Phật Thuyết Kinh Bổn Sư - Phẩm Hai - Phẩm Pháp Hai - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BỔN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM PHÁP HAI
PHẦN BA
Ta nghe từ Đức Thế Tôn như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có Tỳ Kheo giảm thiểu sự ngủ nghỉ hay nhớ nghĩ chân chánh thì tâm thường an trụ nơi cảnh an tịnh. Từ nơi thiện pháp hay xem pháp lành mà tu tập chánh niệm.
Như thế đó các Tỳ Kheo! Giảm thiểu ngủ nghỉ, nhớ nghĩ chân chánh, tâm thường an lạc nơi cảnh giới thanh tịnh. Từ nơi thiện pháp thấy nghe pháp lành mà tu tập chân chánh. Ở nơi hai quả tùy chứng một quả, nghĩa là hiện pháp hoặc chứng Hữu Dư Y Niết Bàn, hoặc quả chẳng hoàn.
Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Giác ngộ hay nghe pháp
Tu hành đắc thắng quả
Chìm đắm nơi ngủ nghỉ
Chẳng có không gì cả
Kẻ giảm thiểu ngủ nghỉ
Đủ chánh niệm chánh tri
Tâm này thường yên ổn
Thường ở yên thanh tịnh
Từ nơi pháp lành ấy
Biết thời hay tu tập
Có cứu cánh siêu việt
Sanh lão bệnh tử khổ
Cho nên phải siêng tu
Giảm thiểu việc ngủ nghỉ
Thường hay quán tịch tĩnh
Được hai quả chẳng nghi
Hoặc đoạn sau kết quả
Chứng được quả chẳng hoàn
Hoặc đoạn phần bên trên
Độ sanh lão bệnh tử.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có Tỳ Kheo ở nơi thanh nhàn thường ở chỗ yên chuyên tu thiền định, chẳng rời Tĩnh lự, thành tựu minh tịnh Tỳ Bát Xá Na quán sát, giữ gìn tự tâm làm cho chẳng toán loạn, nương nơi thiện pháp tu tập chẳng nhiễm.
Như thế các Tỳ Kheo! Nơi hai quả ấy ta nói nhất định có thể chứng một quả. Nghĩa là pháp hiện tại, hoặc chứng quả Hữu Dư Y Niết Bàn hoặc quả Bất Hoàn.
Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Vui không, sống ở yên
Đủ chánh niệm chánh tri
Lạc an trụ tâm này
Lìa hư vọng phân biệt
Hay phòng hộ tự tâm
Xa rời màn vô minh
Và các dục phiền não
Chẳng ưu hận, về chân
Tâm này hay yên tịnh
Đầy chánh niệm Tĩnh lự
Chẳng chấp có, giải thoát
Hay tận các việc tham
Thường vui chẳng buông lung
Thấy buông lung hay sợ
Những thấy hay xa lìa
Sớm chứng được Niết Bàn.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có Tỳ Kheo chẳng xấu chẳng thẹn, người kia quyết định chẳng thể thông qua, chẳng thể hiểu biết, chẳng chứng quả vị, chẳng đến Niết Bàn, cũng chẳng thể chứng được vô thượng an lạc.
Nếu có Tỳ Kheo có tàm có quý, kẻ ấy nhất định có thể thông qua, có thể hiểu biết, có thể chứng quả vị,có thể chứng Niết Bàn, cũng có thể chứng cứu cánh vô thượng an lạc.
Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Kẻ chẳng xấu chẳng thẹn
Lười biếng chẳng siêng năng
Nhiều hôn trầm ngủ nghỉ
Điểm cuối đến còn xa
Có xấu có hổ thẹn
Thường chẳng hay buông lung
Vui yên nơi thiền định
Đến Niết Bàn chẳng động
Kẻ kia dứt ràng buộc
Cùng sanh già bệnh chết
Sớm chứng quả giải thoát
Được vô lượng an lạc.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Phàm là kẻ xuất gia, lược nói hai loại, nên làm những việc nếu có thể làm đúng, sẽ được những gì chưa được, sẽ gặp những gì chưa gặp, sẽ chứng những gì chưa chứng, sẽ tiêu sầu thán, có thể diệt trừ lo buồn, có thể tiếp xúc với chân lý, có thể được Cam Lồ, có thể chứng Niết Bàn.
Sao gọi là hai?
Một là Tĩnh lự.
Hai là hay nghe.
Sao gọi là Tĩnh lự?
Nghĩa là các Tỳ Kheo xa rời các ham muốn xấu, chẳng phải là pháp lành, có sai có quấy, ly sanh hỷ lạc, sống ở đầy đủ. Đây là sự Tĩnh lự căn bản. Sự sai quấy dừng lại, bên trong sẽ được vui. Nếu chẳng dừng sự sai quấy thì không sanh được hỷ lạc, sống yên ở đủ.
Thứ hai, Tĩnh lự là sự lìa sống vui, bỏ chánh niệm và chánh tri, thân thọ niềm vui, vì chúng mà nói, có xả có niệm, an trụ khoái lạc, đầy đủ sống yên.
Thứ ba, Tĩnh lự là đoạn khổ đoạn vui, trước diệt lo, vui, chẳng khổ chẳng vui, bỏ niệm, thanh tịnh đầy đủ sống yên.
Thứ bốn, Tĩnh lự sao gọi là hay nghe?
Nghĩa là các Tỳ Kheo nương nơi Phật nói, đầu, giữa, sau nghe hiểu và lý giải văn nghĩa rõ ràng, thuần đầy pháp phạm hạnh thanh tịnh.
Cho nên hợp với khế Kinh để tụng đọc như Già Đà, Tự Thuyết, Bổn Sự, Bổn Sanh cho đến Phương Quảng, Vị Tằng Hữu... nương nơi đó mà thọ trì đọc tụng nghe tập làm cho thông lợi, tuyên dương giải thích. Nên có tên là hay nghe.
Như thế đó các người xuất gia lược nói hai loại là vậy! Nên làm những việc nếu có thể đúng đắn sẽ được những gì chưa được, gặp những gì chưa gặp, chứng những gì chưa chứng, có thể tiêu sầu thán, có thể diệt ưu khổ, có thể gặp chân lý như thật, có thể được Cam Lồ, có thể chứng Niết Bàn.
Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Xuất gia có hai loại
Muốn làm việc chân chánh
Nên ở yên hay nghe
Xa sẽ chứng Niết Bàn
Yên lặng huệ là gốc
Huệ có từ yên lặng
Có ở yên có huệ
Xa sẽ chứng Niết Bàn
Trăm ngàn Tăng câm ngọng
Chẳng huệ không Tĩnh lự
Nói Kinh trăm ngàn năm
Chẳng chứng một Niết Bàn
Khuyên tu người trí huệ
Vui nghe pháp giải thoát
Nhớ nghĩ tất lợi lạc
Hay sớm chứng Niết Bàn.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế này. Các Tỳ Kheo nên biết. Sự tìm cầu có hai chẳng có thứ ba.
Sao gọi là hai?
Nghĩa là tìm cầu Thánh và chẳng tìm cầu Thánh.
Sao lại có tên gọi là chẳng tìm cầu Thánh?
Nghĩa là có một loại pháp về già tìm cầu Pháp Già. Đã có bệnh rồi, tìm cầu pháp bệnh, đã có pháp chết rồi tìm cầu pháp chết, đã có pháp sầu rồi, tìm cầu pháp sầu, đã có pháp nhiễm rồi, đi tìm cầu pháp nhiễm.
Sao gọi là Pháp Già?
Nghĩa là vợ con, nô tỳ, kẻ ở, voi ngựa bò dê gà heo nhà cửa, vàng bạc tài sản v.v... đều có tên là Pháp Già. Đó là pháp lão vì lẽ những loại hữu tình này có căn bản sanh tử khổ não.
Kẻ phàm phu sanh ra nương vào đó mà tồn tại, bị nhiễm ái đắm trước. Do lý do này mà chẳng thể giải thoát sanh tử nên có tên là Pháp Già.
Sao gọi là pháp bệnh?
Nghĩa là vợ con, nô tỳ, kẻ ở nói rộng cho đến nhiều loại do chẳng thể giải thoát sanh tử. Nên có tên là bệnh pháp.
Sao gọi là tử pháp?
Nghĩa là vợ con, nô tỳ, kẻ ở rộng ra cho đến nhiều loại do chẳng thể giải thoát sanh tử nên có tên là pháp chết.
Sao gọi là pháp sầu?
Nghĩa là vợ con, nô tỳ, kẻ ở cho đến nói rộng ra các loại, do chẳng thể giải thoát sanh tử nên có tên gọi là pháp sầu.
Sao gọi là nhiễm pháp?
Nghĩa là vợ con, nô tỳ, kẻ ở, voi ngựa trâu dê, gà heo, nhà cửa, tiền bạc tài sản có tên là nhiễm pháp. Đó gọi là pháp nhiễm. Có nghĩa là chúng hữu tình có căn bản sanh tử khổ.
Người ngu sanh ra nương vào nơi này bị nhiễm ái đắm trước, do vậy mà chẳng thể giải thoát sanh tử được. Nên có tên là nhiễm pháp.
Nếu nương nơi này mà tìm cầu ái lạc thì phải biết rằng chẳng tìm cầu Thánh Hạnh. Những tìm cầu như thế cuối cùng Đức Như Lai chẳng xưng dương tán thán. Chỉ thường hay khuyên nên biết mà xa rời.
Thế nào là nhân duyên chẳng tìm cầu Thánh Hạnh?
Mà cuối cùng Như Lai chẳng xưng dương tán thán?
mà chỉ khuyên răn thôi để làm cho xa lìa?
Do việc tìm cầu này là không phải pháp của Hiền Thánh, chẳng thể ra khỏi, không thể vui Niết Bàn, chẳng trói buộc, chẳng xa lìa, chẳng mất, chẳng yên, chẳng có trí tuệ, chẳng thành Đẳng Giác, chẳng chứng Niết Bàn.
Do vậy sự tìm cầu này có thể dẫn tất cả chúng sanh vào sanh già bệnh chết sầu than lo buồn khổ não. Như vậy cho nên đây gọi là phi Thánh tìm cầu. Như Lai cuối cùng rồi chẳng xưng dương tán thán. Chỉ hay khuyên bảo cho biết và làm cho xa rời.
Thế nào gọi là tìm cầu Thánh Hạnh?
Nghĩa là có một loại về Pháp Già có thể tự biết là ta đã già, phải tự biết như thật là mình đã quá già, tìm cầu cứu cánh, không già thì không có vô thượng an lạc Niết Bàn.
Cho đến pháp bệnh, có thể tự biết mình đã có bệnh, hay biết bệnh như thật, tìm cầu cứu cánh, không bệnh thì không chứng vô thượng Niết Bàn.
Cho đến pháp chết cũng hay tự biết, mình sẽ phải chết, hay biết như thật về pháp chết, tìm cầu cứu cánh, chẳng chết thì chẳng có vô thượng an lạc Niết Bàn.
Cho đến pháp sầu, cũng nên tự biết, ta có pháp sầu, có thể biết pháp sầu như thật, tìm cầu cứu cánh, không sầu thì không chứng vô thượng an lạc Niết Bàn.
Cho đến pháp nhiễm cũng hay tự biết ta có nhiễm pháp, hay biết nhiễm pháp như thật, tìm cầu cứu cánh, không nhiễm chẳng có vô thượng an lạc Niết Bàn. Như thế ấy có tên là tìm cầu Thánh Hạnh. Như vậy tìm cầu, tất cả các Đức Như Lai xưng dương tán thán.
Thế nào là nhân duyên tìm cầu Thánh Hạnh?
Mà tất cả Như Lai đều xưng dương tán thán?
Do sự tìm cầu này mà gọi là pháp của Hiền Thánh. Có thể vĩnh viễn ra khỏi, có thể vui thú Niết Bàn, có thể chán có thể lìa, có thể diệt có thể tịnh, có thể được trí tuệ, có thể thành đẳng Chánh Giác, có thể chứng được Niết Bàn.
Do sự tìm cầu này có thể siêu tất cả sanh lão bệnh tử sầu than, lo khổ về sanh và không phiền não cho nên như thế là tìm cầu Thánh Hạnh.
Tất cả các Đức Như Lai hay xưng dương tán thán. Cho nên có tên là tìm cầu. Có hai loại chẳng có ba, cho nên các ngươi phải biết như vậy.
Ta nay xa rời như thế nào sự chẳng tìm cầu nơi Thánh Hạnh?
Phải như thế mà tìm cầu nơi Thánh Hạnh.
Này các Tỳ Kheo! Phải nên hiểu như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung ấm - Phẩm Một - Phẩm Như Lai Năm Hoằng Thệ Nguyện Vào Trung ấm Giáo Hóa
Phật Thuyết Kinh Sa Di Thập Giới Nghi Tắc
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bất Tập Cận - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Tám - Thọ Ký Long Vương
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm đại Thừa Như Hư Không