Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BỐN

PHẨM NGẠ QUỶ  

TẬP NĂM  

Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do tham lam, bỏn sẻn, ganh tỵ, tự hủy hoại tâm mình, được gần gũi quốc vương, đại thần hoặc hạng người hào quý để chuyên quyền, làm điều bạo ác, không có lòng từ bi, không thực hành đúng lý nên bị các hiền sĩ khinh chê.

Người ác ấy, sau khi qua đời, bị đọa làm ngạ quỷ Diêm La cầm gậy, ở Thế Giới của quỷ bị Vua Diêm La xua đuổi, sai khiến. Nếu có chúng sinh gây ra các nghiệp xấu ác thì Vua Diêm La liền sai quỷ này đoạt lấy tinh thần của chúng sinh đó.

Thân tướng của quỷ ấy xấu xí, đáng sợ, đầu tóc rối bù, dài che cả thân.

Môi xệ xuống, tai dài lòng thòng, bụng lớn, kêu la to tiếng, thường dùng đao bén đánh đập các tội nhân, rồi nắm tay họ lấy dây buộc trói lại dẫn đến chỗ Diêm La Vương, tâu: Đại Vương! Người này ở đời trước gây tạo nghiệp bất thiện thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đều bất thiện.

Xin Vua xử trí hắn!

Vua Diêm La liền dùng kệ quở trách:

Ngươi là kẻ ngu trong cõi người

Tự kết buộc bằng các nghiệp ác

Trước kia sao ngươi không tu thiện

Như đến ao báu trở về không!

Do làm nghiệp thiện được quả vui

Có quả vui nên sinh tâm thiện

Hết thảy các pháp theo tâm chuyển

Luân hồi sinh tử không gián đoạn.

Tất cả các hành đều vô thường

Giống như bọt nước không lâu bền

Ai chuyên tu chánh pháp như vậy

Đương lai người ấy được thắng báo.

Nếu người nào chuyên tu điều thiện

Lìa bỏ tất cả các nghiệp ác

Người ấy sẽ không đến chỗ ta

Đi lên bậc trên, thọ báo Trời.

Nếu người ngu si, không giác ngộ

Ưa thích nghiệp ác, đến chỗ ta

Ai bỏ được nghiệp ác, bất thiện

Là người thực hành đạo bậc nhất.

Nếu thấy các nghiệp quả thế gian

Lại thấy những thú vui trên Trời

Vậy mà vẫn còn tâm phóng dật

Người ấy không gọi: Tự yêu mình.

Vì lợi gạt nên tạo nghiệp ác

Buông lung tất cả thân, khẩu, ý

Người ấy gây nhiều nghiệp khác nhau

Ngươi nay đối nghiệp đến chỗ ta.

Ngươi bị các nghiệp ác lừa gạt

Nhất định đi đến đường hiểm ác

Nếu ai ưa thích tạo nghiệp ác

Vị lai, thân người rất khó được.

Nếu ai xa lìa các nghiệp ác

Thích làm pháp thiện, tâm ái lạc

Hiện tại người ấy luôn an vui

Ắt được Niết Bàn quả giải thoát.

Nếu người nào huân tập hạnh thiện

Là người thù thắng trong thế gian

Nếu ai học, tạo nghiệp bất thiện

Là kẻ ác nhất trong thế gian.

Người có trí tuệ hành việc thiện

Đều bỏ pháp ác đầu, giữa, cuối

Nếu ai tạo tập các nghiệp ác

Thì vào địa ngục chịu khổ báo.

Dùng pháp thiện điều phục các căn

Được pháp thù thắng, tịnh, thế gian

Sau khi người ấy đã qua đời

Sinh lên cõi Trời thọ diệu lạc.

Nghiệp trói buộc ngươi rất bền chặt

Bị sứ giả Diêm La bắt giữ

Đưa đến đường ác đầy sợ hãi

Thế Giới Diêm La rất khổ não.

Đời trước ngươi tạo nhiều nghiệp ác

Nghiệp này nay ngươi tự gánh lấy

Mình làm mình chịu không ai khác

Người khác làm, mình không chịu quả.

Vua Diêm La quở trách kẻ tội nhân rồi sai sứ giả dắt đi. Vì tội nhân này tự mình tạo ra nghiệp ác, do nghiệp tự dối gạt dẫn đến phải chịu các quả báo khổ não: Trừng trị, tra khảo, bị đói khát bức bách, chỉ ăn hơi gió mà thôi. Vì nghiệp ác chưa hết nên khiến tội nhân không chết.

Thoát được thân ngạ quỷ rồi, theo nghiệp mà lưu chuyển, chịu các khổ não nơi sinh tử. Nếu được làm người thì sống nơi biên địa hay trong hang tối, núi thẳm, bờ cao, sông sâu, đầy nguy nan, sợ hãi. Có người quyền hành đi qua vùng này thì sai những người ấy dẫn đường.

Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, quán xét các pháp.

Tỳ Kheo kia làm thế nào để quán năm địa?

Vị ấy dùng văn tuệ với minh nhãn, quan sát về mười loại sắc nhập.

Mười sắc nhập là:

1. Nhãn nhập.

2. Sắc nhập.

3. Nhĩ nhập.

4. Thanh nhập.

5. Tỷ nhập.

6. Hương nhập.

7. Thiệt nhập.

8. Vị nhập.

9. Thân nhập.

10. Xúc nhập.

Tỳ Kheo quán nhãn mắt duyên với sắc tướng như thế nào?

Tỳ Kheo quán nhãn duyên với sắc sinh ra thức, do ba pháp hòa hợp mà sinh xúc. Xúc cùng với thọ, tưởng, tư, thức. Xúc đưa đến xúc giác, giác đưa đến cảm thọ.

Tư đưa đến tưởng tượng như: Dài, ngắn. Ưa thích hay không ưa thích. Chúng hiện có với tư tưởng tương đối. Thức nhận biết về một duyên nhưng chúng đều có tướng khác và có mỗi tự thể khác, giống như mười pháp của đại địa.

Mười pháp của đại địa:

1. Thọ.

2. Tưởng.

3. Tư.

4. Xúc.

5. Tác ý.

6. Dục.

7. Giải thoát.

8. Niệm.

9. Định.

10. Tuệ.

Một duyên nhưng mỗi mỗi tướng nơi thức… khác nhau.

Mười một pháp cũng như vậy. Giống như ánh sáng của Mặt Trời xuất hiện là một thì tự thể của ánh sáng đều khác nhau. Như tự thể của thức thì khác, cho đến tư cũng như vậy.

Tỳ Kheo kia nhận biết đúng như thật về sắc nhập, quán về nhãn là không, không thật có, không bền vững, không thật. Như vậy, Tỳ Kheo biết đúng như thật về đạo và đã xa lìa được tà kiến, tâm an vui trong chánh kiến, mắt lìa được si cấu.

Vị ấy thấy đúng như thật về mắt mình chỉ là cục thịt, nhưng vì ngu si nên không biết. Nó chỉ là chỗ để nước mắt chảy ra. Nhận biết đúng như thật như vậy rồi thì sẽ xa lìa lòng tham muốn. Quán mắt là vô thường, biết vô thường rồi vì nó chỉ là cục thịt ở trong hốc mắt.

Nhận biết đúng như thật về mắt có gân, mạch bao xung quanh, nên biết do các duyên hòa hợp mà có nhãn nhập. Như vậy mắt là không thật có, là vô ngã, vô tri, cho đến khổ cũng như vậy. Quán nhãn nhập rồi, vị ấy lìa được lòng ham muốn.

Tỳ Kheo ấy quan sát đúng như thật về nhãn nhập rồi thì phân biệt quán sắc. Sắc ấy dù ưa thích hay không ưa thích đều là vô ký, do phân biệt mà có.

Pháp nào có thể thấy được?

Cái gì là tịnh, cái gì là thường, cái gì là đáng tham?

Tỳ Kheo ấy tư duy, quán xét như vậy rồi, thì nhận biết đúng như thật về sắc. Nó là phi hữu, phi lạc. Như thế là tư duy quan sát về sắc tướng thì biết rằng sắc không lâu bền, không thật có, chỉ do phân biệt sinh ra mà thôi. Ưa thích hay không ưa thích đều không thật có.

Do tham đắm hư vọng mà chúng sinh ưa thích hay không ưa thích. Sắc này không có tự thể, là vô thường, không thực có, không chân thật, không vui thích. Không một pháp nào là không bị hư hoại, đều không lâu bền, không có ngã, chỉ do tham, sân, si che lấp tâm mình mà sinh ưa thích hay không ưa thích, chứ không phải sắc vốn có ưa thích hay không ưa thích. Tất cả đều do nhớ nghĩ sinh ra.

Tỳ Kheo quán sắc nhập như vậy thấy danh sắc rồi thì không tham đắm, không đắm nhiễm, không mê muội, không chấp giữ, biết sắc là không bền chắc. Tỳ Kheo ấy quán xét nhãn như vậy, quán sắc nhập rồi nên không đắm nhiễm vào nhãn thức, lìa bỏ được dục uế. Nhãn thức ấy không phải là ta, ta không là nhãn thức. Xúc, thọ, tưởng, tư cũng đều như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn trẻ con.

Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia dùng chú thuật của rồng ác để trừ tai họa mưa đá, dối gạt, mê hoặc người bệnh, dùng chú thuật Dạ Xoa để lấy của cải người, hoặc lại giết dê. Người ấy sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục Hoạt chịu vô lượng khổ.

Ra khỏi Địa Ngục, lại sinh trong loài ngạ quỷ Bà La Bà Xoa, Bà La Bà Xoa đời Ngụy dịch là ăn trẻ con. Lại có chúng sinh có dư báo về sát sinh thì khi làm người bị ngạ quỷ này bắt trộm để ăn, hoặc đến chỗ sản phụ bắt đứa trẻ mới biết bò hay mới biết đi. Ngạ quỷ ấy bắt trộm đứa trẻ rồi ăn từ từ. Nếu gặp thuận tiện thì nó giết luôn. Nếu ai không có nghiệp sát sinh thì không bị hại.

Kệ tụng nêu:

Nghiệp ác trói buộc chịu quả khổ

Nếu tạo nghiệp thiện được quả vui

Dây nghiệp cứng, dài trói buộc người

Trói chặt chúng sinh không thoát được.

Không được an ổn đến Niết Bàn

Trôi dài ba cõi chịu các khổ

Hãy dùng dao trí chặt nghiệp ấy

Ắt được giải thoát khỏi khổ bức.

Do dứt nên nghiệp không trói buộc

Được đến chốn tịch diệt, vô vi

Như cá vào lưới bị người bắt

Ái buộc chúng sinh chết cũng vậy.

Như nai hoang trúng mũi tên độc

Nai ấy kinh hoàng chạy khắp nơi

Thuốc độc đã thấm, không sao thoát

Ái cột chúng sinh cũng như vậy.

Luôn theo chúng sinh không lìa bỏ

Quán ái như độc, cần xa lìa

Kẻ ngu si kia bị ái đốt

Giống như lửa dữ đốt cây khô.

Ái ấy ban đầu nhiễm khó biết

Quả báo như lửa tự đốt mình

Nếu muốn được vui, tâm an ổn

Nên bỏ dây ái, lìa đắm vướng.

Như cá nuốt câu, chết không lâu

Dây ái trói người cũng như thế

Đẩy các chúng sinh vào đường ác

Đọa làm ngạ quỷ, đói bức bách.

Thế Giới ngạ quỷ nhiều khổ não

Trốn tránh và bỏ chạy khắp nơi

Người trong địa ngục chịu các khổ

Đều do dây ái làm nhân duyên.

Có các chúng sinh nghèo bệnh khổ

Tự sống bằng cách kiếm sương mai

Đều do ái kết làm nhân duyên

Bậc Thánh nói chịu khổ báo này.

Quán xét đầy đủ về mọi quả báo đều do tham lam, ganh tỵ làm nhân duyên, vị ấy sinh tâm nhàm chán, lìa bỏ các dục.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần