Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Mười Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI
QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng
Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN MƯỜI SÁU
Ca Diếp liền dùng lời kệ đáp:
Con ở trong đời trước
Nhờ công đức thờ lửa
Được sinh Cõi Trời người
Thọ hưởng vui năm dục
Cứ thế mãi luân hồi
Chìm trong biển sinh tử
Con thấy tai họa đó
Nên để dược lìa khổ
Nương phước báo thờ lửa
Cầu sinh Cõi Trời người
Chỉ thêm tham, sân, si
Cho nên con xa lánh
Lại theo phước thờ lửa
Cầu sinh trong tương lai
Nhưng đã có sinh rồi
Ắt có già bệnh chết
Con đã thấy điều ấy
Nên bỏ đạo thờ lửa
Bố thí, tu khổ hạnh
Và phước báo thờ lửa
Dù được sinh Phạm Thiên
Nhưng không phải rốt ráo
Do vì nhân duyên ấy
Cho nên bỏ thờ lửa
Con thấy pháp Như Lai
Lìa sinh, lão, bệnh, tử
Đạo giải thoát hoàn toàn
Do đó nay xuất gia
Như Lai, Đấng Giải Thoát
Là Bậc thầy Trời người
Vì nhân duyên như thế
Nên nương theo Thế Tôn
Như Lai đại từ bi
Hiện vô số phương tiện
Và các sức thần thông
Để dẫn con vào đạo
Sao lại còn bằng lòng
Đi theo đạo thờ lửa.
Lúc bấy giờ Vua Tần Tỳ Sa La cùng mọi người nghe lời kệ của Ca Diếp vô cùng vui mừng, càng sinh lòng cung kính, tin tưởng tuyệt đối với Đức Phật, hiểu rõ Như Lai là Bậc nhất thiết chủng trí, và đều biết Ca Diếp là đệ tử của Phật.
Lúc ấy trong không trung, Chư Thiên rải các thứ hoa Trời, tấu các thứ nhạc êm dịu và cùng xướng: Lành thay Tôn Giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đã khéo nói lời kệ ấy.
Đức Thế Tôn biết mọi người đã tin tưởng chắc chắn không còn nghi ngờ, lại xem thấy căn tính của họ đều đã thuần thục nên vì họ mà thuyết giảng: Đại Vương nên biết thân năm ấm này lấy thức là căn bản, do thức sinh ý căn, từ ý căn sinh ra sắc, mà sắc thì sinh diệt không bền.
Nếu Đại Vương quán sát được như thế thì có thể biết rõ thân này là vô thường, quán thân là vô thường nên không chấp thủ thân tướng và do vậy có thể lìa được chấp ngã và ngã sở.
Nếu Đại Vương có thể quán sắc là vô thường thì cũng có thể xa rời mọi ý niệm về ngã và ngã sở, tức là hiểu rõ khi sắc sinh thì khổ sinh, sắc diệt thì khổ diệt. Nếu người nào quán niệm được như thế thì gọi là giải cởi mở, tự tại, thoát ly…
Nếu ai không quán niệm như thế thì gọi là phược trói buộc. Thực tính của các pháp vốn vô ngã và vô ngã sở. Chúng sinh do vọng tưởng điên đảo nên chấp có ngã và ngã sở, đó không phải là pháp chân thật. Nếu có thể đoạn trừ vọng tưởng mê lầm, điên đảo thì được giải thoát.
Lúc ấy Vua Tần Tỳ Sa La suy nghĩ: Nếu bảo chúng sinh chấp có ngã là bị trói buộc, vậy nếu tất cả chúng sinh đều vô ngã thì ai sẽ thọ quả báo?
Đức Thế Tôn biết những thắc mắc trong lòng Vua liền nói: Tất cả những việc thiện ác mà chúng sinh làm cũng như những quả báo mà chúng sinh thọ nhận đều không phải do ngã tạo ra, cũng không phải ngã thọ nhận, nhưng trong hiện tại lại thấy có tạo ra thiện ác và có thọ quả báo.
Đại Vương nên lắng nghe thật kỹ, ta sẽ vì Đại Vương mà giảng rõ. Chỉ vì căn, trần, thức hợp với nhau khởi sinh nhiễm cảnh, tích lũy những ý tưởng ngày càng nhiều, chính do đó mà chúng sinh mãi chạy theo dòng sinh tử, chịu mọi quả báo khổ đau. Nếu không nhiễm cảnh, dừng lại những tâm tưởng ràng buộc thì được giải thoát.
Do căn, trần, thức ba nhân duyên ấy hợp lại mà có thiện ác và thọ quả báo, bản chất của chúng là không có ngã riêng tính chủ thể, độc lập, riêng biệt. Thí như dùi cây để lấy lửa, do tay xoay miếng gỗ mà có lửa nhưng tính của lửa không phải từ tay hay từ gỗ mà có, cũng không lìa tay và mảnh gỗ mà có. Căn, trần, thức cũng như thế.
Khi ấy Vua Tần Tỳ Sa La lại nghĩ: Nếu do căn, trần, thức hòa hợp mà có thiện ác cũng như có thọ quả báo thì chúng phải thường hợp lại với nhau, không thể xa rời nhau. Nếu chúng không thường hợp lại với nhau thì sẽ bị đoạn diệt.
Thế Tôn biết ý nghĩ ấy của Vua nên giảng tiếp: Căn, trần, thức ấy không thường còn, cũng không đoạn diệt.
Vì sao?
Vì chúng hòa hợp với nhau nên không đoạn diệt, vì chúng có đặc tính riêng nên không thường còn. Ví như hạt giống là do nhân, do có duyên của đất, nước nên mầm lá mới sinh ra. Hạt giống sẽ mục nát nên không gọi là thường, nhưng do hạt giống có đặc tính sinh trưởng thành mầm lá nên không thể gọi là đoạn. Lìa cả khái niệm thường và đoạn được gọi là trung đạo. Căn, trần, thức cũng như vậy.
Vua nghe xong bài pháp, tâm ý khai mở, tỉnh ngộ, nhờ đó xa lìa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Tám vạn na do tha Bà La Môn, Đại Thần và nhân dân cũng nhờ nghe pháp mà được xa lìa trần câu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Chín mươi sáu vạn na do tha Chư Thiên cũng nhờ nghe pháp mà xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.
Vua Tần Tỳ Sa La từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính lễ xuống chân Phật rồi chắp tay thưa: Vui sướng thay! Đức Thế Tôn đã lìa bỏ ngôi Chuyển Luân Thánh Vương xuất gia học đạo, thành Bậc nhất thiết chủng trí.
Trước kia con đã ngu si muốn giữ Thế Tôn lại để cai trị một nước nhỏ. Nay được diện kiến đức đại từ, lại được nghe chánh pháp nên rất hổ thẹn về lỗi đã qua, kính xin Thế Tôn mở lòng từ bi nhận cho con sám hối.
Ngày trước con có nguyện xin nếu Phật đắc đạo thì độ con trước, nay ước nguyện đã thành tựu, nhờ ân Thế Tôn mà con đã thấy được chân lý. Từ nay con nguyện cúng dường đầy đủ tứ sự cho Thế Tôn và chư Tăng, không để thiếu thốn, cúi mong Đức Thế Tôn ở lại vườn Trúc để nước Ma Kiệt Đề mãi mãi an vui.
Phật đáp: Quý hóa thay! Đại Vương có thể xa rời pháp tam bất kiên để cầu quả tam kiên, ta nay chấp thuận để Vua được tròn đầy tâm nguyện.
Vua Tần Tỳ Sa La biết Phật đã chấp thuận lời thỉnh của mình đến ở trong vườn Trúc nên cung kính lễ xuống chân Phật, từ tạ ra về. Về đến cung, Vua lập tức ra lệnh cho quan quân khởi công xây cất phòng xá trong vườn Trúc, trang trí vô cùng trang nghiêm, đẹp đẽ, treo phướn lọng bằng gấm, cắm hoa đốt hương.
Sau khi đã hoàn thành, Vua liền cho chuẩn bị xa giá đi đến chỗ Phật đảnh lễ, thưa: Phòng xá nơi vườn Trúc đã xây cất xong, cúi mong Thế Tôn và chư Tỳ Kheo Tăng thương xót đến đó trụ.
Lúc đó Thế Tôn, chư Tỳ Kheo và vô số Chư Thiên tháp tùng vây quanh cùng đi vào thành Vương Xá. Ngay khi Như Lai bước vào cổng thành, những nhạc khí trong thành tự nhiên tấu lên, cửa hẹp bỗng hóa rộng, cửa thấp bỗng cao lên, tất cả những gò đống đều trở nên bằng phẳng, những nơi dơ bẩn đều được sạch thơm, người điếc bỗng nghe được, người câm lại nói được.
Người mù nhìn thấy được, người điên dại trở nên tỉnh táo, những kẻ tật nguyền ốm đau bỗng lành lặn, khỏe mạnh, cây khô ra hoa, cây cỏ héo úa bỗng xanh tươi, ao cạn bỗng ngập nước vỗ sóng tràn bờ, gió thơm thổi đến, các loài chim quý lạ như Phượng Hoàng, Khổng Tước, Phỉ Thúy, Oan Ương… đều bay về tụ tập, hót lên những âm thanh êm ái. Tất cả điều lành đều như hội tụ nơi thành Vương Xá. Sau khi vào thành, Đức Phật cùng Vua Tần Tỳ Sa La đến vườn Trúc.
Lúc ấy Chư Thiên vân tập đầy khắp trên không, Đức Vua tay nâng một chiếc bình quý chứa đầy nước thơm đến trước Như Lai thưa: Nay con xin hiến cúng vườn Trúc này cho Như Lai và chư Tỳ Kheo Tăng. Xin Thế Tôn thương xót nhận cho.
Nói xong, Vua lấy nước trong bình rưới lên đất.
Lúc đó Đức Phật yên lặng chấp nhận, nói kệ chú nguyện:
Người nào siêng bố thí
Sẽ trừ được tâm tham
Người nào thường nhẫn nhục
Sẽ mãi lìa giận dữ
Nếu ai luôn làm lành
Ngu si sẽ xa lánh
Có đủ được ba hạnh
Mau đạt được Niết Bàn
Nếu có người nghèo khổ
Không của để bố thí
Thấy người khác bố thí
Mà sinh tâm vui theo
Phước báu người tùy hỷ
Cũng bằng người bố thí.
Chúng hội Bà La Môn, các quan Đại Thần cùng dân chúng thấy Vua phụng cúng tinh xá cho Đức Phật đều hớn hở sinh niệm hoan hỷ theo Vua.
Sau khi cúng dường tinh xá cho Đức Phật và Chư Tăng xong, Vua Tần Tỳ Sa La vô cùng vui sướng, cung kính lễ xuống chân Phật rồi trở về cung. Trong các vị Quốc Vương ở cõi Diêm Phù Đề từng được diện kiến Đức Phật, Vua Tần Tỳ Sa La là đứng đầu. Trong tất cả các ngôi tinh xá thì Trúc Viên là ngôi tinh xá đầu tiên.
Vào lúc Đức Phật và chư Tăng ngự tại vườn Trúc, có hai vị Bà La Môn ở trong thành Vương Xá, là người thông minh, linh lợi có trí tuệ lớn, thông đạt tất cả các Luận thư, tài tranh biện không ai qua được. Một người họ Câu Lật tên Ưu Bà Thất Sa, do có người mẹ tên là Xá Lợi nên mọi người thường gọi ông là Xá Lợi Phất, người thứ hai họ Mục Kiền Liên tên là Mục Kiền La Dạ Na.
Mỗi người có một trăm đệ tử đều được dân chúng trong nước kính trọng, ngưỡng mộ. Hai người kết bạn, rất thân yêu và kính trọng nhau, đã giao ước với nhau nếu ai gặp được pháp môn kỳ diệu trước thì phải khai ngộ cho nhau, không được giấu diếm.
Một hôm, Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ khoác y ôm bát vào làng khất thực. Vị Tỳ Kheo khéo giữ các căn, oai nghi nghiêm chỉnh, người đi đường trông thấy ai cũng cung kính. Lúc ấy trên đường đi, Xá Lợi Phất bỗng thấy oai nghi Phạm tướng củA Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ.
Do thiện căn đã tròn đủ nên vừa gặp vị Tỳ Kheo, lòng Xá Lợi Phất đột nhiên vui mừng vô hạn, toàn thân rung động, đứng lại chăm chú nhìn, và vội hỏi: Theo ý tôi thì thầy chắc là mới xuất gia nhưng sao đã thu nhiếp được các căn nên tôi muốn hỏi, xin thầy cho biết Bổn Sư của thầy là ai?
Có những lời dạy nào?
Thường nói những pháp gì?
A Xả Bà Kỳ nghiêm trang đáp: thầy tôi là bậc đã đạt nhất thiết chủng trí, thuộc dòng họ Cam Giá, là thầy của cả Trời người, có tướng tốt, trí tuệ và thần thông không ai bì kịp. Tôi tuổi còn nhỏ, học đạo còn nông cạn đâu dám tuyên nói diệu pháp của Như Lai, nhưng theo chỗ tôi hiểu, xin nói lại cho ông.
Vị Tỳ Kheo liền nói kệ:
Cội nguồn tất cả pháp
Nhân duyên sinh, vô chủ
Nếu rõ được điều đó
Sẽ đạt đạo chân thật.
Vừa nghe xong bài kệ của Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ, Xá Lợi Phất lập tức xa lìa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, thấy được chân lý, nội tâm vô cùng phấn chấn, các căn trong thân rung động, vui sướng tột độ, tự nghĩ: Tất cả chúng sinh đều do chấp ngã nên bị luân hồi trong vòng sinh tử, nếu trừ được ngã tưởng thì ngã sở tưởng cũng sẽ không còn, giống như ánh sáng Mặt Trời có thể phá tan mọi bóng tối, tâm vô ngã cũng như thế, có thể phá tan hoàn toàn mọi ngăn che của ngã kiến.
Những gì ta tu học từ trước đến nay đều là tà kiến, điều ta sở đắc hôm nay mới thật là đạo lý chân thật. Nghĩ thế xong, Xá Lợi Phất liền lễ xuống chân A Xả Bà Kỳ, trở về nơi cư trú. Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ tiếp tục đi khất thực xong liền quay về vườn Trúc.
Khi Xá Lợi Phất về đến chỗ ở, Mục Kiền Liên do thiện căn đã đầy đủ, vừa nhìn thấy Xá Lợi Phất các căn yên tịnh, oai nghi trang nghiêm, khuôn mặt có vẻ vui mừng khác với ngày thường, liền hỏi: Tôi xem anh hôm nay mọi dáng vẻ đều khác với ngày thường, phải chăng đã nghe được pháp cam lộ vi diệu?
Trước đây, chúng ta đã giao ước với nhau, hễ người nào nghe được pháp vi diệu thì phải khai ngộ cho người kia, nay anh nghe được pháp gì hãy đọc lại cho tôi nghe với.
Xá Lợi Phất đáp: Đúng là hôm nay tôi đã được nghe pháp cam lộ.
Mục kiền la Dạ Na nghe nói, lòng mừng vui tột độ liền cất lời khen: Hay thay! Hãy nói cho tôi nghe với.
Xá Lợi Phất thuật lại: Hôm nay trên đường tôi gặp một vị Tỳ Kheo khoác y ôm bát vào làng khất khực.
Vị ấy các căn vắng lặng an tỉnh, dáng vẻ nghiêm trang, tôi vừa gặp đã sinh lòng cung kính liền đến gần hỏi theo chỗ tôi thấy thì vị ấy dường như mới xuất gia mà sao đã thu nhiếp được các căn như thế, và tôi đã hỏi Bổn sư của vị ấy là ai?
Đã dạy những pháp gì?
Lúc đó vị Tỳ Kheo A Xả Bà Kỳ ấy đã ung dung trả lời tôi: thầy tôi đã đạt nhất thiết chủng trí, thuộc dòng họ Cam Giá, là thầy cả Trời người, tướng tốt, trí tuệ và thần thông không ai sánh bằng.
Tuổi tôi còn trẻ, học đạo còn cạn, đâu có thể nói hết diệu pháp của thầy nhưng theo chỗ tôi hiểu xin nói cho ông nghe rồi vị ấy nói kệ:
Cội nguồn tất cả pháp
Nhân duyên sinh, vô chủ
Nếu hiểu rõ điều đó
Sẽ đạt đạo chân thật.
Mục Kiền La Dạ Na vừa nghe xong những lời ấy của Xá Lợi Phất cũng lập tức lìa được mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.
Sau khi đắc pháp hai người bàn với nhau: Hai chúng ta đều nhờ Pháp Phật mà được lợi ích lớn, nay nên cùng nhau đến chỗ Phật xin xuất gia.
Bàn tính xong, mỗi người đều gọi các đệ tử của mình đến bảo: Ta nay đã được vị cam lộ của Phật Pháp, chỉ có giáo pháp đó mới là con đường xuất thế.
Nay ta muốn đến xin Phật xuất gia, ý các người thế nào?
Các đệ tử thưa: Nhờ thầy mà chúng con có tri kiến, nay thầy xuất gia, chúng con cũng nguyện xin đi theo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Mười Hai - Phẩm Tối Thắng - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Lô Hi Gia
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội - Phẩm Bốn - Phẩm Bản Giác Lợi
Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Một - Phẩm địa Cực Hỷ - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Tám - Phẩm Ananda - Phần Sáu - Hiện Hữu
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Chín - Phẩm Hành Hóa Thuận Hợp - Phần Chín