Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BẢY
PHẨM THÂN NIỆM XỨ
TẬP MƯỜI BA
Lại nữa, người tu hành trước tiên quan sát cõi Diêm Phù Đề, biển lớn, núi sông và đất nước ở phương Đông. Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi lớn tên Vô Giảm. Núi này cao mười do tuần, ngang dọc ba mươi do tuần. Trong núi ấy có sông Hằng Già, có nước Ca Thi.
Lại có hai con sông khác: Một là sông An Thâu Ma, hai là sông Tỳ Đề Hê.
Nước Kiều Tát La có sáu vùng đất là:
1. Thành Tha Ương Già.
2. Thành Tỳ Đề Hê, rộng một trăm do tuần.
3. Thành An Thâu, rộng ba trăm do tuần.
4. Thành Ca Thi, có một vạn bốn ngàn thôn xóm, thành rộng hai do tuần.
5. Thành Kim Bồ La, có dân chúng đông nhiều, rừng cây đầy đủ như cây Na Lê Chi, cây Đa La, cây Đa Ma La, làm cho thành này thêm đẹp là cây Khư Thù La, cây Ba Na Bà, có rất nhiều trái.
Người tu hành này lại quan sát người khác như: Người cầm y, người xa bà la xỏ môi, dùng ngọc châu để trang sức, người mặt lạc đà… Nước của họ dài rộng một trăm ba mươi do tuần.
Quan sát vùng đất đó rồi, vị ấy tùy thuận quán ngoại thân, quan sát núi sông, làng xóm nơi cõi Diêm Phù Đề. Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy sông Lô Hê bắt nguồn từ dãy núi Khư La rộng ba do tuần, dài một trăm do tuần đổ vào biển Đông. Dân chúng đông đúc, thành ấp rất tráng lệ.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem trong cõi Diêm Phù Đề có những sông núi nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi lớn tên gọi Di chước ca cao một do tuần, dài một trăm do tuần. Lại có một ngọn núi tên Cao sơn cao năm dotuần, dài một trăm do tuần, trên núi có ao, ao này có sức chứa lớn rộng nửa do tuần, chảy thành sông dài hai trăm do tuần, đổ vào biển lớn.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem trong cõi Diêm Phù Đề có những dòng sông nào khác không?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy trong cõi Diêm Phù Đề có một dòng sông lớn tên Ca Tỳ Lê Đa, có những hoa lớn làm tăng vẻ đẹp cho dòng sông này như hoa Ca Đa Chi, hoa Bàn Giá, hoa A Thù Na, hoa Ca Đà Ma, hoa Nam Ma Lê Ca, hoa A Đề Mục Đa Ca. Lại có dòng sông thứ hai là sông Cù Ma Đế, vì có rất nhiều bò nên gọi là Ngưu Hà. Như vậy, hai con sông này rộng nửa do tuần, dài ba trăm do tuần chảy vào biển lớn.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem trong cõi Diêm Phù Đề lại có những ngọn núi và dòng sông nào nữa?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy cõi Diêm Phù Đề lại có ngọn núi tên gọi Sinh niệm, núi này có dòng sông gọi là Sa La Ta Đế, bên bờ sông có thành Ca Thi Na.
Sông này không chảy xiết mà vòng quanh ngọn núi chu vi ba mươi do tuần, trong núi này có giống người Chi La Đà, người vùng biên địa xấu ác, không từ bi. Núi này lại có giống người cầm áo, có khả năng đi trong nước, lội qua biển lớn, núi sông có nhiều cá. Do thói quen xa xưa, giống người này chỉ ăn máu thịt để sống.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân nơi cõi Diêm Phù Đề lại có những núi, biển và đảo nhỏ nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi báu ở bên bờ biển cao một ngàn do tuần, nơi các thứ báu được tạo thành.
Các thứ báu như là: Thanh bảo, đại thanh bảo vương, Kim Cang, xa cừ, xích liên hoa, dùng để làm vật trang sức. Ngày xưa có các nhà buôn, đi qua biển lớn bị sức gió mạnh làm trôi dạt đến núi báu.
Nước nơi biển lớn rộng một vạn do tuần, trong biển có nhiều loại cá như: Cá Đề Di, cá Đê Di Nghê La, cá Thất Thâu Ma La, cá Tróc Ảnh. Các người buôn không cho đó là tai nạn mà coi như đã vượt qua biển lớn, đến bãi vàng bên sườn dốc núi, đất bằng vàng ròng, có các loài La sát… ở trong đảo nhỏ này, hình thù rất đáng sợ, chúng rất mạnh bạo.
Qua khỏi đảo nhỏ này rồi lại có một biển khác rộng hai ngàn do tuần. Vượt biển ấy lại có một hòn núi gọi là Nhị nhất, núi này có ba ngọn cao bảy do tuần, ngang dọc ba trăm do tuần, có bảy thứ báu trang nghiêm ở đây như là thanh bảo, Kim Cang, Tỳ Lưu Ly xanh, xa cừ, xích liên hoa…
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, qua ngọn núi này rồi, vị ấy lại xem có những ngọn núi, biển và đảo nhỏ nào khác không?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có biển lớn gọi là biển nước đen, rộng một vạn do tuần, có các loài A tu la vui chơi trong biển ấy. Loài rồng và Long Nữ cũng vui đùa trong biển ấy. Biển nước đen này rất đáng sợ. Trong biển có quỷ La sát Tróc Ảnh cai quản loài A tu la làm cho chúng suy yếu phải lặn xuống dưới nước. Ở biển nước đen này không có núi dưới nước. Nước như mây đen, có rất nhiều rồng sống trong nước.
Người tu hành này đã quan sát như thật về bên ngoài rồi, lại quan sát xem ngoài biển nước đen còn có những núi và biển nào nữa?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có biển lớn gọi là Xích Bảo Thủy, chảy khắp trong núi. Bờ biển có cây gọi là cây Diêm Phù. Trong tất cả các loại cây, cây này cao hơn hết, cây cao khoảng chín mươi do tuần, có loài chim chúa Ca Lâu La, mỏ bằng Kim Cang sống ở trên cây ấy.
Có cây Khứ phù đề cao một trăm do tuần. Lại có biển nước xanh, ở trong biển ấy có quỷ La sát tên Mạn đầu ha, thân cao mười dặm. Trong biển lại có núi, các quỷ La sát sống trên núi này.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân thông qua biển Nước xanh, xem có những ngọn núi, biển và đảo nhỏ nào không?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có biển lớn tên là Thanh tịnh, ngang rộng năm trăm do tuần, trong biển có núi Quang minh man cao một trăm do tuần, ngang dọc ba trăm do tuần, bằng bạch ngân, được trang sức bằng hoa vàng ròng. Lại có ao hoa sen tên là Thiện Ý dài ba mươi do tuần, rộng mười do tuần, được trang nghiêm do các loài ngỗng, vịt, uyên ương của Trời Man Trì, Lâu Cát Úc.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân thông qua biển Thanh tịnh, xem có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào khác không?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có biển lớn tên gọi Đại Ba, rộng năm ngàn do tuần. Vì có chúng sinh nên dưới biển có gió nổi lên. Trong tất cả biển lớn, các đảo và đảo nhỏ, sóng nổi lên cao đến hơn hai do tuần, người cõi Diêm Phù Đề gọi là hải triều. Có cá lớn sống trong biển Đại Ba, đầu cá như đầu chó Hải Cẩu ngày nay.
Người tu hành lại tùy thuận quán sát ngoại thân thông qua biển Đại Ba xem có những núi lớn và biển lớn nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy ở phía Bắc biển Đại Ba có một núi lớn tên A Nô Ma Na rộng mười bốn do tuần, được trang sức bằng bạch ngân, như Mặt Trời thứ hai. Lại được trang nghiêm bằng các thứ hoa mạn đà, hoa Câu Xa Da Xá, hoa Tỳ Lưu Ly và cây vườn Cõi Trời.
Người tu hành lại tùy thuận quán ngoại thân thông qua núi A Nô Ma Na xem có những núi lớn và biển lớn nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy ở phía Đông núi A Nô Ma Na có một biển lớn tên gọi Trừng Thịnh, cách biển không xa, ở mặt bên của núi Tu Di hướng về phía núi Tỳ Lưu Ly có núi Ưu Đà Duyên, đối diện cõi Phất Bà Đề có ánh sáng sắc vàng phát sinh. Núi Tỳ Lưu Ly ở trong cõi Diêm Phù Đề có bóng màu xanh.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân thông qua núi Ưu Đà duyên xem lại có núi nào khác?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi lớn tên là Thiện Ý, được trang sức bằng những bông hoa vàng lớn bằng vàng cõi Diêm Phù Đàn. Núi này rộng mười do tuần, cao năm trăm do tuần, có nhiều cây vàng và cầm thú bằng vàng ròng, cây Ba La Xa có sắc vàng rực.
Phần nhiều Chư Thiên: Càn Thát Bà Vương, Tu Trì Thiên, Tam Không Hầu Thiên, tùy nghiệp quả bậc thượng, trung, hạ mà có tướng trạng theo nghiệp của họ. Đến núi Thiện Ý thấy cõi Diêm Phù Đề nên gọi là vùng núi biển phía Đông cõi Diêm Phù Đề.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem vùng núi biển phía Nam cõi Diêm Phù Đề như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi Dân Đà rộng tám trăm do tuần, có sông Nam Ma Đa rộng nửa do tuần, dài hai trăm do tuần, có một con độc long lớn sống trong sông này. Trong sông ấy lại có nhiều Thất Thâu Ma La và Quy Già Ma La. Vị ấy lại thấy có một sông lớn tên là Đào Ba và một sông lớn khác tên Ty Già.
Trên bờ sông Ty Già có nhiều cây rừng. Lại có một sông lớn khác tên là Hắc Tân Noa rộng ba do tuần, dài ba trăm do tuần, chảy vào biển lớn. Lại có một sông lớn khác tên là Đại Lô Đà, có con độc long lớn sống trong sông. Núi Ma La Da có nhiều cây chiên đàn, núi này ngang dọc năm trăm do tuần, cao ba do tuần.
Có một sông lớn tên Đăng Kỳ Ni, bắt nguồn từ núi Ma La Da, sông rộng một do tuần, dài một trăm do tuần, chảy vào biển lớn. Lại có một sông khác tên là Chất Đa La, sông rộng một do tuần, dài năm mươi do tuần, chảy vào biển lớn. Các loại cây rừng và nhiều loài chim làm cho dòng sông thêm thơ mộng.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem xét cõi Diêm Phù Đề. Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có một nước tên Di khư la, với nhiều nơi chốn ưa thích, nước này ngang dọc bốn mươi do tuần.
Lại có một nước khác tên là Chư Ca La, rộng năm mươi do tuần, nước này có nhiều cây trái đẹp như là trái Chi Na Ca, trái Ba Na Bà, trái Vô Giá Thọ, trái Tỳ La Thọ, trái Ca Tỳ Tha, trái Bất Lâu Ca, trái Bà Đà La, hoa A Thù Na, hoa Chiên Tra Ca, tô điểm cho đất nước ấy.
Tiếp đến là nước Ca Lăng Già dài rộng chín mươi do tuần, có nhiều rừng cây, đồng ruộng.
Kế tiếp là nước Đam Bà Bà Đế, nước này ngang dọc một trăm do tuần, cũng có nhiều rừng cây và ruộng lúa. Lại có một nước khác tên Đàn đồ ca, nước này ngang rộng hai mươi do tuần, trống rỗng, hoang vắng, không có người ở.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, quan sát phía Nam cõi Diêm Phù Đề có những ngọn núi, dòng sông và biển lớn nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có một dòng sông lớn tên Cù Đà Bà Lợi, nước sông trong suốt, sông rộng một câu xá, dài hai trăm do tuần. Lại có một nước tên là Ô Đồ, ngang rộng hai mươi do tuần. Lại có một nước khác tên An Đà La, ngang rộng bốn mươi do tuần. Lại có một nước khác tên Kê La, ngang dọc năm mươi do tuần, nước này có nhiều trâu, bò, rất nhiều ruộng lúa và cây rừng, hoa quả.
Gần bờ biển phía Nam có nước tên Ca Câu La Ma, có đầy đủ các thứ cây rừng, nước này dài ba trăm do tuần, rộng năm mươi do tuần. Có một dòng sông lớn tên là Ca Tỳ Lê, quanh sông được tô điểm bằng các loại cây rừng, nước sông trong suốt, sông rộng một do tuần, dài năm do tuần. Có nhiều cây Ca Câu La, cây Kê Đa Ca đáng yêu, làm cho bờ sông càng đẹp và thơ mộng.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân thông qua cõi Diêm Phù Đề xem có những ngọn núi, dòng sông, châu và đảo nhỏ nào không?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có biển lớn tên là Bất lê na, được vô số cánh hoa sen che phủ, biển rộng một vạn do tuần, gió thổi chẳng hề làm mặt nước xao động vì cánh hoa sen che khắp. Vượt qua biển này lại có một đảo nhỏ rộng năm trăm do tuần, có các quỷ La sát sống trong đảo ấy, hình thù của chúng rất xấu xí và đáng sợ.
Vượt qua đảo La sát, có một núi lớn tên là Ma Hê Đà, rộng bốn mươi do tuần, cao mười do tuần, núi này có nhiều loại cây như: Cây Đa La, cây sa la. Các loài A tu la, các loài rồng và Long Nữ dạo chơi trong rừng hoặc lại dạo chơi nơi vườn rừng. Vào sáu ngày trai ở cõi Diêm Phù Đề, thì Trời Tứ Thiên Vương sống trên núi này quán xét xem những chúng sinh nào ở cõi ấy hiếu dưỡng cha mẹ, nương theo giáo pháp mà tu hành.
Người nào vào ngày trai thọ trì trai giới?
Có những người nào tin Phật, tin Pháp, tin Tăng?
Những người nào chiến đấu với ma?
Ai sống với tâm ngay thẳng?
Ai thực hành bố thí?
Ai không tham lam đắm nhiễm?
Ai không làm người khác buồn bực?
Ai biết ân nghĩa?
Ai tin nghiệp báo?
Ai thực hành mười điều thiện?
Ai gần gũi bạn tốt?
Ai tin theo tà kiến, ngoại đạo?
Như vậy, Trời Tứ Thiên Vương ở trên núi Ma hê đà la quan sát cõi Diêm Phù Đề, nếu thấy người nơi cõi này nương theo pháp tu hành thì Trời Tứ Thiên Vương đến chỗ Vua Trời Đế Thích bạch như sau: Thiên Vương nên sinh hoan hỷ, vì quân ma bị hủy hoại, chánh pháp tăng trưởng cùng với các chúng Trời, do tất cả người nơi cõi Diêm Phù Đề thực hành pháp thiện.
Khi ấy, Thiên Vương Thích Ca và các chúng Trời nghe lời Tứ Thiên Vương tâu rồi đều hoan hỷ.
Còn như quan sát thấy người nào ở cõi Diêm Phù Đề không nương theo chánh pháp tu hành thì Trời Tứ Thiên Vương buồn rầu, bực tức, hướng về Trời Tam Thập Tam, thưa: Người cõi Diêm Phù Đề không nương theo pháp tu hành, làm tăng trưởng quân ma, giảm bớt chúng Trời.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân thông qua núi Ma Hê Đà La xem có những núi, biển và đảo nhỏ nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy qua khỏi núi Ma Hê Đà La thì có một đảo nhỏ, rộng một trăm do tuần, có người một chân sống trên đảo ấy. Họ ăn trái cây, rễ cây để sống qua ngày, thọ mạng khoảng năm mươi tuổi, lấy lá cây làm áo, không dựng nhà cửa, chỉ sống nơi gốc cây.
Ở nước này có rất nhiều sư tử và những loài thú dữ. Sư tử ở đây thân đều có cánh, ruộng đất với thời tiết điều hòa, không lạnh cũng không nóng. Hết thảy con gái đều có khuôn mặt như chó, nhưng giọng nói rất hay.
Vượt qua đảo nhỏ này thì có một biển lớn rộng hai vạn do tuần. Trong biển có núi tên là Ma Lợi Na La.
Đây là nơi do các thứ báu như: Vàng, bạc, pha lê, Tỳ Lưu Ly báu… tạo thành. Có nhiều loài chim sắc vàng, các loài hoa Mạn đà la, hoa câu xa da kim, sáu thời thường đầy đủ. Các vị A tu la lớn có thần thông, vui chơi và hưởng sự thích thú, nghe những âm thanh đáng yêu, những hương vị thơm ngon và nhận những sự xúc chạm ở trong núi này.
Núi này dài năm ngàn do tuần, cao một trăm do tuần. Núi này có mười lăm ngọn cao, đều là bạch ngân. Các Thiên nữ thọ hưởng dục lạc ở trong rừng, thường bị các A tu la quấy rối. Vì lý do ấy, nên Chư Thiên cùng chiến đấu với A tu la.
Tất cả những kẻ phàm phu ngu si nơi hàng Trời, người đều bị người nữ sai khiến.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba