Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Hai Mươi Mốt
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BẢY
PHẨM THÂN NIỆM XỨ
TẬP HAI MƯƠI MỐT
Lại nữa, người tu hành quan sát ngọn núi thứ ba tên Khổng Tước tụ, ngang rộng một ngàn do tuần.
Núi này có bốn rừng lớn:
1. Rừng Vân.
2. Rừng Bách trì.
3. Rừng Cao hống.
4. Rừng Chân châu luân.
Lại có sông lớn như là sông Nê Quân Luân Đà, sông Đại Hỷ, sông Ái Lâm, sông Tiên Lưu, sông Kết. Trong núi Khổng Tước Tụ có người sinh sống gọi là Thanh Yết.
Lại nữa, người tu hành quan sát cõi Phất Bà Đề có ngọn núi thứ tư tên Thú Dục. Núi này có rừng Tên Xa Tri La, rừng Khả Ái, rừng Di Già, hoa quả đầy đủ, cũng như trước đã nói. Trong rừng có sông tên Niết Mậu Ca, sông Phổ Tiếu, sông Ca La La.
Rừng còn có giống thú tên Điều Phục, Phổ Ảnh, Mao Thú, Kiến Tẩu, Vi Mã, Vô Đạo, Tiên Thú, Đa La Đầu Noa, Hảo Nhĩ, Tượng Đầu, Đệ Nhất Nhi, Ái Ảnh, Thố Mao, Đà Thân, Hắc Vĩ, Bạch Đầu, Đoan Chánh, Xà Thiệt, Cẩu Nha, Già Bà Da, Kiềm Bà, Hùng Tỉnh Tỉnh. Các loài thú như vậy ở cõi Diêm Phù Đề hoặc có hoặc không.
Nơi núi Thú Dục, vườn rừng, sông hồ, hoa quả, cây cối, hết thảy đều đầy đủ như đã nói ở trước. Tất cả ao hoa cũng như cõi Diêm Phù Đề. Người sinh sống trong núi Thú Dục này gọi là Tốc Lực.
Lại nữa, người tu hành quan sát cõi Phất Bà Đề thấy có ngọn núi thứ năm tên là Hải Cao, rộng một ngàn do tuần. Vườn rừng, hồ nước, hoa quả đều đầy đủ, như trước đã nói. Núi có rừng tên Tam Đích, rừng Yết Hầu Bế, rừng Sơn. Trong rừng có sông Tam Giác, sông Cao Hoán, sông Thạch Thanh. Người sinh sống nơi núi Hải Cao tên Già Chi La. Quan sát núi Hải Cao rồi, vị ấy biết rõ về ngoại thân.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, xem cõi Phất Bà Đề có những núi nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy ngọn núi thứ sáu tên Chân Châu Man, ngang rộng một ngàn do tuần. Vườn rừng, sông hồ đầy đủ khắp chốn. Các loại hoa quả, cầm thú cũng như trước đã nói. Núi Chân Châu Man là nơi phát sinh một sông lớn tên Bất Kiến Ngạn, rộng một do tuần. Người sinh sống nơi núi Chân Châu Man gọi là Phổ Nhãn.
Như vậy, cõi Phất Bà Đề có sáu ngọn núi bao quanh.
Cõi nầy có ba thành lớn:
1. Thành Thiện môn.
2. Thành Sơn lạc.
3. Thành Phổ du hý.
Mỗi thành lớn rộng ba do tuần. Có sáu mươi ba thành bậc trung và bậc hạ. Một thành bậc trung tên Cưu Trá Hàm, tiếp theo có thành Đại Ba Xá, thành Phổ Hống là các thành bậc trung lớn nhất. Những thành bậc hạ như thành Nhất Thiết Phụ, kế tiếp có thành Đại Âm, thành Khoáng Dã Khổng Huyệt là thành bậc hạ lớn nhất.
Lại có ba ức năm mươi vạn ba ngàn năm trăm năm mươi sáu làng xóm. Làng xóm đứng đầu là Ca Thi Ma La, tiếp theo là các thôn xóm Thủy Mạt, Căn Thôn Thọ Đề Thôn, Nhất Thiết Nhân, Diệp Tụ Lạc, Tỳ Đầu La, Ba Ca Thôn, Tỳ Trá, Ma Ma, Na Đề, Già Trá Úng, Đồ Kha, Lâm, Xích Toàn, A Xoa, Phong Xuy, Man Thôn, Đảnh Thọ, Hắc Phạn… là những thôn xóm bậc nhất.
Những người sống ở đây gương mặt tròn đầy, giống như hình dáng của vùng đất đó. Người cõi Diêm Phù Đề tóc tai đẹp đẽ. Người Cõi Uất Đan Việt mắt đẹp, mơ mộng. Người cõi Cù Đà Ni trán cao, bụng thon cân đối. Người cõi Phất Bà Đề đùi vế, vai đẹp. Người trong bốn cõi thiên hạ thân hình đẹp đẽ như vậy.
Lại nữa, người tu hành quan sát về quả báo nơi nghiệp xem chúng sinh do nghiệp gì mà sinh ra ở cõi Phất Bà Đề theo nghiệp thượng, trung, hạ?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy đời trước những chúng sinh ấy không biết về pháp quả báo của nghiệp. Vì không biết nên bố thí nơi chẳng phải phước điền, hoặc rất khó xin, cầu xin rất khó khăn họ mới cho, cũng như trước đã nói. Do nghiệp này nên gọi là thọ sinh thuộc phẩm hạ.
Chúng sinh nào giữ gìn giới thuộc phẩm trung hoặc thân gần pháp Vua, không giết hại chúng sinh, nhưng tâm chẳng thanh tịnh. Do nhân duyên ấy, khi chết được sinh lên Cõi Trời, mạng chung thì lại sinh đến cõi Phất Bà Đề, gọi là thọ sinh thuộc nghiệp bậc trung.
Bậc Thượng Nhân, thượng nghiệp tức được nghe chánh pháp, giữ gìn, đọc tụng, thuyết giảng lại cho người khác, khiến họ phát sinh tùy hỷ, theo như lời dạy tu tập, biết được không một pháp nào có thể vượt qua cánh đồng rộng nơi đường sinh tử nguy hiểm.
Nghe chánh pháp, họ thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng cho người khác. Sự thù thắng trong các việc bố thí là pháp thí. Trì giới bậc nhất là nghe chánh pháp, nghe chánh pháp bằng trí là thù thắng bậc nhất. Chánh pháp tức giống như trước đã nói.
Quan sát nghiệp và quả báo của người cõi Phất Bà Đề rồi, vị ấy biết rõ về ngoại thân.
Lại nữa, người tu hành quan sát trong cõi Phất Bà Đề xem lại có những núi, sông, biển và bãi nhỏ nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy, qua khỏi cõi Phất Bà Đề khoảng tám ngàn do tuần, có một núi lớn tên Từ Thạch, ngang rộng ba ngàn do tuần, mỗi phía rộng một vạn do tuần, có chút sắt nhỏ nào thảy đều bị hút nhanh vào núi ấy.
Qua khỏi núi này, có một biển lớn rộng bảy ngàn do tuần, tên Ba Hành, năm ngọn núi bao quanh giống như vòng ngọc, năm núi đó là:
1. Núi Châm Khẩu.
2. Núi Đại Tạng.
3. Núi Đa Trá Ca.
4. Núi Xà Đa.
5. Núi Hoan Hỷ.
Vượt khỏi núi này, có một đảo lớn tên là Đà Trá Ca Mạn Trà, rộng ba ngàn do tuần, có nhiều Dạ Xoa, Khẩn Na La sống ở đảo ấy. Sông, ao, hoa quả, cây rừng đều đầy đủ, rất là vui thích. Trong các cõi Diêm Phù Đề, Phất Bà Đề có những loài chim thú nào thì châu này cũng có đầy đủ.
Tiếp theo vùng đảo ấy, có một biển lớn tên Đa Tinh Tú, trong biển có núi Tên Ưu Đà Diên, núi này có mười ba ngọn núi vây quanh biển cả và cách núi Tu Di không xa.
Người ngoại đạo cho rằng: Cùng với nghiệp thiện và bất thiện của người nơi cõi Diêm Phù Đề làm tăng thượng duyên, gió thiện hay bất thiện thổi vào núi Ưu Đà Diên làm xuất hiện những tinh tú.
Các luận sư của ngoại đạo Bà La Môn bỏ qua lý nghiệp báo, không biết chân đế, đứng trước Vua loài người nói: Tinh tú, mặt trời, mặt trăng, các vì sao tạo ra chúng sinh chớ chẳng phải do quả báo của nghiệp.
Những luận sư của ngoại đạo Bà La Môn này do tà kiến sai lầm cho rằng: Chúng sinh do tinh tú và mặt trời, mặt trăng tạo ra, chẳng phải do quả báo của nghiệp. Nếu do các tinh tú tạo ra, chẳng phải do nghiệp báo thì mặt trời, mặt trăng là hơn hết. Thời tiết tốt xấu luôn lưu chuyển theo đấy mà có hoa quả các mùa.
Mặt trời, mặt trăng nếu hơn hết thì vì sao mặt trời, mặt trăng lại bị các ánh sáng khác che phủ?
Tinh tú cũng có nghiệp thiện và ác. Thế nên nghiệp lành hay dữ là do hành động của chúng sinh, chẳng phải do các tinh tú tạo ra.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, quan sát ánh sáng nơi các tinh tú thấy được nghiệp và quả báo chẳng phải do tinh tú tạo ra. Quan sát nhiều biển tinh tú, quan sát núi Tu Di, đỉnh núi Ưu Đà Diên, vị ấy biết về ngoại thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quan sát biển Đa tinh tú ngang dọc bảy ngàn do tuần. Qua khỏi biển này có các vị thần tiên ở nơi đảo, núi, sông, cây rừng, hoa quả đều đầy đủ, giống như cõi Diêm Phù Đề. Đảo ngang dọc ba ngàn do tuần, là nơi cư trú của Tiên Nhân và Dạ Xoa. Tất cả cây như ý và hoa quả đều không thiếu.
Vượt hết vùng đảo này có núi lớn vây quanh, lại có biển rộng ba ngàn do tuần ở giữa hai cõi Diêm Phù Đề và Phất Bà Đề. Biển lớn như vậy tên Lãnh noãn thủy, ngang dọc ba ngàn do tuần, có nhiều Ốc, Sò, Cá Đề Di, Cá Đề Di Nghê La, Cá Na Ca La, Cá Ma Già La, Cá Thất Thâu Ma La và các loài thuộc họ tộc Rùa, Ba Ba sống trong biển ấy.
Đi khỏi vùng biển và núi này, có một biển lớn tên Xích Hải, cách cõi Diêm Phù Đề không xa, ngang dọc năm ngàn do tuần. Trong biển ấy tràn đầy nước màu đỏ, có nhiều cá lớn màu đỏ ăn nuốt lẫn nhau, máu chúng đổ ra làm nước biển trở thành màu đỏ. Vì thế nên gọi là biển Đỏ.
Vượt qua vùng biển này có một biển lớn tên Thanh Thủy, ngang dọc bảy ngàn do tuần, núi sông đầy đủ, có nhiều cá lớn, biển ấy rất sâu.
Tiếp theo biển ấy, lại có một biển lớn nữa tên là Bảo Chử, ngang dọc ba ngàn do tuần, tất cả những thứ báu đều tụ tập nơi đây, như: Cát vàng, xa cừ, chân châu, san hô, tô ma la… mọi thứ đều rất nhiều. Biển này lại có trái ma thâu, tên loạn tâm độc sinh từ cây ấy.
Người ở cõi Diêm Phù Đề nếu ăn trái cây này thì bị chết ngất bảy ngày, giống như người chết. Con chim nào ăn trúng trái cây ấy thì chết liền.
Đi hết biển Bảo chử rồi, có một biển lớn tên Diêm, ngang dọc bảy ngàn do tuần, có nhiều sò, ốc, trai, hến, cá đề di, cá đề di nghê la, cá quân Tỳ La, cá na ca la đầy khắp biển. Lại có các loài Rồng, Dạ Xoa, La sát, Quỷ Tỳ Xá già sống trong nước, dưới nước còn có vô số núi.
Châu Diêm Phù Đề này có năm trăm đảo nhỏ bao quanh. Lược nói những đảo lớn là Đảo Kim Địa, Đảo Bảo Thạch, Đảo Tràng Man, Đảo Ca Na, Đảo Loa Bối, Đảo Chân Châu, Đảo Vi, Đảo Quang Minh, Đảo Ế Sa Ba Đà Ca, Đảo Khang Bạch, Đảo Phổ Hiền, Đảo Tâm Tự Tại, Đảo Hắc Song, Đảo Hương Man, Đảo Tam Giác, Đảo Tu Ma Noa, Đảo Xa Ma Tư Đô, Đảo A Lam Ca, Đảo Lăng Già. Có mười hai núi là nơi ở của La Sát.
Lại có Đảo Di Lưu Tỳ La Ca, Đảo Sơn Trụ, Đảo Xích Bối, Đảo Xích Chân Châu, Đảo Tuyết Toàn, Đảo Sa Trần Nhiễu, Đảo Vô Đạo, Đảo Ngũ Đồng, Đảo Phú, Đảo Xa Cát Đế Lực, Đảo Nữ Quốc, Đảo Nhiêu Thọ, Đảo Ế Sa Ba Đà, Đảo Trượng Phu. Cõi Diêm Phù Đề có những đảo nhỏ nổi bật như vậy. Cõi Diêm Phù Đề ngang dọc bảy ngàn do tuần, mọi nơi chốn đây đó đều khả ái như trước đã nói.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu đến những nơi nào?
Dùng văn tuệ hay Thiên Nhãn, vị ấy thấy mặt trăng, mặt trời chiếu sáng nơi núi chúa Tu Di, bốn mặt là bốn châu thiên hạ, chiếu đến biển lớn, chiếu khắp tám mươi bốn ngàn do tuần của núi Tu Di. Ánh sáng chiếu một bên núi thì chỉ sáng một nửa nơi sườn núi đó.
Núi Chước Ca Bà La có Kim Cang vây quanh ba mươi sáu ức do tuần, lửa nan nhẫn nghiệp thiêu đốt núi Kim Cang Chước Ca Bà La làm nước biển Nhũ Hải gần núi thì thành váng sữa, nước xung quanh núi thành sinh tô, gần hơn thì thành thục tô, gần hơn nữa thì bị lửa Địa Ngục thiêu đốt, nước vơi dần, thế nên không đầy khắp cõi Diêm Phù Đề…
Người tu hành quan sát Cõi Dục Giới, thấy một cách rõ ràng đúng thật nên nhàm chán, xa lìa ý tham dục. Vị ấy không thấy một nơi nào là thường còn, không bị hủy hoại, không bị biến đổi.
Tất cả mọi nơi chốn sinh tử đều không có khởi đầu, đều do sức của nhân duyên theo quả báo từ nghiệp đã tạo, là chỗ đùa bỡn của quả báo do nghiệp tự tạo tác, không có một nơi nào là không sinh, không diệt, trăm ngàn lần, trăm ngàn lần xoay vần theo vô số vô biên nẻo sinh tử, không có gián đoạn.
Quan sát nội thân và ngoại thân rồi, vị ấy chán lìa dục ái, không còn ưa thích sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Như vậy, các Tỳ Kheo nơi thôn xóm của Bà La Môn, Trưởng giả ở Na La Đế tu hành thực hành pháp quán thân niệm xứ không còn trụ theo cảnh giới của ma, nghe giảng về pháp niệm xứ rồi, phá trừ được ngã kiến cấu uế ở trong pháp vô thượng phát sinh pháp nhãn.
Đức Thế Tôn giảng nói pháp thân niệm xứ là pháp vô thượng rồi, hoặc ở nơi hẻm núi, hốc núi, hoặc ở nơi nghĩa địa hay vùng đất trống, hoặc ở bên đống rơm cỏ tu học thiền định, không được buông lung, đừng chờ khi chết mới hối hận. Đây là lời dạy của Như Lai.
Khi ấy, nghe lời Đức Thế Tôn dạy rồi, các Tỳ Kheo đều hoan hỷ, tin tưởng, vui vẻ làm theo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Bốn Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Tri - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tam Hỏa
Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư đồng Tử đà La Ni - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Hai - Hai Pháp - Phẩm Sáu - Phẩm Người