Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÂN NIỆM XỨ  

TẬP MƯỜI BỐN  

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân thông qua núi Đa Lê Na La xem có những núi, biển và đảo nhỏ nào không?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy vượt qua khỏi dãy núi kia rồi, có một biển lớn rộng năm ngàn do tuần.

Trong biển có cá dài một do tuần, còn có loài người ở nước thân dài năm do tuần, khuôn mặt giống gần hết mặt của các loài thú như: Heo, trâu, bò, lạc đà, sư tử, cọp, beo, khỉ… như dấu ấn của con dấu.

Vượt qua biển này rồi, có một núi lớn tên là núi Nhật luân, nơi đây tất cả các sự ham muốn thảy đều đầy đủ, như là: Ao hoa sen Trời, trái cây thượng vị, nếu ăn những trái cây này thì sẽ phát sinh sự vui vẻ trong bảy ngày. Vua Khẩn Na La sống trên núi ấy, do nghiệp của mình tạo ra nên thường hoan hỷ, tùy theo nghiệp bậc thượng, trung, hạ mà họ được vui vẻ thọ lạc với nhau.

Núi Nhật luân này rộng hai ngàn do tuần. Vượt qua dãy núi ấy rồi, lại có một ngọn núi tên Quân đồ ma, do bạch ngân làm thành. Núi này có đá Tỳ Lưu Ly tráng lệ như Cõi Trời, lại có loại cây gọi là cây nữ, cùng với vô số các thứ cây cối khác đầy khắp cả núi.

Khi Trời sắp sáng, trẻ con được sinh ra, mặt trời mọc lên thì có thể đi được, đến giờ ăn, chúng đều thành thiếu niên, đúng giữa trưa thì trở thành thanh niên khỏe mạnh, xế chiều thì đã già nua, suy yếu, phải chống gậy đi, đầu tóc bạc trắng, tới lúc mặt trời lặn thì tất cả đều chết. Như vậy, hết thảy chúng sinh do cộng nghiệp mà tạo tác, tùy theo nghiệp tạo tác mà chịu quả báo.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân thông qua núi Quân đồ ma xem có những núi, biển và đảo nhỏ nào không?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy về phía Nam, qua khỏi dãy núi này có một biển lớn. Dưới mực nước biển năm trăm do tuần có cung của Rồng chúa, được trang sức do các thứ báu như Tỳ Lưu Ly, nhân đà xanh… lan can bằng pha lê, cung điện được trang nghiêm bằng ngọc ma ni sáng và các vật báu khác tỏa ra ánh sáng như ánh sáng mặt trời. Các cung điện như vậy nhiều vô số. Do nghiệp đã tự tạo, Long Vương Đức xoa ca sống ở đây, ngày đêm thường tu hành Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Qua khỏi cung điện báu khoảng năm trăm do tuần có một biển dữ lớn, tất cả chúng sinh trông thấy cũng đều sợ hãi, nhiều rồng hung tợn, độc ác luôn bơi lội quanh biển ấy.

Qua khỏi biển này lại có một ngọn núi tên là Ngưu Vương, có đủ tất cả các chúng sinh. Núi này sản sinh ra một loại hương ngưu đầu chiên đàn. Loại chiên đàn thứ hai là màu vàng, tướng của loại ấy như ánh sáng mặt trời, tất cả người phàm tục không thể thấy được.

Nếu con người tuân theo Chánh Pháp thì bậc Chuyển luân Thánh Vương xuất hiện ở đời, hoặc là vị Vua nhỏ thi hành đúng luật pháp xuất hiện ở đời. Như Vua chuyển luân thì có thể thấy được chiên đàn ấy. Vua Càn Thát Bà sống ở trong núi này hát múa, vui chơi.

Qua khỏi núi Ngưu vương năm trăm do tuần có một biển lớn tên là Đại thủy mạt, có tiếng gió thổi lớn. Vượt qua biển ấy rồi có một núi lớn tên là Tam phong, ngọn thứ nhất là núi vàng, ngọn thứ hai là núi bạc, ngọn thứ ba là núi pha lê.

Ngọn núi này có hồ tên là Mạt luân, đáy hồ óng ánh cát vàng, hoa Trời trang nghiêm rực rỡ, vịt Trời, ngỗng, uyên ương đầy khắp trong hồ, gió thổi làm lay động mặt nước, tạo sóng đánh vào ba ngọn núi làm chết nhiều cá hơn, những con cá này do nghiệp của chúng mà bị sóng đánh chết.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân vượt qua biển lớn rồi lại có những núi, sông và đảo nhỏ nào không?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy qua biển lớn phía trước có một nơi để Vua Diêm La phán quyết việc tội phước. Tất cả chúng sinh đều chứng kiến nơi quyết định nghiệp quả này. Đó là cảnh giới của Vua Diêm La cư trú. Vua Diêm La xử trị các tội nhân theo pháp, những chúng sinh do bị tâm lừa dối phải ở trong những nơi tối tăm. Vượt khỏi nơi này một trăm do tuần chỉ là hư không.

Qua một trăm do tuần nữa là đến cung điện của Vua Diêm la ở. Cung điện của Vua được làm bằng vàng Diêm phù na đề, được trang nghiêm bằng tất cả những thứ náu. Những dòng sông, con suối, dòng nước, hoa sen đều tô điểm cho cung điện. Cung điện ngang rộng một trăm do tuần. Ánh sáng nơi cung điện này như mặt trời thứ hai.

Qua khỏi cung điện ấy thì không còn có ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tất cả tối đen như mực vì biển rộng mênh mông, mặt trời không xuất hiện là do nghiệp ác của chúng sinh nơi địa ngục. Khắp chốn đều tối đen, mắt không thể nhìn thấy, không biết được đâu là Đông Tây.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem khắp chỗ ở của chúng sinh, hoặc là ở địa ngục, hoặc là sông, hoặc là núi, hoặc nơi cây, hoặc nơi biển, hoặc là chỗ ở của Chư Thiên, hoặc đường súc sinh, hoặc đường ngạ quỷ, tám phương trên dưới nào có nhiều chúng sinh không sinh ra, không chết đi, không phát triển, cũng chẳng hoại diệt, có nhiều sự ân ái nào không có chia ly, không một nơi nào không tan hoại, không thay đổi, ân ái vô thường nên nhất định có phân ly.

Như vậy, này các Tỳ Kheo! Chưa từng thấy ở nơi nào yêu thương mà không bị chia lìa. Trong năm đường, nơi nào yêu thương cũng bị chia lìa. Tùy theo chỗ ở của các chúng sinh, không có nơi nào là không có sinh tử, sinh diệt vô thường. Thế nên, đối với sự sinh tử của các pháp hữu vi ấy nơi các hành phải phát sinh nhàm chán, xa lìa.

Sự sinh tử này chính là sự lầm lạc, loạn động và chướng ngại, có nhiều ưu sầu, mau chóng, không dừng hủy hoại, tan biến, được rồi lại mất, như huyễn, như mộng, có rồi lại không. Chỗ ái ân này luống dối, mê hoặc kẻ ngu si, khiến cho mãi lưu chuyển từ vô thỉ.

Chỗ tham dục, sân hận, si mê này giống như oan gia, giả làm bạn thân chính là ái dục. Thế nên cần phải xa lìa pháp hữu vi, phát khởi tâm nhàm chán, bỏ tâm loạn động, chớ nên phát sinh sự ưa thích đối với cảnh giới vô thường, chớ nên vui chơi với sự ngu si.

Như vậy, người tu hành chỉ dạy cho chúng sinh tùy thuận quan sát đúng như thật về bốn mươi chỗ ở ngoài thân, thấy không một chúng sinh nào không nương vào nghiệp mà thọ sinh, không một chúng sinh nào không do nghiệp mà lưu chuyển, không một chúng sinh nào không bị nghiệp trói buộc như những nghiệp đã tạo hoặc là nghiệp thiện, hoặc là nghiệp bất thiện mà chúng sinh phải chịu quả báo.

Khi quan sát, Tỳ Kheo kia thấy không có một chúng sinh nào chẳng nương vào nghiệp mà thọ sinh, chẳng do nghiệp quản thúc, không do nghiệp mà bị lưu chuyển, như những nghiệp đã tạo, hoặc thiện hoặc bất thiện mà chúng sinh chịu quả báo.

Vị Tỳ Kheo ấy quan sát về nghiệp rồi thì tùy thuận chánh quán đúng như thật về ngoại thân.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem vùng đất phía Tây cõi Diêm Phù Đề, núi, sông, biển và đảo nhỏ như thế nào?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có sông lớn tên là Phú na, có các loài cây hoa như cây bà cưu la, cây bà trù ca, trái khư thù la, hoa chi đa ca, cây na lê chi la, cây đa ma la. Các loại cây như trên đây tạo sự trang nghiêm cho dòng sông ấy. Lại có nhiều hang núi và bên bờ sông có nước tên là Chi Ca Di.

Qua khỏi biên giới nước này có sông tên Tân đầu. Bên bờ sông có nước Tô Tỳ La, dân chúng đông đúc, cuộc sống thịnh vượng, vui sướng, ăn thứ lúa gạo đỏ, đất nước an lạc, núi, rừng, sông nước hữu tình.

Qua khỏi nước này có một nước khác tên là Tô la sa tra.

Qua khỏi nước này, có một nước khác tên là Ba La Đa, rộng hai mươi do tuần, trong nước có nhiều thạch lưu, bồ đào. Nước này có thành Di Đa La Bồ Ca. Qua khỏi thành này có năm con sông lớn cùng hợp lại thành một dòng sông. Từ đây đi về phía Tây có một biển lớn, trong biển có rất nhiều loài cá dữ và thú dữ rất đáng sợ.

Người tu hành thấy vùng biển phía Tây có một đảo lớn tên là Ca La, rộng một trăm do tuần, rất nhiều giống chim sống ở đảo ấy. Có nhiều loại cây báu rất đáng ưa thích. Đây là chỗ Tỳ Đồ Tha sinh sống, vui chơi thọ lạc. Thành ở đây tên là Bát Lợi Đa. Chỗ ở thứ hai gọi là Trường Phát, nơi này rất đáng yêu. Đảo Ca La ấy có lầu gác, cung điện và rất nhiều dòng nước.

Vượt qua chỗ này lại có sông Tân Đầu, sông chảy vào cửa khẩu Tây hải. Có một núi lớn tên là Tô Khí ở trong biển ấy, trên núi này có rất nhiều san hô. Có người đi buôn nào lên núi này thì sẽ lượm được nhiều vật quý báu, giàu có, vui sướng vô cùng.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem qua khỏi ngọn núi này rồi có những núi, biển và đảo nhỏ nào không?

Có những loài quỷ La sát sống ở những nơi nào?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có một biển lớn, có rất nhiều cá to đến năm ngàn do tuần, rất nhiều loại ốc, cá ma già la, cá đề di, cá đề di nghê la, khuấy động nước biển, gió thổi biển lớn làm cho các loài cá bơi loạn xạ.

Người tu hành lại quan sát, qua khỏi biển này rồi lại có một đảo lớn gọi là nước Sư tử, làm mọi người đều ưa thích. Nước này có rắn thân dài mười dặm, bay lượn trong hư không chẳng bị chướng ngại, sống đến một ngàn năm, không ganh ghét lẫn nhau.

Người tu hành lại quan sát, qua khỏi đảo này rồi có một biển khác gọi là biển Khả ái, rộng năm trăm do tuần, trong biển này có rất nhiều hoa sen và các loài ong tô điểm, đài hoa rộng lớn. Có các loài La Sát tên Cưu La La sống trong biển ấy, ăn đài hoa sen thích ý, no say.

Người tu hành lại quan sát, qua khỏi nơi này lại có một núi lớn tên là Khoáng dã, cao rộng một trăm do tuần. Trên núi có nhiều voi trắng và chim Ca lăng tần già tiếng hót rất hay. Tiếng hót hay như vậy, dù là Trời hoặc là người, hoặc là các loài Khẩn Na La, A Tu La… không một ai sánh bằng, ngoại trừ Đức Như Lai.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem qua khỏi núi lớn này lại có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi lớn cao năm mươi do tuần. Núi này có rất nhiều cây Tỳ Lưu Ly, có những con sư tử đầy đủ lông cánh, giữ gìn rừng cây báu vì sợ La sát Mạn Đề Ha đến xâm chiếm.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân vượt qua cõi Diêm Phù Đề lại có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào không?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy biển phía Tây rộng một vạn hai ngàn do tuần. Trong biển lớn ấy không có núi, không có thành, chỉ có loài cá hoặc mình cá đầu voi, hoặc mình cá đầu heo.

Người tu hành lại quan sát, qua khỏi biển này rồi lại có một núi lớn tên là Kim Sơn. Núi này sáng chói, chiếu khắp biển lớn, làm cho nước trong biển giống như sắc vàng ròng tạo sự trang nghiêm cho núi. Núi cao ba trăm do tuần, rộng năm mươi do tuần, có Càn Thát Bà tên Diêm Phù Ma Lợi sống trên núi, lòng thường vui vẻ, tuổi thọ đến hai ngàn năm, nhưng cũng có kẻ chết yểu nửa chừng.

Vô số trăm ngàn chúng Càn Thát Bà sống trong núi ấy, thân như màu vàng ròng, tất cả sắc tướng cùng loại với tướng của Chư Thiên, ăn những trái cây, tánh tình dũng cảm, mạnh mẽ. Tất cả A tu la sống dưới nước không thể chiếm đoạt vườn cây trái của chúng Càn Thát Bà.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem qua khỏi biển này rồi lại có những núi, biển và đảo nhỏ nào không?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy vượt qua biển này gấp năm lần có một núi Đại Luân do vàng ròng tạo thành, cao một ngàn do tuần, rộng năm trăm do tuần, Kim Cang làm đỉnh, có Khẩn Na La và A Tu La sinh sống. Chân Na La này có vườn rừng rất đáng yêu, sông suối, ao hồ và nhiều loại hoa quả dành cho khỉ vượn leo trèo vui chơi. Sông tên là Kim thủy, rộng nửa do tuần, dưới sông này có rất nhiều cá vàng bơi lội, vảy sáng óng ánh.

Người tu hành lại quan sát, qua khỏi Luân Sơn này rồi có thêm một biển lớn chu vi một vạn do tuần. Biển này có một đảo nhỏ gọi là bãi châu báu. Trong đảo nhỏ này có rất nhiều loại vật quý không xen lẫn đất đá, khắp mặt đảo toàn là những thứ châu báu.

Người tu hành lại quan sát xem qua khỏi bãi biển này rồi có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào không?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có một núi lớn tên là Bạch sơn, có rất nhiều cây rừng. Sắc núi trắng trong, bọt nước bao quanh chân núi, núi cao một trăm do tuần, rộng năm trăm do tuần.

Người tu hành lại quan sát thấy: Vượt khỏi núi này lại có một núi khác tên là Thiện Vân, cao một trăm do tuần, rộng sáu mươi bốn do tuần, chẳng có người ở. Dạ Xoa và Khẩn Na La đều sợ A tu la nên không một loài nào dám ở đây.

Qua khỏi núi này, lại có một núi Pha lê cao ba ngàn do tuần, rộng một ngàn do tuần. Sông, hồ, cây trái tất cả đều đầy đủ, giống như núi Trời. Vượt qua núi này có một dòng nước lớn trong suốt, rộng một trăm do tuần, có nhiều sò ốc và khó di chuyển trên dòng nước ấy.

Qua khỏi dòng nước này rồi, lại có núi Tiên quang. Các A Tu La sống trên núi ấy thường sợ các chúng Trời. Có nhiều thể nữ đoan nghiêm, xinh đẹp, có sông rượu chảy ra đầy dẫy, lại có quả chân baca và quả niêm na nơi núi Tiên quang. Mùi vị của những thứ trái này rất ngon, nhưng ăn vào sẽ bị chết.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem có những núi, sông, biển và đảo nhỏ nào không?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy sáu vạn ngọn Kim sơn, cây vàng ròng hiện bày đầy khắp núi, cầm thú nhiều đủ loại. Núi này, nơi nào cũng có ao hoa sen vàng phát ra ánh sáng lớn tỏa chiếu khắp. Núi chúa Tu Di ở trong những dãy núi này.

Các Trời Man trì, Trời Ca lâu túc, Trời Tam không hầu, Trời Tứ Thiên Vương sống trên núi ấy. Trên núi này có cây như ý, tùy theo ý nghĩ của Chư Thiên mọi thứ đều từ cây sinh ra. Tất cả những loài cầm thú, thân đều có sắc vàng óng ánh.

Có rất nhiều loài hoa, như: Hoa Mạn Đà La, Hoa Câu Xa Da…

Bốn bên ven núi có bốn rừng lớn: Một là rừng Hoan Hỷ, hai là rừng Tạp Điện, ba là rừng Tiên Minh, bốn là rừng Ba Lợi Da Đa. Trong vườn rừng Hoan Hỷ có một cây lớn gọi là Ba Lợi Da Đa, ở dưới tàng cây này vào bốn tháng mùa hạ Chư Thiên thọ hưởng năm thứ dục lạc.

Trời Tứ Thiên Vương ở trong vườn rừng Hoan Hỷ vui chơi thọ lạc. Trời Tứ Thiên Vương sống trong vườn này sung sướng thọ hưởng dục lạc cho nên gọi là vườn Hoan Hỷ. Rừng Tiên Minh là rừng được những tia sáng tạo vẻ trang nghiêm nên gọi là rừng Tiên Minh. Rừng Tạp điện là rừng có nhiều cung điện xen lẫn.

Các Thiên Tử ở đây vui chơi thọ hưởng những màu sắc đáng yêu, âm thanh êm dịu, hương vị thơm ngon, sự xúc chạm êm ái nên có tên là rừng Tạp điện. Rừng Ba Lợi Da Đa nằm trong rừng Hoan Hỷ, là nơi tất cả Thiên chúng thọ hưởng năm thứ dục lạc, nhờ sức chiếu sáng của nó khiến cho ở cõi Diêm Phù Đề nhìn lên hư không đều thấy toàn là màu xanh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần