Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Bốn - ðại Phẩm - Phần Hai - Niết Bàn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG CHÍN

CHÍN PHÁP  

PHẨM BỐN

ÐẠI PHẨM  

PHẦN HAI

NIẾT BÀN  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Tôn Giả Sàriputta trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Tại đấy, Tôn Giả Sàriputta bảo các Tỳ Kheo: Này các Hiền Giả, lạc là Niết Bàn này. Này các Hiền Giả, lạc là Niết Bàn này.

Khi nghe nói vậy, Tôn Giả Udàyi nói với Tôn Giả Sàriputta: Thưa Hiền Giả Sàriputta, sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ?

Này Hiền Giả, cái này ở đây là lạc, dầu rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ.

Này Hiền Giả, có năm dục trưởng dưỡng này.

Thế nào là năm?

Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.

Các tiếng do tai nhận thức.

Các hương do mũi nhận thức.

Các vị do lưỡi nhận thức.

Các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.

Này Hiền Giả, có năm dục trưởng dưỡng này.

Này Hiền Giả do duyên năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc hỷ, này Hiền Giả, đây gọi là dục lạc.

Ở đây, này Hiền Giả, Tỳ Kheo ly các dục, ly ác, bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Sơ Thiền.

Này Hiền Giả, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành.

Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Ví như, này Chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh.

Cũng vậy, với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý, câu hữu với dục vẫn hiện hành.

Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Này Chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ.

Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

Lại nữa, này Chư Hiền, Tỳ Kheo diệt tầm và tứ, đạt được Thiền thứ hai và an trú.

Này Chư Hiền, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành.

Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này Chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh.

Cũng vậy, với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành.

Như vậy đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Này Chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ.

Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

Lại nữa, này Chư Hiền, Tỳ Kheo ly hỷ chứng và trú Thiền thứ ba.

Này Chư Hiền, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Ví như, này Chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành.

Như vậy đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Này Chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

Lại nữa, này Chư Hiền, Tỳ Kheo đoạn lạc đạt được Thiền thứ tư.

Này Chư Hiền, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với xả vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Ví như, này Chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với xả vẫn hiện hành.

Như vậy đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh. Này Chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

Lại nữa, này Chư Hiền, Tỳ Kheo vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: Hư không là vô biên chứng đạt và an trú không vô biên xứ.

Này Chư Hiền, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành.

Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Ví như, này Chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh.

Cũng vậy, với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành.

Như vậy đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Này Chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

Lại nữa, này Chư Hiền, Tỳ Kheo vượt khỏi không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: Thức là vô biên chứng và an trú Thức vô biên xứ.

Này Chư Hiền, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với không vô biên xứ vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Ví như, này Chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh.

Cũng vậy, với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với không vô biên xứ vẫn hiện hành.

Như vậy đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Này Chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ.

Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

Lại nữa, này Chư Hiền, Tỳ Kheo vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: không có vật gì chứng và an trú Vô sở hữu xứ.

Này Chư Hiền, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Ví như, này Chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh.

Cũng vậy, với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành. Như vậy đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Này Chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

Lại nữa, này Chư Hiền, Tỳ Kheo vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Này Chư Hiền, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Ví như, này Chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh.

Cũng vậy, với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành.

Như vậy đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh.

Này Chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ.

Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

Này Chư Hiền, Tỳ Kheo vượt khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định.

Vị ấy, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận.

Với pháp môn này, này Chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần