Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Phần Năm - Pháp Môn Trị ðẳng Phần - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TAM MUỘI NGỒI THIỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN NĂM

PHÁP MÔN TRỊ ÐẲNG PHẦN  

TẬP HAI  

Chánh kiến… tám đường chân chánh là đường Niết Bàn, chẳng phải như ngoại đạo hành các khổ hạnh, không trì giới, không thiền định, không trí tuệ, vì sao vậy?

Vì trong Phật Pháp hành trì hòa hợp ba pháp: Giới định tuệ thì mới có thể vào Niết Bàn.

Ví như người đứng chỗ đất bằng cầm cung tên tốt mới có thể bắn chết giặc, hành hòa hợp ba pháp cũng như vậy. Giới là đất bằng, thiền định là cung tốt, trí tuệ là tên nhọn. Ba việc hoàn bị thì có thể giết giặc phiền não.

Vì thế cho nên ngoại đạo không đạt được Niết Bàn.

Hành giả khi ấy khởi quán duyên của bốn pháp như tên bắn suốt:

Quán khổ có bốn thứ:

Do nhân duyên sanh nên vô thường.

Vì thân tâm não loạn nên khổ.

Vì không gì nắm bắt được nên không.

Vì không tạo tác, không thọ nhận nên vô ngã.

Quán tập có bốn loại:

Vì phiền não và nghiệp hữu lậu hòa hiệp nên có tập.

Quả tương tợ phát sanh nên có nhân.

Do trong đó có tất cả hành nên có sanh.

Chẳng có quả tương tợ liên tục nên có duyên.

Quán tận có bốn loại:

Vì tất cả phiền não ngăn che nên gọi là bế.

Do trừ lửa phiền não nên gọi là diệt.

Trong tất cả pháp là bậc nhất nên gọi là diệu.

Vì vượt qua thế gian nên gọi là xuất.

Quán đạo có bốn loại:

Vì có thể đạt đến Niết Bàn nên gọi là đạo.

Do không điên đảo nên gọi là chánh.

Vì tất cả Thánh Nhân đi trên lối này nên gọi là tích.

Ðược thoát khỏi sầu não của thế gian nên gọi là ly.

Quán như vậy thì đắc pháp vô lậu tương tợ, gọi là pháp noãn.

Thế nào gọi là noãn?

Vì thường siêng năng tinh tấn nên gọi là noãn. Các phiền não là củi, trí vô lậu là lửa, tướng ban đầu khi lửa gần phát cháy gọi là pháp noãn. Ví như dùi cây lấy lửa, ban đầu xuất hiện khói, gọi là noãn. Ðó là tướng ban đầu của đạo Niết Bàn.

Ðệ tử Phật có hai hạng người:

1. Hạng người phần nhiều ưa nhất tâm cầu thiền định, là người theo đường hữu lậu.

2. Hạng người diệt trừ sự ái trước, thích trí tuệ chân thật là người thẳng đến Niết Bàn, vào trong noãn pháp.

Người có tướng noãn thâm đắc nhất tâm, đạt đến gương thật pháp, gần bên cảnh giới vô lậu. Khi ấy hành giả được đại an ổn.

Tự nghĩ: Ta nhất định sẽ được Niết Bàn. Vì thấy được con đường này thì như người đào giếng đến được đất ướt, biết không lâu sẽ được nước.

Như người đánh giặc, giặc lui tan hết, tự biết đắc thắng, trong ý an ổn. Như người sợ hãi bị chết giấc, muốn biết họ còn sống không thì trước hết thử dùng cây đánh vào thân hoặc chẩn mạch mà còn nhảy, thì biết là còn có hơi ấm, chắc chắn có thể sống.

Cũng như người nghe pháp, suy nghĩ trong tâm vui vẻ, khi ấy thì tâm ấm. Vì hành giả có pháp noãn như vậy nên gọi là có noãn, cũng có thể gọi là được phần thiện căn của Niết Bàn.

pháp thiện căn này có mười sáu hạnh duyên Tứ Đế, là trí tuệ trong sáu địa, là nền tảng của tất cả pháp vô lậu. Người mới được vô lậu có thể bước đi an ổn. Gọi đó là pháp noản. Tăng tiến chuyển lên gọi là pháp đảnh, như sữa biến thành lạc.

Người ấy quán thật tướng của pháp, nghĩa là: Ta sẽ được thoát khổ, tâm thích pháp ấy, cho là pháp chân thật, hay trừ mọi thứ đau khổ và già bệnh chết.

Khi ấy tư duy pháp này ai nói?

Ðó là Phật Thế Tôn nói. Từ đó được tín tâm thanh tịnh đối với Phật Bảo nên vô cùng hân hoan.

Nếu không có pháp này thì tất cả phiền não ai có thể ngăn được?

Ta phải làm thế nào được chút ít sáng suốt của trí tuệ chân thật, từ đó được tín tâm thanh tịnh đối với Pháp Bảo nên vô cùng hân hoan.

Nếu ta không được chúng đệ tử của Phật làm bạn tốt thì làm thế nào được một ít sáng suốt của trí tuệ chân thật, từ đó được tín tâm thanh tịnh đối với Tăng Bảo nên vô cùng hân hoan, được nhất tâm thanh tịnh, hợp với trí tuệ chân thật trong Tam Bảo. Ðây là ðảnh thiện căn, cũng gọi là ðảnh pháp, cũng còn có thể gọi là được phần thiện căn của Niết Bàn.

Như trong Kinh Na La Diên nói:

Ðối Phật, Pháp, Tăng Bảo

Ai có ít tịnh tín

Gọi là đảnh thiện căn

Các ngươi nhất tâm giữ.

Thế nào gọi là chút ít lòng tin?

Ðối với ranh giới của Phật, Bồ Tát, Bích Chi Phật, A La Hán là ít, đối với hàng mới được vô lậu là nhiều. Lại nữa, niềm tin này có thể bị phá, có thể bị mất nên gọi là ít.

Như pháp cú nói:

Chuối trổ buồng rồi chết

Tre ra quả cũng chết

Lừa sanh con thì chết

Tiểu nhân được ăn, chết

Phá mất chẳng có lợi

Tiểu nhân được danh dự

Phần bạch tịnh mất hết

Ðến đảnh pháp còn đọa.

Lại nữa, vì chưa đoạn hết các kiết sử, chưa được vô lậu, vô lượng tuệ tâm, cho nên gọi là ít. Lại chuyên cần tinh tấn nhất tâm vào trong đạo Niết Bàn. Lại quán rành rẽ năm ấm, bốn đế và mười sáu hạnh. Khi ấy tâm không lui sụt, không hối hận, không thối lui, ưa thích vào nhẫn, gọi là nhẫn thiện căn.

Nhẫn những gì?

Nương vào bốn đế hành trì thì gọi là nhẫn. 

Thiện căn này có ba loại: Thượng trung hạ, ba thời.

Thế nào gọi là nhẫn?

Quán năm ấm vô thường, khổ, không, vô ngã, tâm nhẫn không thối lui thì gọi là nhẫn. Lại quán các thế gian đều là khổ, không, không vui. Nhẫn của khổ ấy là do huân tập các phiền não ái… sự huân tập ấy duyên với trí tuệ thì hết, gọi là thượng pháp, không có pháp nào hơn.

Bát chánh đạo có thể đưa hành giả đạt đến Niết Bàn, cũng không có pháp nào hơn. Tín tâm như vậy không hối hận, không nghi ngờ, gọi là nhẫn. Bên trong có nhẫn thì các kiết sử, mọi thứ phiền não, nghi ngờ, hối hận dù có vào trong tâm cũng không thể phá hoại.

Ví như núi đá, các thứ như: gió, nước,… không thể làm lay động, trôi giạt, nên gọi là nhẫn. Ðược điều ấy thì mới gọi là người ban đầu mới được vô lậu chân thật tốt đẹp.

Như trong Pháp Cú, Phật dạy:

Chánh kiến trên thế giới

Ðâu có được mấy người

Cho đến ngàn vạn năm

Trọn không rơi đường ác.

Người chánh kiến trên thế gian này gọi là người nhẫn thiện căn. Người này tinh tấn nhất tâm, rất nhàm chán hạnh thế gian, muốn hiểu rõ tướng của Bốn Đế để hướng đến chứng đắc Niết Bàn. Trong nhất tâm như vậy gọi là pháp đệ nhất thế gian.

Khi ấy trụ trong bốn hạnh: Vô thường khổ không vô ngã. Quán pháp nhẫn của một Khổ Đế cùng với duyên.

Vì sao?

Quán năm thọ ấm của Dục Giới là vô thường, khổ, không, vô ngã. Vì trong đó tâm nhẫn nhập vào trí tuệ, cũng là tương ưng với tâm và tâm sở pháp. Gọi là khổ pháp nhẫn.

Thân nghiệp, khẩu nghiệp và tâm không tương ưng với các hành của đời hiện tại, vị lai. Tất cả pháp vô lậu ban đầu gọi là khổ pháp nhẫn.

Lần lượt phát sanh khổ pháp trí, khổ pháp nhẫn, đoạn trừ kiết sử thì chứng đắc khổ pháp trí. Ví như một người buộc, một người cắt, cũng như dao bén chặt trúc, gặp gió thì liền ngã rạp.

Nhờ công phu của nhẫn trí nên việc này được thành tựu, thấy được khổ trói buộc trong Dục Giới thì đoạn được mười kiết.

Khi ấy, các trí khác đều đắc trí vô lậu. Tuệ vô lậu chưa đắc thì cũng đắc. Khi đó thành tựu một trí. Trong tâm thứ hai thành tựu pháp trí, khổ trí, đẳng trí.

Qua tâm thứ ba và tâm thứ tư thì thành tựu bốn trí: Khổ trí, pháp trí, tỷ trí, đẳng trí. Trong pháp trí của tập tận đạo, mỗi mỗi trí tăng thì người ly dục biết tha tâm trí, thành tựu tăng trưởng khổ tỷ nhẫn, khổ tỷ trí, đoạn mười tám kiết. Bốn tâm ấy, khổ đế có thể đắc.

Tập pháp nhẫn, tập pháp trí thì đoạn bảy kiết trói buộc của Dục Giới.

Tập tỷ nhẫn, tập tỷ trí thì đoạn mười ba kiết trói buộc của sắc giới và Vô Sắc Giới.

Tận pháp nhẫn, tận pháp trí thì đoạn bảy kiết trói buộc của Dục Giới.

Tận tỷ nhẫn, tận tỷ trí thì đoạn mười hai kiết trói buộc của sắc giới và Vô Sắc Giới.

Ðạo pháp nhẫn, đạo pháp trí thì đoạn tám kiết trói buộc của Dục Giới.

Ðạo tỷ nhẫn, đạo tỷ trí thì đoạn mười bốn kiết trói buộc của sắc, Vô Sắc Giới.

Ðạo tỷ trí gọi là Tu Đà Hoàn, nghĩa là thật biết tướng các pháp, được mười lăm tâm trong mười sáu tâm. Với người lợi căn thì gọi là tùy pháp hành, với người độn căn thì gọi là tùy tín hành.

Hai hạng người này chưa ly dục, gọi là hướng Sơ Quả, vì trước đó chưa đoạn kiết sử để đắc mười sáu tâm. Gọi là Tu Đà Hoàn.

Nếu trước đoạn sáu phẩm kiết, được mười sáu tâm thì gọi là Tư Đà Hàm, nhất lai.

Nếu trước đó đoạn chín phẩm kiết, đắc mười sáu tâm, gọi là A Na Hàm, bất lai.

Vì trước chưa lìa dục, đoạn sạch tám mươi tám kiết, gọi là Tu Đà Hoàn.

Lại nữa, đắc thiện căn của quả vô lậu thì gọi là Tu Đà Hoàn.

Lợi căn gọi là kiến đắc, độn căn gọi là tín ái.

Vì chưa đoạn hết tư duy kiết nên còn sanh bảy đời nữa.

Nếu đoạn ba loại tư duy kiết thì gọi là Gia Gia còn sanh ba đời.

Ðắc Tám phần Thánh Đạo trong ba mươi bảy phẩm thì gọi là lưu hướng Niết Bàn, theo đó mà chảy mãi thì gọi là Tu Đà Hoàn. Ðây là đứa con công đức ban đầu của Phật được thoát nẻo ác. Ðoạn ba kiết, làm mỏng ba độc thì gọi là Tư Đà Hàm.

Lại nữa, chín loại kiết ở Dục Giới thì do kiến đế và tư duy đoạn. Nếu người phàm phu trước dùng đạo hữu lậu đoạn sáu loại kiết trói buộc của Dục Giới thì vào đạo kiến đế, ở trong mười sáu tâm được gọi là Tư Đà Hàm.

Nếu đoạn tám loại kiết thì vào đạo kiến đế, đủ mười sáu tâm thì gọi là quả Tư Đà Hàm hướng A Na Hàm.

Nếu đệ tử của Phật đắc Tu Đà Hoàn thì chỉ đoạn ba kiết. Muốn đắc Tư Đà Hàm thì phải đoạn tư duy kiết, đoạn sáu loại kiết trong chín loại kiết trói buộc ở Dục Giới thì gọi là Tư Đà Hàm, đoạn tám loại kiết gọi là một loại quả Tư Đà Hàm hướng A Na Hàm.

Nếu người phàm phu trước đoạn chín loại kiết trói buộc ở Dục Giới, vào đạo kiến đế, đắc tâm thứ mười sáu thì gọi là A Na Hàm. Nếu muốn tiến lên đắc Tư Đà Hàm thì đoạn ba loại tư duy kiết, đến đạo giải thoát thứ chín thì gọi là A Na Hàm.

A Na Hàm có chín loại:

A Na Hàm đời hiện tại chắc chắn nhập Niết Bàn.

A Na Hàm Thân Trung Ấm nhập Niết Bàn.

A Na Hàm đời sau sanh ra rồi nhập Niết Bàn.

A Na Hàm cần cầu nhập Niết Bàn.

A Na Hàm không cần cầu nhập Niết Bàn.

A Na Hàm tiến lên các cõi trên nhập Niết Bàn.

A Na Hàm đến trời sắc cứu cánh nhập Niết Bàn.

A Na Hàm đến định vô sắc nhập Niết Bàn.

A Na Hàm thân chứng A Na Hàm, tu hành hướng đến A La Hán.

Chín loại kiết của sắc giới và Vô Sắc Giới dùng tam muội Kim Cang vô ngại đạo để phá tất cả kiết.

Tận trí giải thoát đạo thứ chín tu tất cả thiện căn, gọi là quả A La Hán.

A La Hán có chín loại:

Thối pháp.

Bất thối pháp.

Tử pháp.

Thủ pháp.

Trụ pháp.

Tất tri pháp.

Bất hoại pháp.

Tuệ giải thoát.

Cộng giải thoát.

Trí kém, tinh tấn yếu, thực hành năm pháp lui sụt thì gọi là thối pháp.

Trí huệ sắc bén, thực hành siêng năng năm pháp không lui thì gọi là bất thối pháp.

Trí tuệ chậm lụt, tinh tấn yếu kém, nhàm chán tư duy, tự giết mình thì gọi là tử pháp.

Trí kém nhưng tinh tấn mạnh mẽ, tự bảo vệ thân thì gọi là thủ pháp.

Trí tuệ và tinh tấn bậc trung, không tăng không giảm, trụ ở mức ấy thì gọi là trụ pháp.

Trí ít sắc bén, chuyên cần tinh tấn, có thể đắc bất hoại tâm giải thoát thì gọi là tất tri pháp.

Trí tuệ sắc bén, tinh tấn mạnh mẽ mới đắc tâm bất hoại giải thoát thì gọi là bất hoại pháp.

Không thể nhập vào các thiền, chưa đến địa vị hết các lậu thì gọi là tuệ giải thoát.

Ðắc các thiền, cũng đắc diệt thiền, diệt tận định, các lậu hết thì gọi là cộng giải thoát.

Có A La Hán đối với tất cả pháp hữu vi thường nhàm chán, lại không mong cầu công đức, đợi thời để nhập Niết Bàn.

Có A La Hán cầu bốn thiền, bốn định vô sắc, bốn đẳng tâm, tám giải thoát, tám thắng xứ, mười nhất thiết nhập, chín thứ đệ định, sáu thần thông, nguyện trí, A Lan Nhã Na tam muội. Vô tránh tam muội, siêu việt tam muội, huân thiền, ba giải thoát môn và phóng xả.

Lại trụ vào trí sắc bén, chuyên cần tinh tấn, nhập vào công đức của các thiền như vậy thì gọi là đắc bất thối pháp bất hoại pháp.

Nếu khi không có Phật ra đời, không có Pháp Phật và không có đệ tử của Phật, khi ấy bậc Ly Dục Bích Chi Phật ra đời.

Bích Chi Phật có ba hạng: Thượng trung hạ.

Bậc hạ: Vốn đã đắc Tu Đà Hoàn hoặc Tư Đà Hàm. Tu Đà Hoàn này còn sanh trong nhân gian bảy lần, khi ấy không có Phật Pháp, không được làm đệ tử, lại không cần sanh đến đời thứ tám.

Khi ấy chứng Bích Chi Phật. Nếu là Tư Đà Hàm thì còn sanh ở nhân gian hai lần, khi ấy không có Phật Pháp, không được làm đệ tử, lại không cần sanh đến lần thứ ba. Lúc đó chứng Bích Chi Phật.

Có người nguyện làm Bích Chi Phật, khi gieo thiện căn Bích Chi Phật không có thiện căn Phật Pháp thuần thục, khi ấy chán đời nên xuất gia đắc đạo, gọi là Bích Chi Phật. Ðó gọi là Bích Chi Phật bậc trung.

Có người cầu Phật Đạo, dùng sức trí, sức tinh tấn, ít gặp nhân duyên thối lui như Xá Lợi Phất. Khi ấy, Phật không ra đời, không có Phật Pháp, cũng không có đệ tử Phật mà thiện căn thuần thục nên chứng Bích Chi Phật. Có tướng tốt hoặc nhiều hoặc ít, chán đời xuất gia đắc đạo, đó gọi là Bích Chi Phật bậc thượng.

Ðối với các pháp, trí tuệ hiểu cạn thì gọi là A La Hán. Hiểu ở bậc trung thì gọi là Bích Chi Phật. Hiểu sâu gọi là Phật.

Như từ xa thấy cây mà không phân biệt được cành, gần hơn thì có thể phân biệt cành mà không thể phân biệt hoa lá. Ðến dưới cây mới có thể phân biệt biết cành lá, hoa quả của cây. Hàng Thanh Văn thì có thể biết tất cả các hành là vô thường, tất cả các pháp là vô chủ, chỉ có Niết Bàn là an ổn. Hàng Thanh Văn hay quán như vậy mà không thể phân biệt vào sâu và biết sâu.

Bích Chi Phật có thể phân biệt chút ít mà không thể vào sâu và biết sâu. Phật biết các pháp, phân biệt thấu suốt, vào sâu và biết sâu vậy.

Như Vua nước Ba La Nại, lúc mùa Hạ nóng nực ngồi trên giường bằng bảy báu, ở trên lầu cao, bảo thể nữ thoa hương Ngưu Đầu Chiên Đàn vào thân.

Thể nữ tay đeo nhiều vòng vàng, khi thoa vào thân Vua, tiếng vòng kêu vang, Vua nghe rất sợ, bảo lần lượt cởi ra, vòng ít thì tiếng kêu nhỏ, chỉ còn một chiếc thì tiếng lặng im lìm.

Khi ấy, Vua giác ngộ, nói: Quốc gia, thần dân, cung nhân, thể nữ,… hễ nhiều việc thì lo nhiều, cũng lại như vậy. Ngay khi ấy, Vua lìa dục, ở một mình tư duy, đắc Bích Chi Phật, râu tóc tự rụng, mặc y tự nhiên, rời khỏi lầu các, dùng sức thần túc vào núi xuất gia.

Nhân duyên như thế là Bích Chi Phật bậc trung vậy. Nếu hành giả cầu Phật Đạo, nhập thiền thì trước phải buộc tâm chuyên chú, niệm sanh thân của mười phương ba đời Chư Phật.

Ðừng niệm đất, nước, lửa, gió, núi, cây, cỏ, chớ nghĩ các loại hữu hình và tất cả các pháp khác trong Trời đất. Chỉ niệm sanh thân Chư Phật ở tại hư không. Như núi Tu Di Kim Sơn Vương ở giữa biển lớn, như ánh lửa lớn trong đêm tối, như cờ bảy báu trong đại hội bố thí.

Thân Phật như vậy có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, thường phóng ra vô lượng tướng ánh sáng màu xanh thanh tịnh ở trong không.

Thường nghĩ tướng thân Phật như vậy, hành giả liền được mười phương ba đời Chư Phật ngay nơi tâm, trước mắt đều thấy tất cả. Nếu tâm duyên chỗ khác liền thu nhiếp trở về trụ niệm ở thân Phật.

Bấy giờ liền thấy ba trăm ngàn vạn vạn ức vô lượng Chư Phật ở phương Ðông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn bên, trên dưới cũng thấy như vậy. Thấy tất cả Phật tùy theo phương mà hành giả nghĩ đến.

Như người ban đêm nhìn sao, thấy trăm ngàn vô lượng sao, Bồ Tát đắc tam muội này thì trừ tội sâu dày trong vô lượng kiếp, làm mỏng đi. Còn tội mỏng thì làm cho diệt hết.

Ðắc tam muội ấy rồi thì nên niệm vô lượng đủ loại công đức của Phật, như là nhất thiết trí, nhất thiết giải, nhất thiết kiến, nhất thiết đức v.v… thì đắc đại từ, đại bi, tự tại.

Từ khi mới ra khỏi màng vô minh, được bốn vô úy, năm căn, mười lực, mười tám pháp bất cộng thì hay trừ vô lượng khổ, cứu khỏi cái sợ già chết, được Niết Bàn thường lạc. Phật có vô lượng những thứ công đức như thế.

Khởi niệm ấy rồi, tự phát nguyện rằng: Lúc nào ta được thân Phật thì công đức vời vợi như Phật.

Lại phát thệ lớn: Tất cả phước quá khứ, tất cả phước hiện tại đều đem cầu Phật Đạo, không cầu mong quả nào khác.

Lại nghĩ như vậy: Tất cả chúng sanh rất đáng thương xót.

Công đức thân Chư Phật vòi vọi như vậy, chúng sanh vì sao lại cầu nghiệp khác mà không cầu làm Phật?

Ví như đứa con mù lòa nhà phú quý bị rơi vào hố thẳm, đói khổ cùng cực, ăn phân ăn đất. Cha rất thương xót mới tìm phương cách bỏ xuống hố sâu những thức ăn ngon.

Hành giả nghĩ rằng: Phật có hai thân công đức Cam Lồ như vậy, mà các chúng sanh rơi xuống hố thẳm sanh tử, ăn các thứ bất tịnh. Dùng tâm đại bi, ta sẽ cứu giúp tất cả chúng sanh, làm cho họ đắc Phật Đạo, vượt qua bờ sanh tử, lấy các công đức pháp vị của Phật ban cho, thảy đều no đủ. Tất cả Phật Pháp, nguyện cho họ đều được nghe, tụng trì, thưa hỏi, quán xét, thực hành, đắc quả, làm thềm bậc cho họ.

Lập thệ trọng đại, mặc giáp ba nguyện, ngoài phá chúng ma, trong đánh giặc kiết sử, thẳng tiến không lui. Ba nguyện như vậy, so với vô lượng thệ nguyện đều ở trong nguyện ấy.

Vì độ chúng sanh được thành Phật Đạo nên niệm như vậy, nguyện như vậy, đó là Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội.

Người hành đạo Bồ Tát, đối với ba độc nếu dâm dục nhiều thì trước tự quán thân: Xương, thịt, da ngoài, gân, mạch, máu chảy, gan, phổi, ruột, bao tử, phân, nước tiểu, nước mắt, nước miếng… ba mươi sáu vật, chín phép quán bất tịnh chuyên tâm trong phép quán không nghĩ bên ngoài, nghĩ các duyên ngoài liền thu nhiếp trở về.

Như người cầm đuốc vào kho ngũ cốc, phân biệt từng loại: đậu, lúa tẻ, lúa… không thứ nào mà không biết rõ.

Lại quán sáu phần của thân: Phần cứng là đất, phần ướt là nước, phần nóng là lửa, phần động là gió, phần lỗ trống là không, phần hiểu biết là thức.

Cũng như giết trâu, phân làm sáu phần: Mình, đầu, tứ chi… mỗi thứ khác nhau. Thân có chín lỗ, thường chảy bất tịnh, túi da đầy phân, thường quán như vậy, không nghĩ gì khác. Hễ nghĩ các duyên ngoài liền thu nhiếp trở về. Nếu được nhất tâm thì ý sanh nhàm chán, mong lìa bỏ thân này, muốn cho mau hủy diệt, sớm vào Niết Bàn.

Khi ấy nên phát đại từ đại bi, đem công đức lớn cứu vớt chúng sanh, hưng khởi ba nguyện trước: Vì các chúng sanh không biết bất tịnh nên mới tạo các tội nhơ nhớp. Ta sẽ cứu vớt họ để ở đất cam lồ. Lại nữa, chúng sanh trong Dục Giới đắm trước bất tịnh, như chó ăn phân, ta sẽ độ thoát họ, đưa đến đạo thanh tịnh.

Lại nữa, ta sẽ cầu học thật tướng các pháp không hữu thường, không vô thường, chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, ta tại sao phải đắm trước bất tịnh này?

Quán bất tịnh biết từ nhân duyên sanh, như ngã và pháp phải cầu tướng chân thật.

Tại sao nhàm chán bất tịnh trong thân này mà giữ lấy Niết Bàn?

Phải như voi lớn vượt dòng nước chảy đến tận cội nguồn, đắc thật tướng của pháp mới nhập Niết Bàn, đâu thể như khỉ, vượn, thỏ… sợ dòng chảy mà chạy thoát thân?

Ta nay phải học như pháp Bồ Tát, thực hành pháp quán bất tịnh, trừ bỏ dâm dục, giáo hóa khắp chúng sanh, làm cho họ lìa họa của dục, không bị quán bất tịnh làm chìm đắm. Lại nữa, đã quán bất tịnh thì nhàm chán sanh tử.

Nên quán tịnh môn, buộc tâm ba chỗ: Sống mũi, giữa chặn mày và trên trán. Nên tưởng ngay nơi đó mở một tấc da, dẹp sạch máu thịt, buộc tâm tưởng xương trắng, không cho nghĩ bên ngoài. Hễ nghĩ các duyên ngoài liền thu nhiếp trở về, buộc một trong ba duyên ấy, thường tranh đấu với tâm vọng.

Như hai người đánh nhau, hành giả nếu thắng được tâm thì không cần chế phục nó, để nó tự an trụ mới gọi là nhất tâm. Nếu vì nhàm chán mà sanh tâm đại bi, nghĩ thương chúng sanh, vì cái xương rỗng không này mà xa lìa Niết Bàn vào ba nẻo ác, thì ta phải gắng sức tạo các công đức, giáo hóa chúng sanh làm cho họ hiểu tướng thân rỗng không, xương nhờ da che đậy, tích tụ bất tịnh.

Vì chúng sanh nên lần lượt phân biệt tướng các pháp này. Hễ có chút ít tưởng tịnh thì tâm sanh đắm mến, nhiều tưởng bất tịnh thì tâm sanh nhàm chán. Có ra khỏi pháp tướng thì mới sanh thật pháp. Trong thật tướng các pháp không tịnh, không bất tịnh, cũng không bế tắc, không thoát ra.

Quán các pháp không thể hoại, không thể lay động. Gọi là thật tướng các pháp. Người hành đạo Bồ Tát, nếu sân hận nhiều thì nên thực hành tâm từ, niệm chúng sanh ở phương Ðông với tâm từ thanh tịnh, không oán không giận, rộng lớn vô lượng. Thấy các chúng sanh đều ở trước mắt.

Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn bên, trên dưới cũng lại như vậy, giữ tâm hành từ không cho nghĩ bên ngoài. Hễ nghĩ duyên khác bên ngoài thì thu nhiếp trở về. Giữ tâm mắt quán tất cả chúng sanh thấy họ rõ ràng đều ở trước mắt.

Nếu được nhất tâm thì nên phát nguyện rằng: Ta dùng pháp thanh tịnh chân thật Niết Bàn, độ thoát chúng sanh, khiến họ được niềm vui chân thật, hành từ tam muội, tâm như thế là đạo Bồ Tát.

Trụ vào từ tam muội để quán thật tướng các pháp thanh tịnh không hoại diệt, không lay động, nguyện cho chúng sanh được pháp lợi này.

Dùng từ tam muội này niệm tất cả chúng sanh ở phương Ðông, khiến họ được niềm vui của Phật, mười phương cũng thế, tâm không rối loạn. Ðó là pháp môn từ tam muội của Bồ Tát.

Hỏi: Tại sao không cùng một lúc niệm hết chúng sanh trong mười phương?

Ðáp: Vì trước niệm một phương dễ được nhất tâm, sau đó lần lượt niệm hết các phương.

Hỏi: Người có oan gia thường muốn gây hại, thì tại sao hành từ muốn làm cho họ vui?

Ðáp: Từ là pháp của tâm, phát xuất từ tâm, trước tiên từ thân thuộc mà phát triển, lớn mạnh dần dần đến kẻ oán. Như lửa thiêu củi, càng cháy mạnh thì có thể đốt các thứ ẩm ướt.

Hỏi: Lúc chúng sanh gặp các thứ khổ hoặc ở trong loài người, hoặc trong địa ngục, Bồ Tát tuy có lòng từ nhưng chúng sanh kia làm sao được vui?

Ðáp: Trước từ nơi người vui, giữ tướng vui ấy khiến người khổ này được cái vui như người kia. Như tướng bại trận, sợ khiếp đảm nên thấy người bên địch ai cũng là dũng sĩ.

Hỏi: Hành từ tam muội có lợi ích gì?

Ðáp: Hành giả tự nghĩ: Lìa thế tục xuất gia thì nên hành tâm từ.

Lại tư duy rằng: Ăn của tín thí thì nên làm việc lợi ích.

Như Phật đã dạy: Khoảnh khắc hành từ là thuận theo lời Phật dạy, người vào đạo mới không uổng của tín thí. Lại nữa, thân mặc áo hoại sắc, tâm không nên nhiễm trước, mà sức từ tam muội có thể khiến cho không nhiễm trước.

Lại nữa, tâm ta hành từ để phá thế pháp. Ta có nhân pháp trong chúng phi pháp. Ta có nhân pháp, biết pháp vô não, nhờ sức định của từ nên Bồ Tát hành đạo hướng đến cửa Cam Lồ. Các thứ phiền não thì thiêu đốt, còn từ thì mát mẻ an vui.

Như Phật nói:

Người khi nóng bức vào ao mát mẻ thì an vui.

Lại nữa, mặc giáp đại từ thì ngăn được tên phiền não.

Từ là thuốc pháp, tiêu độc oán kết.

Phiền não đốt tâm, từ có thể trừ diệt.

Từ là thang pháp lên đài giải thoát.

Từ là thuyền pháp vượt biển sanh tử.

Cầu của thiện pháp, từ là của báu tối thượng.

Ði đến Niết Bàn, từ là lương thực đi đường.

Từ là chân mạnh mẽ tiến vào Niết Bàn.

Từ là mãnh tướng vượt ba nẻo ác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần