Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BẢY
PHẨM THÂN NIỆM XỨ
TẬP MƯỜI
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, hoạt động như thế nào?
Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có một loại gió gọi là Thị thùy miên, nếu không điều hòa thì sẽ gây ra những bệnh gì?
Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió thị thùy miên nếu không điều hòa thì lúc nghe pháp khiến người ngủ mê, không thích nghe pháp thiện, nghe pháp ác thì tỉnh táo. Ban ngày hay ban đêm muốn chánh niệm quán xét thì bị não loạn, ưa đến quán rượu. Nếu gió ấy điều hòa thì không có các bệnh này. Quan sát gió thị thùy miên rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì ở trong thân, hoạt động như thế nào?
Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có một loại gió gọi là Sân phong ở trong thân, nếu không điều thuận sẽ gây ra những bệnh gì?
Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió Sân giận, nếu không điều hòa thì dù gặp một việc nhỏ cũng liền sinh giận dữ.
Vì bị sân hận sai khiến nên người đời hay khởi sân dữ dội, lông trên thân dựng đứng, tâm kích động mạnh, thấy biết không rõ ràng, gần cho là xa, thấy Mặt Trời, mặt trăng tâm sinh điên đảo, gọi Mặt Trời là Mặt Trăng, Mặt Trăng là Mặt Trời. Nếu gió ấy điều hòa thì không có các bệnh này. Quán xét gió sân hận rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì ở trong thân, hoạt động như thế nào?
Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có một loại gió gọi là Danh tự, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió Danh tự, nếu điều hòa thì người có thể nói năng, duyên vào tâm sở pháp, lưỡi tự nói được theo ý nghĩ, có thể nói rất nhiều lời lẽ, danh tự, câu nghĩa. Đó là gió của lưỡi nêu bày danh tự. Nếu gió ấy không điều hòa thì ít nói văn tự, nói sai lầm, hoặc câm không nói. Quan sát gió thiệt danh tự rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, hoạt động như thế nào?
Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có một loại gió gọi là Hoại vị ở trong thân.
Gió này nếu không điều hòa sẽ gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió hoại vị khi không điều hòa làm cho loài trùng ưa thích vị ngọt trong lưỡi của người hoạt động. Vì loài trùng này hoạt động khiến người không thể ăn tất cả những món ăn ngon được ưa thích.
Do không ăn nên thân thể yếu gầy, không thể đọc tụng, tu học, thiền định và tu các pháp lành. Thân không điều hòa, tâm không ưa nghe Chánh Pháp. Danh, sắc làm duyên cho nhau mà tồn tại, giống như bó trúc dựa vào nhau mà đứng vững. Đó gọi là sức nương dựa vào nhau.
Như vậy, danh sắc đều nương vào nhau, sự vận hành của các uẩn nhờ thức ăn mà tồn tại, như nước trộn với bột khô được gọi là hồ. Mỗi thứ đều tạo sức lực, nhờ đó danh sắc tồn tại. Nếu gió hoại vị điều hòa thì không có các bệnh vừa kể trên. Quan sát gió hoại vị rồi người tu hành biết thân một cách rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Gây bệnh phổi ở trong thân.
Gió này không điều hòa sẽ gây ra bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy biết được gió này lúc không điều hòa thì khiến người khi ăn khó tiêu hóa, ban đêm thì bị đau nhức, khiến thức ăn cứ theo hơi thở cho đến lúc thức ăn tiêu hóa. Như vậy làm cho toàn thân đều mất sức, mạch máu như lưới đan chéo nhau. Nếu gió này điều hòa thì không có các bệnh đã nói trên. Người tu hành quan sát gió gây bệnh phổi rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Gió tạo mùi đi ở trên.
Gió này nếu không điều hòa sẽ gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió hội thối đi lên, làm cho thân, mũi và miệng có mùi hôi thối. Gió này hay làm cho hơi hôi thối thoát ra ngoài từ lỗ chân lông, từ thục tạng xông đến sinh tạng, làm cho toàn thân cứng đờ, rất khó chịu, ăn vào không thể tiêu hóa được, không thể ngồi thiền.
Từ ban ngày đến ban đêm đều không thể tu tập pháp lành. Nếu gió hôi thối đi lên điều hòa dễ chịu thì không có các bệnh vừa kể trên. Người tu hành quan sát gió tạo mùi đi ở trên rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Nơi đại tiện.
Gió này nếu không điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió nơi đại tiện nếu không điều hòa thì ba phần thịt nổi lên mụt nước, tạo thành bệnh trĩ, máu ở bên dưới giống như màu nước đậu đỏ, thân thể nóng sốt mê man, ưa thích ngủ nghỉ, gân và mạch máu co lại, ăn không tiêu, lưỡi nếm không biết mùi vị. Nếu gió này điều hòa thì không có những bệnh ấy. Quan sát gió đại tiện xứ rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Làm quên lãng ở trong thân.
Gió này điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Còn nếu không điều hòa thì sao?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió làm quên lãng nếu không điều hòa thì khiến cho ý nghĩ quên sót, phần nhiều quên lãng việc tu tập tụng kinh, không ghi nhớ được bốn phương, những cái thấy đều sai lầm, không nhớ được những việc đã qua, ăn vào cảm thấy đói liền nhưng không thể ăn nữa.
Lông trên thân thô nhám, móng tay móng chân cũng vậy. Thân thể không chịu được sự nóng lạnh, quên dần mọi việc. Nếu gió này điều hòa thì không có các bệnh như trên. Quan sát gió làm quên lãng rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Làm phát sinh sức lực.
Gió này nếu không điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió phát sinh sức lực nếu không điều hòa thì dẫu có ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng nhưng thân thể vẫn thường không có sức khỏe, như chất độc phá hoại thân thể. Vì gió này không điều hòa nên có những bệnh trên. Nếu gió ấy điều hòa thì không gây bệnh. Quan sát gió phát sinh sức lực rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Sinh sức lực cho thân tâm ở trong thân.
Gió này nếu không điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió làm phát sinh sức lực cho thân tâm, nếu điều hòa thì so với lúc trong thai, thân tâm dần dần mạnh thêm và làm cho tâm bạo dạn, biết được việc nên làm và không nên làm.
Những việc làm cũ đều có thể nhớ biết, tới lui đến dừng đều mạnh dạn, không sợ hãi, chịu được các sự khổ nhọc khi đói khát và những lúc nóng lạnh, thân thể sung mãn, tóc bạc đúng lúc. Nếu gió này không điều hòa thì sẽ mất đi những điều trên. Quan sát gió làm phát sinh sức lự hco thân tâm rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Ngăn cản lời nói nơi yết hầu ở trong thân.
Gió này nếu không điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió ngăn cản lời nói nơi yết hầu, nếu không điều hòa thì làm cho thân bệnh hoạn. Ngoài ra lúc không điều hòa, gió này còn làm cho người bị câm, hoặc làm cho tai điếc, hoặc làm tay chân co quắp, hoặc làm cho lưng còng, hai mắt mù đui. Vì gió này không điều hòa nên gây ra những bệnh trên. Quan sát gió ngăn cản lời nói nơi yết hầu rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Ngủ nghỉ.
Gió này nếu không điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió ngủ nghỉ, nếu không điều hòa thì thấy biết sai lầm não loạn mạch máu, làm cho chúng chuyển động thay đổi, tất cả gân cốt đều đau nhức. Quan sát gió ngủ nghỉ rồi thì biết như thật về thân.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Giữ gìn mạng sống ở trong thân.
Gió này hoặc điều hòa hoặc không điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió giữ gìn mạng sống, nếu không điều hòa thì làm cho người bị mất mạng, bỏ hết hiểu biết. Gió này là thân mạng thứ hai của tất cả chúng sinh hay giữ gìn ở trong thân, nương vào tâm thức.
Do không điều hòa nên gió này làm mất mạng người. Gió này nương dựa, giữ gìn tất cả mạng căn của chúng sinh. Nếu gió này điều hòa thì không bị mất mạng. Quan sát gió giữ gìn mạng sống rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Phá hoại toàn thân.
Gió này nếu không điều hòa thì gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió Phá hoại toàn thân ban đầu vào trong thai, do sức của gió ấy khiến cho thân thể hư hoại, tổn thương, thân co quắp, lưng gù, ngực lồi, xương chân cong vẹo. Nếu gió này điều hòa thì không có các bệnh ấy. Quán xét gió phá hoại toàn thân rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân?
Chúng điều hòa hay không điều hòa?
Hoạt động như thế nào?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là Giữ gìn da.
Gió này gây ra những bệnh gì?
Dùng văn tuệ hay thiên nhãn quan sát, vị ấy thấy gió giữ gìn da nếu tiếp xúc với gió bên ngoài, hoặc lạnh hoặc nóng, hoặc thơm hoặc hôi, hoặc dưới hoặc trên, hoặc sức gió mạnh, hoặc sức gió yếu thì tùy theo lúc tiếp xúc, gió này đều hay biết. Quan sát gió giữ gìn da rồi thì vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân?
Dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát, vị ấy xa lìa cấu nhiễm, duyên với thanh tịnh, không còn nghi ngờ, vượt qua nghi ngờ, vượt qua cánh đồng vắng mênh mông, như thật, không còn nghi ngờ, biết chắc ở trong thân này không còn có một loại gió nào khác. Gió ấy tụ tập, hòa hợp chuyển động duyên với căn giới, cùng nghiệp phiền não kết hợp mà tồn tại, được giữ gìn ở trong thân, hoặc là bị trở ngại.
Người tu hành ấy xem khắp các loại gió ở trong toàn thân, biết một cách đầy đủ rồi, chán lìa tâm tham muốn, ái dục không thể phá hoại được, không rơi vào cảnh giới của ma, tiến gần đến Niết Bàn, đem mặt trời trí tuệ xua tan đêm tối tham, sân, si lưu chuyển từ vô thỉ, xa lìa cánh đồng nghi ngờ, không đắm nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc và ở trong cảnh giới như thật thấy rõ: Tất cả ba cõi thảy đều vô thường, khổ, không, vô ngã.
Như vậy, các vị Tỳ Kheo ở thôn xóm của Bà La Môn, Trưởng Giả nơi Na La Đế là người tu hành biết đúng như thật họ ưa thích tu pháp niệm thân, biết được pháp sinh diệt, không nhớ nghĩ các pháp quán khác. Quan sát toàn thân rồi, vị ấy biết được tất cả sự trói buộc và đạt đến giải thoát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba