Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Một - Phẩm Mười Con đường Thiện Nghiệp - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM MỘT
PHẨM MƯỜI CON ĐƯỜNG
THIỆN NGHIỆP
TẬP HAI
Lại nữa, người tu hành quan sát tập khởi của nghiệp.
Thế nào là hành nghiệp ác khẩu?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ác khẩu khiến người kia khổ não, không vui tai, không chịu người khác chê bai nhưng bắt họ phải tin mình.
Nếu ai trọng mình thì đùa giỡn, còn khinh thì nổi giận. Người ấy sẽ mắc vô lượng quả báo, vô lượng thứ quả báo. Ai ác khẩu nặng sẽ bị đọa vào địa ngục, còn ác khẩu nhẹ thì không nhất thiết phải chịu quả báo. Đây là khẩu nghiệp thứ ba, nghĩa tương ưng đầy đủ với khẩu nghiệp đã nói ở trên.
Lại nữa, người tu hành biết rõ pháp nghiệp báo.
Thế nào là khẩu nghiệp thứ tư?
Nghĩa là lời nói thêu dệt vô nghĩa, trước sau trái ngược nhau, nói không ăn khớp. Không quyết định hoặc quyết định mắc quả báo cũng như những nghiệp trước. Đây gọi là khẩu nghiệp thứ tư.
Lại nữa, người tu hành quan sát pháp nghiệp báo.
Thế nào là ý nghiệp?
Và có mấy loại?
Người kia nghe, thấy, biết ý nghiệp có ba: Tham, sân và tà kiến.
Thế nào là tham?
Như thấy người khác giàu có, nhiều của cải mà người kia sinh tâm mong muốn để được tài vật đó. Đó là nghiệp tham của ý.
Lại nữa, ý nghiệp nếu thấy người khác giàu có, của cải nhiều, mình sinh tâm ganh ghét. Đó là nghiệp ganh ghét của ý. Nếu sinh tà kiến, sinh kiến chấp điên đảo. Đó là nghiệp tà kiến.
Tà kiến có hai loại: Thất lỗi lầm và bất tín.
Thế nào là bất tín?
Là nghĩ rằng: Không bố thí, không cúng tế, không trai hội, không có nghiệp thiện và nghiệp bất thiện, không có quả báo của nghiệp. Nói về bất tín thì nhiều vô lượng.
Thế nào là thất lỗi lầm?
Người kia cho tất cả khổ vui đều do Trời tạo, chứ không có quả báo của nghiệp. Hai loại này gọi là tà kiến.
Lại nữa, người tu hành quan sát pháp nghiệp báo.
Thế nào là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp?
Mười thứ như thế ai ưa thích làm và làm nhiều thì người đó chắc chắn nhận lấy quả báo.
Nghĩa này như thế nào?
Thế nào là phải chịu quả báo của nghiệp trong hiện tại?
Thế nào là mắc nghiệp quả ở đời sau vì bị nghiệp quả nơi đời khác?
Đời sau sinh ở đâu?
Và sống ở chỗ nào?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Về thân nghiệp, ai ưa thích làm và tạo nhiều sát sinh thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sinh làm người thì bị chết yểu. Vì tâm tham lam mà kẻ săn bắn kia sát sinh, về sau những người đó phải chịu làm thân heo, nai, gà, vịt, ca tân xà la, bị đám săn bắn bao vây, giết hại. Cho đến làm thân cá thì bị chết nơi lưỡi câu.
Đời trước người kia đã tạo nghiệp gì thì nhân duyên tương tự như vậy, luôn ở trong sinh tử. Nếu được làm người thì bị chết yểu. Giả sử được sinh vào Cõi Trời thì không được ở chỗ tốt đẹp mà phải ở nơi có nhiều sợ hãi không bao lâu sẽ bị người giết hại.
Quả báo của sát sinh có thượng, trung, hạ.
Kệ rằng:
Có kẻ chết trong thai
Hoặc chết mới lọt lòng
Hoặc chết khi biết đi
Hoặc chết khi biết chạy.
Người sát sinh kia tạo thành nghiệp ấy và do sức mạnh của quả báo nên nói người kia bị đọa vào địa ngục, hoặc phải chịu quả báo trong đời hiện tại, hoặc đời khác.
Lại nữa, người tu hành quan sát quả báo của nghiệp.
Thế nào là ưa thích làm và làm nhiều việc trộm cắp?
Quả báo trộm cắp có ba: Đọa trong địa ngục, chịu quả báo trong hiện tại, hoặc chịu quả báo tàn dư. Ai ưa thích làm và tạo nhiều nghiệp trộm cắp thì người đó bị đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì thường nghèo túng. Nếu có của cải thì sợ Vua, nước, lửa, giặc cướp cướp mất tất cả, chưa từng được chút an vui. Nghiệp trộm cắp kia có ba thứ quả báo như vậy.
Lại nữa, người tu hành quan sát quả báo của nghiệp.
Thế nào là ưa thích hành và hành nhiều tà dâm, chịu ba thứ quả báo?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Nếu người nào ưa thích hành và hành nhiều nghiệp tà dâm thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Nếu được sinh làm người thì chịu quả báo tàn dư: Vợ không thuận hợp, hoặc bị hai căn và thế gian chê ghét. Đây là ba loại quả báo của ba thứ thân nghiệp mà ngoại đạo Già La Ca Ba Ly Bà Xà Ca không thể hiểu rõ được. Nói về thân nghiệp thì nhiều vô lượng, không thể hiểu hết.
Vì sao?
Vì người kia bị pháp si huân tập sâu vào trong tâm mình, chỉ có ta mới hiểu rõ. Thật ra, ta không thấy người nào hiểu thấu triệt, lại không có ai thấy rõ về pháp nghiệp báo như thế. Như ta thấy, pháp mà đệ tử của ta tu hành là do theo ta mà nghe, cho nên có thể hiểu rõ.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là khẩu nghiệp?
Và có mấy loại?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn.
Khẩu nghiệp có bốn: Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ. Nếu người kia ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp vọng ngữ thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được sinh làm người thì tất cả chúng sinh không ai tin vào lời nói của mình.
Các hội chúng thiện, chúng thiện trưởng giả, chúng Sát Lợi và vợ con không ai tin vào lời nói của là người ấy, miệng luôn lở lói, hôi thối, răng không đều, da mặt xấu xí, bị mọi người nói dối, chê bai và thường sinh lòng lo sợ.
Tình thân hữu anh em, thiện tri thức không được vững bền. Làm ra những gì đều không đạt được kết quả và không tạo lợi ích cho ai cả. Như vậy, vọng ngữ không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý. Đó là gây tạo quả của nghiệp bất thiện.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là tạo thành nghiệp quả do ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp lưỡng thiệt?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ai ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp lưỡng thiệt thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì bị câm, điếc, miệng thường lở lói, hôi thối, không ai tin tưởng và bị mọi người chê cười, không có sắc đẹp, không ở một chỗ, tâm động không định, thường làm việc ác. Đó là quả báo của nghiệp lưỡng thiệt.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là tạo thành nghiệp quả do ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp ác khẩu?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ai ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp ác khẩu thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì ở chỗ nào cũng lo sợ, bị mọi người làm cho đau khổ không ai an ủi. Đối với vợ con thì không một lời ái ngữ, giống như nai hoang sợ tất cả mọi người. Xa lánh bạn lành, gần gũi bạn ác. Đó là ba thứ quả báo của ác khẩu.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp ỷ ngữ?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Nếu ai ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp ỷ ngữ thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì không ai yêu mến, làm oan gia của Vua, anh em thân thiết khinh khi coi thường. Đó là quả báo của nghiệp ỷ ngữ.
Lại nữa người tu hành, trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là ba loại bất thiện của ý nghiệp do ưa thích tạo và tạo nhiều ý nghiệp bất thiện?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Nếu người kia ưa thích tạo và tạo nhiều tâm tham thuộc ý nghiệp bất thiện thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người tuy có của cải nhưng bị Vua, giặc, lửa, nước cướp mất tất cả một cách vô lý, luôn chịu cảnh nghèo túng.
Lại nữa người tu hành, trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là ưa thích tạo và tạo nhiều tâm sân của ý nghiệp bất thiện?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Nếu ai ưa thích tạo và tạo nhiều tâm sân của ý nghiệp bất thiện thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì làm dân mọi rợ sống nơi biên địa, hẻo lánh, chỗ nhiều sợ hãi, chỗ có nhiều đao kiếm, ma quỷ, rơi vào sườn núi nguy hiểm, tâm người đó không bao giờ được an ổn thường bị chê bai và chịu những thứ xấu ác như vậy.
Lại nữa người tu hành, trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là ưa thích tạo và tạo nhiều tà kiến của ý nghiệp bất thiện?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ai ưa thích tạo và tạo nhiều tà kiến của ý nghiệp thì bị đọa vào Địa Ngục A Tỳ chịu tất cả khổ sở. Nếu bị đọa vào loài súc sinh thì xoay chuyển mãi trong trăm ngàn vạn ức vô lượng đời.
Cảnh giới ngạ quỷ cũng như vậy. Nếu được làm người như pháp đã nói thì cứ theo chủng tánh của mình hành theo đạo nghiệp thiện, không làm đúng pháp. So với chủng tánh của tổ tiên từ trước đến nay rất là thấp kém.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp, đối với các pháp khác quán xét rất kỹ càng.
Thế nào là do mười pháp bất thiện như thế lưu chuyển theo sinh tử nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh trong thế gian?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn:Thế nào là sát sinh?
Thế nào là ưa thích làm?
Và thế nào là làm nhiều?
Nói về sát sinh, người sát sinh gần gũi với bạn ác. Nếu ai ở gần, sống với bạn ác, theo họ, tùy hỷ với họ, cùng đùa giỡn, đi chung, ở chung, sinh tín tâm đối với họ, cho là có công đức. Nếu ai làm theo người ác kia và cũng đi chung với họ, như vậy người kia gần với bạn ác.
Người sát sinh ấy lại gần gũi với người sát sinh rồi dùng mọi phương cách lý do sát sinh chỉ bảo khiến cho sát sinh, hoặc người giữ giới ngoại đạo, hoặc kẻ đồ tể săn bắn, hoặc tham mùi vị mà nói việc sát sinh, như kẻ oan gia nói việc sát sinh, như giặc cướp tham lam của cải nói việc sát sinh, hoặc chiến đấu nói việc sát sinh, hoặc tham danh lợi nói cái lợi của việc sát sinh.
Người kia nghe rồi sinh tâm tín, đồng ý làm và sát sinh một cách thích thú. Ai vui thích như vậy, đã sát sinh rồi bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ở chỗ không ưa thích, chỗ không an vui, nơi luôn bị mọi người thiện chửi mắng. Do nhân duyên này, nếu được làm người thì bị chết yểu. Đó là do hạt giống sát sinh gần gũi bạn ác.
Thế nào là ưa thích làm?
Người bất thiện kia, sau khi sát sinh thì sung sướng vui mừng, tâm ý phân biệt thấy công đức của việc sát sinh.
Phân biệt như thế có nhiều loại: Khi cắt đứt mạng sống của vật khác rồi, không sinh lòng đau khổ ăn năn, còn khen ngợi cho đó là thiện. Tâm không buông bỏ mà còn xoay lại làm tiếp. Dạy bảo người khác làm, bảo họ làm rồi khen tất cả công đức của việc sát sinh ấy, với mỗi lý do khác nhau đã nói ở trên. Đó là ưa thích tạo nghiệp sát sinh.
Thế nào là làm nhiều?
Sát sinh rồi làm những việc như trên đã nói, gần gũi với bạn ác tập làm nghề sát sinh, làm nhiều dụng cụ để sát sinh, đào những hầm hố nguy hiểm, làm hàng rào tên độc, nuôi chó, nuôi chim để giết.
Gần gũi người đồ tể, làm những khí cụ chiến đấu như giáp sắt, đao, gậy, mâu, giáo, cung tên, xe chiến đấu. Những khí cụ đó là các dụng cụ sát sinh. Như vậy tất cả đều có đủ hết. Đó là người ác tạo nhiều nghiệp sát sinh. Vì lý do đó người kia bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu khổ báo rất khổ não.
Nghiệp sát sinh có thượng, trung, hạ, khi mắc quả báo cũng có thượng, trung, hạ. Đã tạo nghiệp thì phải chịu quả báo. Tự mình tạo nghiệp ác thì chính mình chịu ác báo. Người có trí tuệ bỏ ác làm lành. Ở trong thế gian, người kia đã sát sinh, ưa thích làm và làm nhiều nghiệp sát sinh.
Thế nào là ưa thích làm và làm nhiều trộm cắp?
Thế nào là ưa thích làm và làm nhiều?
Ai trộm cắp rồi thì bị đọa vào địa ngục. Người theo giới ác này tánh tự ăn trộm, gần gũi với bạn ác và theo họ để đi trộm cắp. Trộm cắp có thượng, trung, hạ.
Thế nào là hạ?
Là do pháp Vua như đã nói ở trước.
Thế nào là trung?
Chẳng phải phước điền mà trộm cắp tài vật kia.
Thế nào là thượng?
Là vật của Phật, Pháp, Tăng mà trộm cắp một ít.
Đối với vật của Phật, Pháp, Tăng, nếu trộm vật của Tăng thì Phật Pháp có thể thanh tịnh. Nếu trộm cắp vật của Phật Pháp thì Tăng không thanh tịnh. Nếu trộm đồ dùng và thức ăn của Chúng Tăng hiện tiền thì bị đọa vào địa ngục lớn, đầu mặt ở phía dưới.
Nếu lấy vật thuộc Chúng Tăng thường ăn thì bị đọa vào địa ngục vô gián A tỳ, ở tầng tối tăm rộng lớn. Do ruộng phước dày, trộm cắp chút ít, nhưng có tâm ưa thích làm và làm nhiều, người trộm cắp chút ít kia cũng bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Nếu sau biết sám hối, không sinh tùy hỷ, luôn ăn năn trong lòng thì người ấy không nhất định phải chịu quả báo. Nếu người trộm cắp dùng mọi cách để trộm cắp, vì lý do như vậy gọi là trộm cắp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hồ Nghi đoạn - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười - Phẩm Tứ đế
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Cảm Thọ
Phật Thuyết Kinh Trường Trảo Phạm Chí Thỉnh Vấn
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Năm Mươi Ba - Kinh Trò Bóp Chân Thầy