Phật Thuyết Kinh Pháp ấn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH PHÁP ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

Như thật tôi nghe một thuở nọ Phật cùng các vị Tỳ Kheo Vân Tập tại nước Xá Vệ.

Bấy giờ Phật bảo các vị Tỳ Kheo rằng: Các ông nên biết, có Thánh Pháp Ấn ta sẽ phân biệt giảng nói cho các ông rõ. Các ông cần phải phát khởi sự hiểu biết thanh tịnh, lắng nghe và ghi nhận cho kỹ suy nghĩ đúng đắn.

Các vị Tỳ Kheo liền bạch Phật rằng: Hay thay! Bạch Thế Tôn, chúng con rất mong được nghe, xin Thế Tôn tuyên thuyết.

Phật dạy: Này các Tỳ Kheo! Nói đến tánh không, là không có gì cả, không vọng tưởng không sanh, không diệt xa lìa mọi sự thấy biết.

Tại sao thế?

Vì tánh không không có nơi chốn, không có sắc tướng, không có tư tưởng, vốn không sanh, chẳng phải sự thấy biết có thể thấu được.

Xa lìa mọi đắm chấp, nên thâu nhiếp được tất cả pháp, trú ở sự thấy biết bình đẳng, là sự thấy biết chân thật. Các ông nên biết, tánh không như vậy, các pháp cũng như vậy. Đó gọi là pháp ấn.

Lại nữa, các Tỳ Kheo, Pháp Ấn này là cửa ngõ của ba pháp giải thoát, là căn bản của Chư Phật, là con mắt của Chư Phật, là nơi Chư Phật đạt đến. Vậy nên các ông nghe cho kỹ, ghi nhận cho đúng, như sự thật mà suy nghĩ quán sát.

Lại nữa, các Tỳ Kheo! Nếu có người nào tu hành, nên đi vào chốn núi rừng, hoặc ở dưới gốc cây và các nơi vắng vẻ yên tĩnh, đúng như sự thật quán sát: Sắc là khổ, là không, là vô thường, nên sanh tâm nhàm chán xa lìa như vậy quán sát về thọ, tưởng, hành, thức là khổ, là không, là vô thường nên sanh tâm nhàm chán xa lìa. Trú ở sự thấy biết bình đẳng.

Các Tỳ Kheo! Các uẩn vốn không, chỉ do tâm phát sanh. Khi tâm diệt thì các uẩn không còn có tác động gì nữa. Biết đúng như vậy, tức là chánh giải thoát. Khi được chánh giải thoát, xa lìa mọi sự thấy biết, thì gọi là cửa giải thoát không.

Lại nữa, trú trong chánh định quán sát các sắc cảnh, tất cả đều tiêu diệt, xa lìa mọi ý tưởng. Như vậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều tiêu diệt, xa lìa mọi ý tưởng.

Quán sát như vậy gọi là cửa giải thoát vô tưởng. Vào được cửa giải thoát này tức được thấy sự thanh tịnh. Do sự thấy biết thanh tịnh đó, dứt trừ được tất cả tham sân si. Tham sân si đã dứt trừ, trú ở sự thấy biết bình đẳng, trú ở sự thấy biết bình đẳng này rồi, tức xa lìa được cái thấy ta và vật sở hữu của ta.

Thấu rõ được mọi sự thấy biết không nơi sanh khởi, cũng không nơi nương tựa. Lại nữa, khi xa lìa được cái thấy ta rồi, tức không còn thấy, không còn hay, không còn biết.

Tại sao thế?

Vì do nhân duyên cho nên mới sanh các thức, tức nhân duyên kia cùng với thức được phát sanh đều là vô thường. Vì là vô thường nên thức không thể thật có được.

Thức uẩn đã không, không có tạo tác, thì gọi là cửa giải thoát vô tác. Vào được cửa giải thoát này, tức biết được pháp cứu cánh, không còn đắm chấp các pháp và chứng được pháp tịch diệt.

Phật bảo: Các Tỳ Kheo, như vậy gọi là Thánh Pháp Ấn, là cửa ngõ ba pháp giải thoát. Nếu người nào tu học theo đó tức đặng sự thấy biết thanh tịnh. Các Tỳ Kheo nghe pháp này rồi đều vui vẻ lạy Phật và tin tưởng tuân hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần