Phật Thuyết Kinh Như Lai Trí ấn - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI TRÍ ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn  

PHẦN BA  

Ở yên tu tĩnh niệm

Tam muội rất sâu xa

Không dùng tướng có được

Cũng chẳng được phương tiện

Liền bỏ nước xuất gia

Mặc pháp phục Xá Na

Buộc niệm ba ngàn năm

Thiền định không ngơi nghỉ.

Trong khoảng thời gian ấy

Phật nói pháp khai ngộ

Sau diệt độ, xây tháp

Sáu vạn bốn ngàn ức

Cúng dường năm trăm lọng

Dùng bảy báu trang nghiêm

Mỗi thứ trăm kiểu nhạc

Thắp tám ngàn ngọn đèn,

Mặc y phục thô xấu

Bảy vạn ba ngàn năm

Thường nói tam muội này

Tâm ấy không ham muốn,

Chẳng đắm lời ngợi khen

Không cầu trí thế gian

Xin ăn không nhận mời

Giữ pháp, trụ vào đó,

Tám vạn ức na do

Trì tịnh giới của Phật

Đều cúng dường như trên

Đầy đủ tam muội này.

Nếu muốn đắc bồ đề

Phải nên học như Phật

Người kính tu Kinh này

Chớ tin luận ngoại đạo.

Đời sau nói hành đạo

Ngược lại, hủy giới cấm

Vì lợi không vì pháp

Tuy đọc chẳng hiểu không

Nói không chẳng trôi chảy

Tà mạng không thanh tịnh

Luận không mà chấp không

Tự nói không nghi đạo.

Bấy giờ Vua Tuệ Khởi

Chính là Phật Di Đà

Ngàn người con của Vua

Là ngàn Phật hiền kiếp.

Lúc cùng Vua xuất gia

Quyến thuộc và đệ tử…

Nay ở trước mặt ta

Là bốn chúng hội này.

Nhớ ức na do Phật

Xuất gia nghe chánh pháp

Nghe liền hay thọ trì

Đắc không chẳng chỗ nương.

Khởi vô lượng phương tiện

Cúng dường các Như Lai

Không đắc tướng bồ đề

Đều do hành chân thật.

Được thấy Phật Nhiên Đăng

Đoạn cầu, được bình đẳng

Lúc ấy, được thọ ký

Vị lai sẽ thành Phật.

Bấy giờ, có người nữ tên Hiền Thủ là đại Phu Nhân của Vua Tần Bà La, lại có Phu Nhân khác tên là Kim Quang Câu Đạt Nữ.

Cả hai từ tòa ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Đức Phật dùng vạt áo đựng hoa bảy báu, mỗi người đem năm trăm gói hoa, rải lên Đức Phật và dùng áo kiếp bối dục có giá trị trăm ngàn, dâng lên Như Lai, rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Đối với định này, con tin hiểu thọ trì.

Nếu có người đọc tụng, con sẽ ủng hộ, theo chỗ mong cầu của họ mà cúng dường. Con sẽ đem pháp đại thừa để giáo hóa chúng sinh không tin là không, là bất không. Không chỉ nói suông mà nhất định thọ trì, chắc chắn thực hành như lời nói, không tiếc thân mạng, huống gì của báu để họ cũng sẽ như lời nói dạy dỗ trao truyền nhau.

Lúc đó, tám ngàn cung nữ ở hậu cung của Vua Tần Bà La, sáu vạn Ưu Bà Di ở nước Ma Già Đà đều phát tâm vô thượng bồ đề.

Đối với tam muội này đều sinh tâm tùy thích và phát lời thề: Về sau, ở đời mạt pháp, chúng con sẽ giữ gìn chánh pháp.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết rõ những suy nghĩ trong lòng họ liền mỉm cười, những tia sáng có màu sắc thật tốt đẹp từ miệng Ngài phát ra, chiếu khắp mười phương, rồi trở lại nhập vào đỉnh đầu.

Bấy giờ, Hiền Thủ và Kim Quang sinh tâm kính tin, liền cùng nhau nói kệ tụng:

Thắng nhân tụ đức vô như Phật

Cây, hoa, công đức, Vua, các sao

Lời diệu, vui vẻ theo thứ lớp

Thế Tôn mười lực duyên gì cười?

Mặt tròn như trăng mở mắt đời

Phạm âm thanh tịnh, khắp muốn nghe

Mềm, cứng điều hòa, thân tâm vui

Đấng Hùng Sư Tử vì sao cười?

Hòa, nhẫn, không nói chân chánh

Ứng thanh, tròn đầy, đủ các vị

Thông suốt các hạnh vô lượng nghĩa

Xin công đức tụ, giảng nghĩa cười.

Tám thứ diệu âm đều đầy đủ

Sáu mươi trang nghiêm, tiếng hòa nhã

Hiểu bảy trăm thứ các ngôn âm

Thông đạt nghĩa vị sáu mươi ức.

Tám mươi ức số, âm tương ưng

Mười na do tha tiếng, cũng vậy

Không thể hạng lượng, vô cực tôn

Cúi xin giảng nói, duyên gì cười!

Trong các núi cùng tột không động

Hiểu nghĩa tương ưng, diệt các nghi

Hay dứt các khổ, được an vui

Bảo tụ như thật nói duyên cười

Núi vàng giảng giải bảy xe báu

Giống như hoa, trăng, mọi người thích

Độc bộ, âm thanh như sư tử

Xin nói duyên, phóng quang, mỉm cười

Cao tột ba cõi, sạch ba cấu

Ở vô lượng kiếp, hành thiện, tịch

Ánh sáng cười đầy khắp mười phương

Khéo léo giảng rộng cam lồ môn.

Tiếng cầm, sắt, đồng, bạt, tiêu, địch

Đánh trống, thổi ốc, các diệu âm

Tiếng Khẩn Na La, Ca Lăng Già

Loan, Hồng, Hạc, Câu Sí La, Hót

Bính tiết, không hầu đều trổi vang

Không bằng Như Lai một diệu âm.

Như vậy, chúng mười phương đến hội

Những thứ thấy biết đều không đồng

Xin nói như thật, diệt kiến ái

Trở về nước rồi, mãn các nguyện.

Mỗi mười phương ức chúng, sai đến

Đều vì chánh pháp, tới hội này

Nhân cười ắt sẽ mưa pháp vũ

Giảng Thuyết Pháp gì, khiến mừng vui.

Hiền Thủ và Kim Quang nói kệ này xong, Đức Thế Tôn dùng kệ tụng đáp lại:

Ta nhớ hằng sa kiếp quá khứ

Phật Hiệu Phước Quang, Thế Gian Giải

Phật thọ bảy mươi sáu vạn ức

Số chúng Thanh Văn không hạn lượng.

Có Chuyển Luân Vương tên Tuệ Ngự

Phu Nhân Nguyệt Quán, thứ tên Viêm

Lìa bỏ nhà, thích cầu chánh pháp

Cả một ức năm, luôn giữ gìn.

Sáu mươi vạn ức, ba mươi vạn

Với Chư Phật này, giữ chánh pháp

Ba mươi hằng sa Phật vị lai

Giữ gìn chánh pháp không cắt đứt.

Phật A súc bảo Vua Tuệ Ngự

Các người thường cùng sinh ở đó

Vì duyên giữ pháp, xả thân nữ

Sinh ở nước, vô lượng Cực Lạc.

Những hộ pháp này, cũng sẽ sinh

Pháp sắp muốn diệt làm chỗ trụ

Ắt sinh Cực Lạc hoa ngàn cánh

Tướng tốt trang nghiêm làm con Phật.

Được sinh nơi ấy, được Chánh Giác

Kiếp Vua trang nghiêm, không gai gốc

Ở đó được thành đạo vô thượng

Nắm giữ chánh pháp và Trời, Người

Cõi nước Phật kia, không việc ma

Không nghiệp báo ác, không thai sinh

Ngày có vô lượng Bồ Tát họp

Không có tên Duyên Giác, Thanh Văn.

Không tiếc thân mạng, giữ Phật Đạo

Không vì danh dự mà thoái chuyển

Vì mau thành tựu đạo vô thượng

Lại muốn mau thành tất cả nước.

Các ngươi hòa hợp tin kính Phật

Cung kính, không nương, giữ bồ đề

Khi mạt thế, đại pháp sắp hoại

Không nên theo đó tham lợi dưỡng

Ta ở ức kiếp cho vợ con

Bỏ đầu, mắt, thân, cầu Phật Đạo.

Chẳng pháp vì lợi nói lỗi pháp

Thí chủ keo kiệt, sinh giận ghét

Tám vạn ức người lệ tuôn rơi

Sẽ hộ pháp diệt, nương bồ đề

Động ba ngàn cõi, Trời mưa hoa

Ái kính Kinh này, thọ mạng lớn

Như Cõi Phật đây hằng hà sa…

Vàng đầy ắp, vô lượng kiếp cho.

Nếu có thể tin trí ấn Kinh

Cho hằng sa báu, không thể sánh

Chớ dối trao truyền đạo không vui

Nghe Phật hiếm có, sinh đạo tâm

Nên lần lượt học Kinh Điển này

Hành như lời nói, thành Chánh Giác.

Đồng hoang trì giới cung kính tu

Ba nghiệp với chúng, tưởng như quen

Tu kính sáu hòa, sinh tưởng Phật

Muốn cầu diệu pháp học Kinh này.

Nếu có ghi chép pháp ấn đây

Đọc tụng, giảng dạy vì người nói

Công đức này thân không nghĩ bàn

Phật Tử sẽ sinh nước Cực Lạc.

Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ở đời vị lai, sẽ có bao nhiêu vị Bồ Tát thọ trì tam muội này?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Di Lặc! Trong đời vị lai, ít có người thích tin, phần nhiều làm tan mất căn lành, cắt đứt với chánh pháp. Người hành pháp này rất khó, rất khó.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Di Lặc: Nếu ta nói hết những hạnh không tương ưng của Bồ Tát, thì suốt đến đời vị lai, cũng không thể cùng tận.

Bồ Tát Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Cúi xin nói điều đó! Cúi xin nói điều đó! Nên thương xót chúng con, để trong đời vị lai, có người tu tập hạnh chân thật, được nghe Kinh này, theo như lời nói mà tu hành sẽ ứng với đạo vô thượng.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Thật đúng như lời ông nói, nếu có Bồ Tát nào, đã ở chỗ trăm Đức Phật, phát tâm bồ đề, trồng các căn lành, nhưng ở đời vị lai, quên mất đạo tâm!

Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát, ở chỗ ngàn Đức Phật, đã phát tâm vô thượng, trồng các căn lành, đến đời vị lai, phát sinh tâm bồ đề, nhưng không tin đại thừa, khinh thường đại thừa.

Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát, ở chỗ vạn Đức Phật, phát tâm bồ đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai phát sinh tâm bồ đề, nặng tin đại thừa nhưng không thọ trì, cũng không đọc tụng.

Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát, ở chỗ ức Đức Phật, phát tâm bồ đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai, phát sinh tâm bồ đề, có khả năng lắng nghe, có khả năng ghi chép, nhưng không hiểu nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm, không có khả năng quyết định.

Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát, ở chỗ mười ức Đức Phật, phát tâm bồ đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai, phát sinh tâm bồ đề, lắng nghe thọ trì đại thừa, ghi chép, đọc tụng, nhưng đối với bồ đề nhẫn không thể thành tựu.

Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát, ở chỗ ba mươi ức Đức Phật, phát tâm bồ đề, trồng các căn lành, ở đời vị lai, phát sinh tâm bồ đề, nghe đại thừa, có khả năng thọ trì, ghi chép, đọc tụng, thành tựu đại nhẫn, đối với tam muội này, vẫn chưa tương ưng, không được ứng với biện tài.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần