Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Bảy - Pháp Hội Phú Lâu Na - Phẩm Thứ Ba - Phẩm Bất Thối - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI BẢY

PHÁP HỘI PHÚ LÂU NA  

PHẨM THỨ BA

PHẨM BẤT THỐI  

PHẦN MỘT  

Đức Phật bảo Ngài Phú Lâu Na: Bồ Tát thành tựu bốn pháp có thể chẳng thối chuyển nơi vô thượng bồ đề.

Những gì là bốn?

Một là Bồ Tát nghe pháp chưa nghe suy nghĩ nghĩa lý chẳng vội liền nói là sai, do đây chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề.

Nghe pháp chưa được nghe

Lòng Bồ Tát chẳng nghịch

Suy lường nghĩa lý ấy

Chẳng vội nói phi pháp

Nếu nghe nói pháp không

Thường tìm nghĩa lý ấy

Vì thế trí huệ tăng

Phật Pháp từ đây sanh

Nghe pháp chưa từng nghe

Phải tìm cầu nghĩa lý

Chẳng thối chuyển bồ đề

Trí huệ được tăng trưởng

Nghe pháp chưa từng nghe

Chẳng sanh lòng ghét khinh

Chẳng sanh lòng siểm khúc

Sanh thì trái bồ đề

Nghe pháp chưa từng nghe

Phải tìm hiểu nghĩa ấy

Trước dầu chưa từng nghe

Phải nhất tâm suy gẫm

Lúc người này cầu pháp

Thì được nghe chánh pháp

Thường được gặp Chư Phật

Chẳng thối thất bồ đề

Đã được thấy Phật rồi

Thì có thể thỉnh hỏi

Người Thanh Văn được nghe

Đều lấy làm vui mừng

Người này rất hy hữu

Có thể hỏi như vậy

Chúng tôi còn vô tâm

Huống được nghe sự ấy

Thanh Văn khen hy hữu

Thiên Thần đều vui mừng

Chư Phật khen tên hiệu

Đây là quả Đa Văn

Nếu có lúc thưa hỏi

Phật đáp được lời hỏi

Vô lượng các đại chúng

Đều được lợi ích lớn

Được nghe nơi Bồ Tát

Đa Văn này hỏi đáp

Vô lượng chúng đều được

Pháp nhãn tối vô thượng.

Này Phú Lâu Na! Do nhân duyên ấy phải biết Bồ Tát nghe pháp chưa nghe tin nhận chẳng trái, chánh tâm suy gẫm chẳng vội nói sai thì có thể lợi ích vô lượng chúng sanh.

Này Phú Lâu Na! Quá khứ xưa vô lượng vô biên bất tư nghị A tăng kỳ kiếp, bấy giờ có Phật Hiệu là Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, thọ tám mươi ức tuổi, hội thứ nhất độ chúng Thanh Văn đệ tử chẳng thọ một pháp lậu tận giải thoát số đông như số cát Sông Hằng chẳng tính đếm được, chúng Bồ Tát cũng đông nhiều như vậy.

Sau khi Phật ấy diệt độ, chánh pháp trụ thế sáu vạn năm, vì lúc ấy Phật sắp nhập Niết Bàn có trăm ức Bồ Tát đồng hưng khởi thần lực để Hộ pháp đều khắp trăm ức Diêm Phù Đề, trong mỗi Diêm Phù Đề đều có một Bồ Tát.

Này Phú Lâu Na! Sau khi Phật Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Vương nhập diệt, chúng đệ tử lần lần giải đãi, chẳng còn tụng trì Kinh sâu diệu như vậy. Kinh Chư Pháp Không Kinh Tịnh Giới Đầu Đà đều lần lượt diệt mất, vì chúng chẳng có thể đọc tụng diễn nói vậy.

Pháp ấy rộng lớn có tám trăm bốn vạn pháp tạng. Mỗi Pháp tạng có sáu mươi tám trăm vạn ức na do tha Tu Đa La. Mỗi Tu Đa La có ba vạn sáu ngàn Ưu Đà Na. Mỗi Ưu Đà Na có bảy trăm sáu vạn ức kệ.

Lúc tối hậu pháp sắp diệt ở trong ngần ấy pháp tạng còn dư lại chỉ có một Tu Đa La Ưu Đà Na, bấy giờ có một Tỳ Kheo Pháp Sư tên Na La Diên ở trong Diêm Phù Đề này được Phật ban thần lực để Hộ Pháp.

Pháp Sư Na La Diên ấy Đa Văn rộng rãi giỏi thuyết pháp nghiêm sức văn từ nghĩa lý rõ ràng, thường ưa nói pháp chưa từng nghe. Lúc thuyết pháp có đa số thính chúng trái nghịch huỷ báng.

Pháp Sư Na La Diên liền nghĩ rằng, nơi pháp chưa từng nghe này thính chúng đây nghe chẳng tin được, chẳng thích nghe nhận, nếu nghe mà chẳng hiểu thì lòng họ chẳng tuỳ thuận trái nghịch phá hoại mà cho là chẳng phải Phật nói, chẳng phải Đại Sư dạy.

Tại sao, vì chúng nó chưa từng được nghe Sư Trưởng Hòa Thượng nói Kinh như vậy, lại các hàng Trưởng Lão Tỳ Kheo cũng lại chẳng nói là được xoay vần nghe nơi Sư Trưởng Hòa Thượng, nay Chư Tỳ Kheo chỉ còn dư một Tu Đa La Ưu Đà Na, tại sao tôi chẳng ở riêng mình nơi rảnh rang vắng vẻ.

Pháp Sư Na La Diên suy nghĩ như vậy rồi, một mình vào thâm sơn. Bấy giờ trong Diêm Phù Đề từ kiếp sơ đến nay có sáu vạn tám ngàn thành lớn, thành dài mười hai do tuần, rộng bảy do tuần trang nghiêm đẹp, đường sá tương đương nhân dân đông đúc an ổn giàu vui.

Sau đó nối tiếp tạo tám mươi bốn ức thành nhỏ, có thành rộng bảy do tuần, hoặc rộng sáu năm bốn ba hoặc hai do tuần, thành nhỏ nhất rộng một do tuần.

Lúc ấy trong Diêm Phù Đề có một thành lớn tên là An Lạc, trong thành ấy có một Trưởng Giả tên là Xà Nặc, ông này có một con trai tên là Ma Ha Nựu Ma Đà.

Có một Thiên Thần đến nói với Trưởng Giả Tử Ma Ha Nựu Ma Đà rằng:

Ngài phải siêng cầu pháp

Cầu rồi chánh tư duy

Công Đức Vương Như Lai

Đã ký Ngài làm Phật.

Thiên Thần nói kệ xong liền ẩn mất.

Trưởng Giả Tử đến thưa với cha rằng: Tôi muốn xuất gia ở trong pháp của Phật Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Vương tu phạm hạnh.

Xà Nặc Trưởng Giả nói kệ đáp rằng:

Nhà ta nhiều của báu

Bạc vàng vô số lượng

Diêm Phù Đề không có

Mà nhà ta có đủ

Ta tìm cầu của báu

Cho con hưởng dục lạc

Sao con đi xuất gia

Bị đời họ khinh miệt.

Ma Ha Nựu Ma Đà nói kệ đáp cha:

Tôi ưa thích cầu pháp

Cầu rồi chánh tư duy

Chẳng thích thọ giàu sang

Sẽ làm Phật trong đời

Chẳng cần gia nghiệp giàu

Tôi muốn tìm thiểu dục

Sản xuất những pháp tài

Nay phải đi xuất gia

Chư Phật xuất thế khó

Phật thuyết pháp cũng khó

Nay tôi gặp Phật Pháp

Sao lại rời bỏ pháp.

Trưởng Giả Tử đầu mặt lạy chân cha, rồi đi ra mà nói kệ rằng:

Dầu có một ức cha

Và có trăm ức mẹ

Còn chẳng ngăn được tôi

Lòng tôi quyết xuất gia

Tôi bỏ thân thọ mạng

Cha me, thân tộc, của

Chỉ chẳng bỏ Phật Pháp

Sẽ xuất gia cầu đạo.

Nói kệ xong Trưởng Giả Tử xuất gia hành đạo, đến Pháp Sư Na La Diên cầu muốn nghe pháp. Pháp Sư liền giảng nói Kinh chưa từng nghe.

Tỳ Kheo Ma Ha Nựu Ma Đà nghe Kinh chưa từng nghe rồi thưa hỏi Pháp Sư Na La Diên rằng Kinh này từ trước chưa từng nghe, ai đọc, ai tụng, ai thọ trì, từ đâu Ngài được nghe?

Pháp Sư Na La Diên nói: Ta do túc mạng thiện căn và cũng nhờ thần lực của Phật Công Đức Vương nên Kinh thâm diệu ấy tự nhiên tại tâm. Nghe Pháp Sư nói như vậy, Tỳ Kheo Ma Đà chuyên lòng suy gẫm liền sanh trí huệ, dùng sức phương tiện đại trí huệ gạn hỏi Pháp Sư Na La Diên.

Pháp Sư ấy theo nghĩa giải đáp xong bảo Tỳ Kheo Ma Đà rằng thời kỳ Phật Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Vương có một Tỳ Kheo hỏi Phật về sự ấy như lời ông vừa hỏi và Phật cũng giải đáp như vậy.

Tỳ Kheo Ma Đà nghe nói vui mừng lại thưa hỏi Pháp Sư, giải đáp xong Pháp Sư cũng bảo là xưa kia thuở Phật Công Đức Vương có một Tỳ Kheo hỏi như vậy và Phật cũng giải đáp như vậy.

Nghe xong Tỳ Kheo Ma Đà vui mừng rồi lại bạch hỏi Pháp Sư, giải đáp xong Pháp Sư lại cũng bảo là thuở Phật Công Đức Vương cũng có một Tỳ Kheo hỏi như vậy và Phật cũng giải đáp như vậy. Nghe Pháp Sư nói Ma Đà vui mừng bạch rằng thuở trước Ngài theo Phật nghe được bao nhiêu sự vấn đáp như vậy.

Pháp Sư Na La Diên nói thôi chớ hỏi, sự ấy khó tin, những người chưa thiệt chứng pháp tăng thượng cũng khó tin. Tỳ Kheo Ma Đà lại hỏi như vậy lần thứ hai thứ ba. Pháp Sư Na La Diên bảo thôi chớ hỏi, sự ấy khó tin. Nay bất đắc dĩ dùng thí dụ nói cho ông. Các người có trí do thí dụ mà được hiểu.

Này Tỳ Kheo! Ở chỗ Phật Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Vương, ta được nghe tánh chúng sanh nhiều hơn địa chủng. Giả sử tất cả chúng sanh trong Cõi Tam Thiên Đại Thiên, hoặc loài có sắc không sắc, loài có tưởng không tưởng, loài chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, đều làm cho tất cả đều được thân người đều có sức trí huệ, mỗi mỗi chúng sanh ấy trong khoảng khảy ngón tay có thể khởi hằng hà sa lời hỏi khác nhau.

Này Tỳ Kheo! Cứ như vậy lần lượt đến vô dư Thế Giới mười phương, tất cả chúng sanh hoặc một kiếp hoặc hơn một kiếp phát khởi lời hỏi khác nhau. Lại có một người, có khả năng trong thời gian khảy ngón tay phát khởi ngần ấy lời hỏi của tất cả mọi người trước.

Một người như vậy lần lượt lại hết tất cả vô dư chúng sanh hoặc một kiếp hoặc dưới một kiếp phát khởi các lời hỏi sai khác.

Này Tỳ Kheo! Ý ông thế nào, những lời hỏi trên ấy có nhiều chăng?

Bạch Pháp Sư! Rất nhiều, chẳng phải thí dụ mà có thể thí dụ được.

Này Tỳ Kheo! Nay ta nói rõ với ông, chớ có nghi hối. Như tất cả vô dư chúng sanh ấy phát khởi lời hỏi sai khác hoặc trong một kiếp hoặc dưới một kiếp, ta theo Phật nghe lời hỏi đáp trong một pháp môn còn nhiều hơn. Như vậy hai môn ba môn đến muôn ngàn trăm ức môn.

Này Tỳ Kheo! Ta sẽ lược nói tất cả bao nhiêu toán số danh tự vô lượng vô tận chẳng thể nghĩ bàn còn hơn các số này, ta đều tụng trì cả.

Này Tỳ Kheo! Các lời đáp ấy đều ở trong một pháp môn, ta đều biết rõ. Đó là Đức Phật Công Đức Quang Minh Vương nói những câu đạo, câu môn, câu ấn, câu bổn sự, câu Kim Cương, câu trọng, câu bất khả động, câu khó thấu đáo.

Này Tỳ Kheo! Trong một môn nhiếp tất cả pháp, đó là môn vô tác. Môn này là gốc của tất cả pháp tất cả câu, tất cả đều vào môn này. Tất cả Tu Đa La Ưu Đà Na đều vào môn câu, phân biệt một chữ hay vào nhiều chữ.

Này Tỳ Kheo! Như vậy, hay vào bảy vạn tám ngàn môn Đà La Ni, trong ấy có chín vạn hai ngàn các căn sai biệt. Trong môn chúng sanh hành ấy có tám vạn ức hình sắc nơi các loài sai khác. Các hình sắc ấy, ta biết tên nó.

Trong mỗi mỗi sắc ta biết trăm tên hai trăm tên ba trăm tên nhẫn đến biết ngàn tên đều ở tại Diêm Phù Đề, và lại khắp đến mười phương Phật Quốc, trong ấy có những duyên những danh tự ta đều biết được cả.

Tóm lại, bao nhiêu trí lực của Phật ở trong các pháp có những sai biệt hỏi đáp khác nhau ta đều biết được cả, đó là sức oai thần của Phật Công Đức Quang Minh Vương gia bị cho ta vậy.

Bấy giờ Tỳ Kheo Ma Đà thưa Pháp Sư Na La Diên rằng: Ngưỡng mong Chánh Sĩ trở lại thành ấp tụ lạc để chuyển pháp luân của Phật Công Đức Quang Minh Vương, tôi sẽ hộ vệ để được lãnh thọ giáo pháp.

Pháp Sư Na La Diên bảo: Thôi chớ có thỉnh ta. Đời nay Tỳ Kheo phần nhiều giải đãi, không có ai quyết muốn chứa họp pháp lành. Tỳ Kheo Ma Đà thưa từ này tôi ở nơi pháp lành quyết mong muốn chẳng dám giải đãi, mong Pháp Sư trở vào tụ lạc thuyết pháp, tôi sẽ theo hộ vệ thưa hỏi để được nghe Kinh chưa từng nghe.

Này Phú Lâu Na! Ma Đà Tỳ Kheo thuở ấy được phần đông đại chúng cúng dường cung kính. Thời nhân gọi ông là người trì giới Đa Văn tối thượng công đức vô lượng.

Bấy giờ Tỳ Kheo Ma Đà vào thành ấp tụ lạc khen ngợi Pháp Sư Na La Diên để khiến chúng sanh vào chánh pháp, và cũng khiến Phật Pháp được lưu bố khắp mọi nơi. Ma Đà dắt dẫn nhiều người cúng dường cung kính hộ vệ Pháp Sư Na La Diên để được nghe pháp.

Sau đó, Pháp Sư Na La Diên được Ma Đà thủ hộ rồi vào thành ấp tụ lạc nói rộng đạo bồ đề của Phật Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Vương đã tu tập trong A tăng kỳ kiếp khiến lưu bố khắp nơi.

Tỳ Kheo Ma Đà suốt trong một trăm năm thường theo Pháp Sư Na La Diên thưa hỏi chánh pháp thường là mới lạ chưa bao giờ nói lập lại.

Nhờ Tỳ Kheo Ma Đà hộ trợ, Pháp Sư Na La Diên khiến vô lượng chúng sanh an trụ trong chánh pháp, vô lượng chúng sanh an trụ Phật bồ đề.

Này Phú Lâu Na! Pháp Sư Na La Diên khéo giữ gìn chánh pháp khéo thuyết pháp thuở quá khứ ấy chính là Di Lặc Bồ Tát hiện nay vậy. Còn Tỳ Kheo Ma Đà hộ vệ Pháp Sư tá trợ thưa hỏi, do năng lực phước đức ấy sau khi mạng chung liền sanh nước Phật Thượng Chúng tại Thế Giới thứ mười ở Hạ phương.

Ở trước Phật Thượng Chúng ấy, ông hỏi Kinh Đoạn Nhất Thiết Chúng Sanh Nghi. Phật ấy nhiều lời khen lành thay tốt thay rồi vì ông ấy mà nói Kinh Đoạn Nhất Thiết Chúng Sanh Nghi, lúc thuyết Kinh ấy khiến vô lượng chúng sanh sơ phát tâm bồ đề liền nhập vào chánh định tụ.

Sau đó ông ấy lại gặp Phật Tu Di Sơn thưa hỏi Kinh Nhiếp Xuất Nhất Thiết pháp môn khiến vô lượng chúng sanh chánh định tụ đều được vô thượng bồ đề. Sau đó ông ấy lại gặp Phật Sơn Vương thỉnh hỏi Kinh Chư pháp môn khiến vô lượng chúng sanh quyết định nơi vô thượng bồ đề.

Sau đó ông ấy lại gặp Phật Phạm Âm Thanh thỉnh hỏi Kinh Nhiếp Nhất Thiết Pháp khiến vô lượng chúng sanh quyết định vô thượng bồ đề.

Lần lượt như vậy, Tỳ Kheo Ma Đà gặp Chư Phật thỉnh hỏi Kinh Pháp làm cho vô lượng vô số chúng sanh an trụ vô thượng bồ đề, nếu ta có dùng một kiếp hay hơn một kiếp để thuật nói Danh Hiệu Chư Phật ấy và những chúng sanh được an trụ vô thượng bồ đề cũng chẳng thể hết được.

Này Phú Lâu Na! Vì thế nên biết rằng Đại Bồ Tát nghe Kinh Pháp chưa từng nghe mà suy gẫm nghĩa lý thì được công đức lợi ích lớn như vậy.

Này Phú Lâu Na! Tỳ Kheo Ma Ha Nựu Ma Đà theo Pháp Sư Na La Diên nghe Kinh Pháp chưa từng nghe tùy thuận nghĩa thú ấy nay chính là Kiều Việt Đâu Bồ Tát vậy.

Thuở ấy Tỳ Kheo Ma Ha Nựu Ma Đà thủ hộ chánh pháp nghe Kinh chưa từng nghe tùy thuận nghĩa thú chẳng chấp ngôn từ, do đó mà gặp vô lượng Phật được nghe vô lượng Kinh thâm diệu.

Do nơi thiện căn thuở xưa ấy nên nay ở trước ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng thỉnh hỏi Kinh Nhiếp Nhất Thiết Pháp Đại Hải pháp môn. Lúc ta thuyết Kinh ấy có vô lượng chúng sanh được lợi ích lớn.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Bồ Tát nghe chưa nghe

Phải suy nghĩa lý Kinh

Chẳng nên vội nói rằng

Từ trước tôi chưa nghe

Nghe pháp chưa từng nghe

Chánh niệm suy nghĩa lý

Do đó trí huệ tăng

Như biển nhận các dòng

Đa Văn càng tăng thượng

Trí huệ tăng cũng vậy

Được nghe các Phật Sự

Rộng lợi ích chúng sanh

Họp Đa Văn như biển

Trí huệ không cùng tận

Giỏi biết được chương cú

Hạng nhất trong sai biệt

Thế nên phải nên nghe

Pháp chưa từng được nghe

Cầu pháp chưa từng nghe

Được quả báo vô thượng.

Lại này Phú Lâu Na! Hai là Bồ Tát chân thật tinh tấn, Bồ Tát thành tựu pháp này thì chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề. Đại Bồ Tát ở nơi sự cầu Đa Văn sanh lòng rất mong muốn, ở nơi sự rảnh rang vắng vẻ sanh lòng rất ưa thích, nhất tâm siêng cầu vô thượng bồ đề, cầu rồi vì dứt sân khuể mà tu tập từ quán, vì dứt tham dục mà tu tập bất tịnh quán, vì dứt ngu si mà tu tập nhân duyên quán.

Này Phú Lâu Na! Những gì là Bồ Tát tinh tấn, Bồ Tát tu tập tinh tấn thế nào?

Này Phú Lâu Na! Bồ Tát hoặc trong một kiếp hoặc dưới một kiếp, hoặc đi hoặc ngồi thường phát tinh tấn. Đây chẳng gọi là chân thật tinh tấn. Có Bồ Tát hoặc trong một kiếp hoặc dưới một kiếp tu hành tịnh giới khổ hạnh khó làm, đầy đủ đầu đà, tùy sở duyên sự sanh lòng nguyện cầu sâu mà rời lìa thiệt tướng các pháp, đây chẳng gọi là chân thật tinh tấn.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát chân thật tinh tấn được Chư Phật khen, người trí thế tục chẳng chê ghét?

Này Phú Lâu Na! Ở nơi Kinh chưa từng nghe đúng pháp không sâu diệu không có chút tướng dạng hiệp đệ nhất nghĩa, Bồ Tát chẳng trái chẳng nghịch biết rõ nghĩa ấy siêng phát tinh tấn lòng chẳng lui mất nghe nhận đọc tụng giải thuyết cho người. Đây gọi là Bồ Tát chân thật tinh tấn.

Vì nghe Kinh thâm diệu thông đạt nghĩa lý chẳng trái chẳng nghịch, tinh tấn như vậy được Chư Phật khen ngợi người trí thế gian chẳng chê trách được.

Thế nên Bồ Tát phát trang nghiêm như vậy: Chỗ mà chúng sanh thế gian chẳng thể thấu đáo được thì tôi ở trong ấy sẽ thấu đáo hết, chỗ mà chúng sanh thế gian có thể bị chìm mất tôi ở trong ấy chẳng nên để bị chìm, chỗ mà chúng sanh thế gian phải kinh sợ tôi ở trong ấy chẳng nên kinh sợ.

Tại sao?

Vì tôi phát trang nghiêm chẳng hiệp với thế gian, vì rời lìa thế pháp mà tôi phát trang nghiêm chớ chẳng phải đi trong thế pháp mà tôi phát trang nghiêm, vì chẳng đi trong thế pháp mà tôi phát trang nghiêm chớ chẳng phải vì tùy theo thế pháp mà tôi phát trang nghiêm, vì chuyển thế pháp mà tôi phát trang nghiêm.

Này Phú Lâu Na! Đây gọi là Bồ Tát chân thật tinh tấn. Bồ Tát thành tựu pháp thứ hai này thì chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề vậy.

Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Bồ Tát cầu thâm pháp

Thường siêng phát tinh tấn

Suy gẫm nghĩa lý ấy

Chẳng theo nơi âm thanh

Bồ Tát chẳng theo lời

Biết nói điều hư dối

Vì biết các pháp không

Chỉ cầu nơi lời lành

Nếu trong ngàn vạn ức

Vô lượng các kiếp số

Ngày đêm luôn đi ngồi

Chuyên tâm tu khổ hạnh

Mà chẳng tin thâm Kinh

Thì chẳng phải tinh tấn

Thấu đáo nghĩa lý sâu

Chẳng gọi là giải đãi

Tinh tấn được như vậy

Là chỗ khen của Phật

Thế gian chẳng thấu đáo

Bồ Tát thấu đáo được

Thế gian bị sợ mất

Bồ Tát chẳng sợ mất

Chuyên tâm thường mong cầu

Pháp không tịch chân diệu

Trong pháp không vô uý

Cũng không có lui mất

Vì trụ tướng ngã pháp

Nên sanh lòng sợ mất

Tán hoại tất cả pháp

Đây gọi đạo bồ đề

Chuyên tâm phát tinh tấn

Mau thành biển Đa Văn.

Lại này Phú Lâu Na! Ba là Bồ Tát khéo biết ngũ ấm, khéo biết mười hai nhập, khéo biết Thập bát giới, khéo biết mười hai nhân duyên, vì khéo biết các pháp nên thành tựu trí vô y chỉ, vì được trí vô y chỉ nên ở nơi tất cả pháp chẳng niệm chẳng phân biệt, vì chẳng niệm chẳng phân biệt nên thuyết pháp cho chúng sanh phá tất cả kiến chấp khiến trừ thân kiến.

Bồ Tát thành tựu pháp thứ ba này thì chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:

Bồ Tát biết ngũ ấm

Mười hai nhập đều không

Biết rõ thập bát giới

Thông đạt mười hai duyên

Chẳng tùy theo năm ấm

Biết thân này hư dối

Nơi các nội ngoại nhập

Đều biết nó tánh không

Biết các pháp như vậy

Biết rồi nói với người

Vì thế nên Bồ Tát

Trí huệ càng cao lớn.

Lại này Phú Lâu Na! Bốn là Đại Bồ Tát như sở kiết giới như sở thuyết giới đều khéo theo học không có khuyết phạm.

Những gì là Bồ Tát học giới?

Học tất cả pháp là Bồ Tát học giới.

Tại sao?

Vì Bồ Tát học tất cả pháp nên được trí tất cả pháp, do pháp trí ấy mà được vô phân biệt huệ, do huệ vô phân biệt ấy mà biết được tất cả sự.

Biết tất cả sự thế nào?

Bồ Tát biết hết tất cả nội sự, tất cả ngoại sự tất cả nội ngoại sự.

Cớ chi gọi là nội tên nội?

Phàm bao nhiêu chỗ thọ có thể tham trước thì gọi là nội thân, từ mười hai nhân duyên sanh, trong ấy chỉ có thế tục giả danh, đó là mắt này, tai này, mũi này, lưỡi này, thân này, ý này. Đây gọi là nội.

Vì pháp này được phàm phu tham trước nên gọi là nội, họ bảo rằng tôi sẽ được mắt như vậy, được tai mũi lưỡi thân và ý như vậy chẳng làm tai mũi lưỡi thân và ý như vậy.

Trong ấy chỉ do nghiệp duyên đã khởi mà có quả báo sanh nên gọi là nội, trong ấy sai biệt mà phàm phu tham trước gọi là mắt là tai mũi lưỡi thân ý đều gọi là nội cả.

Này Phú Lâu Na! Nội gọi là hai. Sự ấy hư dối. Những người phàm phu tham trước nhận lấy nó mà sanh tranh cãi. Nơi ấy, Đức Như Lai từ trước đến nay biết nó đúng thiệt nên chẳng tham trước.

Thế nào biết rằng Đức Như Lai biết nó đúng thiệt mà chẳng tham trước?

Đức Như Lai ở trong pháp ấy chẳng làm về nương.

Ai chẳng làm về nương?

Đó là ái kiết. Mắt chẳng làm về nương, rời mắt chẳng làm về nương. Tai mũi lưỡi thân ý chẳng làm về nương, rời tai mũi lưỡi thân ý chẳng làm về nương.

Tại sao, vì nơi các pháp, Đức Như Lai chẳng được nội chẳng được ngoại, thế nên trong pháp ấy Đức Như Lai chẳng làm về nương. Đức Như Lai là đấng nói lời chân thật, bảo các Tỳ Kheo rằng mắt chẳng phải là các ông cũng chẳng phải người khác.

Tại sao, vì bổn thể nó bất khả đắc nên pháp nào là mắt, mắt ấy thuộc ai, pháp nào là tai mùi lưỡi thân ý, thuộc về ai. Tại sao, vì bổn thể nó bất khả đắc vậy.

Này Phú Lâu Na! Mắt ấy, nay nên suy kiểm, tai mũi lưỡi thân và ý ấy, nay nên suy kiểm. Nơi pháp không chỗ tham thọ được. Tại sao, nếu có pháp nhận thọ thì sanh khổ não, vì sanh khổ não nên không có vui. Vì thế nên nơi pháp mà có nhận thọ thì đều thọ khổ não, nếu thọ khổ não thì chẳng rời lìa khổ.

Đây gọi là suy kiểm mắt suy kiểm tai mũi lưỡi thân và ý, không có nhập xứ, tại sao, vì nếu có chỗ nhập thì có chỗ xuất.

Thế nên Đức Như Lai nói mắt là không vô ngã vô ngã sở bổn tánh nó tự như vậy, tai mũi lưỡi thân ý không vô ngã vô ngã sở bổn tánh nó tự như vậy. Tánh ấy không có tánh, không có tánh như vậy thì không tác không hoại.

Pháp tánh như vậy, hoặc Chư Phật xuất thế hay chẳng xuất thế, tánh ấy luôn thường trụ. Ở nơi các pháp sanh, Đức Như Lai biết là chẳng sanh, nên Như Lai là đấng nói lời chân thật mà nói rằng hoặc có Phật hay không có Phật Tánh ấy thường trụ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần