Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tiểu Thổ đoàn

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH TIỂU THỔ ĐOÀN  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, có Tỳ Kheo nọ trong khi đang thiền tọa tư duy, suy nghĩ như vậy: Có sắc nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?

Cũng vậy, có thọ, tưởng, hành, thức nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?

Vào buổi chiều, sau khi Tỳ Kheo này từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, trong khi con đang thiền tọa tư duy, suy nghĩ như vậy: Có sắc nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?

Cũng vậy, có thọ, tưởng, hành, thức nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?

Nay bạch Thế Tôn: Có sắc nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?

Là có thọ, tưởng, hành, thức nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tay cầm một hòn đất nhỏ hỏi Tỳ Kheo kia: Ông có thấy hòn đất trong tay Ta không?

Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con đã thấy.

Phật lại nói: Tỳ Kheo, ngã nhỏ bằng một ít đất như vậy cũng là bất khả đắc. Nếu ngã là khả đắc, thì nó là pháp thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi.

Phật nói với Tỳ Kheo: Ta nhớ lại đời trước, tu phước lâu dài, đã được quả báo thù thắng vi diệu, khả ái.

Ta đã từng trong bảy năm tu tập tâm từ, trải qua bảy kiếp thành hoại, không tái sanh vào thế gian này.

Trong bảy kiếp hoại Ta sanh lên Cõi Trời Quang Âm, trong bảy kiếp thành Ta lại sanh vào trong cung điện trống không trong cõi Phạm, làm Đại Phạm Vương, thống lãnh ngàn Thế Giới, không ai hơn, không ai trên.

Từ đó trở về sau, ba mươi sáu lần Ta lại làm Thiên Đế Thích, rồi lại trăm ngàn lần làm Chuyển Luân Thánh Vương, thống lãnh bốn thiên hạ, dùng chánh pháp để giáo hóa và cai trị.

Có đầy đủ bảy báu: Báu xe, báu voi, báu ngựa, báu ma ni, báu ngọc nữ, báu Đại Thần chủ kho tàng, báu Đại Thần chủ binh.

Ta có đầy đủ ngàn người con tất cả đều dõng mãnh. Ở trong bốn biển, đất đai bằng phẳng, không có những thứ gai độc. Chỉ dùng chánh pháp để điều phục, chứ không dùng oai thế, hay bức bách.

Pháp Vua Quán đảnh, có tám vạn bốn ngàn long tượng đều được dùng các thứ báu để trang sức trang nghiêm, lưới báu phủ lên, dựng cờ quý báu.

Ở đây Tượng Vương Bồ Tát dẫn đầu, hai buổi sáng chiều tự động hội tụ trước điện.

Lúc ấy ta nghĩ: Bầy voi lớn này, mỗi ngày qua lại đạp chết chúng sanh vô số. Ta ước sao bốn vạn hai ngàn voi, cứ một trăm năm trở lại một lần. Và sở nguyện của ta liền được như ý.

Trong tám vạn bốn ngàn voi đó, có bốn vạn hai ngàn voi cứ trăm năm đến lại một lần.

Pháp Vua Quán Đảnh lại có tám vạn bốn ngàn con ngựa. Cũng dùng hoàn toàn vàng ròng làm dụng cụ để cưỡi, lưới vàng phủ lên. Ở đây mã Vương Bà La dẫn đầu chúng.

Pháp Vua Quán Đảnh có tám vạn bốn ngàn cỗ xe bằng bốn loại báu như xe vàng, xe bạc, xe lưu ly, xe pha lê. Dùng da sư tử, da cọp, da beo và vải tạp sắc khâm ba la phủ lên trên. Đứng đầu là xe âm thanh Bạt Cầu Tỳ Xà Da Nan Đề.

Pháp Vua Quán Đảnh thống lãnh tám vạn bốn ngàn thành, nhân dân đông đúc, an lạc, phồn vinh. Đứng đầu là thành Câu Xá Bà Đề.

Pháp Vua Quán Đảnh có tám vạn bốn ngàn cung điện bằng bốn loại báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, ma ni. Do ha là trên hết.

Này Tỳ Kheo, Pháp Vua Quán Đảnh có tám vạn bốn ngàn giường bằng bốn loại báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Cùng các loại nệm bằng lụa quý, được trải lên trên nó bằng loại ngọa cụ Ca Lăng Già và đặt lên những chiếc gối đỏ.

Lại nữa, này Tỳ Kheo, Pháp Vua Quán Đảnh lại có tám vạn bốn ngàn y phục, gồm bốn thứ như y Ca Thi Tế, y Sô Ma, y Đầu Cưu La, y Câu Triêm Bà.

Lại nữa, này Tỳ Kheo, Pháp Vua Quán Đảnh có tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, như nữ Sát Lợi, nữ tợ Sát Lợi, huống chi là những người nữ khác.

Lại nữa, này Tỳ Kheo, Pháp Vua Quán Đảnh có tám vạn bốn ngàn đồ ăn thức uống đủ các hương vị.

Này Tỳ Kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, chỉ có một người được Vua chọn để hầu hạ.

Trong tám vạn bốn ngàn y phục báu, Nhà Vua chỉ mặc một y.

Trong tám vạn bốn ngàn giường báu, Nhà Vua chỉ nằm một giường.

Trong tám vạn bốn ngàn cung điện, Nhà Vua chỉ ở một cung.

Trong tám vạn bốn ngàn thành, Nhà Vua chỉ chọn ở một thành, đó là Câu Xá Bà Đề.

Trong tám vạn bốn ngàn xe báu, Nhà Vua chỉ đi có một xe đó là Tỳ Xà Da Nan Đề Cù Sa, để ra khỏi thành du lãm.

Trong tám vạn bốn ngàn ngựa báu, Nhà Vua chỉ cưỡi có một con, đó là Bà La Ha, lông đuôi màu xanh biếc.

Trong tám vạn bốn ngàn long tượng, Nhà Vua chỉ cưỡi một voi, đó là Bồ Tát đà để ra khỏi thành du quán.

Này Tỳ Kheo, ở đây Nhà Vua nhờ những nghiệp báo gì mà có được những oai đức tự tại như vậy?

Ở đây nhờ vào ba loại nghiệp báo.

Những gì là ba?

Một là bố thí, hai là điều phục, ba là tu đạo.

Tỳ Kheo nên biết, phàm phu vì quen đắm nhiễm ngũ dục nên không biết chán và đủ. Còn Thánh Nhân vì đã thành tựu được trí tuệ đầy đủ nên thường biết đủ.

Này Tỳ Kheo, tất cả các hành, quá khứ diệt tận, quá khứ biến dịch. Các vật dụng tự nhiên kia và tên gọi của chúng, tất cả đều ma diệt.

Cho nên này Tỳ Kheo, thôi hãy dừng lại với các hành, hãy nhàm chán, đoạn trừ dục, giải thoát.

Tỳ Kheo, sắc là thường hay vô thường?

Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, vô thường.

Nếu vô thường thì khổ phải không?

Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, là khổ.

Tỳ Kheo, nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, không.

Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay là vô thường?

Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, vô thường.

Nếu vậy, vô thường là khổ phải không?

Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, là khổ.

Tỳ Kheo, nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, không.

Phật bảo Tỳ Kheo: Những gì thuộc về hữu sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần. Tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau.

Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần. Tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau.

Tỳ Kheo, đối với sắc nên sanh tâm nhàm tởm. Do nhàm tởm mà ly dục, giải thoát. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nên sanh tâm nhàm tởm.

Do nhàm tởm mà ly dục, giải thoát, giải thoát tri kiến: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Khi Tỳ Kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.

Sau đó luôn luôn nhớ về những lời dạy với thí dụ nhúm đất, một mình ở chỗ vắng vẻ, tinh tấn siêng năng tư duy, sống không buông lung.

Sau khi sống không buông lung, vị ấy tư duy về lý do mà một Thiện Nam Tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình,… cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Lúc ấy, Tôn Giả này cũng tự biết pháp, tâm đạt được giải thoát, thành bậc A La Hán.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường