Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Một - Phẩm Mười Con đường Thiện Nghiệp - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM MỘT

PHẨM MƯỜI CON ĐƯỜNG

THIỆN NGHIỆP  

TẬP BỐN  

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là tâm sân, nghiệp đạo bất thiện thứ hai?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Nếu không có nguyên do gì mà ở trước người khác khởi ý ác, sân giận. Lại nữa, đối với người nghèo hoặc giàu, không có lý do gì mà thấy họ rồi ý sinh tâm giận ghét. Do nhân duyên sân giận mà bị đọa vào địa ngục.

Lúa pháp thiện đã được chín vàng, tâm sân như trận mưa đá phá hoại những hạt lúa thiện vừa chín kia. Chỉ có mắt chánh trí mới đối trị sự mờ ám tối tăm ấy. Tâm sân giống như lửa, thiêu đốt tất cả giới. Khi nổi sân thì sắc mặt biến đổi, đó là nhân của sắc ác.

Sân như cái búa có thể chặt đứt cầu chánh pháp. Sân ở trong tâm ta như giặc oán vào nhà. Nếu đời này và cả đời sau chuyên tâm chánh hạnh thì có thể phá trừ được sân. Muốn xả bỏ tâm sân phải lấy từ bi và bốn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo để đối trị. Đường vào địa ngục thì sân là kẻ dẫn đầu. Chỉ có người thiện, bậc Thánh Thanh Văn, người nghe nghĩa Kinh Pháp mới có thể xa lìa tâm sân.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là tà kiến làm chướng ngại chánh pháp?

Tất cả ác kiến làm cho tâm đen tối. Người kia thấy do nghe biết, hoặc dùng thiên nhãn để xem xét. Do từ vô thỉ đến nay tạo nhân tà kiến, cho nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nên gọi là hắc ám. Ai ham thích tà kiến là người đó làm chướng ngại chánh pháp. Giống như chỗ ác, chỗ có đao, lửa, rắn độc, núi cao hiểm trở, chỉ có người ngu si tham đắm mới đi về chỗ đó. Do điên đảo kiến nên gọi là tà kiến.

Tà kiến có hai:

1. Tin nhân tà.

2. Không tin quả báo của nghiệp.

Tin nhân tà là cho rằng vui, khổ của thân, khẩu, ý đều do Trời tạo, chẳng phải là quả báo của nghiệp.

Không tin quả báo của nghiệp là người không tin bố thí… gọi là tà kiến.

Như vậy mười thứ nghiệp bất thiện, không tạo lợi ích, tất cả đều do tà kiến làm gốc.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Như vậy thế nào là dùng mười đạo nghiệp thiện để tu hành đối trị nghiệp lậu và vô lậu?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Do nhân duyên này mà bị buộc trong thế gian, các pháp lành đều bị tiêu diệt hết là nhân của sự trói buộc, là đạo nghiệp bất thiện. Thiện là nhân giác ngộ, là nhân giải thoát. Nói đến thiện là nói đến không sát sinh, bảo vệ tất cả chúng sinh trong thế gian, bố thí sự không sợ sệt.

Ở trong đời hiện tại, những người đó được mọi người khen ngợi, sắc mặt, các căn đoan nghiêm đẹp đẽ và sống lâu. Nếu ai không sát sinh thì được quỷ La Sát, Cưu Bàn Trà… tất cả quỷ ác hay giết người, những người ác khác hay giết hại người ủng hộ người kia trong đêm tối và Chư Thiên thường theo dõi để hộ trì. Sau khi qua đời, người đó được sinh vào đường lành nơi hàng Trời, Người, thọ quả báo tốt đẹp.

Nếu siêng năng cố gắng phát nguyện cầu ba loại Bồ Đề thượng, trung, hạ thì người ấy được như sở nguyện. Người kia nguyện muốn được Thanh Văn Bồ Đề thì chứng A La Hán nhập Niết Bàn. Nếu muốn được Duyên Giác Bồ Đề thì người ấy chứng Bích Chi Phật.

Như vậy nếu nguyện Vô Thượng Bồ Đề thì chứng đắc đạo quả Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Trong tất cả các pháp mạng sống là căn bản. Mọi người ai cũng giữ mạng sống của mình. Người không sát sinh thì cho họ mạng sống. Nếu cho mạng sống là bố thí tất cả sự an vui. Đệ nhất bố thí là bố thí mạng sống.

Nên suy nghĩ như vậy mà tạo nhân về Cõi Trời. Giới tối thắng là bố thí thân mạng. Nếu muốn sự an vui thù thắng nơi cảnh giới ái nhiễm thì lấy bất sát làm nhân. Như thế người kia được sinh vào hàng Vua, Ma, Phạm, Đế Thích. Nếu người đó muốn sinh vào chỗ thù thắng trong cõi người thì được làm Chuyển Luân Vương có đầy đủ bảy báu và thống lãnh bốn cõi thiên hạ. Nếu muốn làm thân A Tu La cao lớn, khi xả thân được làm A Tu La Vương.

Nếu muốn làm thân Dạ Xoa cao lớn thì được làm Dạ Xoa Vương. Như vậy, không sát sinh là chủng tử của chánh pháp trong đại nghiệp. Đi trong sinh tử chỉ có không sát sinh là được trở về, được cứu khỏi. Vào nơi nhà tối tăm, lấy bất sát làm đèn. Ai không sát sinh gọi là từ bi.

Chánh niệm tư duy về điều tốt lành của không sát sinh thì luôn sinh tâm vui vẻ. Nếu ngăn cản người khác sát sinh mà không thể ngăn cản được thì nên hành xả. Người kia làm như vậy là hành bốn phạm hạnh, đem nó huân tập vào trong thân tâm. Căn lành của không sát sinh là không thể nghĩ bàn rất là chân thật.

Bất cứ người nào có những lời phát nguyện như vậy đều được như sở nguyện. Giống như người thợ vàng thiện xảo luyện vàng thật tốt trong thế gian, ông ta có thể dùng vàng ấy làm ra bất cứ những món trang sức nào cũng được. Nếu muốn làm những cái bình, tạo tượng người, tượng Phật, làm ra vật thế này, thế nọ. Người không sát sinh kia cũng đều được tất cả như mong muốn, không thiếu sót, không thất thoát, không trống rỗng.

Bất cứ người nào không sát sinh thì được gần Niết Bàn. Người kia thường sống chung với bạn lành thì người ấy là chúng sinh ưu tú, ai khéo bảo hộ phước đức của mình và người khác thì người ấy là ruộng phước trong thế gian, không bao giờ đi vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Người hành thiện này thành tựu được pháp thiện, được tất cả những gì có được đều rất lâu bền không có những mối lo sợ về Vua, giặc cướp, nước lửa, người ấy tự ý thọ dụng, là hàng tôn quý trong cõi người, kẻ khác không thể vượt qua được, do pháp đầy đủ, do đó người trí không nên sát sinh.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là không trộm cắp thì đạt được pháp thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Người không trộm cắp được thoát ra khỏi lưới tham lớn. Ngay trong hiện tại người ấy được những người tốt tin tưởng. Nếu làm Vua hay các vương hầu thì được dân chúng tin tưởng.

Tất cả các Vua, các trưởng giả, chúng Sát Đế Lợi, chúng Sa Môn, Bà La Môn đều tin tưởng, thương xót yêu mến, tin nhận lời nói và những của cải sở hữu của người ấy đều được lâu bền không bị mất mát, không hư hoại, không ai có thể cướp đoạt được.

Xa lìa các nỗi lo sợ về Vua, giặc cướp, nước, lửa. Hơn nữa người kia không cần dùng phương tiện nhưng lại được của cải rất dễ. Được của cải rồi người ấy đúng như pháp mà tiêu dùng, đem cúng dường vào ruộng phước của người trì giới, người hành đạo.

Trong thế gian nơi nào thiếu thốn thì đem đến cho. Sau khi qua đời, người ấy sinh vào Thế Giới của hàng Trời thuộc đường lành. Nếu muốn xuất thế, làm Phạm Vương, Đế Thích, Vua chuyển luân thống lãnh bốn cõi thiên hạ, đầy đủ bảy báu, thì theo lời nguyện đều đạt được. Nếu ai ham thích trì giới thì sẽ chứng đắc đạo quả Bồ Đề, như trên đã nói.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa tâm tà dâm, chứng được đạo quả?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Người kia xa lìa tà dâm làm theo đường nghiệp thiện, người ấy được người tốt ca ngợi cùng được mọi người tin tưởng. Không phải thuộc vợ, con gái của mình thì người ấy không sinh tâm lo nghĩ, được Vua, các vương hầu đều tin tưởng, không ai có thể xâm đoạt vợ mình, tùy thuận cúng dường không trái ý.

Giả sử có bị suy tổn nhưng vợ không trách mắng, tâm không ganh ghét, không có tâm ngoại tình, mọi người thấy người vợ kia như mẹ, chị, em, không bị người đời mắng chửi. Người không tà dâm luôn được người vợ như vậy. Sau khi qua đời, người ấy được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời, như trước đã nêu.

Vị Trời kia thoái chuyển, vị Trời khác sinh. Nếu là người tà dâm sắp thoái chuyển mà chưa thoái chuyển. Vị Trời khác sống giữa các Thiên Nữ. Bấy giờ, Thiên Nữ kia ở trước mặt người sắp thoái chuyển cùng với vị Trời khác đùa giỡn vui chơi.

Người sắp thoái chuyển nơi Cõi Trời kia đã thấy Thiên Nữ cùng vị Trời khác đùa giỡn vui chơi, bị trói buộc vào tâm ganh tỵ nên bị đọa vào địa ngục. Như vậy, ưa thích làm và làm nhiều tà dâm là lỗi lớn. Bất cứ người nào có thể lìa bỏ tà dâm theo con đường thiện lớn thì người đó là căn tánh Niết Bàn.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Làm sao đối trị tất cả pháp bất thiện, xa lìa vọng ngữ, thâu giữ phần thiện lớn để được quả báo trong đời hiện tại?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ai xa lìa vọng ngữ thì được những người có mắt thấy, hoặc có tai nghe trong thế gian tin tưởng. Giả sử người ấy bị nghèo túng không có của cải thì được mọi người đem đến cho giống như đem dâng lên Vua. Như trăng sáng giữa các vì sao.

Trong tất cả mọi người thì người nói chân thật, sự sáng tỏ cũng như vậy. Nơi tất cả vật quý báu, lời nói thật là quý báu nhất. Trong tất cả con thuyền vượt qua biển sinh tử, thì thuyền lời nói thật là hơn hết. Nếu muốn thoát khỏi tất cả hạnh ác, thì lời nói thật là sự xa lìa hơn hết. Trong tất cả đèn, đèn thật ngữ là sáng hơn hết. Trong tất cả người giỏi hướng dẫn nơi đường ác thì lời nói thật là người dẫn dắt giỏi nhất.

Tất cả vật thọ dụng trong thế gian, lời nói thật là hơn hết. Trong tất cả cỏ thuốc trị bệnh, lời nói thật là thuốc hay nhất. Tất cả sự mạnh mẽ của uy lực, lời nói thật là mạnh mẽ nhất. Trong tất cả chỗ nương về, lời nói thật là chỗ nương về an ổn nhất.

Trong tất cả tri thức thì thật ngữ là hơn hết. Nếu ai giữ gìn của cải là lời nói thật thì ở nơi thế gian chưa từng làm ác, không rơi vào cảnh nghèo túng, gần sánh bằng với Trời, luôn luôn qua lại, muốn ở bất cứ chỗ nào người ấy đều được sinh đến chốn đó, thường làm thân nam, sinh vào dòng họ tôn quý, ai cũng thương yêu, tin tưởng nơi lời nói của người đó.

Người ấy không bị các loài Dạ Xoa, Tỳ Xá Già giết hại. Đi vào quốc độ nào cũng đều có giường nằm, chỗ nghỉ ngơi, giả sử bị ốm đau thì có thuốc thang, thức ăn đầy đủ, không cần suy nghĩ nhưng đều được tất cả, người ấy được sự an vui thù thắng đệ nhất trong thế gian.

Sau khi qua đời, người ấy được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời, mạng sống rất lâu, nơi chốn có thần thông lớn, cao quý, thù thắng. Nếu nguyện tu tập đạo thù thắng, thanh tịnh, vô lậu, thì chứng được Niết Bàn, như trên đã nói.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, luôn quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp ác lưỡng thiệt nói hai lưỡi, thực hành nghiệp đạo thiện được quả báo trong hiện tại và vị lai?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Người xa lìa lưỡng thiệt thì được nghiệp báo ngay trong đời hiện tại, bạn bè thân thiết, anh em, vợ con, nô tỳ đều lâu bền, không ai có thể hủy hoại. Từ Vua cho đến oan gia, anh em hung ác cũng không thể nào phá hoại.

Nếu người kia không có của cải thì họ cũng không rời bỏ. Giả sử gặp lúc mất mùa người kia đi đến chỗ nguy hiểm trong núi rừng, đồng vắng, họ đều không lìa bỏ luôn luôn vui vẻ không lìa nhau.

Nếu có ai dùng mọi phương cách nói lời phá hoại, tuy họ nghe nhưng không chấp nhận. Đối với người đó Vua có tâm tốt, lâu bền. Nước, giặc cướp, đao gậy, oán thù không thể làm cho người kia lo sợ, đó là nhờ xa lìa nghiệp bất thiện lưỡng thiệt.

Nhờ công đức xa lìa như vậy, sau khi qua đời, người kia được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời. Ở trong chúng Trời có nhiều Thiên Nữ vây quanh đi theo thương mến vui vẻ. Hình dáng Thiên Nữ kia rất đẹp, tóc óng mượt, xoa dầu thơm, Thiên Nữ xinh đẹp đệ nhất luôn luôn hoan hỷ. Nếu từ bỏ lưỡng thiệt nguyện đạt pháp thanh tịnh vô lậu thì người kia chứng được đạo thiền vô lậu, đạt đến Niết Bàn như trên đã nêu.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp đạo bất thiện ác khẩu nói lời thô ác được quả báo của nghiệp nơi đời hiện tại?

Đời sau sinh nơi nào?

Sống chốn nào?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Người xa lìa ác khẩu được thân tướng đẹp đẽ thù thắng, được người trung thực tin tưởng, tất cả mọi người đều ưa thích viếng thăm. Lời nói lưu loát, lời nói hòa nhã, an ủi hết thảy mọi người, không làm cho họ phải sợ hãi.

Tất cả người đời từ xa trông thấy đều chạy đến gần, có được nhiều thiện tri thức. Giả sử người ấy không có của cải, thì chỉ trong phút chốc được mọi người cung kính đem tới giống như đối với cha. Nếu từ chỗ nghiệp ác nơi đời trước sinh đến mà bị khổ não thì mọi người không lìa bỏ, của cải có được rất dễ dàng. Người ấy không có nỗi lo sợ về kẻ oán thù, Vua, nước, lửa… sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời.

Sinh vào Cõi Trời rồi nhờ vào lời nói lưu loát làm lợi ích, lời nói khiêm tốn, lời nói hợp nhau mà người kia được thân tướng tốt đẹp, có đại thần thông. Nếu nguyện xuất gia ngồi thiền, ưa thích thực hành pháp vô lậu, thì người ấy tu tập chứng được ba loại bồ đề, như đã nói ở trên.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần