Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MỘT  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa tại Tinh Xá Trùng Các Đại Thọ, thuộc nước Duy Da Ly cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm một vạn người đều là bậc học giới đầy đủ, thông hiểu, thấu đạt đến Bậc Thánh.

Lại có hai vạn Bồ Tát, đều đạt quả vị bất thoái chuyển, chứng được các pháp tổng trì, biện tài không ngăn ngại, gồm đủ các thần thông, phân biệt giải bày thông suốt, thực hành thiền định, tâm tánh thuận hợp nhưng rất kiên cường luôn mong đạt trí tuệ, vận dụng phương tiện thiện xảo độ thoát chúng sinh đến bờ bên kia.

Tên các Bồ Tát ấy là: Bồ Tát Ý Hành, Bồ Tát Kiết Ý, Bồ Tát Thượng Ý, Bồ Tát Trì tưởng, Bồ Tát Tăng Ý, Bồ Tát Kim Cương Ý, Bồ Tát Vô Ngại Ý, Bồ Tát Pháp Ý, Bồ Tát Từ Thị, Bồ Tát Phổ Thủ, Bồ Tát Câu Tỏa, cùng với các Thiên Vương Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, các Thiên Tử và một vạn bốn ngàn người đều vân tập đông đủ.

Bấy giờ, trong thời hạn ba tháng nữa là sắp xả bỏ thân mạng để diệt độ, Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh cho vô lượng chúng quyến thuộc vây quanh.

Bồ Tát Câu Tỏa liền đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, quỳ gối, chấp tay bạch Phật: Than ôi! Như Lai sắp xả bỏ thân mạng! Trong thời gian ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết Bàn! Nguyện xin Thế Tôn Giảng nói về sự che chở của Bồ Tát, sự cứu giúp của Bồ Tát.

Sự tuyên thuyết của Bồ Tát, sự thị hiện của Bồ Tát, sự sinh ra các gốc công đức của Bồ Tát, để cho giáo pháp của Phật không bị đoạn tuyệt, mắt pháp luôn sáng tỏ, ban ân huệ cho Thánh chúng, không xả bỏ chúng sinh, vì họ mà giảng thuyết giáo pháp cao siêu của đạo giải thoát. Sau khi Như Lai diệt độ, giáo pháp được thấm nhuần rộng khắp nơi các Bồ Tát ấy.

Họ không phế bỏ tâm chánh chân vô thượng, luôn thân cận Phật, lắng nghe Kinh Điển, cúng dường Chúng Tăng, lập chí lớn, tâm ý kiên cố, tôn trọng, nương theo giáo pháp, tâm niệm hướng đến chỗ thấu đạt tất cả, suy nghĩ chín chắn, đầy đủ oai nghi, tạo lập sự dũng mãnh để dẹp sạch phiền não cấu uế, chôn vùi những ham muốn ô trược nên không còn sợ hãi, tự tại trong chúng hội mà không bị ganh ghét, chướng nạn.

Xin nguyện Thế Tôn chỉ dạy cho: Thế nào là Bồ Tát tăng trưởng phước đức, đầy đủ trí tuệ, thuận theo thiền định, ngưỡng mộ tâm bồ đề, chưa từng sa sút, tâm tánh cởi mở, quả quyết, kết bạn hoàn hảo cho đến lúc diệt độ, nói làm như nhau, đều tuân theo giáo pháp của Phật không có dối trá, tà vạy, thường giữ gìn chánh pháp đã nghe.

Không có nghi ngờ, thu giữ làm thanh tịnh về ba giới cấm, thường hành nhẫn nhục, theo tâm bình đẳng không hung dữ, ngạo mạn đối với mọi người, tinh tấn tu tập theo điều thiện, tâm không hiềm ghét, mọi sự thực hành đều được thành tựu, nhất tâm hành thiền, ý luôn an lành, hiểu rõ thiền định, thấu triệt tất cả, ý chí tạo lập bằng trí tuệ, xa lìa sự nghi ngờ nơi sáu mươi hai tà kiến.

Đối với mọi lời giáo huấn trong Kinh Điển đều thông đạt, chỗ đáng được cứu giúp là thực hành bốn ân, cứu hộ rộng khắp Cõi Trời, Người, xa lìa những thú vui, thường nghĩ đến vô thường.

Tâm như điểm then chốt nơi các thông tuệ, ý không còn ngưỡng mộ pháp Thanh Văn, Duyên Giác, thường xiển dương giáo pháp đại thừa, chế ngự ma oán và các ngoại đạo, nhớ nghĩ chánh pháp để tuyên dương, giảng thuyết, giáo hóa mọi người, tôn sùng pháp Phật chẳng cầu sinh ở Cõi Trời.

Như lời dạy của Phật, lấy pháp làm sự nghiệp, không tham việc ăn mặc, không có ái dục, cứu độ rộng khắp tất cả, trừ bỏ sân giận, thương xót chúng sinh, tiêu trừ mọi sự mê muội cho họ. Đối với các thứ phiền não cấu nhiễm của chúng sinh thì dùng phương tiện thiện xảo với trí tuệ vô biên, tùy theo căn cơ để khuyên dạy, điều phục.

Phật bảo Bồ Tát Câu Tỏa Na la diên: Lành thay! Lành thay! Ông luôn nhớ nghĩ, thương xót muốn đem lại an ổn cho hàng Trời, Người mới hỏi Như Lai về nghĩa này. Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Như Lai sẽ vì ông mà thuyết giảng về vô lượng công đức thù thắng của Bồ Tát đã thực hành.

Bồ Tát Câu Tỏa bạch Phật: Con muốn được nghe.

Bồ Tát Câu Tỏa cùng chúng hội vâng lời lắng nghe.

Đức Phật dạy: Có Tam Muội tên là Đẳng tập chúng đức, nếu Bồ Tát đạt được định này thì các đức tăng thêm, đầy đủ trí tuệ, thực hành thiền định, ngưỡng mộ tâm Bồ Đề, chưa từng phạm lỗi lầm, tâm tánh cởi mở, quả quyết, luôn gần gũi Như Lai, thường nghe Kinh Điển, cúng dường Chúng Tăng, thực hành bốn ân. Bồ Tát hành hóa như vậy không hề xả bỏ chúng sinh.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn tán dương Tam Muội Đẳng tập chúng đức rồi thì im lặng.

Bấy giờ, trong thành lớn Duy Da Ly có đại Lực sĩ tên là Duy Ma La Đề Di, tự suy nghĩ: Ta là Lực sĩ có sức mạnh bậc nhất trong thiên hạ này không ai sánh bằng. Từng nghe Sa Môn Cù Đàm có uy lực dũng mãnh vô cùng. Uy lực ấy cao siêu, vẹn toàn hơn hết, thể nhập, thông hiểu những điều cốt yếu, giống như bị xiềng xích trói buộc mà được tự tại. Ta muốn đến thử xem xét quyết định về đạo lý ấy.

Suy nghĩ như thế rồi, Lực sĩ liền ra khỏi thành Duy Da Ly, đến Tinh Xá Đại Thọ Trùng Các muốn hầu cận Đức Thế Tôn, liền thấy Như Lai đang thuyết giảng kinh cho vô số quyến thuộc vây quanh. Lực sĩ chiêm ngưỡng oai dung rực rỡ của Thế Tôn tỏa sáng giữa chúng hội giống như núi Tu Di hiện ra giữa biển cả. Thấy rồi, tâm rất vui mừng, Lực sĩ không thể ngăn nổi tâm mình, liền cúi đầu làm lễ nơi chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Biết được tâm niệm của Lực sĩ nên muốn trừ bỏ sự kiêu mạn cao ngạo, Đức Phật liền bảo Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên: Ta nhớ thuở xưa, lúc làm Bồ Tát, hai anh em giương cung bắn tên, chỗ mũi tên phóng tới vẫn còn, nay ông đến tìm lấy. Thích Nữ Cù Di muốn sử dụng.

Tôn Giả Mục Kiền Liên đáp: Đúng vậy! Bạch Thế Tôn! Lúc này con không thấy mũi tên ở đâu để tìm lấy.

Từ bàn tay phải của Đức Phật phóng ra hào quang.

Ánh sáng ấy tỏa khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, chiếu sáng Cõi Phật này, các ngọn núi lớn: Núi Trấn Thế Thiết, núi Đại Thiết Vi, thấy rõ mũi tên ở trong đó. Tôn Giả Mục Liên tìm theo ánh sáng mới thấy chỗ mũi tên.

Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Tìm thấy mũi tên chưa?

Đáp: Bạch Thế Tôn! Đã thấy.

Phật bảo: Đến nhặt mũi tên đem về đây.

Bấy giờ, Tôn Giả Mục Liên hiện bày thần túc, tất cả chúng hội đều trông thấy, giống như khoảnh khắc của một lực sĩ dũng mãnh co duỗi cánh tay, liền đến núi Đại Thiết Vi, muốn rút mũi tên kia ra, khiến ba ngàn đại thiên Thế Giới đều chấn động nhưng mũi tên vẫn không lay chuyển. Tất cả chúng hội, các hàng Trời, Rồng, quỷ thần, Đế Thích, Phạm Vương đều kinh ngạc.

Tôn Giả A Nan liền sửa lại y phục, quỳ gối bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao mặt đất chuyển động, khiến cả Thế Giới đều sợ hãi?

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ta nhớ xưa kia, giương cung bắn tên. Mũi tên xuyên suốt vào núi Thiết Vi, nay sai Tôn Giả Đại Mục Liên đi nhặt lấy. Mục Liên đã dùng hết thần lực nhưng không thể rút mũi tên ra khỏi, khiến cả ba ngàn đại thiên Thế Giới đều lay động mà cũng không lấy được.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Xin nguyện Thế Tôn giúp cho.

Đức Phật nhận lời và trao cho đạo lực, Tôn Giả Mục Liên nương theo đạo lực của Phật nắm lấy mũi tên nhổ ra, rồi đem về dâng lên Đức Phật.

Tôn Giả Mục Liên bạch Phật: Vì sao lúc làm Bồ Tát, Thế Tôn giương cung bắn tên?

Mũi tên xuyên thấu núi Thiết Vi là nhờ sức lực của cha mẹ hay nhờ diệu lực của thần túc?

Phật bảo: Nhờ năng lực của cha mẹ chứ không phải nhờ thần túc. Nếu dùng thần lực thì mũi tên ấy sẽ xuyên suốt vô lượng Thế Giới của Chư Phật.

Tôn Giả Mục Liên thưa: Vì sao Bồ Tát nhờ sức nơi cha mẹ bắn tên xuyên vào núi Thiết Vi mà nhờ công đức của đạo lực mới giúp lấy ra được?

Xin nguyện Thế Tôn nêu sự việc để làm ví dụ.

Phật bảo Tôn Giả Mục Liên: Sức lực của mười con voi bình thường không bằng sức lực của một con voi đầu đàn. Sức lực của mười con voi đầu đàn không bằng sức lực của một long tượng. Sức của mười long tượng không bằng sức của một đại tượng.

Sức của mười đại tượng không bằng sức của một thuật sự tượng. Sức của mười thuật sự tượng không bằng sức của một thanh tượng. Sức của mười thanh tượng không bằng sức của một phổ diệu tượng. Sức của trăm phổ diệu tượng không bằng sức của một đại thần tượng.

Sức của một trăm đại thần tượng không bằng sức của một lực sĩ. Sức của một trăm lực sĩ không bằng sức của một đại lực sĩ. Sức của một trăm đại lực sĩ không bằng sức của một thượng lực sĩ. Sức của một trăm thượng lực sĩ không bằng sức của lực sĩ bán câu tỏa.

Sức của một trăm lực sĩ bán câu tỏa không bằng sức của một lực sĩ cụ túc. Sức của một trăm lực sĩ cụ túc không bằng sức của một lực sĩ đại câu tỏa. Sức của một trăm lực sĩ đại câu tỏa không bằng sức của một Bồ Tát pháp nhẫn. Sức của một trăm Bồ Tát pháp nhẫn không bằng sức của một Bồ Tát cứu cánh. Sức của một trăm Bồ Tát cứu cánh không bằng diệu lực nơi công đức của một Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ, vừa sinh ra liền đi bảy bước trên mặt đất.

Đức Phật lại bảo Tôn Giả Mục Liên: Thế Giới ở phương kia, hiện tại Chư Phật kiến lập cõi đó là chỗ du hành của Bồ Tát cứu cánh, vừa mới sinh ra đi bảy bước trên mặt đất.

Mặt đất ấy, phía dưới thấu xuống đến sáu trăm tám mươi vạn do tuần, tới chỗ tận cùng mới đến nơi giáp ranh của mặt nước, mỗi mỗi đều phân biệt, nước ấy mỗi giọt như bánh xe. Bên trên lên tới cõi Phạm Thiên, nương oai thần Phật vì thương xót chúng sinh.

Thế Giới ấy không có phiền nhiễu, tổn hại. Oai thần diệu lực của Bồ Tát cứu cánh cao vời như vậy. Sức của mười Bồ Tát cứu cánh không bằng diệu lực của Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Đó là năng lực của cha mẹ Thế Tôn, quyết định công đức nơi đời trước của các Bồ Tát đã đạt được, chẳng phải đạo lực của thần túc biến hóa.

Giả như Bồ Tát thị hiện diệu lực nơi công đức thần biến, đi đến Đạo Tràng ngồi nơi cội cây Bồ Đề, dùng sức thần túc của một ngón chân nâng hằng hà sa Thế Giới để trước mặt, rồi an trí nơi vô lượng Thế Giới của Chư Phật khác, nhưng chúng sinh trong ấy không tổn hại nhau.

Đó là diệu lực của thần đức biến hóa nơi một ngón chân của Bồ Tát. Diệu lực nơi thần túc biến hóa của Như Lai lại vượt quá như thế là vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Nếu Như Lai dùng oai thần của Phật thị hiện khắp nơi, các ông thấy rồi chắc không thể tin được, huống chi là đối với các học phái tà dị khác của ngoại đạo.

Lại nữa, này Tôn Giả Mục Kiền Liên! Khi Bồ Tát đi đến bên cội cây Bồ Đề, thâu giữ bốn đại chủng làm thành một, lập thành một chủng rồi, ở trong Thế Giới không còn thêm bớt. Lúc ấy, ma xấu ác đi đến Đạo Tràng cùng với vô số ức ngàn quyến thuộc hung dữ gây não hại. Như Lai đều hàng phục tất cả chúng.

Thế nào gọi là một lực bình đẳng?

Có mười lực thường làm tăng thêm tâm đại bi. Các chúng sinh không thể tiếp xúc hủy hoại.

Mười lực là gì?

Hữu xứ, phi xứ, hữu hạn vô hạn, biết rõ như vậy. Biết rõ quá khứ, hiện tại, vị lai. Biết rõ về định ý, chánh thọ, nhất tâm. Thấy căn cơ của mọi người mỗi mỗi khác nhau, biết rõ như vậy. Thấy tâm niệm của các chúng sinh khác, biết rõ như vậy. Có vô số thân, vô lượng hình thể, biết rõ như vậy.

Nhiều hành động tốt, xấu không đồng, biết rõ như vậy. Đạo nhãn thấy suốt, các việc xưa nay, chết ở đây sinh chỗ kia, chết chỗ kia sinh chỗ này, tên họ, dòng dõi, cha mẹ, anh em, thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng Hiền Thánh, tà kiến điên đảo, chắc chắn bị đọa vào đường ác.

Thân, miệng, ý làm thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, chánh kiến kính thuận chắc chắn sinh vào cõi thiện, biết rõ như vậy. Đạo nhĩ nghe suốt khắp hàng Trời, Người nơi thế gian, địa ngục, ngạ quỷ và các loài côn trùng nhỏ bé cùng với Thế Giới của Chư Phật khắp mười phương. Nếu có những âm thanh này thì cũng không vang vọng, cũng không chỗ vướng mắc, biết rõ như vậy.

Thấy rõ năm cõi, tất cả cõi gốc, các lậu hoặc đã hết, không còn phiền não cấu uế, đoạn hết tất cả, thông đạt pháp Hiền Thánh, hiểu thấu nguồn gốc của danh sắc, biết rõ như vậy. Đó là mười lực. Thần lực của Như Lai lại vượt hơn thần lực ấy, là chẳng thể nghĩ bàn, thông suốt mười phương không có quá khứ, hiện tại, vị lai.

Bấy giờ, Lực sĩ Ly Cấu Oai nghe Đức Thế Tôn nói về các năng lực nơi cha mẹ của Bồ Tát thì rất hoan hỷ, vui thích, lấy làm lạ về việc chưa từng có, tâm thiện phát sinh liền đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, quỳ gối chấp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay, con lãnh thọ lời của Thế Tôn đã dạy.

Về năng lực của cha mẹ khi làm Bồ Tát và mười loại lực khác để trừ bỏ tâm cao ngạo, kiêu mạn, tự đại, nguyện Quy Y Tam Bảo phát tâm chánh chân vô thượng, thương xót chúng sinh giúp họ được an lạc. Xin Thế Tôn thương xót khiến cho con đạt được mười lực, đầy đủ như Thế Tôn không khác.

Lúc này, chúng hội nghe lực sĩ ấy phát thệ nguyện rộng lớn, có mười ngàn người đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng, đồng thanh nói kệ khen ngợi:

Nguyện cho chúng con

Đạt được đạo lực

Cũng như Như Lai

Chí Chân Chánh Giác.

Bồ Tát Câu Tỏa bạch Phật: Hôm nay, vì sao Thế Tôn tán thán Tam Muội Đẳng tập chúng đức rồi liền im lặng?

Xin nguyện Như Lai phân biệt diễn giảng về thiền định tích chứa các công đức và tuyên dương các hạnh của Bồ Tát, làm cho người phát tâm bồ đề đạt được định ấy.

Đức Phật dạy: Bồ Tát mới phát tâm bồ đề muốn đạt được đạo chánh chân vô thượng phải tôn trọng, lãnh thọ định này.

Vì sao?

Nếu mới phát tâm, thọ trì định tôn quý này thì được hội nhập đầy đủ các đức.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần