Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP MƯỜI BỐN  

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, gây ra nghiệp và quả báo như đã nói ở trước. Nay nói về vọng ngữ.

Có nhiều người đi biển buôn bán và gặp phải người thông đồng với kẻ cướp, những tên cướp bảo người dẫn đường đừng dẫn khách buôn vào đường kia mà phải đi con đường này để chúng chiếm đoạt của cải và cùng chia với nhau.

Những người lái buôn thuê người dẫn đường ấy và nói: Ông dẫn chúng tôi đến nơi có vật báu chúng tôi sẽ cho ông của cải.

Người dẫn đường nhận lời và họ hứa với nhau một cách chắc chắn. Thế nhưng, người dẫn đường không dắt các người lái buôn đi theo con đường đến chỗ có của báu mà lại đi đường có giặc cướp. Trước đó, giặc cướp đã bàn bạc với người dẫn đường là dựng sào treo cờ màu xanh để làm tín hiệu. Người dẫn đường thấy tín hiệu ấy nhưng không nói là có giặc cướp.

Thấy lá cờ xanh ấy, các thương nhân hỏi người dẫn đường: Ở chỗ lá cờ xanh chắc là có giặc cướp?

Người dẫn đường đáp: Không có.

Các thương nhân cho là người ấy nói thật nên không đề phòng, vì vậy khi đến chỗ giặc cướp thì bị chúng cướp hết tất cả của cải. Người dẫn đường cũng tham gia cướp bóc. Do nghiệp ác đó, khi chết người ấy bị đọa vào ngục Thọ vô biên khổ thuộc địa ngục Đại khiếu hoán chịu khổ não lớn.

Ngục ấy có đầy đủ tất cả khổ não mà tội nhân ở các ngục trước phải chịu. Ngoài ra còn có những nỗi khổ khác dữ dội hơn. Ngục tốt dùng kềm sắt phát lửa rứt lưỡi tội nhân ra.

Rứt xong, lưỡi sinh lại còn non yếu đã bị rứt tiếp. Ngục tốt lại dùng kềm móc mắt ra. Móc xong, mắt khác sinh ra còn non yếu đã bị móc tiếp. Ngục tốt lại dùng dao bén và mỏng róc khắp thân tội nhân. Lại có trùng tên Đoạn ăn ruột tội nhân.

Lại có nơi khác đất toàn màu xanh mà lại tối đen, tội nhân vào trong đó. Do nghiệp ác, có cá ma kiệt, trong ngoài đều bốc lửa ăn thịt tội nhân. Cá ma kiệt này có miệng, móng, răng bằng Kim Cang phát lửa. Nó chộp lấy tội nhân và nhai ngấu nghiến khiến toàn thân tội nhân nát như bột.

Thoát được miệng cá, tội nhân liền lọt vào bụng chứa đầy lửa của nó. Suốt vô lượng năm, tội nhân thường ở trong bụng cá, thường bị thiêu đốt rất là đau khổ, không khí trong ấy không thông suốt và rất ít ỏi. Do chính miệng lưỡi họ gây ra nghiệp ác vọng ngữ, nên nay bị thiêu đốt dữ dội trong bụng cá, thân thể tan nát, sau đó lại bị lửa địa ngục thiêu, bị lửa xanh thiêu.

Đốt tội nhân xong, ngục tốt lại nói kệ trách họ:

Việc nói lời vọng ngữ

Là nhân của địa ngục

Trước đã tạo nhân khổ

Kêu la có ích gì?

Vọng ngữ là lửa lớn

Có thể thiêu cạn biển

Nó thiêu người nói láo

Giống như thiêu cây cỏ.

Người nào bỏ thật ngữ

Và nói lời vọng ngữ

Kẻ ngu ác như vậy

Bỏ của báu lượm đá.

Ai không tự thương thân

Lại ưa thích địa ngục

Bị ngọn lửa vọng ngữ

Đốt thân ở nơi này.

Thật ngữ rất dễ được

Tô điểm cho mọi người

Bỏ thật ngữ, nói láo

Đến nơi này do si.

Vì sao bỏ công đức

Tối thắng của nói thật

Giữa cam lồ và độc

Sao chọn lấy chất độc.

Gây họa mắc quả xấu

Thường ở trong địa ngục

Hủy bỏ công đức mình

Đến địa ngục rất ác.

Bậc trí bảo vọng ngữ

Là hạt giống gây khổ

Thật ngữ gốc của vui

Vậy không nên nói láo.

Tất cả đều yêu mến

Người nói lời chân thật

Không ưa kẻ nói láo

Vậy không nên nói láo.

Người nào nói chân thật

Thường vui sướng như Trời

Kẻ nào nói vọng ngữ

Thường chịu khổ địa ngục.

Nếu không tạo nghiệp lành

Mà gây vô lượng ác

Chịu vô lượng khổ não

Nay hối tiếc sao kịp.

Làm lành được quả lành

Gây ác chịu quả ác

Người trí xả bỏ ác

Ưa thích làm việc lành.

Thật ngữ là tốt nhất

Nói dối là xấu nhất

Bỏ lỗi, giữ công đức

Là người thù thắng nhất.

Trách tội nhân xong, ngục tốt tạo ra vô lượng khổ não. Suốt vô lượng năm, tội nhân chịu khổ như vậy đến khi nghiệp ác hết thì họ mới thoát được nơi ấy.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào hàng ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì nghèo thiếu, khổ sở, thường sợ hãi tất cả mọi người, làm người nô bộc, phải làm việc cực nhọc, là người hạ tiện, nói gì cũng không ai tin, thường chịu khổ não. Đó là quả báo của việc nói dối.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Đại khiếu hoán xem còn nơi nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn nơi khác tên Huyết tủy thực là vùng thứ mười bảy thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, gây ra nghiệp và quả báo như đã nói ở trước. Ngoài ra, người ấy còn tích tụ nghiệp ác vọng ngữ.

Có người làm Vua hoặc đại thần, hoặc trưởng thôn, thu thuế rồi sau đó nói là chưa đủ, hoặc thu tăng thêm trái với pháp cũ của Vua. Do nghiệp ác ấy, khi chết người đó bị đọa vào ngục Huyết tủy thực thuộc địa ngục Đại khiếu hoán, chịu khổ não lớn như đã nói ở trước.

Nơi ấy có đủ tất cả các nỗi khổ mà tội nhân các địa ngục trước phải chịu. Ngoài ra ở đó còn có những nỗi khổ nặng nề hơn. Ở đấy, ngục tốt dùng dây sắt phát lửa treo ngược tội nhân vào cây có lá phát lửa, đầu ở dưới, chân ở trên. Có chim mỏ và móng cứng như kim cương ăn chân tội nhân. Máu từ chân chảy ra rơi vào trong miệng và tội nhân uống nó nên thường không chết.

Vì sao?

Đói là khổ lớn nhất trong tất cả các khổ. Nơi nào cũng đều nói vậy và tất cả đều biết rõ. Người ấy uống máu của chính mình và chịu hai loại khổ là bị thiêu đốt và bị đói.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Không gì bằng bị đốt

Gió nóng thiêu rất khổ

Ai bị gió nghiệp thổi

Đói khát khổ hơn nhiều.

Suốt vô lượng năm, tội nhân ăn máu tủy của chính mình, đầu mặt ở phía dưới, bị lửa lớn nhất thiêu đốt trong mọi lúc. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người ở nơi tương ưng với nghiệp, thì nghèo thiếu, khổ sở, không được người khác tin tưởng, mũi thường chảy máu cam, lúc xỉa răng kẻ răng thường chảy máu. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Đại khiếu hoán xem còn vùng nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết lại có vùng khác tên Thập nhất viêm là vùng thứ mười tám thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh vào nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, gây ra nghiệp và quả báo đã nói ở trước. Ngoài ra, người ấy lại còn nói láo.

Đó là Vua, đại thần, người đáng tin, có thể quyết đoán sự việc, hoặc là làm trưởng giả quyết đoán sự việc cho hai người, hoặc hai phe nhóm đang tranh chấp với nhau mà vì muốn được của cải, hoặc vì quen biết, hoặc vì ham muốn, sân hận nên xét đoán một cách sai lệch, không đúng đạo lý, nói sai sự thật.

Do nghiệp ác ấy, khi chết họ bị đọa vào ngục Thập nhất viêm chịu khổ não lớn. Nỗi khổ đó đã nói ở trước. Tất cả các nỗi khổ mà tội nhân các địa ngục trước phải chịu thì nơi đây đều có đủ và tăng gấp mười lần. Người nói vọng ngữ thì nỗi khổ tăng thêm lên. Do nghiệp ác, ngục Thập nhất viêm sinh ra những đám lửa ở mười phương, cộng với ngọn lửa đói khát thiêu đốt bên trong cả thảy là mười một ngọn. Ngọn lửa đói khát ở bên trong theo miệng phát ra.

Vì nghiệp ác nói láo do lưỡi gây ra nên niệm niệm thiêu đốt lưỡi. Thiêu xong, lưỡi mọc trở lại. Nỗi khổ bị thiêu trong những đám lửa ở mười phương không bằng một phần mười sáu của nỗi khổ do lưỡi bị thiêu. Do nghiệp ác nên họ phải chịu nỗi khổ về lưỡi này.

Tội nhân ở địa ngục ấy phải chịu nỗi khổ rất nặng nề là bị mười một đám lửa thiêu suốt vô lượng năm. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt.

Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh, mà sinh làm người ở nơi tương ưng với nghiệp, thì thường bị đói khát.

Tất cả các bộ phận của thân thường bị thiêu chín, nghèo khổ, tuổi thọ ngắn, nói ra điều gì cũng không có ai tin, rất ngu si, đần độn, dơ bẩn, tay chân nứt nẻ, quần áo rách nát, thường đi xin ở ngã ba, ngã tư trên đường phố, hoặc thường sinh sống bằng cách buôn bán những vật hèn hạ, chịu nỗi khổ cùng cực suốt cả đời, lúc tranh cãi thường bị thua bè bạn. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Đại khiếu hoán thì thấy không còn nơi nào hết.

Lại nữa, người tu hành cần phải tư duy và hành động thuận theo chánh pháp.

Thấy Tỳ Kheo ấy sắp vào nơi tịch tĩnh không già, không chết, không bị diệt mất đường Niết Bàn, lại siêng năng tinh tấn, Dạ Xoa nơi đất rất vui mừng tâu lên Dạ Xoa Hư Không, Dạ Xoa Hư Không tiếp tục tâu lên, lần lượt cho đến Trời Thiểu quang.

Họ nói tóm lược từ chỗ cõi Diêm Phù Đề có người mang họ mỗ giáp lần lượt cho đến lúc người ấy thành tựu Địa thứ mười. Vị ấy không thích ở cảnh giới ma, cũng không thích đi chung với tham ái nên lìa bỏ pháp ô nhiễm.

Nghe xong Trời Thiểu quang vui mừng, nói: Thế lực của ma đã giảm bớt, chánh pháp tăng trưởng.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy siêng năng cắt đứt dây trói sinh tử và nghĩ như vậy: Chúng sinh chịu khổ não lớn, bị tham ái lừa dối, bị dây si trói buộc, tâm tương ưng với kết sử, bị thiêu đốt suốt ba thời vậy mà không có ý muốn đoạn trừ sinh tử. Lẽ nào các chúng sinh ấy không có tâm. Nếu họ có tâm thì phải hiểu biết. Nếu có hiểu biết sao họ không lìa tham dục.

Lại nữa, nếu chúng sinh ấy thọ hưởng dục lạc thù thắng của Cõi Trời trong thời gian dài mà còn phải lìa tham dục, huống chi là những chúng sinh đã chịu khổ lâu dài dưới địa ngục mà không chịu lìa tham dục sao?

Chúng sinh ấy thật là ngang ngạnh đã chịu vô lượng khổ não như vậy mà không mệt mỏi, ngủ suốt đêm dài mà chưa tỉnh thức. Người mê muội như vậy sẽ chịu năm loại tai họa là lão, bệnh, tử, gặp gỡ kẻ oán, xa cách người thương.

Lại có mười loại khổ não là đói khát, xa cách người thương, chiến tranh giữa nước này và nước kia, bị thoái đọa, bị người hủy nhục, cầu cứu người khác, lạnh nóng, hai người ghét nhau và tranh chấp với nhau, mất của, mong cầu điều gì cũng không được.

Tóm lại tâm có mười loại khổ não như vậy chịu nhiều loại khổ não như vậy mà chúng sinh chưa chịu xa lìa tham dục. Từ xưa đến nay, chúng sinh bị giặc tâm lừa dối. Tâm này thường chuyển động không ngừng. Nó không có tai, không có tim, giống như kim cương, đá làm ngăn ngại nơi nhiều tốt lành.

Nó không an trú trong chánh pháp, chưa từng được an vui, bị thèm khát trong mọi lúc, chưa từng biết đủ đối với các cảnh giới sắc, thanh, hương, vị, xúc. Chất độc năm cảnh giới và tên giặc lớn sáu nhập giống như dao, như lửa, như thuốc độc vậy mà họ không hay không biết.

Họ cũng chưa từng an trú vào bảy phần bồ đề, không biết tám Thánh đạo, không biết chín nơi chúng sinh ở, không biết suy xét về mười điều thiện và mười một pháp, không thể thấy rõ hoạt động của mười hai nhập, không thể tư duy về mười ba quán môn, thường dong ruổi theo mười bốn tâm duyên.

Không chịu suy xét về mười bảy sự nhơ nhớp, không thông suốt mười tám cách lưu hành thọ khổ, không thể an ổn với mười chín hành và mười lăm nhân duyên hòa hợp, tương ưng và thực hành hết thảy mười sáu điều ác, tâm thường hoạt động rối loạn ở hai mươi chỗ.

Quan sát rồi, Tỳ Kheo ấy thấy thương xót chúng sinh nên quan sát kỹ lưỡng về nghiệp và quả báo.

Tỳ Kheo ấy lại muốn đoạn trừ dây trói của ma bèn suy nghĩ: Còn có địa ngục nào hơn thế nữa không?

Vị ấy thấy, nghe, biết còn có địa ngục khác ghê rợn hơn địa ngục Đại khiếu hoán gấp mười lần.

Ngục này tên là Tiêu nhiệt có thế lực rất khủng khiếp gồm mười sáu ngục nhỏ có các tên là: Đại thiêu, Phân đồ lê ca, Long toàn, Xích đồng di nê ngư toàn, Vạc sắt Thiết hoạch, Huyết hà phiêu, Nhiêu cốt tủy trùng, Nhất thiết nhân thục, Vô chung một nhập, Sen đỏ lớn, Bờ hiểm ác, Kim cương cốt, Hắc thiết thằng đao giải thọ khổ, Na ca trùng trụ ác hỏa thọ khổ, Ám hỏa phong, Kim cương chủy phong. Đó là mười sáu ngục khác nhau thuộc đại địa ngục Tiêu nhiệt. Chúng sinh ở địa ngục này có tuổi thọ lâu dài không thể tính được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần