Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Mười Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP MƯỜI SÁU  

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết người nào thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, nói dối, lại còn nói rằng tất cả các vật có mạng sống hoặc không mạng sống đều do Trời tạo ra chớ chẳng phải là do nghiệp quả.

Do nghiệp ác này, khi chết người ấy bị đọa vào ngục Xích đồng di nê ngư toàn thuộc địa ngục Tiêu nhiệt chịu khổ não lớn. Nỗi khổ đó là nơi địa ngục ấy có nước đồng đỏ sôi đầy ngập như biển, bên trong có nhiều cá di nê bằng sắt. Do nghiệp ác, ở nơi ấy có loại cây lá bén như dao cạo.

Tội nhân sống rồi lại chết, chết rồi sống lại, toàn thân đều bị hư nát, chín rục và nổi lên trên mặt nước đồng sôi, nổi rồi lại chìm chịu khổ não lớn, cùng nhau chạy và kêu gọi nhau.

Do nghiệp ác, khi những người tà kiến và truyền bá tà kiến đã kêu gọi nhau chạy, cá di nê hung dữ há to miệng lội đến chỗ tội nhân, dùng màng lưỡi bắt tội nhân ngậm vào miệng, dùng hàm răng nghiền nát họ. Thân tội nhân một nửa nằm trong miệng cá thường bị nhai nghiến, một nửa ở bên ngoài thường bị nước đồng sôi thiêu nấu. Họ chịu hai loại khổ cùng cực trong thời gian rất lâu.

Thoát được nơi ấy rồi, họ lại vào trong biển nước đồng sôi khác. Nơi đó có nhiều trùng dữ mỏ như kim cương, răng rất bén và rất độc, ở tại nơi tối tăm trong nước đồng sôi bắt và nhai tội nhân nát, như cát rồi mới ăn.

Đau đớn quá, tội nhân muốn kêu gào nhưng vừa há miệng thì nước đồng sôi tràn đầy trong đó nên họ kêu không ra tiếng. Nước đồng sôi ấy đầy khắp chín lỗ trong thân, thiêu nấu dữ dội khiến tất cả các bộ của thân đều tan chảy.

Trong một thời gian lâu dài, tội nhân bị nấu và chìm xuống, chìm rồi lại nổi lên. Khi họ đã nổi lên, do nghiệp ác, có nhiều đao gió rất bén và độc cắt nát thân họ. Người tà kiến không tin nghiệp quả, không nói lời chân thật thường bị thiêu nấu, tan rã trong mọi lúc. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy.

Đã thoát khỏi nơi ấy rồi, trong ba trăm đời họ thường làm ngạ quỷ tên là Hy Vọng, Hy Vọng thoát khỏi nghiệp làm quỷ, họ lại làm Súc Sinh trong ba trăm đời, làm voi, gấu, kiến thường bị đói khát nóng lạnh làm khổ, bị gió thổi và bị Mặt Trời thiêu nướng khó mà chịu được.

Thoát được thân Súc Sinh, họ khó được làm thân người như con rùa mù khó chui đầu vào lỗ hổng của tấm ván khi nổi lên mặt đại dương mênh mông. Nếu trong quá khứ có nghiệp lành đã chín, được sinh làm người thì ở nơi nguy hiểm đáng sợ, nơi thường chặt cây, thường bắt cá, thường lo sợ. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát đại địa ngục Tiêu nhiệt xem còn vùng nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có vùng khác tên Vạc sắt Thiết hoạch là vùng thứ năm thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy có người thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, nói dối, gây ra nghiệp và quả báo đã nói ở trước, lại còn mắc tà kiến, trong ngày trai hội của ngoại đạo tà kiến, kẻ ấy giết người nam và nói: Ta tổ chức trai hội và giết người. Người ấy sẽ được sinh Thiên, ta cũng sinh Thiên. Nếu người ấy được sinh Thiên sẽ làm chứng cho ta.

Hoặc có người giết rùa để làm chứng cho mình sau này sinh Thiên, hoặc dạy người khác làm việc ấy.

Suốt đời, người đó giữ bản tánh như vậy làm ngăn ngại chánh đạo ở yên trong tà đạo. Khi chết, người có nghiệp ác tà kiến ấy bị đọa vào ngục Vạc sắt của địa ngục Tiêu nhiệt chịu khổ não lớn. Nỗi khổ đó đã nói ở trước. Tất cả nỗi khổ trong các địa ngục trước phải chịu thì nơi này đều có đủ và tăng gấp mười lần.

Lại có nỗi khổ nặng hơn hết là có sáu vạc sắt rộng mười dotuần. Sáu vạc đó lần lượt có tên là Bình đẳng thọ khổ, Vô lực vô cứu, Hỏa thường nhiệt phí, Cứ diệp thủy sinh, Cực lợi đao man, Cực nhiệt phí thủy, Đa nhiêu ác xà.

Ở vạc Bình đẳng thọ khổ, Vô lực vô cứu tội nhân vào bên trong, nhóm lại một chỗ tạo thành một thân giống như nắm cám. Họ bị nấu, không còn sức lực và lại bị nấu, dần dần mất sức. Ở nơi hiểm ác này thân không thể cứu, tâm không thể cứu, không có pháp gì có thể cứu người ở đường ác đó. Do không cứu được nên trong thời gian lâu dài họ thường bị thiêu nấu.

Ở nơi vạc sắt nóng Hỏa thường nhiệt phí tội nhân vào đó bị nấu trong nước đồng sôi khiến thân tan rã, chưa kịp nguội thì sống trở lại và thường bị nấu.

Ở vạc sắt Cứ diệp thủy sinh tội nhân vào trong ấy bị nước màu đồng đỏ cưa cắt thân thể. Nơi ấy phát lửa, tội nhân chui vào trong đó đầu chúc xuống đất, hoặc chìm, hoặc nổi, thường bị cưa cắt. Nước đồng sôi cắt thân thể tội nhân khiến cho gân mạch đều tan rã.

Bị cắt xé như vậy họ chìm xuống, chìm xong lại nổi lên, nổi rồi lại chìm. Loại cưa nước này thường cưa xẻ khiến tất cả đều chín rục như đậu hũ, thân thể tan nát, hoặc nổi hoặc chìm, trong thời gian dài họ thường bị nấu, cắt, xẻ.

Ở vạc sắt nóng Cực lợi đao man tội nhân vào trong ấy chịu khổ não. Nỗi khổ đó là ở trong vạc có một rừng dao bén như dao cạo xẻ các bộ phận ở trên thân.

Ở hai vạc Cực nhiệt phí thủy và Đa nhiêu ác xà, tội nhân vào đó chịu nỗi khổ là trong đó có nước sôi làm nổi bọt cao nửa do tuần. Trong bọt ấy có rắn răng rất bén, thường phát lửa đốt tội nhân khi họ nhìn hoặc chạm vào nó.

Tội nhân nào đụng hoặc nhìn rắn ấy thì giống như bị dao cắt, thịt rớt hết chỉ còn trơ xương. Tội nhân bị nấu trong bọt nước sôi nên các bộ phận của thân đều tan chảy. Người nào ở trong nước bị chất độc đau khổ thiêu nấu thì chịu nỗi khổ nặng nề nhất.

Lúc đến chỗ tội nhân, ngục tốt suy nghĩ: Làm cách nào để đóng kín cửa vạc này khiến tội nhân không thể ra được. Ngục tốt nghĩ phải dùng kim cương bịt miệng vạc lại và lật úp xuống khiến tội nhân không thể chạy thoát và chịu đủ loại khổ đau.

Ngục tốt nghĩ xong, tất cả vạc sắt đều bị lật úp và các đám lửa cháy mạnh gấp đôi. Tội nhân chịu khổ như vậy.

Ngục tốt nổi giận nên lại suy nghĩ: Làm cách nào để cho tội nhân chịu thêm nỗi khổ khác?

Suy nghĩ xong, ngục tốt lấy củi sắt cháy mạnh gấp hai lần. Tội nhân nào muốn hướng lên thì bị nước đồng sôi bám theo làm người bị tan nát thân thể, có con rắn rất độc phóng lửa đốt thân tội nhân. Đã chín rục rồi, họ chịu đủ loại khổ trong tất cả các thời. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi vạc sắt nóng đó.

Đã được thoát rồi, trong ba trăm đời họ sinh làm ngạ quỷ ăn khí hôi. Thoát được nơi ấy họ sinh làm súc sinh trong ba trăm đời.

Thoát khỏi nghiệp Súc Sinh, nếu được sinh làm người ở nơi tương ưng với nghiệp thì làm luận sư ngu si, bàn luận về nhân ác, tâm ý điên đảo, hoặc mong giàu có sung sướng nên không ăn một tháng, hoặc mong sinh Thiên nên không ăn một ngày, bị kết sử tham ái trói buộc. Người ấy bị khổ trói buộc để rồi lại chịu khổ. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát đại địa ngục Tiêu nhiệt xem còn vùng nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có vùng khác tên Huyết hà phiêu là vùng thứ sáu thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi này?

Chúng sinh nào có nghiệp ác tà kiến thì sinh ở nơi đó.

Vị ấy thấy có người vi phạm giới cấm, nhiều lần phạm giới rồi mới suy nghĩ: Nếu ta sống nhờ khổ hạnh thì tội sẽ tiêu hết và sẽ có nhiều phước đức.

Nghĩ xong người ấy vào rừng, cột chân treo lên ngọn cây, thòng đầu xuống đất, dùng dao cắt mũi, hoặc tự cắt trán gây thương tích khiến máu chảy ra rồi dùng lửa đốt máu để mong được sinh Thiên. Đó là người đi theo đường ác. Giống như có người tìm dầu trong cát thì không thể được dầu, người ấy bị chảy hết máu và chết.

Do nghiệp ác ấy, khi chết họ bị đọa vào ngục Huyết hà phiêu thuộc địa ngục Tiêu nhiệt chịu khổ não lớn. Nỗi khổ ấy như đã nói ở trước. Tất cả những nỗi khổ mà tội nhân ở các địa ngục trước phải chịu thì ở nơi này đều có đủ và còn tăng gấp năm lần.

Lại có nỗi khổ hơn hết đó là ở nơi ấy ngục tốt cầm lửa, gông, dao, chỉa đá nghiền nát tội nhân thành bột, máu chảy thành sông. Sông đó chảy rất xiết cuốn theo nhiều xương và tóc của các tội nhân khác.

Lại có sông đồng đỏ thứ hai có tên là sông Dữ đáng sợ. Sông ấy có trùng tên Cữu chạm vào nó như chạm vào lửa. Trùng ấy bám vào tội nhân thiêu đốt rồi ăn thịt họ. Tội nhân ở địa ngục này bị sông máu cuốn trôi thường chịu khổ não lớn trong thời gian rất lâu. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt.

Nếu nghiệp ác hết họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Đã thoát rồi, trong năm trăm đời họ sinh làm ngạ quỷ ăn khói để sống. Thoát khỏi kiếp ngạ quỷ trong bốn trăm đời họ sinh làm súc sinh, làm chim biển sống ở bờ biển hoặc cửa sông. Chim ấy có đầu đỏ. Nếu sinh làm người ở nơi tương ưng với nghiệp thì nghèo khổ, nhiều bệnh. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Tiêu nhiệt xem còn nơi nào khác. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên Nhiêu cốt tủy trùng là vùng thứ bảy thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết người nào tạo nhiều nghiệp ác về thân, khẩu, ý, lại không nghe chánh pháp. Người ngu này mong sinh lên cõi Phạm thiên mà lại làm việc ác lìa bỏ giới cấm, tánh vốn buông lung, dua nịnh quanh co, gây khổ não cho người, xa lìa giới luật chân chánh, dùng phân bò khô để thiêu thân, hiện đời người ấy bị khổ vì thiêu thân, khi chết đọa vào ngục Nhiêu cốt tủy trùng lại chịu khổ não lớn.

Nỗi khổ đó là bị chùy sắt đánh từ đầu cho đến chân kêu la rất to, các bộ phận của thân giập nát như nắm mật hoặc sáp ong, không còn có thể phân biệt từng thứ, nhưng người ấy lại không chết. Đó là do quả báo nghiệp ác tà kiến gây ra.

Địa Ngục ấy rộng ba do tuần, cao năm do tuần, thân tội nhân cũng dài rộng như vậy, làm thành núi thịt đầy khắp địa ngục. địa ngục ấy có rất nhiều trùng ẩm ướt đều là chúng sinh.

Do nghiệp gì mà các trùng đó đến đây?

Nếu người đàn ông hoặc đàn bà nào đã bắt giết rận trên thân của mình hoặc người khác, hoặc giết kiến, côn trùng, nhền nhện… thì do nghiệp ác đó, người ấy làm trùng nơi cơ quan, sống ở núi ấy. Ai gây nghiệp thì người đó phải chịu quả báo. Do nghiệp ác nơi ngục Nhiêu cốt tủy trùng lại có các ngục tốt khác lấy lửa thiêu đốt tội nhân.

Lúc làm người, kẻ tà kiến ấy lấy phân bò khô đốt thân nên nay cùng bị thiêu với trùng cơ quan, chịu khổ não lớn. Khi núi ấy đã bị thiêu, ngọn lửa bốc lên cao mười do tuần. Do nghiệp của chính mình, tội nhân cùng con trùng cơ quan bị lửa thiêu đốt thân thể, trùng có thân nhỏ nên chịu khổ ít.

Tội nhân có thân rất lớn nên chịu khổ nhiều. Các đám lửa ấy thiêu đốt lẫn nhau trong vô số năm mà vẫn không dứt. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy.

Thoát nơi đó rồi, trong năm trăm đời họ làm ngạ quỷ có cổ họng nhỏ như cây kim, sống bên cạnh núi.

Thoát khỏi nghiệp quỷ, trong năm trăm đời, họ làm súc sinh: Làm cá sống ở biển cả có sóng lớn, nước rất lạnh và có chứa tro.

Đã thoát khỏi nơi đó, họ khó được lại thân người như rùa mù khó chui đầu vào tấm ván khi nổi lên mặt nước giữa biển cả mênh mông. Nếu được sinh làm người ở nơi tương ưng với nghiệp thì thường đi trong rừng, sống trong rừng hoặc sinh sống ở nơi hoang vu rậm rạp, nghèo nàn, khổ sở. Ở nơi ấy, người đó bị lửa thiêu đốt. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Tiêu nhiệt xem còn nơi nào khác. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên Nhất thiết nhân thục là vùng thứ tám thuộc địa ngục ấy.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi này?

Vị ấy thấy, nghe, biết người nào thích và thường sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu, nói dối gây ra nghiệp và quả báo đã nói ở trước.

Còn tà kiến là có người ngu si tà kiến nghe pháp tà. Ba nghiệp thân, khẩu, ý của người ấy thường điên đảo. Người tà kiến ấy tu hạnh tà kiến phóng lửa thiêu đốt rừng núi, vùng đất ở giữa hai thôn, hoặc cồn cát.

Người ấy nghĩ: Nếu lửa cháy liên tục, Chư Thiên sẽ hoan hỷ và ta sẽ được sinh Thiên.

Do nghe pháp ác, người ngu ấy bị pháp ác lừa dối, tìm cách giữ lửa cháy mạnh để được sinh Thiên nên đã phóng lửa như vậy. Do nghiệp ác đó khi chết người ấy bị đọa vào ngục Nhất thiết nhân thục chịu khổ não lớn. Nỗi khổ đó đã nói ở trước. Tất cả những nỗi khổ mà tội nhân ở các địa ngục trước phải chịu ngục này đều có đủ và tăng gấp năm lần.

Lại có nỗi khổ nặng nề hơn là khi đã sinh vào nơi ấy họ thấy con trai, con gái, thê thiếp, bạn bè, cha mẹ và tất cả những người thân quen của mình lúc làm người đều bị thiêu đốt. Tất cả những người đó đều do nghiệp hóa hiện ra nên ta thấy họ bị nấu trong địa ngục. Thấy cảnh đó, tội nhân rất buồn rầu, đau khổ cùng cực.

Thấy tất cả những người mà mình thương yêu kính trọng bị thiêu nấu bằng lửa tham ái của chính mình, ở địa ngục đó tội nhân buồn rầu đau khổ gấp mười sáu lần khi bị lửa địa ngục thiêu. Trong tất cả các khổ não của tội nhân, nỗi khổ do lửa tham ái gây ra là hơn hết. Lửa tham ái là lửa trong lửa. Lưới tham ái là lưới trong lưới. Dây trói tham ái là dây trói trong dây trói. Nó trói buộc tất cả những kẻ phàm phu ngu si.

Do nghiệp tà kiến, bất thiện nên họ thấy những người mà họ thương yêu kính trọng bị thiêu nấu trong địa ngục. Tội nhân ấy bị lửa tham ái của chính mình, thiêu đốt. Lửa địa ngục so với lửa của tâm tham ái ấy thì giống như là sương tuyết.

Nghe vợ con cha mẹ kêu la thảm thiết: Hãy đến cứu tôi với.

Nhưng tội nhân bị lửa địa ngục thiêu nấu không được tự do thì làm sao cứu được?

Ở địa ngục ấy, trong thời gian lâu dài, tội nhân thường bị lửa thiêu cả thân lẫn tâm. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết, họ mới thoát khỏi địa ngục ấy. Đã thoát khỏi nơi ấy rồi, trong ba trăm đời họ thường làm ngạ quỷ chỉ ăn đồ vứt bỏ. Năm trăm đời làm Súc Sinh, thường làm con trùng nước có nhiều con và thường bị người đánh cá giết hại.

Thoát được nơi ấy rồi, họ khó được thân người, như con rùa mù khó chui đầu vào lỗ hổng của tấm ván khi nổi lên giữa mặt biển mênh mông. Nếu sinh làm người ở nơi tương ưng với nghiệp thì nghèo khổ, tuổi thọ ngắn, các căn không đủ, không có vợ con, thường làm người hèn hạ, hoặc làm tôi tớ trong đền thờ Trời. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Tiêu nhiệt xem còn nơi nào khác nữa. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có nơi khác tên vô chung một nhập là vùng thứ chín thuộc địa ngục đó.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần