Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BỐN

PHẨM NGẠ QUỶ  

TẬP BỐN  

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ đi nhanh.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh này bị tham lam bỏn sẻn che tâm, hoặc làm Sa Môn phá bỏ giới luật đã thọ, lại đắp pháp y đi vào các xóm làng để lừa gạt mọi người tìm cầu của cải, nói xin vì người bệnh. Thí chủ tùy theo bệnh mà cung cấp, nhưng khi được rồi không đem cho mà tự lấy ăn.

Vì để có y phục trang sức mà xin cầu nơi các thành ấp, tìm đủ các vật cần dùng nhưng không cho người bệnh. Do nhân duyên đó, sau khi qua đời, người ấy sinh trong loài ngạ quỷ Tỳ Già La, Tỳ Già La đời Ngụy dịch là đi nhanh. Thọ thân ngạ quỷ này, luôn ở chỗ bất tịnh, ăn đồ bất tịnh, thường bị đói khát thiêu đốt lấy thân.

Nếu có chúng sinh làm điều bất tịnh thì ngạ quỷ đó gây não loạn cho họ, tự hiện thân ngạ quỷ khiến họ sợ hãi để tìm chỗ sơ hở của họ, hoặc hiện trong mộng ác khiến họ hoảng sợ. Ngạ quỷ ấy qua lại trong vùng gò mả, thích gần thây chết, thân nó bị lửa cháy, khói và lửa phát ra một lúc. Nếu thấy bệnh dịch lan tràn trong thế gian, số người tử vong rất nhiều thì tâm nó vui mừng.

Nếu có thần chú ác gọi mời thì nó lại ngay, có thể tạo những điều không lợi ích cho chúng sinh. Quỷ đi rất nhanh, trong một niệm có thể đi trăm ngàn do tuần, cho nên gọi là ngạ quỷ đi nhanh. Kẻ phàm phu ngu si cùng nhau cúng dường nên gọi đó là Dạ Xoa có đại thần lực. Như thế gây vô số tai ương cho con người, khiến người phải lo sợ. Nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được.

Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển chịu khổ nơi sinh tử. Nếu sinh làm người thì sinh trong nhà thầy pháp, thuộc về các quỷ thần, giữ miếu quỷ thần. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn rình mò, thường tìm khuyết điểm của mọi người.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh kia bị tham lam, ganh tỵ che lấp tâm, vu khống, chê bai chúng sinh khác để lấy của cải. Hoặc tranh giành khủng bố cưỡng bức người để đoạt lấy của cải.

Hoặc ở thành ấp, xóm làng cướp giật của cải người khác. Thường tìm kiếm chỗ sơ hở của người để cướp giật, không thực hành bố thí, không tu phước đức, không gần gũi bạn lành, thường ôm lòng ganh tỵ, tham lam trộm cắp, đoạt lấy của cải người khác, thấy của cải của họ thì ôm lòng ác độc, đối với các bạn lành tri thức, anh em quyến thuộc thì thường oán ghét, ganh tỵ.

Mọi người thấy, cùng nhau chỉ rõ, nói là người xấu ác. Sau khi qua đời, người ấy bị đọa vào đường ác làm thân ngạ quỷ Sy Đà La, Sy Đà La đời Ngụy dịch là tìm kiếm chỗ sơ hở chân lông khắp thân tự nhiên phát lửa thiêu đốt lấy thân.

Giống như lúc cây Chân thúc ca nở đầy hoa cây này hoa đỏ, giống màu đống lửa, cho nên lấy nó làm thí dụ. Quỷ bị lửa đói khát thiêu đốt lấy thân, rên rỉ, kêu gào thảm thiết, luôn chạy đây đó tìm kiếm thức ăn để sống. Đời có người ngu đi ngược tháp, nếu thấy miếu Trời thì thuận hành cung kính. Người như vậy bị quỷ kia tìm được chỗ sơ hở, vào trong thân người đó để ăn khí lực.

Hoặc lại có người ở gần phòng dơ bẩn, quỷ ấy tìm được chỗ sơ hở, vào trong thân người đó ăn khí lực để sống. Còn tất cả thứ khác đều không được ăn. Nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển trong thế gian thọ khổ theo sinh tử. Nếu được sinh làm người thì gặp nhiều hoạn nạn, như nạn ma, nước, lửa, giặc, đói, mất mùa. Thường sinh vào chỗ bần cùng, hạ tiện, nhiều bệnh khổ, thân thể yếu gầy. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ở chỗ tối tăm dưới đất.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các chúng sinh này do ngu si mà tạo nghiệp, bị tham lam, ganh tỵ che lấp tâm, chê bai pháp để cầu tài, trói cột người bỏ trong lao ngục khiến họ tối tăm, mắt không thấy gì cả, tiếng kêu dội lại nghe như ai oán. Bị trói trong ngục chịu ưu não gấp bội, không ai cứu vớt.

Người ác ấy sau khi qua đời, sinh trong loài ngạ quỷ ở chỗ tối tăm dưới đất. Nơi ấy có rắn đại ác, thân lớn dài hai mươi dặm, bò đầy khắp chốn. Người kia bị gió lạnh run rẩy, đói khát đốt thân, đầu tóc rối bù, thân thể ốm yếu. Gió đánh vào thân người kia, làm cho tất cả thân thể đều bị phá hoại, đi vào chỗ tối tăm đại hiểm nạn, chịu khổ rất rùng rợn. Người ấy buồn bã chạy trốn một mình, không bạn bè. Gió độc cắt mạnh giống như dao cắt.

Vì nghiệp ác mà có cầu chết cũng không được. Nhưng nếu nghiệp ác đã tạo chưa hết, không hoại, không tan thì không thoát được. Khi nào nghiệp ác hết mới có thể thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển trong thế gian, thọ khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi.

Nếu được làm người thường ở chỗ núi sâu, tối tăm, hiểm nạn, ở bên bờ biển không thấy mặt trời, mặt trăng. Sinh vào cõi nước này, mắt người đó bị mù, không thấy biết gì cả, bần cùng, hạ tiện, đi xin ăn để sống. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ thấy có ngạ quỷ tên Thần thông đại lực quang minh.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các chúng sinh này do vọng ngữ dối gạt người, tham lam, ganh ghét, phá hoại, trộm cắp tài vật của người khác, lừa đảo người để lấy của, hoặc ỷ mình có thế lực, cưỡng đoạt người lấy của đem cho bạn ác. Không bố thí vào ruộng phước, tạo thí bất tịnh vì cầu ân nghĩa, vì cầu cứu, vì tiết hội, vì nạn gấp, vì xu phụ… vì những điều như vậy gọi là thí bất tịnh.

Sau khi qua đời, người ấy sinh trong loài ngạ quỷ đại lực thần thông. Thọ thân quỷ rồi có nhiều ngạ quỷ bị vô lượng khổ não vây quanh, ở trong núi sâu hoặc nơi đầm bể, được sinh vào chỗ ấy thì có thần thông tự tại.

Chỉ có một ngạ quỷ này là được vui bậc nhất, còn các quyến thuộc khác, thân như cây bị đốt, lửa đói khát bức bách, đều cùng nhau nhìn ngắm. Quỷ thọ lạc ấy là quả báo của việc thí bất tịnh, nếu khi nào nghiệp ác hết thì mới được thoát.

Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển thọ các khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được làm người thì thống lãnh quốc độ, hoặc làm đại thần vào thời đói nghèo. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ đốt cháy vào ban đêm, từ nơi thân lửa phát ra, kêu gào thảm thiết, vụt bỏ chạy đến các xóm làng, thành ấp, núi rừng, thân như đống lửa, bị đói khát thiêu đốt.

Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết chúng sinh này do tham lam, ganh tỵ che lấp tâm, phá hoại người khác, nói dối, lừa gạt người, cướp đoạt của cải người, phá thành quách của người, giết hại dân chúng, khiến cho thân tộc, quyến thuộc của họ tan nát. Cướp được của cải rồi đem dâng Vua, đại thần hoặc cho người hào quý.

Dựa vào thế lực của Vua, Vua khen là có tài năng, được Vua khen ngợi kẻ ấy càng hung bạo thêm nữa, như trước đã nói. Người ác ấy sau khi qua đời bị đọa trong loài ngạ quỷ Xà Bà Lệ Xà Bà Lệ đời Ngụy dịch là đốt cháy dữ dội.

Do đời trước, người ác kia cướp giật vào ban đêm, trói cột người lại để tra khảo, đánh đập khiến họ phải khổ sở. Vì nhân duyên đó mà nay vào ban đêm thì toàn thân bị lửa bốc cháy.

Do đời trước từng trói cột người làm họ kêu gào, khóc lóc, nên nay bị lửa thiêu đốt khắp thân, kêu la đau đớn. Vì nghiệp ác chưa hết nên khiến quỷ không chết. Nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển trong thế gian, thọ khổ nơi sinh tử.

Thân người khó được, giống như con rùa trong biển cả tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được làm người thì thường bị người khác phá hoại. Giả sử có của cải thì bị Vua, giặc xâm chiếm cướp giật. Nếu đến chỗ cao nguy hiểm, hoặc leo lên cây cối thì bị rơi xuống làm tổn thương đến thân. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ thấy các ngạ quỷ thường tìm kiếm chỗ sơ hở của người, rình kiếm chỗ dở của người, giết hại trẻ con.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia đời trước bị kẻ bạo ác giết trẻ con mình nên nổi giận, thề rằng: Đời sau ta sẽ làm Dạ Xoa giết con ngươi để trả thù.

Người ác ấy sau khi qua đời, bị đọa vào đường ác làm ngạ quỷ Xi Đà La, Xi Đà La đời Ngụy dịch là Quỷ rình mò chỗ sơ hở, luôn nhớ oan gia, sân giận, ác độc, đi tìm nơi nào có đàn bà sinh đẻ thì rình cướp mạng sống của đứa trẻ đó. Quỷ này có thần thông thế lực, nghe có mùi máu, trong khoảnh khắc, nó liền đi đến chỗ đó và còn có khả năng đi trăm ngàn do tuần.

Nếu có phụ nữ sinh con thì quỷ dùng thân vi tế để tìm chỗ sơ hở. Với tâm sân hận, đi tìm chỗ sơ hở của người khác, nên tìm kiếm khắp nơi, cốt yếu muốn giết đứa con, nhưng tìm không có. Nếu mẹ phạm lỗi nuôi nấng con không đúng pháp thì quỷ tìm được chỗ sơ hở của đứa con.

Nếu bất tịnh, ô uế thì quỷ tìm được chỗ sơ hở… như trước đã nói, nếu tìm được chỗ sơ hở thì quỷ có thể hại đứa trẻ. Nếu không được thì đến mười năm, tìm nhiều cách để giết hại chứ không bỏ ý định kia. Kẻ bất thiện như thế tự trói lấy tâm mình, bị đói khát đốt thân nên không thể giết hại.

Nếu đứa trẻ này có nhiều nghiệp lành, hoặc được thiện thần ủng hộ thì không thể giết nó được. Quỷ kia nổi sân hận và qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển thọ khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi.

Nếu được sinh làm người, do tập khí sân giận từ đời trước oán kết trói buộc nhau, nên sinh vào chỗ không đủ thuận duyên, tất cả giống như oan gia, dùng những phương tiện muốn người khác phải chết yểu, khuyết tật. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ Ca ma Ca ma lưỡng lô ba, đời Ngụy dịch là Ham sắc.

Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết chúng sinh kia hoặc là nam nữ, hoặc là hoàng môn, mặc các thứ y phục để tự tạo vẻ đẹp đẽ, mặc y phục người nữ, làm theo việc dâm nữ. Có kẻ ham dục liền kết hợp với người đó, nhân việc ấy mà được của cải đem cho kẻ phàm phu, chẳng phải chỗ ruộng phước, người đem bố thí với tâm bất tịnh.

Do nhân duyên đó, sau khi qua đời, sinh trong loài ngạ quỷ ham sắc. Làm thân quỷ rồi, trang sức đủ cách, muốn gì được nấy. Muốn đẹp được đẹp, muốn xấu thì xấu, muốn tạo ra màu sắc đáng ưa hay không đáng ưa, đều có thể làm được.

Như làm đàn ông thì dung mạo tuấn tú, hoặc làm người nữ thì đẹp đẽ, dịu dàng, hay làm súc sinh thì thân tướng nổi bật. Nó có thể làm ra đủ các thứ trang sức thượng diệu, có thể du hành đến khắp cả mọi nơi. Nếu được đồ ăn uống thì quỷ ăn không bị bệnh, nên ít bố thí, có thể dùng thân nhỏ nhắn để lẻn vào nhà người tìm kiếm thức ăn uống.

Người đời bắt được, nói: Quỷ Tỳ Xá Già kia! Mi trộm cắp thức ăn uống của ta?

Hoặc làm thân người, tham dự vào các buổi lễ hội của người khác, hay làm thân chim, ăn cơm cúng tế của người. Thân nó rất nhỏ, người đời không thể thấy được. Loài quỷ này là như thế, tùy theo ý muốn mà có thể hiện ra vô số hình sắc. Người đời gọi chúng là Dạ Xoa Như Ý.

Hoặc làm thân nữ giao kết với người, trang sức đủ cách như vậy là để lừa gạt mọi người. Sống trong đường ngạ quỷ, đi lại nơi nhân gian, nếu nghiệp ác chưa hết, không hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Sau khi ra khỏi thân ngạ quỷ, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển, chịu khổ trong sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được làm người thì sinh trong hạng đào hát, mặc đủ loại y phục, tạo ra mọi sự phóng túng vui đùa để nuôi sống, tự đem vợ mình theo hầu người khác để được của cải. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ở bãi biển.

Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia ở đời trước thấy người định qua vùng đồng trống nhưng bị bệnh mỏi mệt.

Người kia lấy đồ vật của những người bị bệnh đó vốn có giá trị cao rồi đưa lại tiền thì rất ít không tương xứng. Do tham ác, xảo quyệt, lừa gạt người đi xa đang bị đói khổ nơi đồng trống hoang vắng mà người ác kia sinh nơi vùng bãi biển thọ thân ngạ quỷ. Vùng ấy không có cây cối, sông, ao và nóng nực, kể cả mùa đông cũng rất nóng, lại có nhiều độc hại.

Nóng gấp mười lần cái nóng mùa hè ở các nơi khác, nên quỷ dùng sương mai để sống. Tuy ở bãi biển nhưng quỷ không được uống nước, do nghiệp ác nên thấy biển đều khô cạn, còn như thấy cây cối thì thấy toàn là lửa dữ cháy hừng hực, không chút hy vọng, bị những thứ ác bao vây, không được an ổn, đói khát luôn thiêu đốt thân, kêu la thảm thiết.

Do tâm tự lừa gạt nên chạy trốn khắp nơi, gào đến tắt tiếng mà chẳng được cứu vớt, không chỗ nương nhờ, đầu tóc rối bù, thân thể gầy còm, tất cả gân mạch đều hiện lên giống như võng lưới. Quỷ đi tới đâu cũng đều khô kiệt, không ai cứu giúp, không chốn nương tựa, không nơi nhờ cậy. Nhưng nếu nghiệp ác ấy chưa hết, không hoại, không tan thì nó vẫn không chết. Nếu nghiệp hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Thoát khỏi thân ngạ quỷ rồi, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển, chịu khổ trong sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển cả tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được sinh làm người, thì sống nơi vùng bãi biển, hoặc chỉ có một chân, hoặc bị chân ngắn, khốn khổ vì thiếu nước. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán ngạ quỷ Diêm La cầm gậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần