Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Hai Mươi Bảy - Vua Tịnh Phạn Tin Hiểu - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nhật Xưng, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH CHA CON GẶP NHAU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nhật Xưng, Đời Tống  

PHẨM HAI MƯƠI BẢY

VUA TỊNH PHẠN TIN HIỂU  

PHẦN BA  

Đức Phật nói: Này Đại Vương! Vua Mạn Đạt Đa thuở đó đâu phải người nào lạ, Đại Vương chớ nhìn đâu khác, nay chính là thân ta đây. Do cậy vào oai lực phước đức tự do, tham lam không chán, cho nên phải chịu đọa lạc.

Thế nên, Đại Vương! Hãy xả bỏ giàu có kiêu mạn tự do mà an trụ tịnh tâm chớ sinh buông lung. Nếu lìa buông lung thì được lợi ích cả mình và người, sinh các căn lành, trụ lý bình đẳng và có khả năng chứng nhập pháp tánh chân như.

Đại Vương nên biết! Nếu hữu vi giới, vô vi giới cả hai bình đẳng, không có tướng nam, cũng không có tướng nữ, không có quá khứ, hiện tại, vị lai, nên đối với pháp này an trụ tự tâm, quyết định chánh quán chớ chạy theo lời người khác.

Này Đại Vương! Thuở xưa có Vua tên là Nê Di xuất hiện ở thế gian, đem chánh pháp cai trị hóa độ, tâm thường vắng lặng không sinh buông lung, dù ở bất cứ đâu cũng xa lìa hạnh buông lung, vì sợ các tội ác nên không dám tái phạm.

Này Đại Vương! Vua Nê Di chú ý kiên cố, thường hay quán sát ba đời bình đẳng. Quán tất cả các pháp thời quá khứ trụ lý bình đẳng vốn lìa tự tánh. Tất cả các pháp hiện tại, vị lai lìa tự tánh cũng lại như vậy.

Này Đại Vương! Vua Nê Di quán pháp ba đời bình đẳng bình đẳng, không sinh chấp trước. Lại quán tất cả chúng sinh ở thế gian bị bốn điên đảo làm mê hoặc, đối với bất tịnh lại tưởng là tịnh, đối với bức bách lại tưởng an lạc, đối với vô thường lại khởi tưởng thường, đối với vô ngã mà tưởng là ngã.

Lúc đó Vua Nê Di suy nghĩ: Người ngu thế gian thật đáng thương xót. Tất cả các pháp tự tánh vắng lặng, do si vọng che lấp nên không biết gì. Vậy nên bày phương tiện dùng bốn nhiếp pháp giáo hóa các hữu tình khiến sinh lòng tin tùy thuận.

Vua mới bảo rằng: Các ngươi nên biết rõ tất cả các pháp vốn lìa tự tánh, nếu pháp lìa tự tánh thì nên biết pháp ấy không phải quá khứ, hiện tại, vị lai.

Vì sao?

Vì tất cả pháp tự tánh là không. Nếu tự tánh pháp là không thì không thể phân biệt mà nói là quá khứ, hiện tại, vị lai.

Này Đại Vương! Vua Nê Di chỉ rõ pháp ba đời bình đẳng rồi, lúc đó chúng hội trăm ngàn vạn ức chúng sinh nghe pháp hiểu rõ và đạt được vô sinh pháp nhẫn.

Lúc đó, Tam thập tam thiên và các Thiên Tử tập hợp tại diệu pháp đường cùng nhau bàn luận, dùng thiên nhãn xa thấy trong Diêm Phù Đề có Vua Nê Di đem mười điều thuận giáo hóa cai trị, tất cả nhân dân đều được pháp lợi, phương tiện khéo léo lợi ích chúng sinh.

Khi ấy, chúa Trời Đế Thích ở các chỗ khác dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe nói như trên, mỗi mỗi Thiên chủ đều đến và ngồi trong hội hỏi các Thiên Tử vừa rồi nói việc gì.

Các Thiên Tử đáp: Nay người ở Diêm Phù Đề vui được pháp lợi, có Vua Nê Di thâm hiểu thông đạt các pháp, phương tiện khéo léo, nhiếp hóa chúng sinh, khiến người điên đảo lìa điên đảo. Vừa rồi bàn luận chính là việc này đây.

Lúc đó, Thiên chủ nói với các Thiên Tử: Vua Nê Di đời trước đã trồng công đức căn bản, thành tựu sức oai thần đầy đủ, các ngươi muốn thấy Vua Nê Di kia không?

Các Thiên Tử đều đáp: Chúng tôi đều muốn thấy.

Lúc đó, Đế Thích ra lệnh lính ngự tên là Ma Đa Lê: Ngươi nên trang nghiêm ngàn cổ xe báu cùng những hầu hạ đến Diêm Phù Đề chỗ Vua Nê Di tâu như vậy: Tâu Đại Vương! Đây là ngàn xe báu của Đế Thích sai tôi đến đón Đại Vương. Cúi xin ngài lên xe chớ sinh sợ hãi, các Thiên Tử muốn thấy Thánh Vương.

Lính ngự thưa: Nay Đại Vương bay lên Trời có hai con đường để đến. Một là từ con đường điên đảo của chúng sinh mà đến. Hai là từ con đường không điên đảo của chúng sinh mà đến.

Vua Ne di bảo: Ngươi nên dắt ta đi giữa hai con đường ấy.

Lúc đó, lính ngự Ma Đa Lê vâng lệnh Vua dạy, đi theo con đường giữa.

Vua Nê Di lại bảo: Ngươi nên dừng xe tạm nghỉ giây lát để ta quán sát con đường điên đảo mà chúng sinh ở. Lúc đó, Vua Nê Di dùng nguyện lực, trong khoảng chốc lát khiến vô lượng chúng sinh đều được Tịch tĩnh thần thông du hý Tam Ma Địa và đạt Vô sinh pháp nhẫn. Chỉ trong giây lát mà Vua Nê Di thành tựu đại lợi như vậy.

Vì sao?

Vì Vua đã tích tập hạnh không buông lung, phương tiện khéo léo, lợi lạc chúng sinh.

Lúc đó, Ma Đa Lê lần lượt tiến đến trước hướng dẫn Vua đến đảnh núi Tu Di.

Trước hết, Vua thấy cây rừng xanh tươi rồi hỏi lính ngự: Trong đây nhất định là chỗ ở của chúng sinh không điên đảo.

Lính ngự thưa: Rừng này là của Tam Thập Tam Thiên, các Thiên Tử đang ở trong diệu pháp đường, nhất tâm chiêm ngưỡng muốn thấy Đại Vương, xin chớ nghi sợ, nen vào nhà này.

Lúc đó Vua Nê Di dung nghi hòa duyệt, thân tâm không động.

Đế Thích từ xa trông thấy liền đứng dậy nghênh đón.

Lành thay, Đại Vương! Từ xa dùng oai thần đến đây không biết mệt mỏi.

Nói rồi liền chia nửa tòa mời ngồi, cùng nhau thăm hỏi.

Vua Nê Di mới ngồi vào tòa, Đế Thích khen: Lành thay, Đại Vương! Vui được thiện lợi, có khả năng khiến cho Pháp Phật hưng thạnh lâu dài.

Đế Thích bảo các Thiên Tử: Vua Nê Di đây từ lâu đã trồng các thiện căn, thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, phương tiện khéo léo, chỉ trong giây lát giáo hóa tám mươi ức hữu tình lìa điên đảo, trụ vào Pháp Phật.

Ma đa lê lúc đó không biết gì, Vua Nê Di vì các Thiên Tử mà nói pháp yếu, rồi thưa với Thiên Chủ rằng: Tôi nay trở về cõi Diêm Phù Đề.

Vì sao?

Vì muốn hộ trì chánh pháp của Đức Phật.

Thiên chủ nói: Xin Đại Vương cứ tùy ý.

Đức Phật nói: Này Đại Vương! Vua Nê Di thuở xưa chính là thân ta, sức không buông lung không thể nghĩ bàn. Đế Thích chia tòa còn không ham thích. Vì thế nên biết, đối với Pháp Phật phải siêng năng tinh tấn trụ khong buông lung.

Này Đại Vương! Sao gọi là Pháp Phật?

Tất cả các pháp đều là Pháp Phật.

Vua Tịnh Phạn nghe lời ấy rồi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều là Pháp Phật, thì tất cả chúng sinh cũng đều là Phật?

Đức Phật bảo: Này Đại Vương! Chúng sinh không trụ vào kiến chấp điên đảo thì là Phật.

Này Đại Vương! Phật cũng gọi là chân như, là thật tế, là pháp giới. Tất cả những danh từ đó đều dựa vào thế tục đế mà tìm cầu đưa ra chứ chẳng phải thắng nghĩa đế nói như thế.

Này Đại Vương! Tất cả các pháp vốn không sinh diệt. Đây gọi là A tự Đà La Ni Môn, không có tự tánh, không có tạo tác, không có tướng mạo, không có nhân duyên, không có đến đi, không có chúng sinh, không có thọ giả, không có người nuôi dưỡng, không có Bổ đặc già la, không có hý luận, không có hình trạng, không có biên tế, không có nhiễm ô, không có tập nghiệp sót lại, không có sai sử, không có đoạn trừ, không trói, không mở.

Không tới, không lui. Không thắng, không liệt. Không tán loạn, không quên mất, không biết, không phải không biết, không thấy. Không phải không thấy, không giới. Không phải không giới, không phải hối.

Không phải lìa hối, không phải vui. Không phải không vui, không phải ái. Không phải không ái. Không phải yên, không phải không yên. Không phải định. Không phải không định, không phải tịnh, không phải không tịnh.

Không phải tham, không phải lìa tham. Không phải thoát, không phải lìa thoát. Không phải trí, không phải không trí, không phải làm. Không phải không làm, không phải báo, không phải không báo.

Này Đại Vương! Nếu ai có khả năng hiểu được pháp môn chữ A này thì có thể hiểu rõ tất cả các pháp.

Này Đại Vương! Sắc lìa tự tánh, không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Thọ, tưởng, hành, thức lìa tự tánh ấy, ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại Vương! Ví như tiếng vang trong hang không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Sắc cho đến thức ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại Vương! Ví như sóng nắng không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Sắc cho đến thức ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại Vương! Ví như bọt nước không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Sắc cho đến thức ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại Vương! Ví như người nữ bằng đá trong mộng sinh con không phải đã có, không phải hiện có và không phải sẽ có. Sắc cho đến thức ba đời không có cũng lại như vậy.

Này Đại Vương! Hư không không nương vào sắc, cho đến thức cũng không chỗ nương.

Này Đại Vương! Sắc không có sinh, cho đến thức cũng không có sinh.

Này Đại Vương! Sắc không có diệt, cho đến thức cũng không có diệt.

Này Đại Vương! Niết Bàn giới không sinh diệt. Sắc cho đến thức cũng không sinh diệt.

Này Đại Vương! Pháp giới không sinh diệt. Sắc cho đến thức cũng không sinh diệt.

Này Đại Vương! Pháp này chính là Sở hành của Như Lai, cảnh giới vi diệu không thể nghĩ bàn, chẳng phải lấy, chẳng phải bỏ, không phải được, không phải mất. Điều đó, các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật và phàm phu không thể hiểu được.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp vốn không có tự tánh, hoặc lấy hoặc bỏ đều không thể được. Đại Vương đối với pháp này nên tự an ý chánh niệm quán sát, chớ có chạy theo lời người khác.

Vua Tịnh Phạn nghe lời dạy ấy rồi thông đạt rõ ràng, do đó mới biết được không có một pháp nhỏ nào có thể được và không thể được.

Khi Đức Phật nói kinh này, Vua Tịnh Phạn cùng với bảy vạn người dòng họ Thích đều được vô sinh pháp nhẫn.

Lúc đó, Đức Phật biết được Vua Tịnh Phạn ngộ pháp này rồi, thâm tâm quyết định, liền từ trong miệng phóng ra đủ loại ánh sáng chiếu khắp vô lượng vô biên Thế Giới vượt quá Phạm Thế, rồi lại nhập vào đảnh Phật.

Tôn Giả Mã Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay đảnh lễ dùng kệ thưa hỏi:

Đại Thánh Tôn dũng mãnh

Hiện việc hy hữu này

Phóng ánh sáng chiếu khắp

Chiếu đến cả Phạm Thế.

Đạo Sư nhất thiết trí

Cớ gì hiện điềm này

Xin nói lý do đó

Trừ nghi hoặc chúng con.

Như Lai thành đạo rồi

Nhiêu ích khắp chúng sinh

Vì độ dòng họ Thích

Làm Trời ngừơi hoan hỷ.

Như Lai phóng ánh sáng

Giác ngộ các Phật Tử

Như pháp mà tu hành

Sẽ được trí vô thượng.

Phật là chúa ba cõi

Tối thắng không ai bằng

Hay phá các chúng nghi

Tâm thanh tịnh an ổn.

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì Tỳ Kheo Mã Thắng nói kệ rằng:

Mã Thắng nên lắng nghe

Ta phóng ánh sáng này

Vì lợi lạc dòng Thích

Khiến thấy trí chân thật.

Họ hiểu rõ được rằng

Các pháp không thể được

Đối với chánh pháp ta

Vắng lặng tâm an trụ.

Dòng Thích tiếng tăm lớn

Rõ pháp không chỗ nương

Lìa được tâm nghi ấy

Vị lai sẽ thành Phật.

Từ thân cuối cùng này

Được sinh nước Cực lạc

Hóa sinh từ hoa sen

Phụng thờ Vô Lượng Thọ.

An trụ Cõi Phật ấy

Tinh tấn không hiện chuyển

Du hóa khắp mười phương

Phụng thờ trăm ức Phật.

Ở mỗi mỗi Thế Giới

Khởi cúng dường các món

Vì lợi các hữu tình

Siêng cầu đạo vô thượng.

Trải qua mỗi Cõi Phật

Kiến lập các Phật Sự

Được Như Lai gia trì

Tâm dũng mãnh kiên cố.

Trong vô lượng ức kiếp

Đem hương hoa thơm đẹp

Phụng hiến các Thế Tôn

Sau sẽ thành Chánh Giác.

Ở mỗi mỗi chỗ Phật

Tuyên dương trợ pháp hóa

Thành thục các hữu tình

Tâm đều được sáng suốt.

Ở các Cõi Phật ấy

Không Duyên Giác, Thanh Văn

Chỉ có trụ đại thừa

Chúng Bồ Tát thanh tịnh.

Tuổi thọ mỗi Đức Phật

Vô lượng vô biên tuổi

Giáo hóa lợi chúng sinh

Duyên hết như đèn tắt.

Phật kia diệt độ roi

Các Phật Tử giữ gìn

An trụ ở thế gian

Tuyên nói pháp vắng lặng.

Chúng đệ tử như vậy

Nhiếp hóa các chúng sinh

Khéo điều phục tự tâm

Đối pháp không được chứng.

Trụ hạnh không buông lung

Quán pháp tự tánh không

Như lý khéo tu hành

Sẽ thành nhất thiết trí.

Các dòng họ Thích này

Nghe pháp đều khai ngộ

Các hàng Trời và người

Tâm xuất sinh vui mừng.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Nay ta nói Tam Ma Địa vi diệu thấy tánh chân thật. Nếu các Bồ Tát nghe pháp này rồi thì mau chóng được giác ngộ đến bờ giải thoát.

Vì sao?

Vì Tam Ma Địa này rõ được tất cả pháp tự tánh chẳng phải có, không có Bổ Đặc Già La, không có một pháp nhỏ nào có thể được. Nếu người nào có sở đắc thì người ấy không phải giác ngộ. Nếu không giác ngộ thì không nói. Nếu không nói thì không hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì là pháp của ba đời Chư Phật.

Này Xá Lợi Phất! Ta nay đem Tam Ma Địa thấy tánh chân thật này phó chúc cho ông, các ông nên thọ trì đọc tụng và đem truyền bá rộng rải giáo hóa người khác.

Này Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, thiện nữ nào an trụ đại thừa, trong mười kiếp hanh năm Ba la mật, trừ bát nhã Ba la mật. Nếu người nào đối với Tam Ma Địa thấy tánh chân thật này mà thân cận lắng nghe thọ trì, thì được công đức nhiều hơn người kia.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nếu có người nào ở trong mười kiếp nghe pháp này rồi đem thuyết giảng cho một người thì được công đức nhiều hơn người kia.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nếu có người trong mười kiếp nghe pháp này rồi, đem dạy lại cho người khác, công đức không bằng người chỉ trong khoảng sát na tu tập quán sát.

Này Xá Lợi Phất! Ông nên nhất tâm vì các Bồ Tát phân biệt khai thị khiến không cho dứt mất.

Vì sao?

Vì người chứng Tam Ma Địa này thì mau chóng được vô sinh pháp nhẫn, sẽ chứng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp này rồi, Tôn Giả Xá Lợi Phất, các Tỳ Kheo, Vua Tịnh Phạn, Thích, Phạm, Chư Thiên, A Tu La, Càn Thát Bà, Nhân Phi Nhân… nghe rồi đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần