Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm đẳng Từ - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT
THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI HAI
PHẨM ĐẲNG TỪ
TẬP HAI
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tối Thắng: Việc làm của Bồ Tát không thể nghĩ bàn, chẳng phải là La Hán và Bích Chi Phật biết được. Bồ Tát vào tam muội Đẳng từ định ý chánh thọ đạt được năng lực thần thông như vậy. Do đó giảng luật Đại Thừa, hướng dẫn giáo hóa chân chánh để mặc pháp phục.
Tối Thắng bạch Phật: Lành thay! Lành thay! Lời dạy này rất hay, sự tập khởi của tất cả các pháp, không có nguồn gốc, hiểu rõ các pháp rỗng không, phân biệt tất cả đều hư không tịch. Sự giảng thuyết của đại thừa rộng khắp tất cả. Nghe hạnh nghiệp của Bồ Tát sau khi qua đời đều sinh về cõi khoáng nhẫn.
Bấy giờ, tất cả chúng hội đều nghi ngờ, nên muốn được thấy cõi nước của Phật kia. Như Lai bằng thần lực biết ngay niệm của chúng sinh, liền vận thần thông, từ đỉnh đầu phóng hào quang soi khắp tam thiên đại thiên Thế Giới đến cõi khoáng nhẫn kia.
Đức Phật cõi này hiệu là Vô Tận, luôn hành trì pháp tổng trì, vững chắc không quên, thường dùng pháp tối thắng để tu tập, đã trải qua hằng hà sa kiếp cúng dường Chư Phật, tích luỹ đạo pháp tự mình đạt được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Đức Phật bảo Tối Thắng: Hãy ghi nhớ và thực hành mười pháp.
Một là phân biệt pháp giới, hiểu rõ như hư không.
Hai là biết thân trống rỗng trong, ngoài không có chủ.
Ba là rõ ngoài bốn đại ra không còn gì khác.
Bốn là đối với tất cả pháp không thấy diệt độ dừng nghỉ.
Năm là những hành động của thân, miệng, ý vắng lặng không chấp.
Sáu là giữ giới, không giữ giới cũng không hủy phạm giới.
Bảy là không phóng túng, giữ tâm làm căn bản.
Tám là không xả bỏ chí hướng thành đạo.
Chín là ngộ pháp không nghĩ bàn, độ người khó độ được.
Mười là các việc đã làm hoàn toàn, không làm trở lại.
Đó là sự tu hành mười pháp căn bản của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, Bồ Tát nên tu tập mười pháp:
Một là thực hành giới đầy đủ thanh tịnh không phóng túng.
Hai là nghe hiểu, dùng trí tuệ bố thí mà không hủy hoại pháp giới.
Ba là phân biệt ấm, giới, nhập hiểu rõ đều vắng lặng.
Bốn là biết sự vô thường của bốn đại đều trở về diệt vong.
Năm là hiểu rõ sự nguy hiểm của mười tám giới.
Sáu là đầy đủ thệ nguyện được Chư Phật khen ngợi.
Bảy là đưa chúng sinh chưa đắc đạo về nơi vô vi.
Tám là Bồ Tát vào định không bị tán loạn.
Chín là quán sát tất cả các hành trong lẫn ngoài.
Mười là tự quán tướng sinh diệt của thân mình. Đó là Bồ Tát ghi nhớ tu tập mười pháp căn bản, liền đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Lại nữa, Bồ Tát tu tập định tam muội Chánh thọ. Đó là tam muội Đẳng quán. Bồ Tát chứng tam muội này, tạo lập tuệ quán không còn phóng túng.
Lại có tam muội Nhiếp ý, Bồ Tát chứng tam muội này có thể khắc phục kết sử không bị ràng buộc.
Lại có tam muội hộ giới, Bồ Tát chứng tam muội này, giữ gìn thân, miệng, ý không phát sinh phiền não.
Lại có tam muội Bình đẳng, Bồ Tát chứng tam muội này, tâm ý như hư không, chẳng sinh khởi hai tưởng.
Lại có tam muội đại bảo, Bồ Tát chứng tam muội này, diễn thuyết nghĩa quý báu vô tận của bảy giác chi.
Lại có tam muội Đạo thọ, Bồ Tát chứng tam muội này, hoa đạo nở rộ ai cũng vui mừng.
Lại có tam muội Hải lượng, Bồ Tát chứng tam muội này, chẳng phải là chỗ suy lường của Nhị Thừa.
Lại có tam muội Nhập thất, Bồ Tát chứng tam muội này, sử dụng kho tàng pháp chính yếu sâu xa.
Lại có tam muội Nguyệt quang, Bồ Tát chứng tam muội này, qua lại tự tại khắp cõi nước Chư Phật.
Lại có tam muội Nguyệt minh, Bồ Tát chứng tam muội này, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi.
Lại có tam muội Huyền giám, Bồ Tát chứng tam muội này, hiểu rõ các pháp không sinh diệt trong ba đời.
Lại có tam muội Vô tắng ái, Bồ Tát chứng tam muội này, coi kẻ oán thù bình đẳng như con đẻ.
Lại có tam muội đại bi, Bồ Tát chứng tam muội này, xem tất cả chúng sinh như cha mẹ.
Lại có tam muội Từ bi, Bồ Tát chứng tam muội này, vì thương tất cả chúng sinh mà rơi lệ như mưa.
Lại có tam muội Mẫn ai, Bồ Tát chứng tam muội này, cũng không ngã, ngã sở, không ngã nhân, chúng sinh, thọ mạng.
Lại có tam muội Vô tưởng, Bồ Tát chứng tam muội này, liền có thể chuyển bánh xe pháp vô thượng.
Lại có tam muội Khổ hạnh, Bồ Tát chứng tam muội này, trong A tăng tỳ kiếp công đức của mình không bị mất.
Lại có tam muội Kiến lập tuệ giới, Bồ Tát chứng tam muội này, không thấy hành động thanh tịnh ngã và ngã sở đều.
Lại có tam muội Ly thân, Bồ Tát chứng tam muội này, thì lìa bỏ các trói buộc cũng không phá hủy giới.
Lại có tam muội Ngã và Ngã sở, Bồ Tát chứng tam muội này, tuy ở trong sinh tử vẫn không bị nhiễm chấp.
Lại có tam muội Huyền thông, Bồ Tát chứng tam muội này, được pháp nhẫn nhục, tịch tĩnh hoàn toàn.
Lại có tam muội Tịnh bạch, Bồ Tát chứng tam muội này, đối với các hạnh nghiệp tư duy thanh tịnh rõ ràng.
Lại có tam muội Tương ưng, Bồ Tát chứng tam muội này, với pháp không tương ưng không sinh không diệt.
Đó là tam muội Chánh thọ của Đại Bồ Tát. Được tam muội này, Bồ Tát đi đến cõi nước Chư Phật ở phương nào cũng thân cận cúng dường Chư Phật Thế Tôn, không còn lo sợ và không có những đối tượng sợ hại. Giả sử, khi thân bị cắt ra từng đoạn đến gần chết, nên tự quán thân này như cỏ, cây, tường, vách, mà không sinh tham luyến, thực hành nhẫn nhục.
Nghe lời thô ác của người nhưng không buồn bã mà an vui, cũng không thích thú, xét kỹ lời nói ấy cũng không nơi chốn, hiểu rõ điều nói ra cũng không gốc ngọn, tâm vốn không, tất cả đều không thật. Đó là định ý thanh tịnh của Đại Bồ Tát.
Bồ Tát tuy có động tâm, nhưng tâm không bị trói buộc, không ở chỗ này cũng không ở chỗ kia, đối với các pháp trong ngoài đều thanh tịnh. Do quán sát như vậy, nên gọi là nhẫn nhục. Đó là thân, miệng, ý thanh tịnh để dựng lập trí tuệ nhẫn nhục của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát nên tu tập định ý tinh tấn để tăng trưởng thiện pháp, không bị thiếu mất. Quán xét pháp giới không tăng giảm, dùng tuệ quán vô lậu để làm pháp chế ngự.
Lại phải tư duy quán sát pháp thế gian, không thấy các pháp thành tựu hay không thành tựu, không thấy việc đúng đắn cùng với điên đảo, không tùy thuận cũng không xã bỏ, không tránh xa cũng không chạy đến. Đó là kho tàng tích chứa châu báu vô tận của Đại Bồ Tát.
Không thấy có pháp quá khứ, hiện tại và vị lai từ đâu đến và đi về đâu, đến cũng không nơi chốn mà đi cũng không dấu vết. Tám đường của Thánh Hiền là dẫn đến các pháp, phân biệt rõ ràng bốn Thánh đế, xa lìa các hành điên đảo vọng tưởng, thuyết pháp cho người khác không bị ngăn ngại, hiểu rõ chúng sinh hư dối không thật có, truy tìm các pháp cũng không thể được.
Sở dĩ như vậy là do pháp pháp tương sinh, pháp pháp tương diệt, người không lìa pháp, pháp không lìa người, người tự vắng lặng, pháp cũng vắng lặng, người tự nhiên, pháp cũng tự nhiên. Người hiểu rõ tự nhiên mới hợp với hạnh Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, liền đạt đến hạnh vô tận của pháp Phật.
Có người cầu pháp, hoặc đã mong cầu, hoặc sẽ mong cầu trong ba đời không đắm trước, không bị nhiễm ô. Người đã cầu được như vậy rồi cũng không chỗ được không chỗ mất. Đó là hạnh Tinh tấn kiến lập trí tuệ vi diệu của Đại Bồ Tát.
Tối Thắng nên biết, Đại Bồ Tát nên tư duy thực hành thiền định tam muội chánh thọ, không hủy giới pháp, bình đẳng không hai cũng không thấy có hai, chẳng thành tựu cũng chẳng phải chẳng thành tựu. Bồ Tát vào thiền định chánh thọ nên tất cả các định không pháp sinh loạn tưởng, đối với các pháp không tưởng cũng không xả bỏ hiểu rõ trong, ngoài đều không chủ thể.
Đó là thiền định không hủy bỏ nhất tâm chánh thọ của Đại Bồ Tát, cũng không thấy có hòa hợp xả bỏ các cảnh giới, không xa lìa thực hành mà không chấp vào thiền thì ý niệm không còn đi vào các cảnh giới.
Đó là Đại Bồ Tát không đứng trong pháp, cũng không rời pháp, thường dùng thiền định nên các pháp tự nhiên, hiểu rõ các pháp không có tưởng sinh diệt, chẳng phải thân, chẳng phải tâm mà có thể suy lường, tư duy thiền định bình đẳng không hai, tâm tánh hướng đến không nơi nào không ứng hợp nhưng không thấy có ứng hợp.
Hiểu rõ nguồn gốc mười hai nhân duyên, duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu nhập, duyên sáu nhập có xúc, duyên xúc có hữu, duyên hữu có ái, duyên ái có thọ, duyên thọ có sinh, duyên sinh có tử ưu bi khổ não không thể tính kể. Nói tóm lại, thân năm ấm xí thạnh, hình thể mong manh, không tồn tại lâu dài.
Khi ấy, Bồ Tát thực hành các pháp không phân biệt sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là rỗng không vắng lặng, lại nhờ thiền định nên biết các pháp vốn thanh tịnh không nhiễm chấp, cũng không thấy sắc, hiểu sắc là không sắc, nên vượt qua các hành điên đảo. Đó là nhất tâm thiền định của Đại Bồ Tát mà La hán và Bích Chi Phật không bằng. Đối với năm thông của ngoại đạo, tuy sống lâu vô cùng nhưng khi mất thần túc thì không đạt đến rốt ráo.
Người vào tam muội chánh thọ sống lâu một kiếp hay hơn một kiếp chẳng gì là khó, nhờ thiền định mà được trí tuệ, trừ bỏ phiền não không sinh vọng kiến. Đó là chí nguyện vào Đạo Giáo hóa chúng sinh tùy theo căn cơ ứng hiệp thích hợp, tùy theo bệnh cho thuốc của Đại Bồ Tát.
Lại dùng pháp tuệ quán tánh không, hội nhập tam muội Đẳng từ, quán khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đến tận hằng sa cõi nước Chư Phật. Đó là thiền định chánh thọ của Như Lai làm cho chúng sinh đạt đến Niết Bàn. Đây là Đại Bồ Tát đứng trong tam muội Đẳng từ để cứu độ vô lượng chúng sinh không thể kể hết.
Này Tối Thắng! oai đức Thần Thông của Như Lai vĩ đại như vậy. Muốn quán xét các pháp nên dùng tuệ nhãn cũng không dùng Nhục Nhãn và Thiên Nhãn cũng không phải La hán và Bích Chi Phật thấy được. Do quán xét các pháp nên hiểu các pháp vắng lặng, thanh tịnh, rỗng không, tịch tĩnh.
Đó là thệ nguyện rộng lớn vô tận của Bồ Tát, không đi, không nơi đi, không nơi đi vào, các pháp, vắng lặng của người tu tập thiền định, chẳng phải là hành động của kẻ loạn. Quán như vậy gọi là quán pháp. Bồ Tát pháp quán không thấy sự hướng về của nó.
Nếu quán pháp mà không phân biệt rõ từng pháp thì không đến Đạo Tràng, không đạt được cứu cánh, do không dùng chánh pháp để thành tựu định ý. Bồ Tát chánh niệm trừ bỏ vọng kiến, không mong cầu, không chấp thủ, không tìm kiếm cũng không nhận nhiều phước, biết pháp trong ngoài đều là vắng lặng. Đó là Đại Bồ Tát nhập vào tam muội Đẳng từ, thấy rõ các pháp đều không thật có, vì không thật có nên gọi là thấy pháp.
Người thấy pháp tức là thấy không ngã, nhân, thọ mạng, tất cả đều giả danh, chẳng phải là pháp chân thật. Pháp hữu vi chẳng phải là cảnh giới vô vi. Cảnh giới vô vi chẳng phải là pháp hữu vi. Bồ Tát biết rõ hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, thường, vô thường, ngã, nhân, thọ mạng, đều không thật có.
Đó là Đại Bồ Tát vào tam muội phân biệt pháp không sinh diệt. Giả sử Bồ Tát quán sát tướng của các pháp. Hiểu rõ các tướng vắng lặng không hai cũng không thấy hai, hiểu hai mà không phải hai mới ứng hợp với định ý. Đối với các pháp điên đảo hiểu rõ không thật có. Đối với đạo không thấy có đường chánh.
Đối với các kiến chấp cũng không thấy đường tà, bằng trí tuệ vô lượng đối với chúng sinh mà Bồ Tát phát tâm đại bi, làm thanh tịnh cảnh giới Phật, thanh tịnh cõi nước Phật. Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia thân cận cúng dường Chư Phật, lại dùng thần thông trí tuệ sáng suốt quán khắp tam thiên đại thiên Thế Giới.
Lại có chúng sinh các căn thuần thục, nếu không gặp Bậc Hiền Thánh nên rơi vào ba đường ác, khi ấy, Bồ Tát sẽ cứu vớt, khiến cho họ không bị đọa lạc. Hoặc có khi Bồ Tát vì độ chúng sinh tạo thêm các duyên đi khắp mọi nơi tạo các công đức trong một sát na, ra vào định ý trăm ngàn lần, thực hành tuệ quán, tu các công đức.
Khi thực hành bố thí biết rõ nguồn gốc Trời, người không có người nhận thí, hiểu rõ ba việc bố thí đều không thật có. Đó là Bồ Tát thích hợp bố thí. Nếu có Bồ Tát dùng giới luật để giảng dạy nên hiểu rõ người phạm giới và giới diều không thật có. Không giới, chẳng phải không giới mới thích hợp với gới.
Hoặc Bồ Tát thường thực hành nhẫn nhục nếu thấy người thực hành nhẫn nhục nên hoan hỷ với họ. Nếu gặp người giân dữ thì không lo buồn vì biếng nhác và nhẫn nhục đều không thật có, chẳng một, chẳng hai cũng chẳng trăm ngàn. Hiểu nhẫn nhục mà không nhẫn nhục mới đúng với nhẫn nhục.
Lại có Bồ Tát thường thực hành tinh tấn, thấy người thực hành tinh tấn nên hoan hỷ với họ. Nếu gặp người biếng nhác cũng không sân hận vì biết rõ biếng nhác và tinh tấn là một mà không hai cũng chẳng phải hai, không có tinh tấn cũng không có biếng nhác, biết tinh tấn, biếng nhác là vắng lặng mới đúng với tinh tấn.
Lại có Bồ Tát đi đứng, nằm, ngồi luôn luôn nhất tâm thiền định chánh thọ chưa từng tổn giảm, Trời đất sấm sét vang ngàn vạn âm thanh tam của Bồ Tát vẫn chuyên chú nhất tâm không chuyển động.
Hiểu rõ định hay loạn đều không thật có. Hiểu rõ thiền định mà không thiền định mới đúng với thiền. Lại nữa, trí tuệ của Bồ Tát thấm nhuần khắp chúng sinh, tùy căn cơ của hữu tình mà ứng hóa khắp nơi để trình bày một cách thông suốt làm sáng tỏ Phật Pháp.
Dùng tuệ quán bình đẳng không thấy có người trí kẻ ngu, vì biết được có trí hay không có trí cùng với ngu si mê hoặc đều không thật có, không thấy có cũng không thấy không có, không đều rỗng không, vắng lặng không hai.
Đó là Bồ Tát thích ứng với trí tuệ. Tướng của các pháp thanh tịnh như vậy, không thấy tướng, chẳng không có tướng vì hiểu tướng không phải tướng mới thành tướng tốt, cứu giúp chúng sinh đạt đến giải thoát.
Lại có Bồ Tát nhập vào định không, du hóa ở cảnh giới hư không, phân biệt rõ tất cả chúng sinh ở cảnh giới hư không. Hoặc dùng lời nói để giảng dạy. Hoặc dùng thần thông, hoặc dùng tướng sáng, hoặc dùng khổ hạnh để giáo hóa khắp, khiến chúng sinh đi vào đường đạo.
Lại có Bồ Tát hành pháp vô tướng, trừ bỏ các chấp về tướng và các hành điên đảo. Lại du hóa đến Cõi Phật ở phương khác, thường dùng pháp vô tướng không biến đổi để giáo hóa chúng sinh đều được giải thoát.
Lại có Bồ Tát hành vô nguyện, không mong cầu thọ hưởng quả báo trong ba cõi, không chấp người, không chấp tướng, phân biệt trong, ngoài, sinh, diệt của năm ấm. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, các trần bên ngoài, các nhập bên trong hiểu rõ tất cả giả dối không chân thật.
Này Tối Thắng! Bồ Tát phát thệ nguyện rộng lớn, cứu độ chúng sinh mà không thấy có độ, không thấy chúng sinh để độ huống nữa có người độ. Đó là Đại Bồ Tát thực hành tam muội Đẳng từ, làm cho tất cả chúng sinh đạt được tuệ căn.
Khi Đức Thế Tôn Thuyết giảng phẩm Đẳng Từ này có bốn mươi triệu người đều phát tâm bồ đề, tám ngàn Bồ Tát ngay tại chỗ ngồi chứng được tam muội Đẳng từ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp