Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Tám - Bản Hạnh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
PHẨM TÁM
BẢN HẠNH
Đức Phật bảo A Nan rằng: Như Lai có ba mươi hai tướng Đại Nhân, tám mươi vẻ đẹp kèm theo và ánh sáng màu vàng. Mỗi ánh sáng có vô lượng Hóa Phật. Những lỗ chân lông trên thân, tất cả đều biến hiện. Sắc thân của Phật, ta đã lược nói.
Hôm nay ta nhân lúc hội đại chúng này và vì Vua Tịnh Phạn, lược nói về tướng tốt. Phật sinh ra ở nhân gian thị hiện cùng việc với con người. Do đồng tướng với con người nên nói Phật có ba mươi hai tướng hơn cả Chư Thiên, nói có tám mươi vẻ đẹp và vì các vị Bồ Tát nói tám muôn bốn ngàn tướng đẹp vi diệu, tướng tốt chân thật của Phật.
Lúc mới thành đạo tại Đạo Tràng Tịch diệt ở nước Ma Già Đà, ta vì các Đại Bồ Tát: Phổ Hiền, Hiền Thủ…, ở kinh Tạp Hoa đã phân biệt rõ.
Trong tôn pháp này, ta sở dĩ lược nói là vì các phàm phu và bốn bộ đệ tử bài báng Kinh Phương Đẳng, tạo năm tội đại nghịch, phạm bốn giới trọng, trộm đồ vật của Chúng Tăng, dâm dục với Tỳ Kheo Ni, phá tám giới quan trai… làm các việc ác, đủ thứ tà kiến. Những người như vậy, nếu có thể chí tâm trong một ngày một đêm giữ chánh niệm ở trước Phật quán tưởng một tướng tốt của Như Lai thì những tội chướng ác đều diệt hết.
Vậy nên Như Lai gọi là Bà Già Bà, gọi là A La Ha, gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà, gọi là Mặt Trời công đức, gọi là Mặt Trăng tròn trí tuệ, gọi là đất mát mẻ, gọi là ngọc trừ tội, gọi là kho tàng ánh sáng, gọi là núi trí tuệ, sông giới phẩm, gọi là dẫn đường mê, gọi là đèn soi tà kiến, gọi là phá giặc phiền não, gọi là cha mẹ của tất cả chúng sinh, gọi là chỗ nương về lớn.
Nếu có người Quy Y Phật Thế Tôn, hoặc xưng danh hiệu Phật thì trừ được nghiệp chướng nặng phiền não trong trăm ngàn kiếp, huống gì là có tâm chân chánh tu niệm Phật định.
Đức Phật bảo A Nan rằng: Như Lai thuở xưa vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp đã dùng lửa trí tuệ thiêu đốt củi phiền não, tu định vô tướng, chẳng chứng quả phi thời chứng quả chẳng phải lúc. Vậy nên đạt được tướng thù thắng như vậy. Trong mỗi tướng có vô lượng Hóa Phật, huống là nhiều tướng.
Nếu có thể chánh niệm quán tưởng một lỗ chân lông thì người đó gọi là tu hành định niệm Phật. Do niệm Phật nên các Đức Phật mười phương thường đứng trước mặt vì họ nói chánh pháp. Người này có thể sinh ra trong dòng giống các Đức Như Lai ba đời, huống gì niệm tưởng đầy đủ về sắc thân Phật. Như Lai cũng có vô lượng Pháp Thân, mười lực, vô úy, tam muội giải thoát, các việc thần thông.
Những chỗ vi diệu như thế chẳng phải cảnh giới học hiểu của hạng phàm phu các ông, chỉ nên thâm tâm khởi lên tư tưởng tùy hỷ. Khởi tưởng đó rồi, ông lại phải giữ chánh niệm nghĩ đến công đức của Phật. Nghĩ đến công Đức Phật chính là nghĩ đến giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, màu vàng, ba mươi tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp theo hình, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đại bi, ba niệm xứ…
Nếu có chúng sinh một lần nghe về công đức tướng hảo quang minh của thân Phật như trên thì ức ức ngàn kiếp chẳng đọa vào đường ác, chẳng sinh ra ở nơi tà kiến, nhơ uế, thường được chánh kiến, siêng năng tu hành không ngừng nghỉ, chỉ nghe danh hiệu Phật mà đã được phước như vậy, huống gì là giữ chánh niệm về tam muội quán tưởng Phật.
Lúc ấy, khi Đức Thế Tôn nói lời này, trong hư không có bảy đài báu. Trên mỗi đài có hàng trăm ức lọng báu, Trời mưa xuống hoa báu cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Bấy giờ Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi ngồi kiết già trong đài báu, cùng mười ức Bồ Tát trụ trong hư không khen rằng: Hay thay! Hay thay! Đức Thích Ca Mâu Ni, Bậc Đại Bi Thế Tôn, nói về tướng thân của Phật! Thị hiện uy nghi của Phật! Hiện lên ánh sáng của Phật! Hiển bày các vị Hóa Phật!
Vì chúng sinh phàm phu đời vị lai chẳng thấy Phật mà tạo ra nhân duyên thấy Phật! Hay thay! A Nan, vị Pháp Tử từ bi! Tên Ngài là Hoan Hỷ! Tên Ngài đúng như thật! Xin hãy khéo léo giữ gìn lời nói của Đức Phật, thận trọng chớ quên mất.
Chúng sinh đời vị lai nghe lời Ngài nói tức là thấy Phật! Tư duy ý nghĩa này là thấy đầy đủ sắc thân vi diệu của Phật.
Bấy giờ, nói lời này rồi, Văn Thù cùng với các đại chúng Bồ Tát quyến thuộc từ trên hư không xuống, kính lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh Đức Phật bảy vòng, lui về đứng một phía.
Đức Phật bảo Văn Thù rằng: Này Phật tử! Ông ngồi tại tòa, khi khởi sự quán tưởng này thì đất mọc ra hoa sen ngang dọc tròn một do tuần. Này Văn Thù Sư Lợi và các Bồ Tát, hãy ngồi lên đài hoa sen!
Lúc ấy, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử ngồi rồi, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con muốn nói về nhân duyên bản sinh của con thuở xưa! Nguyện xin Thế Tôn gia hộ uy thần cho con!
Đức Phật bảo Văn Thù rằng: Hãy mau nói đi! Chớ nghi ngờ!
Văn Thù Sư Lợi bảo các đại chúng và đáp lại Tôn Giả A Nan rằng: Này Tôn Giả A Nan! Tôn Giả phải biết, tôi nhớ thuở quá khứ vô lượng số kiếp, lại hơn số đó chẳng thể nghĩ tính A tăng kỳ kiếp. Ở Thế Giới kia có Đức Phật hiệu là Bảo Oai Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Khi Đức Phật kia ra đời, chúng sinh thuở ấy cũng tệ ác như nay không khác. Đức Phật Thế Tôn đó cũng thân một trượng sáu, màu vàng ròng, cũng nói pháp ba thừa như Đức Thích Ca Văn. Lúc đó, nước ấy có vị đại trưởng giả tên là Nhất Thiết Thí. Vị trưởng giả có đứa con tên là Giới Hộ, khi đứa con còn ở trong thai mẹ, người mẹ do kính tin nên vui mừng cho con thọ ba quy y.
Đứa con sinh ra rồi, năm đến tám tuổi, cha mẹ thỉnh Đức Phật đến nhà cúng dường. Đức trẻ thấy Đức Phật từ từ bước đi an tường, sau chân mọc lên hoa có ánh sáng lớn, nó vui mừng đảnh lễ Đức Phật, lễ rồi, quan sát kỹ càng, mắt chẳng tạm rời. Một khi thấy Đức Phật rồi, liền có thể tiêu trừ được tội sinh tử trăm vạn ức na do tha kiếp.
Từ đó trở về sau luôn luôn được gặp trăm ức na do tha hằng hà sa số Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật gieo trồng mọi cội rễ công đức. Các Đức Thế Tôn đó đều nói về tam muội Quán Phật như vậy, cũng khen ngợi ánh sáng tướng Đại Nhân Bạch hào, khuyên nhiều chúng sinh sám hối, giữ chánh niệm. Qua hết thời gian đó, về sau lại được gặp Đức Phật hiệu là Ma Ni Quang Đa Đà A Già Độ, A La Ha, Tam Miệu Tam Phật Đà.
Khi Đức Phật Ma ni Quang xuất hiện ở đời, Đức Phật thường phóng ra ánh sáng để làm Phật sự, độ thoát dân chúng. Cứ như vậy, hai vạn Đức Phật đồng một danh hiệu là Ma ni Quang, đều dùng ánh sáng vi diệu của vị Hóa Phật mà dẫn dụ chúng sinh.
Tiếp theo, có Đức Phật hiệu là Chiên Đàn Ma Ni Quang với mười hiệu đầy đủ, cứ như vậy có trăm ức Đức Phật đều hiệu là Chiên Đàn Ma Ni Quang, các Đức Thế Tôn đó, do sức thệ nguyện nên chỉ dùng ánh sáng tướng Bạch hào vùng chân mày che chở hộ trì chúng sinh trừ diệt các tội.
Lại có Đức Phật ra đời hiệu là Chiên Đàn Hải Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri… cứ như vậy, một trăm vạn Đức Phật đều đồng một danh hiệu là Chiên Đàn Hải, các Đức Thế Tôn đó dùng ánh sáng in chữ Vạn, chữ Đức ở ngực mà hóa độ chúng sinh.
Vị thiếu niên đó gần gũi hầu hạ các Đức Phật không lúc nào rời bỏ, lễ bái, cúng dường, chắp tay quán tưởng Đức Phật. Nhờ sức nhân duyên công đức quán tưởng Phật nên lại được gặp trăm vạn A tăng kỳ Đức Phật. Các Đức Thế Tôn đó cũng dùng sắc thân hóa độ chúng sinh.
Từ đó về sau, đồng tử liền được trăm ngàn ức tam muội niệm Phật, được trăm vạn A tăng Kỳ Đà La Ni Toàn. Đã được những điều này rồi, các Đức Phật hiện tiền nói pháp Vô tướng, chừng trong khoảnh khắc vị thiếu niên được tam muội Thủ Lăng Nghiêm.
Vị ấy thọ Tam Quy Y, chỉ một lần lễ Phật, quan sát kỹ càng tướng Phật, lòng không thấy chán. Do nhân duyên này, được gặp vô số Đức Phật, huống gì là giữ chánh niệm tư duy, quán tưởng đầy đủ sắc thân của Đức Phật.
Vị thiếu niên lúc đó đâu phải ai khác?
Chính là thân của tôi hôm nay!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen Văn Thù Sư Lợi rằng: Hay thay! Hay thay! Này Văn Thù Sư Lợi! Ông thuở xưa chỉ một lần lễ Phật mà được gặp vô số các Đức Phật như vậy, huống gì là đời vị lai, các đệ tử của ta tinh cần quán tưởng Phật.
Đức Phật bảo A Nan: Ông hãy đem lời nói của Văn Thù Sư Lợi bảo khắp đại chúng và chúng sinh đời vị lai, nếu có người hay lễ bái, hoặc hay niệm Phật, hoặc hay quán tưởng Phật thì phải biết rằng, người này ngang bằng Văn Thù Sư Lợi không khác. Khi bỏ thân qua đời sau, Văn Thù Sư Lợi… các vị Đại Bồ Tát là Hòa Thượng của người ấy.
Khi nói lời đó, trong chúng Bồ Tát có một Phật tử tên là Tài Thủ liền đứng dậy, nhiễu quanh Đức Phật bảy vòng, cung kính lễ bái, rồi đảnh lễ dưới chân Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, dùng hoa Mạn Đà La, hoa Đại Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Đại Mạn Thù Sa của Cõi Trời tung lên trên Đức Phật và tung lên trên Văn Thù Sư Lợi, cũng tung lên trên Tôn Giả A Nan.
Những hoa Trời đó đang ở trên Đức Phật hóa thành đài bằng hoa. Ở bên trong đài hoa, có Chư Phật mười phương ngồi kiết già.
Phương Đông, Đức Phật Thiện Đức bảo đại chúng rằng: Các ông phải biết rằng, ta nhớ thuở vô lượng đời quá khứ, có Đức Phật Thế Tôn hiệu là Bảo Uy Đức Thượng Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri… khi Đức Phật đó ra đời, cũng như ngày hôm nay, Đức Phật nói pháp ba Thừa.
Đức Phật đó có một vị Tỳ Kheo có chín người đệ tử. Vị ấy cùng với các đệ tử đi đến tháp Phật, lễ bái Tượng Phật, thấy một tượng báu trang nghiêm cao lớn khả quan. Đã lễ bái xong, mắt nhìn kỹ tượng, nói kệ khen ngợi, rồi tùy theo tuổi thọ ngắn dài, họ đều qua đời. Sau khi qua đời, họ sinh vào cõi nước của Đức Phật Bảo Uy Đức Thượng Vương ở phương Đông.
Họ bỗng nhiên hóa sinh ngồi kiết già trên hoa sen. Từ đây về sau, họ luôn luôn được gặp vô lượng các Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật tịnh tu phạm hạnh và được biển các tam muội niệm Phật. Được tam muội này rồi, các Đức Phật hiện tiền liền thọ ký cho họ, tùy ý làm Phật ở mười phương. Đức Phật Thiện Đức ở phương Đông chính là thân ta.
Đức Phật Chiên đàn Đức ở phương Nam, Đức Phật Vô Lượng Minh ở phương Tây, Đức Phật Tương Đức ở phương Bắc, Đức Phật Vô Ưu Đức ở phương Đông nam, Đức Phật Bảo Thí ở phương Tây Nam, Đức Phật Hoa Đức ở phương Tây Bắc, Đức Phật Tam Thừa Hạnh ở phương Đông Bắc, Đức Phật Quảng Chúng Đức ở phương Trên, Đức Phật Minh Đức ở phương Dưới… mười Đức Phật Thế Tôn như vậy do lễ tháp, một lần dùng kệ khen ngợi nên ở mười phương được thành Phật.
Các vị Phật ấy đâu phải ai khác?
Chúng ta là những vị Phật của mười phương đó.
Những vị Phật mười phương từ trên không hạ xuống, phóng ra hàng ngàn ánh sáng, hiển hiện ánh sáng tướng Bạch hào của sắc thân, mỗi vị đều ngồi trên giường của Đức Phật Thích Ca, đều duỗi tay phải xoa đầu A Nan bảo rằng: Này Pháp Tử! Hòa Thượng Thích Ca Mâu Ni thầy của ông, trăm ngàn khổ hạnh.
Vô số tinh tấn, cầu trí tuệ Phật, kết quả được thân này, sắc tướng tỏa ánh sáng mà Ngài vì ông diễn nói, ông hãy đem lời của Đức Phật giảng nói cho khắp Trời, Rồng, đại chúng Tỳkheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ở đời vị lai về phép quán tưởng Phật và tam muội niệm Phật.
Nói lời đó xong, các Đức Phật thăm hỏi sự sinh hoạt yên ổn của Đức Phật Thích Ca Văn. Thăm hỏi xong rồi, các Đức Phật phóng ra ánh sáng lớn đều trở lại cõi nước của Chư Phật.
Bấy giờ, đại chúng trong hội nhìn thấy cõi nước lớn nhỏ của các Đức Phật ở mười phương và các vị Bồ Tát rõ như ở trước gương sáng nhìn thấy mọi hình ảnh. Các loại hoa đã tung lên của Bồ Tát Tài Thủ, đang ở trên Bồ Tát Văn Thù, liền biến hóa thành đài báu bốn trụ.
Bên trong đài ấy có bốn Đức Thế Tôn đã ngồi sẵn đó, phóng ra ánh sáng nơi thân, phương Đông Phật A Súc, phương Nam Phật Bảo Tướng, phương Tây Phật Vô Lượng Thọ, phương Bắc Phật Vi Diệu Thanh.
Bốn Đức Thế Tôn dùng hoa sen vàng tung lên trên Đức Phật Thích Ca, hoa chưa đến bên trên Đức Phật đã hóa thành bức màn hoa, có vạn ức cánh. Trong mỗi cánh có trăm ngàn vị hóa Phật. Mỗi vị hóa Phật đều phóng ra ánh sáng, trong ánh sáng lại có vô số vị hóa Phật.
Màn báu tạo thành rồi thì bốn Đức Phật Thế Tôn từ trên không hạ xuống ngồi trên giường của Đức Phật Thích Ca, khen rằng: Hay thay! Hay thay! Chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới có thể vì chúng sinh xấu ác đời vị lai mà nói lên tướng ánh sáng bạch hào của Chư Phật ba đời, khiến cho các chúng sinh được diệt trừ tội lỗi.
Sở dĩ vì sao?
Vì, ta nhớ thuở xưa, đã từng ở chỗ Đức Phật Không Vương, xuất gia học đạo. Có bốn vị Tỳ Kheo cùng là đồng học, học tập chánh pháp của Chư Phật ba đời. Do phiền não che lấp tâm tánh nên chẳng thể kiên trì giữ gìn kho báu Phật Pháp, chúng ta tạo nhiều nghiệp bất thiện, phải bị đọa vào đường ác.
Bấy giờ có tiếng trong hư không nói rằng: Này bốn Tỳ Kheo các ông! Đức Như Lai Không Vương tuy đã Niết Bàn, nhưng sự sai phạm của các ngươi chẳng phải là không cứu được! Nay các ông phải vào tháp quán tưởng Phật, so với Phật còn ở đời như nhau không khác.
Chúng ta theo tiếng nói trên không, vào tháp quán tưởng tướng bạch hào giữa hai chân mày của tượng, liền nghĩ rằng: Thân sắc quang minh của Đức Như Lai lúc còn tại thế so với tượng này nào có khác! Tướng Đại Nhân của Đức Phật, nguyện xin tiêu trừ tội của con.
Nói lời đó xong, như núi lớn lở, họ gieo năm vóc xuống đất, sám hối các tội, quán tưởng vùng chân mày Đức Phật. Nhờ nhân duyên sám hối nên từ đó về sau, tám mươi ức A tăng kỳ kiếp, chẳng bị đọa vào đường ác, đời đời thường thấy Chư Phật mười phương, ở chỗ các Đức Phật thọ trì tam muội niệm Phật sâu xa. Được tam muội rồi, bốn vị Tỳ Kheo được các Đức Phật hiện tiền thọ ký.
Ở phương Đông có đất nước tên là Diệu Hỷ. Cõi ấy có Đức Phật hiệu là A Súc, chính là vị Tỳ Kheo thứ nhất. Ở phương Nam có đất nước tên là Hoan Hỷ, có Đức Phật hiệu là Bảo Tướng, chính là vị Tỳ Kheo thứ hai.
Ở phương Tây có đất nước tên là Cực Lạc, có Đức Phật hiệu là Vô Lượng Thọ, chính là vị Tỳ Kheo thứ ba. Ở phương Bắc có đất nước tên là Liên hoa trang nghiêm, có Đức Phật hiệu là Vi Diệu Thanh, chính là vị Tỳ Kheo thứ tư.
Lúc này, bốn vị Như Lai đều duỗi tay phải xoa đầu A Nan bảo rằng: Này Pháp Tử! Ông hãy đem lời nói của Đức Phật giảng nói lại cho khắp các chúng sinh đời vị lai!
Nói lời này ba lần xong, các Đức Phật đều phóng ra ánh sáng, rồi trở về cõi nước của Chư Phật. Hoa của Bồ Tát Tài Thủ đã tung lên đang trụ ở bên trên Tôn Giả A Nan thì hóa thành đám mây hoa cùng khắp mười phương.
Mỗi đám mây có vô số vị Hóa Phật đều duỗi cánh tay phải xoa đỉnh đầu A Nan, bảo rằng: Này Pháp Tử! Những hóa thân của các Đức Phật Như Lai cũng như của chúng ta như nhau không khác!
Nay ông gần gũi nhìn thấy thì hãy phân biệt diễn nói cho tất cả chúng sinh đời vị lai, khiến cho các chúng sinh tu hành niệm Phật. Nếu người niệm Phật thì được thấy hóa Phật so với hôm nay không khác. Nếu có chúng sinh nghe lời của ông nói tức là thấy Phật, trừ được vô số tội lỗi.
Bấy giờ, Bồ Tát Tài Thủ bạch Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con nhớ thuở vô lượng đời quá khứ, có Đức Phật Thế Tôn cũng hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Sau khi Đức Phật đó diệt độ, có một Vương Tử tên là Kim Tràng, kiêu mạn, tà kiến, chẳng tin chánh pháp.
Có vị Tỳ Kheo thiện tri thức tên là Định Tự Tại bảo Vương Tử rằng: Đời có Tượng Phật được trang trí bằng mọi thứ châu báu, rất là đáng xem, Vương Tử có thể tạm vào Tháp để quan sát hình tượng Đức Phật. Vị Vương Tử đó theo lời nói của bạn lành vào Tháp, quán tưởng Tượng Phật.
Thấy tướng tốt của tượng, Vương Tử bạch rằng: Thưa Đại Đức! Tượng Phật mà còn trang nghiêm thế này, huống là thân Phật chân thật.
Nói lời đó xong thì vị Tỳ Kheo bảo rằng: Vương Tử thấy tượng nếu chẳng thể lễ bái thì hãy xưng Nam Mô Phật.
Lúc đó, vị Vương Tử chắp tay, cung kính xưng: Nam Mô Phật, rồi trở về cung, giữ chánh niệm, nghĩ đến Tượng Phật trong tháp.
Tức thời, vào đêm sau, Vương Tử mơ thấy Tượng Phật. Thấy được Tượng Phật lòng rất vui mừng, Vương Tử lìa bỏ tà kiến, quy y Tam Bảo, tùy theo tuổi thọ qua đời. Do công đức nhân duyên vào tháp, xưng Nam Mô Phật ngày trước nên luôn luôn được gặp chín trăm vạn ức na do tha Phật, ở chỗ các Đức Phật thường siêng năng tinh tấn, chứng được tam muội niệm Phật sâu xa.
Nhờ năng lực của tam muội nên được các Đức Phật hiện tiền thọ ký. Từ đó đến nay, qua trăm vạn A tăng kỳ kiếp chẳng bị đọa vào ba đường ác, cho đến ngày hôm nay đạt được tam muội Thủ Lăng Nghiêm sâu xa. Vị Vương Tử lúc ấy chính là Tài Thủ ta hôm nay. Những vị Đại Bồ Tát như vậy… đông nhiều không lường đều nói về nhân duyên xưa, nương vào pháp niệm Phật mà đạt được, như kinh Bản Sinh đã nói.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các đại chúng rằng: Ta nhớ thuở quá khứ, vô số kiếp, bấy giờ có Đức Phật hiệu là Chiên đàn khuất Trang Nghiêm Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, mười hiệu đầy đủ, ở trong núi Chư đức tại cõi Diêm Phù Đề. Ngài ở trong núi đó, xuất gia học đạo đủ trọn bảy kiếp, thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Lúc ấy, cõi đời đó có hai thiếu niên nghe học nhiều không chán, du hành khắp nước tham hỏi các Bà La Môn.
Có một vị Bà La Môn tên là Lao độ xoa già bảo rằng: Này thiếu niên! Thế gian có Đức Phật hiệu là Chiên đàn khuất, hai người các ông nên đi đến chỗ đó mà cầu luận pháp nghĩa.
Hai trưởng giả thiếu niên, một tên là Nhất Thiết Hỷ Kiến, người thứ hai tên là Dũng Mãnh Khải đều đến chỗ Đức Phật, đều đem hoa Trời cùng tung lên Đức Như Lai. Lúc ấy, Đức Thế Tôn lặng yên thiền định, nhập vào tam muội Vua trong các tam muội, thân tâm chẳng động, hiện ra sắc thân của tất cả Chư Phật với vô số ánh sáng như Kinh Bát Nhã Ba La Mật đã nói.
Hai thiếu niên thấy sắc thân của Phật và thấy ánh sáng tức thời qua khỏi các tội sinh tử trong na do tha hằng hà sa số A tăng kỳ kiếp, luôn luôn được gặp vô lượng vô số trăm ngàn các Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật tu hành tam muội niệm Phật sâu xa, hiện tiền được thấy các Đức Phật mười phương vì mình diễn nói pháp luân chẳng thoái chuyển.
Vị thiếu niên thứ nhất đâu phải ai khác?
Chính là Bồ Tát Di Lặc hôm nay! Vị đồng tử thứ hai chính là ta, Thích Ca Mâu Ni hôm nay! Ta cùng với các vị Bồ Tát của hiền kiếp đã từng ở chỗ của Đức Phật Chiên đàn khuất trong quá khứ nghe biển các tam muội quán Phật biến hóa sắc thân của Chư Phật đó.
Do sức công đức nhân duyên đó nên vượt thoát tội sinh tử trong chín trăm vạn ức A tăng kỳ kiếp và ở hiền kiếp này theo thứ lớp thành Phật mà sau cùng là Đức Như Lai Lâu Thí cũng ở nơi này nói tam muội Quán Phật.
Đức Phật bảo A Nan rằng: tam muội Quán Phật này chính là thuốc thang của tất cả chúng sinh phạm tội, là sự ủng hộ của người phá giới, là sự dẫn đường của kẻ lạc đường, là mắt của kẻ mù tối, là trí tuệ của người ngu si, là đèn của kẻ tối đen, là tướng dũng kiện trong giặc phiền não, là sự tự tại của các Đức Phật Thế Tôn. Đó là chỗ phát sinh của các đại tam muội Thủ Lăng Nghiêm v. v…
A nan! Ông hãy khéo giữ gìn thận trọng chớ quên mất! Quá khứ, vị lai, các Đức Phật ba đời…, những Đức Thế Tôn đó đều nói tam muội niệm Phật như vậy. Ta cùng với các vị Đại Bồ Tát của Hiền kiếp nhờ năng lực của tam muội niệm Phật này nên được Nhất thiết trí, uy thần tự tại. Như vậy, vô lượng các Đức Phật trong mười phương đều do pháp này mà thành Chánh Giác.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nhờ thần lực của Đức Phật nên tự biết việc đời trước vô số kiếp, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Con nhớ vô số ức kiếp đời quá khứ, có Đức Phật Thế Tôn hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh với mười hiệu đầy đủ. Con ở cõi đời đó, thấy Đức Phật Như Lai phóng ra ánh sáng lớn. Ánh sáng ấy soi khắp các Thế Giới ở mười phương, đều tạo thành màu vàng.
Trong mỗi ánh sáng có các vị Hóa Phật, con thấy vậy rồi, thân tâm hoan hỷ, xưng lên Nam Mô Phật. Từ đó về sau, con thường được gặp trăm ngàn các Đức Phật và nghe Phật nói pháp giống như rót nước đựng sang đồ chứa khác, con ghi nhớ, giữ gìn chẳng quên. Vậy nên hôm nay con được thấy Đức Thế Tôn, gần gũi cúng dường hầu hạ.
Nói lời đó xong, Tôn Giả A Nan nói các bài kệ tụng, khen ngợi sắc thân vi diệu của Chư Phật.
Bấy giờ, trong hư không có vô số Đức Phật đều hiện ánh sáng.
Trong lỗ chân lông của từng thân, từng thân Chư Phật đều hiện ra Hóa Phật giống như Phật Thích Ca Văn, đều bảo Tôn Giả A Nan rằng: Này Pháp Tử! Nay ông hãy đem tam muội Quán Phật này vì tất cả đại chúng giảng nói rõ ràng, khiến cho các phàm phu gieo trồng nhân duyên được thấy Phật. Nói lời này xong, các vị Hóa Phật biến mất.
Lúc ấy, vì chúc lụy việc này, Đức Thế Tôn đứng trong hư không, uy nghi tự tại, thực hiện mười tám pháp biến hóa, hiển hiện tất cả ánh sáng, bảo A Nan rằng: Nếu có chúng sinh muốn quán tưởng Phật thì phải quán như vậy!
Khi Đức Phật nói lời này, mười hai ức Thiên Tử được tam muội niệm Phật và được hiện tiền thọ ký.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cam Lộ
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất đạo Phẩm - Phần Hai