Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Mười Bảy - Thọ Ký đổ Sử đa Thiên

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nhật Xưng, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH CHA CON GẶP NHAU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nhật Xưng, Đời Tống  

PHẨM MƯỜI BẢY

THỌ KÝ ĐỔ SỬ ĐA THIÊN  

Khi ấy, trong chúng hội có tám mươi ức Đổ Sử Đa Thiên thấy các A Tu La Vương cho đến Diệm Ma Thiên ở chỗ Thế Tôn cúng dường rộng lớn. Lại nghe Đức Thế Tôn thọ ký thành Vô Thượng bồ đề, tâm rất hoan hỷ thật chưa từng có.

Các Thiên Tử suy nghĩ: Pháp bồ đề này vốn không sắc tướng.

Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại không tướng, vậy thì hôm nay Đức Thế Tôn sẽ dùng pháp nào để thọ ký?

Vì sao?

Vì sắc vốn không sinh, bồ đề cũng không sinh. Cho đến thức không sinh cho nên bồ đề cũng không sinh.

Tại sao pháp không sinh mà được bồ đề ư?

Như vậy, sắc không diệt nên bồ đề cũng không diệt, cho đến thức không diệt cho nên bồ đề cũng không diệt.

Tại sao pháp không diệt mà có thể được bồ đề?

Như vậy, sắc vắng lặng cho nên bồ đề cũng vắng lặng, cho đến thức vắng lặng cho nên bồ đề cũng vắng lặng. Như vậy, sắc không hai cho nên bồ đề cũng không hai, cho đến thức không hai cho nên bồ đề cũng không hai. Như vậy, sắc không động nên bồ đề cũng không động.

Cho đến thức không động nên bồ đề cũng không động. Như vậy sắc không thể thấy cho nên bồ đề cũng không thể thấy, cho đến thức không thể thấy nên bồ đề cũng không thể thấy. Tướng bồ đề kia lìa tự tánh thì sao nói không sinh, không diệt, tịch diệt, không hai vắng lặng không động và không thể thấy.

Đối với các pháp cái nào gọi là danh sắc?

Tự tánh sắc không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều không.

Sao gọi là Phật?

Sao gọi là Bồ Tát?

Sao gọi là thọ ký?

Phật tự tánh Phật không, người tự tánh Bồ Tát không, bồ đề tự tánh bồ đề không, thọ ký tự tánh thọ ký không.

Điều mà gọi là Phật là chỉ dựa vào thế tục giả danh kêu gọi hy vọng phân biệt. Những người có trí thức nghe các pháp không không sinh chấp trước, còn người ngu si nghe liền nổi sân giận không thể hiểu được.

Ví như có người trong mộng hưởng thọ năm thứ dục lạc khoái thích, đến khi thức giấc nhớ lại thật không được gì. Người trí biết rõ nên không sinh buồn khổ mà an trụ vào bồ đề thừa, rõ tánh bồ đề xưa nay vắng lặng thật không sở đắc. Không sinh lo sợ cũng lại như vậy.

Vì sao?

Vì biết rõ các pháp đều như mộng. Sự lãnh hội của người phàm phu ngu si đều khác, đối với các vọng pháp mà sinh chấp trước, các pháp như vậy đều không thể được. Phàm phu không thể được, pháp phàm phu cũng không thể được. Thanh Văn không thể được, pháp Thanh Văn cũng không thể được. Duyên Giác không thể được. Pháp Duyên Giác cũng không thể được.

Bồ Tát không thể được, pháp Bồ Tát cũng không thể được. Phật không thể được, pháp Phật cũng không thể được. bồ đề không thể được, pháp bồ đề cũng không thể được. Niết Bàn không thể được, pháp Niết Bàn cũng không thể được.

Đổ sử đa Thiên Nghĩ như vậy rồi liền bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Con nay đối với Đệ nhất nghĩa không có nghi hoặc, phát tâm thanh tịnh cúng dường các món vi diệu tối thượng hơn cả Diệm Ma Thiên không thể so sánh.

Cúng dường rồi, cung kính đảnh lễ sát chân Phật Thế Tôn, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi đứng qua một bên chắp tay hướng lên Đức Phật dùng kệ tán thán:

Nếu người phụng hành lời Phật dạy

Thì là an trụ công đức Phật

Đối với ba pháp môn giải thoát

Thâm đạt nghĩa vị không trở ngại.

Trong đó không sắc và thọ, tưởng

Cũng không hành, thức, tâm cùng cảnh

Rõ năm uẩn kia chỉ giả danh

Đây là trí tuệ Nhân Sư Tử.

Như vậy trí tuệ thắng trượng phu

Không chấp phần nhỏ tướng bồ đề

Đã ngộ uẩn không được thiện lợi

Đối công đức Phật không nghi hoặc.

Thâm đạt bồ đề nghĩa thật tướng

Không khởi hy vọng, không khen chê

Cũng không vui thích tâm mặc tình

Đó là khéo trụ hạnh bồ đề.

Nếu người bình đẳng thấy pháp tánh

Thì đối các pháp không sợ gì

Phật Tử đối với thế gian này

Tu chứng đầy đủ thắng công đức.

Thông đạt sắc tướng thảy đều không

Đối các cảnh dục đều xả bỏ

Quán sát luân hồi trong ba cõi

Cũng không mong cầu, không ham thích.

Nếu người rõ được pháp năm uẩn

Phật và bồ đề cùng thọ ký

Người nói người nghe thảy đều không

Hiểu rõ như vậy không ngại gì.

Pháp công đức Phật Pháp phàm phu

Tất cả tướng này vốn không sinh

Hay rõ pháp tánh môn tối thượng

Thì mới gọi là chân Phật Tử.

Lại nữa, biết rõ pháp như vậy

Năm uẩn, xứ, giới vốn không diệt

Phật và bồ đề lời thọ ký

Các pháp như thế đều đồng nhau.

Người trí hiểu được pháp môn này

Nhưng không xa lìa hành bồ đề

Do rõ pháp tánh là không diệt

Đối Phật bồ đề không thể được.

Lại nữa, các uẩn và xứ giới

Phật và bồ đề đều vắng lặng

Nếu người không mong cầu pháp này

Tức là trì chánh pháp của Như Lai.

Các uẩn, xứ, giới đều vô tác

Phật và bồ đề việc thọ ký

Các pháp như thế thảy đều không

Hiểu biết như vậy là Phật Tử.

Các uẩn, xứ, giới tự tánh không

Phật và bồ đề việc thọ ký

Người trí quyết định khéo biết rõ

Đó mới gọi là chân Phật Tử.

Các uẩn, xứ, giới đều hư vọng

Cùng với Đấng Lưỡng Túc tối thắng

Bồ đề thọ ký cũng như vậy

Hiểu biết như thế là Phật Tử.

Pháp này phi ly, phi bất ly

Cũng không phải có, không phải không

Không tướng hữu vi và vô vi

Hiểu biết như vậy là Phật Tử

Như Lai xuất hiện ở thế gian

Thông đạt nghĩa vi diệu như vậy

Đây là Bậc Trượng Phu tối thắng

Kham nhận cúng dường của Chư Thiên.

Con nay khen ngợi công đức Phật

Được các phước báo lợi quần sinh

Chỉ có Như Lai mới chứng biết

Hồi hướng mình người đều thành Phật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của các Chư Thiên muốn được Đức Như Lai thọ ký thành Phật, từ ngay tòa phóng ra ánh sáng thanh tịnh.

Thấy được tướng này, Tôn Giả Mã Thắng chắp tay hướng lên Đức Phật dùng kệ thưa hỏi:

Hôm nay Thế Tôn vì duyên gì

Dùng sức thần thông hiện điềm này

Xin vì chúng hội nói việc ấy

Tất cả thế gian đều vui thích.

Thấy trong miệng Phật phóng tịnh quang

Chư Thiên thảy đều sinh nghi hoặc

Tất cả chiêm ngưỡng từ dung Phật

Nhất tâm muốn nghe lời Phật dạy.

Ví như người bệnh gặp lương y

Mong được cứu chữa trao linh dược

Nay đây các chúng đứng trước Phật

Khát ngưỡng cần cầu cũng như vậy.

Các chúng Trời người đến tập hội

Đều được đầy đủ tuệ thanh tịnh

Nhất tâm lắng nghe không duyên ngoài

Những gì Phật dạy hay hiểu được.

Như Lai thường dùng tâm đại bi

Phá trừ tất cả lưới nghi hoặc

Khi họ nghe rồi đều phụng trì

Nhiếp các dị luận sinh chánh kiến.

Khi ấy, Đức Thế Tôn vì Tỳ Kheo Mã Thắng nói kệ rằng:

Mã Thắng ông nay hỏi việc này

Vì lợi thế gian làm ánh sáng

Người trí hay dứt các chúng nghi

Nên được Trời người đều tôn trọng.

Đổ sử Thiên Vương và Thiên Tử

Đạt pháp tối thượng vị cam lồ

Cúng dường rộng lớn diệu trang nghiêm

Thế nên nay ta sẽ thọ ký.

Hay dùng thắng tuệ quán thế gian

Tuy thấy pháp tánh nhưng không trước

Khéo đạt ba pháp môn giải thoát

Điều này người ngu không thể biết.

Họ ở chỗ Phật thời quá khứ

Đã từng thỉnh hỏi nghĩa như vậy

Quán các pháp tánh rốt ráo không

Như những gì Phật trước đã nói.

Nay ở chỗ ta lại cúng dường

Tối thượng tối thắng không gì bằng

Hay thường nghĩa không khen Như Lai

Đều vì lợi lạc các hữu tình.

Tất cả các pháp đều không sinh

Phật và bồ đề cùng thọ ký

Cho đến người tu tập bồ đề

Bản tánh không sinh cũng bằng nhau.

Nếu người rõ pháp tánh như vậy

Quyết định chứng được đại bồ đề

Các Thiên Tử kia xưa nghe trì

Nên hay tuyên dương đệ nhất nghĩa.

Hay dùng tuệ sáng khéo lựa chọn

Biết rõ pháp tánh thường không giảm

Các Thiên Tử kia lìa các nghi

Tự nhiên thành tựu trí vô sư.

Pháp tánh chẳng nắm cũng chẳng cầu

Rốt ráo không nương lìa phân biệt

Các Thiên Tử kia lìa các nghi

Người ngu tâm hay sinh sợ hãi.

Tất cả các pháp lìa tự tánh

Bồ Đề và tâm bồ đề kia

Các Thiên Tử ấy khéo biết rõ

Xưa nay thanh tịnh không nhiễm trước.

Đổ sử Thiên Vương và Thiên Tử

Trụ tuệ kiên cố không sở trụ

Không lâu sẽ được Phật bồ đề

Thành tựu đầy đủ nhất thiết trí.

Vào đời vị lai kiếp tinh tú

Lần lượt xuất hiện ở thế gian

Độ thoát vô biên các chúng sinh

Đồng hiệu Quyết Định Trí Vương Phật.

Như Lai biết được tâm niệm họ

Nên liền phóng ánh sáng thanh tịnh

Vì họ thọ ký nhân thành Phật

Khiến cho chúng hội sinh vui thích.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần