Phật Thuyết Kinh Các Pháp Vốn Không Kinh Chư Pháp Bản Vô - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH CÁC PHÁP VỐN KHÔNG

KINH CHƯ PHÁP BẢN VÔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy  

PHẦN BỐN  

Bấy giờ, Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi lại thưa: Bạch Thế Tôn! Con muốn nói về Kê La Cú.

Phật đáp: Này Mạn Thù Thi Lợi! Ông cứ nói!

Mạn Thù Thi Lợi nói: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh được đến bồ đề là Kê La Cú.

Phật hỏi: Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi thưa: Các pháp không đến, không đến khắp, không thuận đến, đã lìa đến, chẳng phải thời chứng, chẳng phải thời không chứng, vượt qua trí, xa lìa đến, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh được đạt đến biến trí là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu mà các chúng sinh, được đạt đến biến trí là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Mọi thứ, mọi nơi, không có chúng sinh, thuận đến tự tánh của biến trí, nên gọi là đến được biến trí.

Bạch Thế Tôn! Biến trí ấy, không có sự đạt đến tương ưng với hiện tại.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Vì tự tánh của chúng sinh là biến trí vậy. Vì thế, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đầy đủ biến trí là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Các pháp không chính mình, lìa chính mình, không có tự tánh thuận đến nơi như bản tánh của biển trí là tướng một trí, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Đầy đủ vô lượng các chúng sinh là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn thù thi la đáp: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh vượt quá tính toán, xa lìa số đếm. Nếu biết như vậy, lượng chúng sinh không thể lường, giống như lượng của hư không, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh bồ đề tràng là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! bồ đề tràng là nghĩa gì vậy?

Phật đáp: Này Mạn Thù Thi Lợi! bồ đề tràng là tràng vắng lặng của các pháp, là tràng không sinh của các pháp, là tràng không chỗ có của các pháp, là tràng không thể nắm giữ của các pháp, là tràng không tự tánh của các pháp.

Mạn Thù Thi Lợi! Đấy chính là ý nghĩa bồ đề tràng.

Mạn Thù Thi Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh không thường nhập vào tràng này ư?

Phật đáp: Đúng là như vậy.

Mạn Thù Thi Lợi nói: Bạch Thế Tôn! Do lý do này nên tràng bồ đề của các chúng sinh, là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đắc nhẫn là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh là pháp vô tận, là pháp không diệt, là pháp không sinh, danh tướng đã lìa, thuận vào nhẫn bình đẳng, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh không dính mắc vào sự biện luận là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sinh, có sự biện luận như vậy. Thì họ sẽ không có gì, không dính mắc, không chướng ngại, bình đẳng, thuận đến, ở trong mười phương.

Bạch Thế Tôn! Các sự biện luận đã xa lìa, tự tướng không trụ, không còn chỗ nào để dính mắc.

Bạch Thế Tôn! Dựa vào lý do này, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đắc Đà La Ni là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đều có ý gìn giữ. Các sắc, thanh, hương, vị, xúc… của các chúng sinh đều là điên đảo, không thật, phân biệt, chấp tướng. Nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Từ tâm của các chúng sinh là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh, chẳng phải là chúng sinh bản tánh không sân, không có sự phân biệt giữa sân và từ, đạt đến sự bình đẳng, nên gọi là Kê La Cú. Bạch Thế Tôn, các chúng sinh, lòng đại bi đầy đủ là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Bản tánh của các chúng sinh là không làm ra và không có người làm ra, sự bình đẳng của Như Lai chẳng qua là lòng đại bi, tự tánh đầy đủ, thế nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đắc Tam Ma Địa là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Bản tánh các chúng sinh là nhập định, không tán loạn, không lược nhiếp, không khác duyên, bản tánh đó không sinh rốt ráo, nhập định, lìa sự theo duyên.

Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sinh do nơi việc theo duyên, mà có sự hiểu biết, thì trong sự theo duyên ấy, không có sự hiểu biết.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Vì sự nhận thức của việc theo duyên ấy, nó bị diệt mau chóng ngay trong mỗi niệm. Thế nên gọi là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Các chúng sinh không phân biệt đủ thứ, để suy nghĩ, hiểu biết sao?

Mạn Thù Thi Lợi hỏi: Suy nghĩ và hiểu, trụ nơi đâu?

Phật đáp: Nó trụ trong cõi hư không.

Mạn Thù Thi Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Cõi hư không có tán loạn không?

Phật đáp: Này Mạn Thù Thi Lợi! Cõi hư không, không tán loạn.

Mạn Thù Thi Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh không hành ở cõi hư không ư?

Phật đáp: Đúng vậy đó, Mạn Thù Thi Lợi!

Mạn Thù Thi Lợi nói: Bạch Thế Tôn! Nếu cõi hư không, như các chúng sinh kia. Nếu các chúng sinh cũng giống như cõi hư không kia.

Tuy nhiên, bạch Thế Tôn! Các chúng sinh như cõi hư không, nó không có hai, không có hai tướng, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật tham dục đầy đủ là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Chư Phật thuận nhập vào sự bình đẳng của tham dục, không nhiễm, là nhiễm xa lìa sự cạnh tranh, chẳng qua là sự bình đẳng của tham dục, thuận hiểu tự tánh của tham dục.

Bạch Thế Tôn! Tham dục tức bồ đề.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Thuận hiểu tự tánh của tham dục tức là bồ đề. Vì thế, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật sân ghét đầy đủ là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Phật nói các hành của hữu vi là lỗi lầm, Chư Phật an trụ nơi sự bình đẳng của sân ghét, thuận hiểu tự tánh của sân ghét, gọi là sân ghét đầy đủ. Nên gọi đấy là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật ngu si đầy đủ là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Chư Phật có khả năng cởi bỏ ngu si, gọi là các vướng mắc, an trụ vào sự bình đẳng của ngu si, thuận hiểu tự tánh của ngu si, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật thân kiến đầy đủ là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Chư Phật an trụ nơi thân kiến, đối với các pháp, không nhập, không xuất, cũng không nhập xuất, rốt ráo an trụ nơi tướng không, thuận hiểu thân kiến, không sinh, không xuất, không tự tánh, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật đầy đủ tà kiến là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Chư Phật thị hiện hữu vi là tà. Thị hiện không thật. Thị hiện lìa như. Thị hiện hữu vi là pháp không, không hư vọng. Thuận hiểu tướng và tự tánh của tà kiến, nên gọi là Kê La Cú.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật trụ điên đảo đắc bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật trụ các cái. Trụ năm dục. Trụ dục, trụ sân, trụ si đắc bồ đề là Kê La Cú.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Do đâu gọi đó là Kê La Cú?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Trụ xứ tức là không trụ xứ.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Không trụ xứ là nghĩa gì?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Không trụ xứ có nghĩa là khó trụ cùng với chấn động, tức là hàng phàm phu thấp kém. Chư Phật khéo trụ nơi sự bình đẳng của dục, bình đẳng của sân, bình đẳng của si, bình đẳng của năm dục, bình đẳng của các cái, bình đẳng của điên đảo.

Chư Phật trụ nơi tự tánh của dục, như vậy chứng ngộ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Chư Phật trụ vào tự tánh của sân, si, năm dục, công đức, các cái, điên đảo. Như vậy chứng ngộ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Vậy, đó là Kê La Cú.

Khi Mạn Thù Thi Lợi nói vậy xong, Phật liền bảo với đồng chân Mạn Thù Thi Lợi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Nếu lại có người hỏi ông, về Như Lai là Đấng Ứng Cúng, chánh Biến Tri. Về sự cắt đứt các pháp không tốt, về các pháp tốt đầy đủ.

Khi được hỏi như vậy, ông hướng dẫn ra sao?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Nếu có người hỏi con về Như Lai là Đấng Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Về sự cắt đứt các pháp ác, về các pháp lành đầy đủ.

Bạch Thế Tôn! Khi người ấy hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như sau: Ông trước nên gần gũi bạn lành, siêng làm với những phương tiện tương ứng, chớ gom thành một pháp, cũng chớ làm cho xa lìa, chớ giữ, chớ buông, chớ theo duyên, chớ không theo duyên, chớ nương tựa, chớ trụ vào, chớ bỏ, chớ nắm, chớ chứa đựng, chớ cầu, chớ mong, chớ thấy, một pháp là hơn hết, hoặc nhỏ hoặc vượt trội. Về sau ông sẽ biết cảnh giới Như Lai, là pháp của cảnh giới không suy nghĩ, cảnh giới xa lìa, cảnh giới đoạn dứt.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Ông giải thích như thế, là hướng dẫn gì vậy?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Con giải thích như thế, nghĩa là không một pháp nào, có thể hướng dẫn được.

Bạch Thế Tôn, Phật ngồi bồ đề tràng, thì đã có pháp hoặc sinh, hoặc diệt và có thể thấy không?

Phật đáp: Không thể như vậy, Mạn Thù Thi Lợi! Mạn Thù Thi Lợi tiếp: Bạch Thế Tôn! Nếu pháp không sinh, không diệt.

Thì pháp ấy, có đầy đủ pháp lành, đầy đủ pháp xấu ư?

Phật đáp: Không phải vậy, Mạn Thù Thi Lợi!

Mạn Thù Thi Lợi nói: Bạch Thế Tôn! Nếu pháp không sinh, không xuất. Pháp ấy không có đầy đủ pháp lành, đầy đủ pháp xấu.

Vậy biết gì?

Dứt gì?

Tu gì?

Chứng gì?

Thấy đạo gì ở pháp ấy?

Lúc bấy giờ, khi nghe Phật cùng với Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi nói như vậy xong, có mười ngàn Thiên Tử, từ trên không trung, tung rải các loại hoa: Hoa Ưu Ba La, Hoa Bát Đà Ma, Hoa Câu Mục Đà, Hoa Bôn Trà Lê Ca, Hoa Mạn Đà La, Hoa Ma Ha Mạn Đà La.

Rồi sau khi lễ dưới chân Phật cùng Mạn Thù Thi Lợi đồng chân xong, những vị này nói: Bạch Thế Tôn! Thi Lợi không đắm đúng là Mạn Thù Thi Lợi. Bạch Thế Tôn, Thi Lợi không hai đúng là Mạn Thù Thi Lợi.

Bạch Thế Tôn! Không có Thi Lợi đúng là Mạn Thù Thi Lợi.

Bạch Thế Tôn! Không ngoài Thi Lợi, đúng là Mạn Thù Thi Lợi.

Bạch Thế Tôn! Như Thi Lợi, thật tế Thi Lợi, pháp giới Thi Lợi, thắng Thi Lợi, tối thắng Thi Lợi, vô thượng Thi Lợi, vô thượng thượng Thi Lợi, vô đẳng Thi Lợi, vô đẳng đẳng Thi Lợi.

Bạch Thế Tôn! Đấy đều đúng Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi.

Khi nghe nói, Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi liền bảo với các Thiên Tử kia: Hãy thôi, các Thiên Tử! Chớ phân biệt tôi, tôi không thấy một pháp hoặc hơn hoặc nhỏ, hoặc rất cao cả hoặc rất tốt đẹp!

Này các Thiên Tử! Nếu như các vị nói về Mạn Thù Thi Lợi. Ta muốn Thi Lợi, thì Thi Lợi ấy, chính là Mạn Thù Thi Lợi ta đây. Ta sân Thi Lợi thì Thi Lợi ấy chính là Mạn Thù Thi Lợi ta đây.

Ta Si Thi Lợi, thì Thi Lợi ấy, chính là Mạn Thù Thi Lợi ta đây. Hễ nói như vậy, chính là chánh ngữ đấy.

Tại sao?

Này Thiên Tử! Ta bất quá chỉ là dục, là sân, là si.

Thiên Tử! Các phàm phu thấp kém có đi, có đến. Còn các Bồ Tát trong pháp không một nơi nào có đi, có đến.

Thiên Tử hỏi: Thưa Mạn Thù Thi Lợi! Các Bồ Tát không đến với Phật Pháp, không hành mười địa ư?

Mạn Thù Thi Lợi hỏi: Này Thiên Tử! Ông nghĩ sao, tâm của người huyễn, có bao nhiêu để tâm hành mười địa?

Thiên Tử đáp: Thưa Mạn Thù Thi Lợi! Người huyễn vốn không nơi trụ, sao có thể đi đến một nơi nào đó trong các địa như vậy được!

Mạn Thù Thi Lợi nói: Đúng vậy, này các Thiên Tử! Các pháp được ví như huyễn, nó không đi đứng, không có nơi nào đến, không dùng sức mà hành được, không tự chủ hành.

Thiên Tử hỏi: Thưa Mạn Thù Thi Lợi! Ngài không đang hiểu bồ đề ư?

Mạn Thù Thi Lợi hỏi: Này Thiên Tử! Ý ông thế nào?

Hàng phàm phu thấp kém, bị tham dục quấy nhiễu, lại có thể ngồi đạo tràng bồ đề, đầy đủ biến trí không?

Thiên Tử đáp: Thưa Mạn Thù Thi Lợi! Ngài lẽ nào bị tham dục quấy nhiễu, như hàng phu thấp kém kia?

Mạn Thù Thi Lợi, đáp: Đúng vậy, này các Thiên Tử! Ta trụ trong sự quấy nhiễu của dục, sự quấy nhiễu của sân, sự quấy nhiễu của si. Ta là ngoại đạo, ta là tà hạnh.

Thiển tử hỏi:Thưa Ngài Mạn Thù Thi Lợi! Ý gì, mà Ngài lại nói: Ta trụ trong sự quấy nhiễu của dục, sự quấy nhiễu của sân, sự quấy nhiễu của si, ta là ngoại đạo, ta là kẻ tà hạnh?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Này Thiên Tử! Sự quấy nhiễu đã có trong ta không có nơi trụ. Không có dục, sân, si trong mười phương. Nơi trụ của tự tánh, là bởi do tương ưng với nơi không trụ.

Thiên Tử hỏi: Thưa Ngài Mạn Thù Thi Lợi! Tại sao Ngài lại cho là ngoại đạo?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Này Thiên Tử! Đối nới ngoại đạo, ta không có chỗ đi đến. Vì lý do đó, nên ta là ngoại đạo.

Thiên Tử hỏi: Thưa Ngài Mạn Thù Thi Lợi! Vì sao Ngài lại là kẻ tà hạnh?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Này Thiên Tử! Ta biết các pháp là tà, không thật, không như. Nó chỉ do phân biệt. Vì lý do đấy, nên ta là kẻ tà hạnh. Lúc đó, mười ngàn Thiên Tử ở bên cạnh đồng chân Mạn Thù Thi Lợi nghe được những lời nói này, liền đạt được nhẫn trong pháp vô sinh.

Sau khi đắc được nhẫn, mười ngàn Thiên Tử nói: Bạch Thế Tôn! Nếu như các chúng sinh, may mắn được ánh sáng của Kim Cang cú này đến tai, là đã đạt được sự lợi ích thù thắng.

Huống gì là nghe được, tin hiểu, rồi thọ trì, đọc tụng, tu tập, diễn nói, thực hành theo lời dạy!

Bạch Thế Tôn! Ở trong các pháp, những vị ấy sẽ đạt được sự biện tài, không dính mắc và đạt được sự sáng tỏ, khéo nói các pháp là một tướng, tiếp nói trong Phật Pháp không dứt, chỉ bày rõ ràng các pháp đều là Phật Pháp.

Lúc bấy giờ, trong chúng hội, lại có một vị Thiên Tử từ xa đến ngồi trong hội chúng, tên là Liên Hoa Du Hý Trí Thông.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần