Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH TUỆ ẤN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẦN NĂM  

Có người nói rằng:

Tất cả các pháp

Xem chúng như mộng.

Hoặc trì các pháp

Muốn hiểu biết rõ

Ý kia khởi gì

Nên vì chấp ấy

Không chẳng có sinh

Cũng không người tạo

Cũng không người đến

Không thấy có trụ

Không hành pháp này

Chấp ở trong có

Liền tự nói rằng:

Ta đã rõ không.

Được nghe chánh pháp

Từ thiện tri thức

Rợn cả chân lông

Rơi lệ nói rằng:

Thầy thật tôn quý

Là Bậc Hiền Giả.

Về sau lại nói

Trăm điều xấu xa

Nhiều điều hèn hạ

Của hạng khốn cùng!

Vì mong cúng dường

Khen ngợi chính mình

Cầu được tiếng tăm

Nhờ làm Sa Môn.

Loạn nhơ chánh giáo

Đệ tử giữ pháp

Nương nơi Phật Đạo

Mà làm Sa Môn.

Tu hạnh Bồ Tát

Bồ Tát bất trụ

Như tại bờ biển

Trông sang bờ kia.

Người hạnh không đủ

Chẳng phải Bồ Tát

Ở nơi vắng vẻ

Nói ta hành tịnh.

Hạnh trong người ấy

Không trụ thanh tịnh

Thường mong cúng dường

Gần gũi thiện tín,

Bèn tự nói rằng:

Ta là Sa Môn.

Nếu ở đạo ta

Làm vị Sa Môn

Trụ trong pháp Phật

Như hoa sen nước.

Ở trong Kinh này

Như pháp thực hành

Người có hạnh ấy

Giữ được Phật Pháp.

Nay Khả Ý Vương

Phải thọ giáo ta

Chớ tạo hạnh chấp

Như người thế gian.

Xa lìa thế tục

Được Phật khen ngợi

Cho nên phó chúc

Hãy giữ pháp sau.

Ví như na thuật

Người trong cõi nước

Đem cát Sông Hằng

Thảy đều rải khắp.

Mỗi một hạt cát

Đều thành một trái

Mỗi một trái này

Thành cát Sông Hằng.

Số tính như thế

Ngàn lần gieo trồng

Lại tính như thế

Số cát Sông Hằng.

Tính đếm như thế

Hơn vô số cõi

Đem mỗi hạt cát

Dùng làm số tính.

Đem số tính ấy

Phương Đông như thế

Tính số cát ấy

Đều tính cho hết

Khắp cả mười phương

Thảy đều như thế

Số cõi như vậy

Vô số Chư Phật

Mỗi một Đức Phật

Số đều như nhau.

Tất cả Đức Phật

Có vạn thứ tiếng

Ở vô ương số

Hằng hà sa kiếp

Nói công đức Kinh

Không khi nào hết.

Nếu người có hạnh

Với nghĩa Kinh này

Luôn phải ghi nhớ

Trụ Kinh Pháp ấy.

Phụng hành bền vững

Như trên đã nói

Kinh ấy tôn tuệ

Không có ngằn mé.

Ví như hạt cải

Bên cạnh Tu Di

Như người đến biển

Lấy một giọt nước.

Công đức nói Kinh

Cũng lại như thế

Tôn trọng Kinh này

Tạo hạnh không chấp.

Bấy giờ, Bồ Tát Khả Ý Vương và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng sáu mươi vị Hiền, hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp gọi là pháp.

Những gì là pháp?

Làm sao biết được tướng trạng của pháp?

Đức Phật bảo Bồ Tát Khả Ý Vương và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng sáu mươi vị Hiền: Này thiện nam tử! Pháp là tướng trạng của sự không tạo tác.

Không tạo tác ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không thể được.

Không thể được ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không thể tận.

Không thể tân ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không chỗ khởi.

Không chỗ khởi ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không chỗ diệt.

Không chỗ diệt ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không chỗ được.

Không chỗ được ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không chỗ nương.

Không chỗ nương ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không xứ sở.

Không xứ sở ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không chỗ ra.

Không chỗ ra ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không dao động.

Không dao động ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của lìa dao động.

Lìa dao động ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không tâm.

Không tâm ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không niệm.

Không niệm ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không hai.

Không hai ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của bình đẳng.

Bình đẳng ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của chẳng có.

Chẳng có ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không chỗ trụ.

Không chỗ trụ ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không chỗ hành.

Không chỗ hành ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của không biếng nhác.

Không biếng nhác ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của pháp không nơi chốn.

Pháp không nơi chốn ấy, là tướng trạng gì?

Là tướng trạng của Niết Bàn.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Giả sử pháp ấy xoay vần, không biết nhau, thì pháp nào sẽ tân, để cho chúng con giữ gìn pháp sau này?

Đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Người khởi pháp pháp tưởng, muốn được độ. Người muốn được độ, trụ nơi pháp. Người trụ nơi pháp, liền ở hai pháp. Người ở hai pháp, là hạnh làm diệt pháp. Pháp cũng không diệt cũng chẳng phải không diệt. Ta nay bảo các ông giữ gìn pháp sau này.

Lúc ấy, Đức Phật liền nói kệ:

Đã trụ tôi, ta

Bèn nói có đời

Trì tưởng, tạo hạnh

Muốn thoát thế gian

Người khởi niệm ấy

Là trụ hai pháp.

Đó là mê hoặc

Chẳng hành chánh pháp

Pháp, không ai tạo

Cũng không ai hoại

Không thể thấy biết

Cũng không nơi người.

Người chấp nơi có

Do khởi hạnh tưởng

Bèn tự nói rằng:

Ta đã nhẫn không

Khởi tưởng niệm không

Đó là phi pháp.

Pháp không chỗ có

Bèn hành có pháp

Những điều khởi ra

Là không chỗ có

Hạnh luôn vắng lăng

Đó là pháp ấn.

Với tưởng, có động

Lập tức tự trói

Pháp vốn thanh tịnh

Bèn khởi có pháp.

Tất cả các pháp

Giống như tiếng vang

Người chấp nơi có

Là ở hai pháp.

Tuệ pháp thanh tịnh

Tuệ, không được tuệ

Tuệ, ở trong tuệ

Không có ai được.

Tất cả không thấy

Người hay khởi tập

Si, tuệ đều không

Đều không chỗ có

Nếu để tự nhiên

Sẽ có chỗ có

Liền sẽ hoại diệt

Thành tựu Niết Bàn.

Giả sử các pháp

Có chỗ trụ ở

Người cùng phi nhân

Đều được Niết Bàn.

Như người ở đời

Tự nắm, tự buông

Nghĩ phải, nghĩ quấy

Mà cầu Niết Bàn.

Tự khởi tôi, ta

Tất cả đều thế

Đã khởi các pháp

Cũng không hiểu, nhớ.

Ngu si và trí

Với hai việc này

Lời miệng nói ra

Là không chỗ có

Người khởi tưởng hành

Mù mịt trong ấy

Hoại diệt, sinh tử

Muốn cầu Niết Bàn.

Tâm không biết tâm

Nó vốn tự nhiên

Với vốn tự nhiên

Cũng không biết tâm.

Tất cả các pháp

Tự nhiên như mộng

Hễ muốn khởi hạnh

Chấp có chắc chắn

Người khởi có pháp

Chẳng phải hạnh vững

Người diệt hạnh pháp

Chẳng phải pháp bền.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần