Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÂN NIỆM XỨ  

TẬP MƯỜI BẢY  

Nước nơi tất cả sông suối đều đầy đủ tám công đức, là:

1. Đầy đủ mùi vị.

2. Trong sạch.

3. Thơm tho, thanh khiết.

4. Trừ được sự nóng khát.

5. Mát lạnh.

6. Uống vào không chán.

7. Không nhơ uế.

8. Uống vào không bệnh tật.

Không có cá dữ bơi qua khu vực sông suối nơi núi này.

Có các loại ao như: Ao hoa Quảng Bác Sơn, ao hoa Chúng Sa, ao hoa Ngũ Thọ, ao hoa Uyên Ương Ngạn, ao hoa Nga Thủy, ao hoa Phiến Sí, ao hoa Nhiêu Bách Điểu, ao hoa Đại San Hô, ao hoa Trúc Thọ, ao hoa Thâm, ao hoa Nguyệt Ái, ao hoa Thượng Hữu.

Ao Hoa Tạp Thủy, ao hoa Hồi Phục, ao hoa Trúc Lâm, ao hoa Tiêm Ái, ao hoa Ngư Toàn, ao hoa Tam Ba Đà Ngư Trá, ao hoa Phong Trung, ao hoa Trì Man, ao hoa Toàn Chuyển, ao hoa Tịnh Thủy, ao hoa Nguyệt Quang, ao hoa Nguyệt Luân, ao hoa Ly Cấu.

Ao Hoa Nhũ Thủy Trang Nghiêm, ao hoa Thanh Lương, ao hoa Nguyệt Ái, ao hoa Pha Lê Toàn, ao hoa Tốc Toàn, ao hoa Trừng Tịnh, ao hoa Bất Động, ao hoa Thiên Ái, ao hoa Hoan Hỷ, ao hoa Thiện Vị, ao hoa Như Ý Vị, ao hoa Lạc, ao hoa Kê Châu Bà, ao hoa Cam Lồ Thượng Lưu, ao hoa Long, ao hoa A Thù Na.

Đỉnh núi Bình Đẳng phong có bốn mươi bảy ao hoa như vậy. Núi Bình Đẳng rất là thù thắng, ao trong núi đều có nước gồm đủ đặc điểm như trên đã nói. Núi này cao vọt như đâm thẳng vào hư không. Do núi cao nên có vườn rừng tốt đẹp, mọi thứ công đức không thiếu.

Đó là rừng Thanh Lương, sắc trắng như mặt trăng, rộng một trăm do tuần, có nhiều cây bạc, màu trắng như tuyết. Trong rừng này có ao hoa sen tên là Ly Thủy Y Hoa. Kế nữa có ao hoa Phong Phú, ao hoa Cụ Sắc, ao hoa Thường Thủy, ao hoa Bình Kiến.

Ao hoa Hoan Hỷ, ao hoa Ca Đam Bà Bồ Đề Ca, ao hoa Nga Sí, ao hoa Du Hý, ao hoa Khả Ái, ao hoa Kiến Phong, ao hoa Lạc Du Hý, ao hoa Thường Lạc, ao hoa sen Thường, ao hoa Thường Hoan Hỷ, ao hoa vân… đây là mười sáu ao hoa tốt đẹp bậc nhất. Ngoài ra còn có vô lượng trăm ngàn ao bậc trung, bậc hạ không tên khác.

Tất cả ao hoa đều thanh tịnh, không có bùn đục, cũng không cấu uế. Ngỗng, vịt, uyên ương có tiếng kêu dễ mến, làm cho người Cõi Uất Đan Việt thường được vui vẻ. Khổng tước, mạng mạng sống ở trong rừng này hót rất hay. Người tu hành quan sát núi Bình Đẳng rồi thì nhận biết về ngoại thân rõ ràng.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, tin hiểu bốn Thánh Đế, xem xét núi Bình Đẳng có một nơi nào gọi là thường còn, bất biến, hoặc lạc, hoặc ngã, hoặc là bất không, như trước đã nói.

Tất cả chúng sinh bị lệ thuộc nơi sinh tử, làm sao lại không chết, không sinh?

Tất cả sự yêu thương không bị chia lìa, không cách biệt và không bị hủy hoại?

Người tu hành xem xét đỉnh núi Bình Đẳng không thấy một nơi nào là thường hằng, không biến động, hoặc là ngã, hoặc là lạc, là chẳng không… tất cả nơi chốn cư ngụ của chúng sinh không nơi nào là không có sống chết, yêu thương đều xa lìa và bị hủy hoại như vậy.

Tất cả đều sinh tử, vô thường. Chúng sinh không có nơi nào là không sinh, không chết, không phát khởi, không hoại diệt, nên luôn nhớ nghĩ về bốn Thánh Đế. Quan sát đỉnh núi Bình Đẳng ở Cõi Uất Đan Việt rồi, vị ấy nhận biết về ngoại thân rõ ràng.

Lại nữa, người tu hành quan sát Cõi Uất Đan Việt xem lại có những nơi chốn nào đáng yêu thích?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy núi thứ ba tên là Vật Lực Già, đầy đủ sự trang nghiêm. Như trước đã nói, núi Tăng Ca Xa, núi Bình Đẳng gồm đủ mọi sự trang nghiêm nhưng núi này lại hơn hẳn. Núi Vật Lực Già có suối nước, sông mật, cây như ý như là cây vàng, trong sáu thời hoa quả luôn sum suê, tươi tốt, sáng chói như mặt trời. Núi Vật Lực Già có rừng Quang Minh, rừng Kim Quang Toàn, rừng Ngân Tụ, rừng Phổ Sơn, rừng Nhu Nhuyến.

Rừng Kim Quang toàn rộng một trăm do tuần, cây rừng bằng vàng ròng, có rất nhiều ong. Kế đến là rừng Ngân Tụ, ngang rộng ba trăm do tuần, có vô số cây bạc. Rừng này sáng chói như trăm ngàn mặt trăng, có nhiều sư tử và vô số loài chim thường ca hót vui vẻ, như đã nói ở trước.

Núi Vật Lực Già có cánh rừng thứ ba là rừng Thường Lạc. Trong rừng này có loài chim Thường du hý luôn hoan hỷ thọ lạc. Cõi này có người tên Giải Thoát, vui vẻ tự tại, sống trong rừng Thường Lạc, tùy ý đi chơi đây đó không ai ngăn trở, như các chúng Trời hưởng mọi sự vui sướng.

Núi Vật lực già có khu rừng thứ tư tên là Nhu Nhuyến, có nhiều cây vàng, cây bạc và cây san hô, rất nhiều giống chim tên là Giải Thoát. Rừng này ngang rộng năm trăm do tuần. Người thường có nhiều ham muốn sống ở đây. Vùng đất này mềm mại như bông vải mịn, cây hoa quả và ao hoa sen với vô lượng trăm ngàn con ong vây quanh.

Người tu hành quan sát ngọn núi thứ ba là Vật Lực Già rồi thì nhận biết ngoại thân rõ ràng, như trước đã nói.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, xem Cõi Uất Đan Việt lại có những nơi nào đáng ưa khác?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy ngọn núi thứ tư tên Bạch Vân Trì, rộng một ngàn do tuần, hoàn toàn do bạch ngân trong suốt tạo thành, sáng chói hơn cả mặt trăng, như mặt trăng tròn xuất hiện ở cõi Diêm Phù Đề, làm mất ánh sáng của những ngôi sao, núi Bạch Vân Trì cũng lại như vậy.

Người Cõi Uất Đan Việt sống trong rừng này tên Thường Phát Dục, ưa thích dạo chơi trên núi Bạch Vân Trì, dùng hoa sen trang sức, không có sợ hãi, ưu sầu, cực nhọc, nóng lạnh, đói khát. Thường yêu thích ca hát, cười đùa, vui chơi thọ lạc nơi ao hoa sen, vui vẻ dạo chơi khắp núi cùng với các thể nữ, thường làm việc ái dục, không có buồn bã.

Núi Bạch vân trì có các vườn rừng như: Rừng Cổ Âm Thanh, rừng Áp Âm, rừng Ức Niệm, rừng Thủy Thanh.

Rừng Cổ âm là rừng khi Thiên chúng Cõi Trời Man trì đánh trống Trời thì phát ra những âm thanh vang động vi diệu, ví như các loại đàn không hầu, sênh, sáo hòa hợp phát ra tiếng. Đánh lên tiếng trống Trời vang động qua khỏi núi này thì âm thanh nơi cõi Diêm Phù Đề không thể sánh bằng một phần mười sáu.

Vườn rừng, chim thú, vùng đất ao hoa, sông vàng, suối bạc, công đức như vậy. Âm thanh của trống Trời như trước đã nói. Người thường khởi dục nghe tiếng trống Trời thì luôn thọ hưởng sự tham ái nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc như chúng Trời Ca Lâu Túc ở trong vườn Hoan hỷ thọ hưởng thú vui Cõi Trời.

Khu rừng thứ hai tên là Áp Âm, ao hoa nơi rừng ấy có đến trăm ngàn loại, không thể kể hết. Rừng nầy có các nai báu như nai bi nasa, nai bảo trang nghiêm, nai điều phục, nai nhạo âm thanh, nai hỏa sắc, nai xa la, nai đăng đầu nham, nai sơn phong hành, nai giá ba la, nai phổ nhãn.

Nai ca chi đa na bảo, nai kim giác, nai ngân trắc, nai phong lực, nai thực thọ diệp, nai trụ thủy âm thanh, nai hành lâm, nai san hô, nai ao khiếm, nai tế yêu, nai hắc bì, nai xa thâu đa na, nai nhật quang minh, nai nhu nhuyến, nai bạch… có đến hai mươi lăm loài nai như vậy. Người thường ưa dục luôn vui đùa cùng với nai. Tùy theo nghiệp của từng người, nơi núi Bạch Vân trì thọ hưởng niềm vui tương tự.

Lại nữa, khu rừng thứ ba là Ức Niệm, người tên Lạc Dục, nếu có suy nghĩ gì thì trên cây liền hiện ra. Tất cả vườn rừng đều tươi đẹp, đáng yêu thích, như trước đã nói.

Núi Bạch Vân Trì có cánh rừng thứ tư tên Thủy Âm Thanh. Các vị Tiên Nhân sống trong rừng này hay dạo chơi thọ lạc. Khi nóng bức họ nhảy vào trong ao nước tắm mát thỏa thích.

Các vị Tiên Nhân ấy như: Tiên Nhân Vô Ngại, Tiên Nhân Lực, Tiên Nhân Từ Hành, Tiên Nhân Hư Không Hành Lực, Tiên Nhân Xuyên Vân Hành, Tiên Nhân Hành Nhật Đạo.

Tiên Nhân Hành Lượng, Tiên Nhân Bạch Sắc, Tiên Nhân San Na Đa, Tiên Nhân Cưu Thi Ca, Tiên Nhân Sơn Vô Ngại, Tiên Nhân Thường Lạc, Tiên Nhân Càn Đà La, Tiên Nhân Hành Hư Không, Tiên Nhân Phú Vật, Tiên Nhân Nội Trú, Tiên Nhân Xà Quật.

Tiên Nhân Thường Lực, Tiên Nhân Nga Điện, Tiên Nhân Long Điện, Tiên Nhân Phóng Điện Quang, Tiên Nhân Trụ Ma La Da, Tiên Nhân Kê Đa Ca Man, Tiên Nhân Lạc Thể Nữ, Tiên Nhân Lạc Tửu, Tiên Nhân Trụ Di Lâu Sơn, Tiên Nhân Tam Xa Na, Tiên Nhân Thường Du Hý, Tiên Nhân Thường Hoan Hỷ, Tiên Nhân Thùy Trang Nghiêm, Tiên Nhân Phi Hành, Tiên Nhân Chú Tạng.

Đấy là ba mươi vị Tiên Nhân sống tại núi Bạch Vân Trì với đủ các thứ trang nghiêm như thế, luôn dạo chơi, hát múa vui cười quanh vùng ao Thủy Âm Thanh, tùy theo nghiệp của mình đã tạo, các Tiên Nhân thường cùng các thể nữ tương tợ dạo chơi thọ lạc.

Như vậy, xem khắp các cây rừng trong núi Bạch Vân Trì rồi, vị ấy biết rõ về ngoại thân. Núi Bạch Vân Trì giá như có một pháp thường hằng không chuyển động, không thay đổi, không hoại diệt thì pháp ấy thuộc về Niết Bàn.

Như vậy, Tỳ Kheo không thấy pháp nào là thường, lạc, không chuyển động, không biến đổi, không hủy hoại. Tất cả các pháp đều vô thường, hủy hoại và biến đổi, giống như ánh sáng mặt trời phá tan bóng đêm tăm tối.

Thế gian vô thường, trước vui sau khổ, chìm đắm không thoát ra được. Quả ái không vui như quả yêm ba ca, như chất độc, như dao, khi được thì rất vui, chỉ vui trong nháy mắt, như ánh chớp không dừng lại, như dòng nước luôn chảy xiết, như thành Càn Thát Bà mê hoặc, lừa dối con người.

Tất cả người tham lam như trái chín cây, đều phải rơi rụng, như thức ăn trộn lẫn chấp độc, khi tiêu hóa bị khổ sở vô cùng, giống như lưỡi dao bôi mật, cũng như mũi kích bén, nó mê hoặc, dối gạt vô số trăm ngàn chúng sinh, giống như cây đại thọ mọc chỗ hiểm bên bờ sông. Các dục vô thường cũng lại như vậy.

Người tu hành quan sát rõ về dục rồi, sinh lòng chán lìa, chánh niệm quán xét diệt trừ bao thứ phiền não cấu uế.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem cõi Uất Đan Việt lại có những sông núi đáng ưa thích nào?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy ngọn núi thứ năm tên Cao Sơn, ngang dọc một ngàn do tuần, ánh sáng chiếu khắp, cây vàng ròng thì lá bằng Tỳ Lưu Ly, cây bạch ngân thì lá bằng san hô, cây bằng Tỳ Lưu Ly thì lá bằng vàng ròng, tỏa sáng như đèn.

Lại có vô số các loại cây khác, ao hoa sen, những vườn rừng để dạo chơi. Các giống hươu, nai, nhiều đỉnh núi cao như trước đã nói. Những chúng Trời Man Trì, chúng Trời Tam không hầu từ nơi núi Tu Di đi đến núi Cao Sơn dạo chơi thọ lạc.

Núi Cao sơn này đều do các thứ báu tạo thành, có năm đỉnh lớn, mỗi đỉnh cao năm mươi do tuần, rộng hai trăm do tuần. Ở trong hang sâu nơi đỉnh thứ nhất là núi vàng, sinh ra tất cả những thứ báu như Tỳ Lưu Ly, san hô, xa cừ, báu pha lê ca, báu xích liên hoa, báu nhu nhuyến, báu thanh nhân đà, báu chúa rất xanh, áo Trời tự nhiên hiện ra.

Đỉnh núi thứ hai là núi bạc có đầy đủ cây bạc, có rất nhiều ngưu đầu chiên đàn. Nếu khi các chúng Trời đánh nhau với A Tu La, ai bị đao kiếm làm thương tổn thì dùng ngưu đầu chiên đàn này bôi lên sẽ lành ngay. Vì đỉnh núi ấy hình dáng tựa như đầu bò nên loại cây chiên đàn mọc ở đây gọi là ngưu đầu chiên đàn.

Đỉnh thứ ba tên là Thiên nữ lạc, dùng vàng, bạc, lưu ly làm vườn rừng, đất mềm khiến người vui vẻ dạo chơi. Kẻ phàm phu ngu si bị ái dục mê hoặc, không nghe chánh pháp, thường ham thích dục lạc.

Đỉnh thứ tư tên là Sinh Sắc. Tứ Đại Thiên Vương thường ở trong vườn bồ đào dạo chơi thọ lạc. Tất cả Cầm Thú, Dạ Xoa, Tiên Nhân, người Cõi Uất Đan Việt thảy đều thọ hưởng dục lạc. Sông rượu bồ đào chảy tràn khắp, mùi vị như mật, cũng có mùi vị như đường phèn, hoặc có vị cay, hoặc là những vị xen lẫn.

Bên bờ sông nơi đỉnh núi này có nhiều cảnh sinh động với nhiều loài thú như trâu, bò, dê, heo, chó, cáo, voi, ngựa, lạc đà, lừa, cọp, gấu, sư tử, báo… tạo nên vô số sắc màu. Đỉnh núi có tên Sinh Sắc vì ở đó phát sinh những cảnh sắc sinh động.

Đỉnh thứ năm là cánh rừng Tỳ Lưu Ly, có những ao hoa sen thân bằng Tỳ Lưu Ly, hoa mềm mại. Như là ao hoa sen thiên mãn, ao hoa sen chúng đa, ao hoa sen chuyển hành, ao hoa sen hoa phú, ao hoa sen nhật chiếu, ao hoa sen nhu nhuyến ngạn, ao hoa sen mật lâm, ao hoa sen hương phong, ao hoa sen thường thủy, ao hoa sen thập chủng…

Núi này lại có sông lớn chảy tràn khắp nơi, nước gồm đủ sáu vị, cây Nhất thiết ý dùng để tô điểm, các cây hoa, trái, sông, ao… cũng rất nhiều như trước đã nói. Quan sát đỉnh núi thứ năm rồi, vị Tỳ Kheo ấy biết rõ về ngoại thân.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán núi Cao Sơn, biết rõ về pháp quả báo nơi nghiệp, biết rõ về quả báo nơi nghiệp của các chúng sinh. Chúng sinh do nghiệp của bản thân nên bị lưu chuyển, do nghiệp của mình đã tạo mà sinh nơi núi này.

Khi nghiệp thiện hết, do nghiệp bất thiện nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu có nghiệp thiện thì được sinh trong Cõi Trời, cõi người. Người ở quanh bốn phía núi Cao Sơn tên là Lạc Thiện Lạc, thường mong ước, ham muốn không biết đủ.

Như vậy, Tỳ Kheo nói kệ:

Ví như lửa bắt củi

Như biển nhận các sông

Ái dục khó nhàm chán

Thế nên phải xa lìa.

Như vậy, vị Tỳ Kheo tu hành dùng nhãn căn thanh tịnh, quan sát thấy các chúng sinh này ở trong sự độc hại, lo sầu, buồn khổ lớn nhưng vẫn vui vẻ cười đùa.

Chúng sinh không biết tất cả đều khổ, vô ngã, vô thường, tất cả pháp không, tất cả đều tối tăm, tất cả đều sinh tử, không có thường lạc, chẳng phải vắng lặng, thanh tịnh, chẳng phải tịch diệt. Tất cả của cải nhất định bị hủy hoại, pháp ấy không thật, cuối cùng rơi vào các đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Ví như mặt mặt trời mọc thì phải có lặn, tất cả chúng sinh cũng lại như thế, có sinh ra ắt phải bị chết đi. Ví như vào mùa xuân, khắp mặt đất, cây rừng, cỏ thuốc um tùm. Đến mùa thu, mặt đất, cây cối, cỏ thuốc, rừng rậm, vũng nước, ao hoa… tất cả đều suy tàn, biến đổi. Tuổi thiếu niên giống như mùa xuân, già cả như mùa thu.

Người Cõi Uất Đan Việt không thể hiểu được rằng: Tất cả thiếu niên cường tráng đều phải đến lúc suy yếu, già nua. Ví như vào mùa hạ, Trời đổ mưa lớn, sông có bờ đê, các dòng nước chảy về tràn đầy lai láng, đến đầu mùa đông thì hết thảy đều giảm bớt.

Sự giàu có, vui vẻ đầy đủ giống như mùa hạ. Sự giàu có, vui vẻ bị hủy hoại giống như đầu mùa đông. Ví như hoa sen tươi tốt đầy ắp, các loài ong thích thú vui vẻ thọ lạc. Sương tuyết rơi xuống thì hoa sen héo tàn, các loài ong bay đi.

Loài người cũng vậy, nếu không bị tật bệnh, buồn bã thì giống như hoa mới nở, nhưng đến khi suy kém bệnh hoạn thì giống như hoa héo tàn. Các loài ong vây quanh giống như sự giàu có, vui vẻ, bà con tụ họp đến. Chúng sinh như vậy bị ái dục mê hoặc, không hiểu đó là đang tự suy tàn.

Như vậy, Tỳ Kheo xem xét các thứ vườn rừng, cây cối, hoa cỏ, sông suối, ao hồ, Tiên Nhân, cầm thú, hang động nơi núi Cao Sơn rồi, vị ấy nhận biết về ngoại thân rõ ràng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần