Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Một - Vua Tịnh Phạn Mới Phát Lòng Tin - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nhật Xưng, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH CHA CON GẶP NHAU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nhật Xưng, Đời Tống  

PHẨM MỘT

VUA TỊNH PHẠN MỚI PHÁT LÒNG TIN  

PHẦN BA  

Khi ấy, Tôn Giả Ưu Đà Di biết Vua Tịnh Phạn tâm sinh cảm ngộ, nói kệ tán thán rồi, lại nói: Này Đại Vương! Nay Đức Phật Thế Tôn xuất hiện thế gian làm Đại Pháp Vương, thành tựu đầy đủ các thiện công đức, ở trong đại chúng Sa Môn, cũng như trăng tròn giữa các vì sao, ánh sáng của Đức Thế Tôn lại còn hơn thế nữa.

Này Đại Vương! Đức Như Lai xuất thế như bầu trời mùa thu không có mây che, ánh sáng vằng vặc. Đức Phật ở trong đại chúng Sa Môn chiếu ánh sáng rạng ngời còn hơn thế nữa.

Lại ở giữa biển có núi Quang minh, ánh sáng chiếu tỏa ra các núi khác. Đức Phật ở trong đại chúng Sa Môn, ánh sáng chiếu ra còn hơn thế nữa.

Lại như Đế Thích ở trong nhà thiện pháp, Thiên chúng vây quanh, ánh sáng rực rỡ hơn các Chư Thiên khác. Đức Phật ở trong chúng Sa Môn, ánh sáng chiếu ra còn hơn thế nữa.

Lại như Đại Phạm Thiên Vương, trăm ngàn ức Phạm chúng vây quanh, tất cả ánh sáng từ thân phát ra không ai bằng. Đức Phật ở trong đại chúng Sa Môn phát ra ánh sáng lại hơn thế nữa.

Lúc đó, Vua Tịnh Phạn nghe nói ánh sáng oai thần tối thắng của Đức Thế Tôn như vậy, lại suy nghĩ: Thuở xưa, lúc Thái Tử mới giáng sinh.

Làm cho đất sáu cách chấn động như: Động biến, động cực biến động. Khởi biến. Khởi cực biến khởi. Dũng biến, dũng cực biến dũng. Chấn biến, chấn cực biến chấn. Kích biến, kích cực biến kích. Hống biến, hống cực biến hống. Lại có ánh sáng chiếu khắp Trời đất không ai bằng. Lúc đó, Ngài bước đi bảy bước không cần sự dẫn dắt.

Đồng thơi, trên hư không xối xuống hai thứ nước ấm và lạnh trong sạch tắm rửa thân Thái Tử. Dưới đất tự nhiên vọt lên tòa báu. Trên hư không lại treo tàn lộng thù thắng vi diệu, có các Thiên Tử cung kính tôn trọng, tay cầm phất trắng đứng hầu hai bên.

Cho đến lúc Bồ Tát trưởng thành, xuất gia nhàm chán năm dục lạc, thường trụ chánh niệm, nói lời thành thật, khiến cho các hữu tình không tổn hại lẫn nhau, mọi việc làm đều quyết định dũng mãnh kiên cố, nguyện thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Người chưa được độ khiến được độ, dần dần đưa đến bờ giải thoát rốt ráo.

Lúc đó, Vua Tịnh Phạn vì Ưu Đà Di mà nói kệ rằng:

Nếu lúc người mới sinh

Nói năng mà quyết định

Đầy đủ tuệ tịch tĩnh

Người trí nào không tin.

Thái Tử lúc mới sinh

Thế gian không ai bằng

Được thế gian tôn trọng

Người trí nào không tin.

Cho đến trong giấc mộng

Chưa từng nói hư dối

Như thuyết mà tu hành

Người trí nào không tin.

Đối cảnh không sinh tham

Không bị tham trói buộc

Không cần đến vàng bạc

Người trí nào không tin.

Sân như dao kiếm bén

Giận dữ làm người sợ

Khéo lìa lỗi lầm ấy

Người trí nào không tin.

Thường tương ưng thắng tuệ

Kinh bố không lay động

Do lìa lỗi ngu si

Người trí nào không tin.

Thọ dụng năm dục lạc

Không bị nó trói buộc

Thắng tuệ khéo lựa chọn

Người trí nào không tin.

Trăm ngàn thứ huyễn thuật

Không có gì chân thật

Người thiện không ham thích

Người trí nào không tin.

Vô số lời khéo léo

Rốt ráo là hý luận

Không thoát khỏi trói buộc

Người trí nào không tin.

Nếu ai lạc pháp lạc

Tương ưng các nghĩa lợi

Nhất định thoát trói buộc

Lời ấy sao không tin.

Sức phương tiện lìa cấu

Ai có thể phòng ngừa

Vượt thành, rời cung thích

Lời ấy sao không tin.

Xả bỏ năm dục lạc

Ở núi như hươu nai

Chí ưa cầu bồ đề

Lời ấy sao không tin.

Sáu năm tu khổ hạnh

Vì độ các chúng sinh

Cầu bồ đề tối thượng

Lời ấy sao không tin.

Sáu năm ăn gạo mè

Không nghĩ đến vật ngon

Cầu bồ đề tối thượng

Lời ấy sao không tin.

Sáu năm ở hang núi

Chúng ma tìm sơ hở

Không thấy được lỗi nhỏ

Lời ấy sao không tin.

Người nào không cầu lợi

Không một chút hy vọng

Khéo lìa lỗi tham lam

Lời ấy sao không tin.

Vô Thượng Chánh Đẳng Giác

Nếu ai chưa từng nghe

Khó tin lại khó hiểu

Lời ấy sao không tin.

Nếu Phạm Thiên thỉnh chuyển

Hoặc Thế Tôn tự nói

Pháp vi diệu như vậy

Lời ấy sao không tin.

Thương xót dòng họ Thích

Thị hiện vào Vương cung

Khiến thoát khổ trói buộc

Lời ấy sao không tin.

Người chưa qua bờ kia

Dạy dỗ khiến được qua

Thường phát nguyện như vậy

Lời ấy sao không tin.

Thuở xưa Đức Thế Tôn

Thường khuyến hóa như vậy

Nên biết nay cũng thế

Lời ấy sao không tin

Vì thế hôm nay tôi

Cầu kiến Pháp Trung Vương

Quán chắc chắn như vậy

Thân tâm được thanh tịnh.

Vua Tịnh Phạn nói kệ rồi lại suy nghĩ nói với Tôn Giả rằng: Còn bao lâu nữa thì thân này mới phát đạo tâm?

Lúc đó Ưu Đà Di vì Vua Tịnh Phạn nói kệ rằng:

Đại Vương nay làm chúa nhân gian

Phải nên tu tập các nghĩa lợi

Như Lai khen ngợi nhân phát tâm

Nên được sinh vào nơi tối thắng.

Nếu hay phát sinh ý thanh tịnh

Đến chỗ Mâu Ni Đại Thế Tôn

Công đức của Ngài khó lường được

Tăng trưởng thiện chủng do Trời Người.

Như Lai xưa làm Vương Thái Tử

Đại bi thương tưởng các quần sinh

Rộng hành bình đẳng tâm vô lượng

Cũng như hoa sen không dính nước.

Tất cả hữu tình bị thác cuốn

Phật hay cứu vớt khiến ra khỏi

Gọi là Vô Thượng Đấng Lưỡng Túc

Vua Tịnh Phạn tâm khéo điều phục

Trí Phật tối thượng tối đệ nhất

Nhổ tên nghi hoặc của chúng sinh

Lìa hẳn các khổ được an lạc

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Thái Tử vĩnh đoạn trói ba cõi

Hàng phục bốn loại chúng ma quân

Được chứng vô thượng đại bồ đề

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Chỉ bày pháp cam lồ giải thoát

Đế Thích Nhân Vương đều khuyến thỉnh

Lợi lạc hữu tình trong ba cõi

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Hay chuyển tối thắng diệu pháp luân

Nhiếp hóa tất cả các ngoại đạo

Số ấy trăm ngàn đến vạn ức

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Tuệ nhãn Như Lai rất thanh tịnh

Chúng sinh bị vô minh che lấp

Nói pháp dứt trừ tối tăm ấy

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Chúng sinh già chết thêm bức bách

Như Lai nói pháp trừ lo sợ

Phương tiện khéo lên pháp thường lạc

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Như Lai xuất hiện ở thế gian

Hư không mưa xuống bốn thứ nước

Có thể dập tắt lửa ba độc

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Như Lai mười lực trí sáng suốt

Diệt tội ba đời của chúng sinh

Xa lìa hoàn toàn mọi lỗi lầm

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Như Lai thường dùng tâm đại bi

Thương nhớ chúng sinh như con đẻ

Đều khiến lìa khổ được giải thoát

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Chúng sinh cang cường khó giáo hóa

Như Lai phương tiện khéo nhiếp thọ

Khiến trừ trạo cử và kiêu mạn

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Chúng sinh chìm đắm biển tham dục

Chư Thiên trước vui cũng như vậy

Phật rủ mười lực đón tiếp họ

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Như Lai đại bi không ai bằng

Trang nghiêm bằng vô lượng công đức

Cứu vớt chúng sinh khổ nhiều kiếp

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Như Lai đại bi phương tiện lực

Như châu ma ni làm nước trong

Khéo trừ đấu tranh nhân nhơ bẩn

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Như ma ni báu tánh vốn tịnh

Chúng sinh thấy được đều hoan hỷ

Như Lai lìa hẳn nhân phiền não

Vua Phật tịnh tâm khéo điều phục.

Trời người chịu nhiều khổ biệt ly

Như Lai khiến được vui tịch tĩnh

Thoát khỏi luân hồi nhân sinh tử

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

Như Lai thành tựu biển công đức

Nay tôi lược nói một phần nhỏ

Thí như hư không, không ngằn mé

Vua phát tịnh tâm khéo điều phục.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần