhập sắc
Phân biệt pháp đây kia.
Nhờ thức biết thiện ác
Tự thức không biết pháp
Nhĩ thanh, tỷ hương riêng
Sáu nghiệp duyên sinh riêng.
Nên tạo thành thiện ác
Thanh không đến với nhĩ
Tỷ, khẩu, ý cũng vậy
Nhân duyên tướng mỗi pháp.
Vô trước, không, vô pháp
Tám phẩm đạo Hiền Thánh
Ba mươi bảy hành quán
Cõi hư không tịch nhiên.
Không tướng, không có nguyện
Nghiệp có quả trắng đen
Quả báo biết rõ ràng
Muốn cầu thật tướng thức.
Không thấy có chỗ trụ
Trang nghiêm Quốc Độ Phật
Bốn đẳng, vô sở úy
Hiểu rõ các pháp: Không.
Thức diệt, hành cũng diệt
Bồ Tát thành đạo quả
Pháp không, nay ba đời
Thức như đạo huyễn hóa.
Không trụ bên đây kia
Thức diệt về hư không
Giả gọi không chân thật
Sơ nhập tứ không định.
Trừ tưởng không ràng buộc
Dựng cao ngọn cờ pháp
Xiển dương pháp tướng thức
Thức trước khác thức sau.
Cũng không xa lìa thức
Đấng đệ nhất ba cõi
Mới hiểu rõ tánh thức
Như người trên đỉnh núi.
Thấy thông suốt bốn phía
Phân biệt hạnh ác, thiện
Thiên nhãn thông đệ nhất
Thấy xa mười phương cõi
Người có mắt trí tuệ
Như xem ngọc trên tay.
Khi Đức Thế Tôn nói kệ này, có tám mươi bốn ức chúng sinh muốn được xả ly tướng sáu thức pháp, không muốn sinh tử luân hồi trong năm đường, phát tâm thệ nguyện lớn, trụ vào địa vô thức.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội thứ Hai Mươi Bảy - Pháp Hội Thiện Thuận Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Tám - Tám Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bố Thí - Phần Ba - Thửa Ruộng
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Xá Lợi
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm Mã Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Hai - Tập Một