Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Một - Phẩm Mười Con đường Thiện Nghiệp - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM MỘT

PHẨM MƯỜI CON ĐƯỜNG

THIỆN NGHIỆP  

TẬP NĂM  

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp đạo bất thiện ỷ ngữ lời nói thêu dệt, nơi đời hiện tại được quả báo của nghiệp thiện?

Và sau sinh vào nơi chốn nào?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ai xa lìa ỷ ngữ thì ngay đời hiện tại được người đời tôn trọng, được người tốt nhớ nghĩ. Lời nói trước sau không trái nhau, được tất cả mọi người yêu mến, không ai khủng bố, dọa nạt, tìm kiếm tội lỗi.

Lời nói thiện, lời nói chân thật, được người đời tôn trọng, lời nói nhỏ nhẹ, lời nói hòa nhã khiến cho người đều dễ hiểu. Lời nói hợp với pháp, lời nói không hung ác, lời nói có nhân thâm diệu, lời nói có nghĩa lý sâu xa không trái ngược với pháp.

Tất cả mọi người trong thế gian trông thấy đều rất tôn trọng, được của cải, vật báu lâu bền, thọ dụng xứng với ý. Đối với người không có đức thì nói họ có công đức. Người ấy không có công đức thì nói về công đức của họ. Sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời.

Sinh vào Cõi Trời được Chư Thiên cung kính yêu mến, có thần thông lớn, hưởng phước lạc của Cõi Trời không thể nói hết. Người ấy nếu nguyện được an vui trong thiền thanh tịnh, vô lậu chứng đắc ba loại Bồ Đề thì sẽ được như sở nguyện như đã nêu ở trước.

Như vậy ba nghiệp bất thiện của thân và bốn nghiệp bất thiện của miệng nếu theo thứ lớp mà lìa bỏ, cho đến đạt được giải thoát.

Người kia nhân nơi nghiệp thiện được mọi người khen ngợi, sau sinh lên Cõi Trời, cuối cùng chứng được Niết Bàn. Thân khẩu nghiệp của vị kia đạt được kết quả đúng như nghiệp thật. Người tu hành, trong tâm suy nghĩ, tùy thuận với chánh pháp, quan sát như vậy và thấy biết một cách như thật.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là thực hành nghiệp đạo thiện nơi ý?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ý nghiệp có ba: Tham, sân và tà kiến. Đối trị được chỗ bất thiện thì trong hiện tại được an vui. Sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời. Nếu nhàm chán sinh tử, người kia nhập vào cảnh giới Niết Bàn Vô dư.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp đạo bất thiện tham để được quả báo của nghiệp thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Người nào lìa bỏ tham thì ngay trong đời hiện tại, tất cả của cải, châu báu đều được đầy đủ, dồi dào, không ai xâm đoạt. Nếu là Vua hay các vương hầu hãy còn không sinh khởi tâm, huống chi là bị trộm cắp, cướp giựt.

Nếu gặp trường hợp đánh rơi mất của cải mà người khác lượm được thì họ xem như quen thân liền hoàn trả lại. Người kia luôn giàu có của cải, không bị ly tán. Sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời. Sinh lên Cõi Trời chiến đấu với A tu la, thì A tu la kia không thể nào thắng nổi, không sao giết hại và làm cho khiếp sợ.

Người đó không bao giờ sợ ai, được Chư Thiên yêu mến, sinh tâm gần gũi, có thanh, xúc khả ái, các thứ sắc, vị, hương thực không thể nói hết. Nếu nguyện xuất gia tu tập đạo quả thiền định thanh tịnh, vô lậu, chứng đắc ba thứ Bồ Đề thì được y theo sở nguyện như đã nói ở trước.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp đạo bất thiện sân đạt được quả báo của nghiệp thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Người xa lìa sân thì ngay trong đời hiện tại này được quả báo theo việc làm của nghiệp mà được giàu có lớn, mọi người yêu mến, tâm ý luôn thương tưởng.

Người ấy vĩnh viễn xa lìa tất cả những chỗ nguy hiểm nhất, chỗ sợ hãi, chỗ không thuận tiện, cho đến những lo sợ về Vua, giặc cướp, rơi vào sườn núi nguy hiểm, lửa, nước, đám người dua nịnh, dối trá… người ấy được mọi người trong thế gian yêu mến. Những người ác cũng sinh lòng mến yêu.

Tất cả người thiện rất yêu thương, họ coi người kia như con, anh, em. Sau khi qua đời, người kia được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời, có thần thông lớn, thân tướng đẹp đẽ, thường được hết thảy những sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng ưa, tùy ý mà thọ hưởng.

Có vườn Hoan hỷ, rừng cây tươi tốt, xe gắn vật báu. Trong rừng có chúng Thiên nữ vây quanh, làm cho những vị Trời khác không thể sinh tâm, không thể dùng thân, khẩu, ý khiến cho người kia sợ hãi, mà lại có hàng trăm ngàn vị Trời với tâm ý thương mến, gần gũi quý nhớ, được Vua Trời Đế Thích mến yêu.

Khi đánh với chúng A tu la, người ấy không yếu hèn, không có tâm sợ hãi. Nếu muốn lìa bỏ phiền não cấu uế ra khỏi thế gian, người kia thoái chuyển về thế gian sinh trong cõi người làm Chuyển Luân Vương.

Qua lại như vậy trải qua vô lượng đời làm Vua, cai trị bốn cõi thiên hạ có đầy đủ bảy báu: Một là ngọc nữ báu. Thân ngọc nữ kia làm bằng hương chiên đàn, trong miệng thường tỏa ra mùi thơm Ưu Bát La, chạm vào thân rất mềm mại giống như tiếp xúc với Ca Lăng Già.

Ca Lăng Già là một loài chim sống trên bãi biển. Ai chạm vào thân chim giống như chạm vào thân người, khiến không còn mệt mỏi, xa lìa đói khát, ưu bi, khổ não. Người trên bãi biển xúc chạm vào thân chim thì đối với ngọc nữ báu kia cũng giống như vậy.

Nếu Chuyển Luân Vương trông thấy hoặc chạm vào ngọc nữ báu thì được khoái lạc. Mùa lạnh thì thân ngọc nữ báu ấm, mùa nóng thì mát mẻ. Như vậy, lực xúc chạm của ngọc nữ báu chẳng phải là người khác đạt được. Do xa lìa sân mà được nghiệp thiện có sức mạnh thuận theo hành động. Tất cả người nam thấy ngọc nữ báu này thì tâm khéo phân biệt giống như đối với mẹ, chị, em gái của họ.

Nếu một lòng với Vua thì được Vua kính trọng, một lòng với Vua thường làm Vua vui thích, xa lìa năm thứ tội lỗi của người nữ: Đó là chẳng trinh thuận vì hành động với người nam khác, tâm ganh tỵ, tham ác, ưa thích ở chỗ xấu nhiều dục, muốn chồng chết để sống một mình.

Như vậy ngọc nữ báu kia lại có năm thứ công đức tương ưng, ấy là: Hành động theo ý chồng, sinh nhiều con trai, dòng họ tôn quý, ưa thích người tốt không sinh tâm đố kỵ, khi chồng cùng với người nữ khác vui chơi thì tâm không ganh ghét. Lại có ba thứ công đức lớn, thù thắng tương ưng của người nữ.

Đó là không nói nhiều, tâm không tà kiến, nếu chồng chết không ham các sắc, thanh, hương, vị, xúc… tâm ý chẳng động. Do nhân duyên này, sau khi qua đời, người nữ ấy được sinh vào đường lành nơi Cõi Trời. Đó là món ngọc nữ báu quý giá vi diệu chỉ Chuyển Luân Vương mới có được.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa tâm sân nhiều cấu uế được quả báo của nghiệp thiện như Chuyển Luân Vương?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Do xa lìa nghiệp ác bất thiện là sân với kẻ khác, nên nhờ nghiệp thiện còn lại mà được làm Chuyển Luân Vương với món báu thứ hai là châu báu có đầy đủ tám công đức.

Công đức thứ nhất là ở trong đêm tối nó rất sáng giống như trăng tròn mùa thu không bị mây che. Như vậy châu báu ấy có thể chiếu sáng hết tối tăm khắp cả một trăm do tuần. Lại nữa, ban ngày trời nóng bức dữ dội, châu báu ấy tỏa ánh sáng lạnh, dứt trừ nóng bức đạt được mát mẻ. Đây là công đức thứ nhất của châu báu.

Công đức thứ hai là khi Chuyển Luân Vương đi vào nơi đồng trống, hoang vắng không có nước uống, binh lính đói khát nước thì châu báu khiến có nhiều dòng nước trong mát, trừ hết sự khát. Đây là công đức thứ hai của châu báu.

Công đức thứ ba: Khi Chuyển Luân Vương nghĩ đến nước uống, thì châu báu theo ý Vua mà hiện ra. Đấy là công đức thứ ba của châu báu.

Công đức thứ tư: Châu báu có tám cạnh, mỗi cạnh phát ra nhiều màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, đậm nhạt. Đây là công đức thứ tư của châu báu.

Công đức thứ năm: Diệu lực của châu báu kia, người sống trong khoảng một trăm do tuần đều lìa khỏi bệnh, tâm hành ngay thẳng mong muốn gì đều y như nghiệp mà được kết quả. Đây là công đức thứ năm của châu báu.

Công đức thứ sáu: Uy lực của châu báu khiến cho các rồng ác không thể giáng xuống những trận mưa dữ. Đây là công đức thứ sáu của châu báu.

Công đức thứ bảy: Đối với nơi chốn không có nước, vùng núi cao hoang vắng, không có cây cỏ, thì châu báu ấy có thể tạo ra nhiều cây cối, ao nước hoa sen, cỏ cây um tùm, tươi tốt, tất cả đều được đầy đủ. Đây là công đức thứ bảy của châu báu.

Công đức thứ tám: Nhờ uy lực của châu báu nên không ai bị chết yểu, chết oan, lại được sống lâu, có thể khiến cho loài súc sinh không sát hại lẫn nhau, không oán ghét nhau. Oán ghét lẫn nhau là loài rắn chuột, lang sói. Đó là tám công đức thù thắng tương ưng đầy đủ.

Chuyển Luân Vương nhờ xa lìa tâm sân, tạo nghiệp thiện mà được quả báo. Vua có một ngàn người con, tất cả đều tráng kiện là bậc nhất trong loài người, thân tướng đẹp đẽ, có thể phá trừ được các quân khác. Tùy theo tâm ý của Chuyển Luân Vương mà hành động theo, đoan nghiêm vui vẻ.

Người thiện theo như pháp, tùy thuận với pháp mà làm, thực hành giống với dòng họ của Chuyển Luân Vương. Tất cả xóm làng, chỗ đại chúng tụ hội đều kính trọng, yêu mến, khen ngợi về tâm hành của người đó.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là lìa bỏ sân, tu hành nghiệp thiện được làm Chuyển Luân Vương, có món báu thứ ba là luân báu xuất hiện trong thế gian?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Luân báu kia có đầy đủ năm công đức tương ưng. Đó là luân báu có một ngàn căm, thể của nó bằng vàng Diêm phù đàn, rộng năm trăm dotuần, như Mặt Trời thứ hai chiếu khắp thế gian. Đây là công đức thứ nhất của luân báu.

Công đức thứ hai của luân báu là đi lại không chướng ngại, bay trên không mà đi một ngày có thể đi trăm ngàn do tuần.

Công đức thứ ba của luân báu là tùy theo ý của nhà Vua, bất cứ nơi chốn nào Vua nghĩ tới, muốn đến: Cù Đà Ni hay Phất Bà Đề, Uất Đan Việt, Tứ Thiên Vương… ở tất cả mọi nơi ấy, bánh xe một ngàn căm bay lên không trung mà đến.

Nhờ sức mạnh của luân báu khiến cho bốn bộ binh: Voi, ngựa, xe, cộ đều bay trên không mà tới nơi.

Công đức thứ tư của luân báu: Nếu bề tôi của Chuyển Luân Vương không tuân theo thì kim luân bảo vương cùng đi theo hộ vệ có thể ra lệnh, khiến đám bề tôi kia phải quy phục ngay.

Công đức thứ năm của luân báu là không ai địch lại kim luân báu kia. Nếu Vua hoặc các vương hầu trông thấy thì bị hàng phục ngay. Nhờ vào oai lực của Chuyển Luân Vương mà luân báu luôn đi theo cho nên có thể hiện bày sức mạnh như thế.

Trên đây là năm thứ công đức tương ưng đầy đủ của luân báu. Như vậy là đã nói xong về báu lớn thứ ba.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là lìa sân, tu hành nghiệp thiện được làm Chuyển Luân Vương với báu lớn thứ tư là voi báu xuất hiện ở thế gian.

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Chuyển Luân Vương này do tu hành đúng pháp, tùy thuận theo pháp mà thực hành nên được voi điều thuận. Voi điều thuận bậc nhất là có thể vượt thắng các thành khác, bảy chi vững vàng, đó là bốn chân, đuôi, căn và ngà.

Bảy chi ấy luôn vững chắc. Nếu có đủ tướng như thế thì voi ấy rất mạnh, gấp hơn một ngàn lần sức mạnh của những con voi thường khác. Thân voi mềm mại, trắng như tuyết, giống như voi Y La Bà Na của Vua Đế Thích. Các voi khác nghe hơi của nó liền nằm mọp không dám nhìn thẳng.

Voi ấy có thể chiến đấu ba chỗ: Dưới nước, trên đất và trên không.

Nó đi rất nhanh: Trong một ngày có thể đi quanh Diêm Phù Đề ba vòng. Điều phục voi ấy bằng cách lấy một sợi dây cột vào yết hầu rồi kéo đi. Khi Chuyển Luân Vương cỡi thì voi điều thuận kia luôn đồng lòng với Vua. Nếu Chuyển Luân Vương muốn đi đến chỗ nào, không cần chỉ bảo, voi ấy sẽ đi nhanh đến đó.

Nó rất oai vệ không dao động, không lắc lư, bước đi chậm rãi, bước đều, không đi quanh co hoặc phóng nhanh, cũng không cố gắng. Những cử chỉ khéo léo đó, dù em bé thấy nó cũng không sinh sợ sệt. Đi ra ngã tư hoặc lên lầu cao để đi tới chỗ kia, người phụ nữ có thể nắm bắt, tay chạm được nó. Lúc chiến đấu voi rất mạnh mẽ, nhưng khi đi thì nó luôn tuân phục không vượt qua dây trói.

Trong mười nẻo thiện của Chuyển Luân Vương, chỉ thực hành một chủng tử của nghiệp đạo là đạt được, huống chi tu hành đủ cả mười đạo nghiệp thiện. Do thuận với chánh pháp người tu hành dùng thiên nhãn thấy voi báu là báu lớn thứ tư của Chuyển Luân Vương.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là Chuyển Luân Vương được ngựa báu?

Ngựa báu ấy có những công đức hòa hợp tương ưng gì?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Ngựa báu giống, như hoa nga câu vật đầu, toàn thân đều có những tướng lông xoáy của trời rất đẹp. Đó là tướng thứ nhất. Trọng lượng, màu sắc, hình thể xứng hợp với các tướng.

Chỗ điều thuận bậc nhất của nó là trong một ngày có thể đi vòng quanh Diêm Phù Đề ba vòng mà thân không mỏi mệt. Đây là công đức của voi báu, là báu lớn thứ năm của Chuyển Luân Vương.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là Chuyển Luân Vương có được chủ binh báu?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Chủ binh báu kia có công đức gì?

Nghĩa là khi Chuyển Luân Vương nhớ nghĩ điều gì, không đợi ra lệnh nhưng chủ binh báu liền biết được ý Vua. Vua cần làm điều gì thì chủ binh báu hoàn tất việc đó. Xa lìa phi pháp, thực hành chánh pháp. Cần lúc nào, chỗ nào, chủ binh báu đều thực hiện không hề trái ý, lại không buồn không than.

Y vào chánh pháp mà giữ. Nếu ý Vua nhớ nghĩ cần làm gì thì những việc làm ấy không trái ý với nghĩa của pháp. Tùy theo cảnh giới của Vua cần, chủ binh báu đều hoàn tất cả thảy.

Do Chuyển Luân Vương lìa bỏ sân, tạo nghiệp thiện mà được chủ binh báu như thế. Phải luôn luôn tu hành mười nghiệp đạo thiện, tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh trong thế gian giống như cha mẹ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần