Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BA MƯƠI BA  

Để điều phục Chư Thiên, ngỗng chúa đã nói bài kệ như vậy. Nếu vị Trời nào sống phóng dật thì không nghe, không nhớ nghĩ, không tư duy.

Nếu vị nào thích nghe bài kệ mà ngỗng chúa đã nói để hàng phục Thiên Chúng thì đi mau đến khu đất vô lậu để nghe chánh pháp. Nghe rồi, họ sinh tâm kính trọng. Được nghe chánh pháp và sinh tâm kính trọng rồi, vị ấy mau chóng trở lại tòa nhà. Trong tòa nhà ấy có các vị Trời do nghe chánh pháp tâm sinh kính trọng nên ánh sáng tăng lên gấp trăm ngàn lần. 

Các vị Trời phóng dật thì ánh sáng bị giảm. Như vậy trong Cõi Trời, quả báo phát sinh ngay trong hiện tại. Vị nào ưa dục lạc Cõi Trời thì sẽ ít sắc đẹp, hình vóc, trang phục, đồ trang sức tất cả đều thua kém. Những điều này là sự thoái thất đầu tiên của Cõi Trời Đâu Suất.

Sự thoái thất thứ hai của Cõi Trời Đâu Suất là khi Thiên Chúng tập hợp lại nghe pháp thì có vô lượng trăm ngàn ức chúng hội và năm trăm Bồ Tát ở nơi đó, Vua Trời Đâu Suất tên là Tịch tĩnh thuyết pháp cho Thiên Chúng nghe. Pháp được thuyết là Vô minh duyên hành… lúc nghe chánh pháp, Thiên Chúng nhất tâm nghe thật kỹ.

Do nghe như vậy, oai đức và vẻ đẹp của họ đều vượt trội, tăng lên gấp trăm ngàn lần. Nếu vị Trời nào động tâm, tâm liền như điện, hoặc như gió mạnh thổi nước biển cả làm lớp lớp sóng chuyển động, do tham ái làm duyên nên tâm động như vậy. Do ưa thích cảnh giới nên hình vóc, y phục và đồ trang sức của vị Trời ấy vẫn như cũ không đẹp thêm. Vì thấy người khác hơn mình nên vị ấy sinh tâm hổ thẹn. Đây là sự thoái thất thứ hai của Cõi Trời Đâu Suất Đà.

Sự thoái thất thứ ba ở Cõi Trời Đâu Suất Đà là: Vị Trời nào nghe pháp, tâm sinh kính trọng, biết như thuyết, biết như pháp tướng. Biết như vậy rồi, tâm niệm trụ ở nơi chân chánh thì oai đức, hình vóc, y phục trang sức của vị Trời ấy đều tăng lên gấp trăm ngàn lần. Vị Thiên nào không niệm pháp thì oai đức, hình dáng, y phục, đồ trang sức không tăng thêm. Đây chính là sự thoái thất thứ ba ở Cõi Trời Đâu Suất Đà.

Sự thoái thất thứ tư ở Cõi Trời Đâu Suất Đà là lúc nghe chánh pháp, nếu các vị Trời ấy sinh tâm kính trọng, chuyên tâm nhớ nghĩ, giữ gìn như pháp, chuyên tâm thọ trì. Người tu hành như vậy, tư duy kỹ rồi, sau đó mới hành trì. Vị Trời ấy kính pháp, trọng pháp. Do nhân duyên thù thắng, do nghe pháp, oai đức, ánh sáng, hình vóc, y phục, đồ trang sức tăng lên gấp trăm ngàn lần.

Vị nào nghe rồi không siêng năng tu hành, khi thấy hình vóc, đồ trang sức vẻ đẹp của người khác tăng thêm và thấy oai đức, ánh sáng, hình vóc vẻ đẹp của mình không tăng thêm thì sinh hổ thẹn. Đây chính là sự thoái thất thứ tư của Cõi Trời Đâu Suất Đà.

Lại nữa, sau khi quan sát bốn loại thoái thất ở Cõi Trời Đâu Suất Đà rồi, Tỳ Kheo ấy lại quán xét sự thoái thất của Cõi Trời Hóa Lạc. Vị ấy thấy thú vui thù thắng của Cõi Trời ấy còn có bốn việc thoái thất.

Những gì là bốn?

Một là do hết nghiệp lành chân liền có bóng. Các phần còn lại của thân đều có ánh sáng, riêng chân thì không. Vì vậy chân của vị Trời ấy có bóng. Thấy ánh sáng của các vị Trời khác vây quanh mình họ như núi, vị Trời thua kém ít ánh sáng ấy liền bỏ đi.

Những vị Trời có ánh sáng thù thắng thấy vậy liền chê cười và nói: Vị Trời này thua kém do nghiệp lành đã hết.

Vị Trời chân có bóng nghe vậy liền xấu hổ, tâm sinh buồn rầu, nói thầm như vậy: Nghiệp mình hết rồi nên mới như vậy.

Tất cả những sự đầy đủ rốt cuộc đều hoại mất cũng như ở thế gian do có ngày nên có đêm. Ở nơi này, tất cả những sự đầy đủ cuối cùng đều thoái thất. Nếu ai có sống thì phải có chết. Sự đầy đủ này cuối cùng phải hoại mất. Thế gian này không có sự đầy đủ nào mà không bị hư hoại. Sự thoái thất ấy là sự thoái thất đầu tiên của Cõi Trời Hóa Lạc.

Sự thoái thất thứ hai của Cõi Trời Hóa Lạc là: Giống như bông vải kiếp bối ở cõi Diêm Phù Đề rất mềm mại, dùng chân đạp lên nó liền xẹp, giở chân nó phồng lên trở lại, đất ở Cõi Trời Hóa Lạc cũng mềm như vậy. Vị Trời nào thọ nhận quả báo, khi nghiệp thiện hết thì đất không còn mềm mại, chân đạp lên không xẹp, giở chân không phồng lên. Vị Trời khác thấy vậy biết nghiệp của vị này đã hết.

Có vị Trời khi thấy điều đó mới nói với các vị khác: Vị Trời ấy đã hết nghiệp thiện, giờ thoái đọa sắp đến. Đó là sự thoái thất thứ hai của Cõi Trời Hóa Lạc.

Sự thoái thất thứ ba của Cõi Trời Hóa Lạc là: Lúc vị Trời ấy đi chơi, nếu đến vui chơi ở dưới tàng cây, cây liền mưa hoa bên trên vị ấy. Hoa rải đầy khắp khu đất mà vị ấy vui chơi.

Nếu nghiệp lành sắp hết, hoa trên cây không rơi, không rải trên đất, các vị Trời khác thấy hoa trên cây không rơi, không rải trên đất, liền nói: Vị Trời này đã hết nghiệp thiện, giờ thoái đọa đã sắp đến.

Vị Trời ấy nghe xong cảm thấy xấu hổ, buồn rầu, nghĩ thầm: Nay ta sắp thoái đọa. Đó là sự thoái thất thứ ba của Cõi Trời Hóa Lạc.

Sự thoái thất thứ tư của Cõi Trời Hóa Lạc là: Trời Hóa Lạc ấy nhất định thoái thất. Sự đầy đủ của Cõi Trời nhất định sẽ bị hoại mất.

Sự thoái thất thứ tư của Cõi Trời Hóa Lạc là gì?

Đó là mỗi vị Trời đều ở một vùng đất báu. Đất báu này trong sạch như gương. Thân một vị Trời hiện ra ở vô lượng chỗ, hiện đủ loại ảnh, đủ loại trang phục, đủ loại vẻ đẹp. Giống như cõi người, một mặt trời hiện ra ở trăm ngàn chỗ khác nhau trong các ao sen ở nhiều nơi, thân vị Trời này hiện khắp trong vô lượng trăm ngàn khu đất báu và các thân ấy đều giống nhau.

Nếu vị Trời nào hết nghiệp lành thì thân vị ấy chỉ hiện ảnh trong một khu đất báu mà thôi chớ không hiện ở khắp nơi.

Thấy sự thoái thất ấy, các vị Trời có trí tuệ khác liền nói: Vị Trời này đã hết nghiệp lành, sắp bị thoái thất. Đó là sự thoái thất thứ tư của Trời Hóa Lạc này.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:

Thế gian ưa đầy đủ

Không biết đến thoái thất

Đầy đủ ắt có mất

Như có ngày có đêm.

Vui đầy đủ như vậy

Tất thoái thất như vậy

Ham muốn không biết đủ

Nên thích trong chốc lát.

Nếu ai thích đầy đủ

Hoặc cầu thường được vui

Hãy xả bỏ tham ái

Thường được vui như vậy.

Chưa thỏa mãn tham dục

Đã nhập vào địa ngục

Tất cả đều do ái

Là điều Như Lai dạy.

Nếu ai vào địa ngục

Trăm lần hoặc ngàn lần

Cũng do lưới ái lừa

Nên phải bị như thế.

Trời Hóa Lạc có bốn loại thoái thất như thế.

Tỳ Kheo lại quán bốn việc thoái thất ở Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại. Nếu nghiệp lành của các vị Trời ấy sắp hết, lúc sắp thoái đọa liền có sự thoái thất. Chư Thiên ở cõi ấy có đủ loại vòng hoa đội đầu xinh đẹp, hoa Trời không héo che khắp mặt đất. Hoa này có mùi thơm vào bậc nhất, không gì có thể so sánh.

Vòng hoa xinh đẹp của họ có đủ loại màu sắc, có ánh sáng thù thắng. Ngay cả ánh sáng báu cũng không bằng một phần mười sáu ánh sáng này. Vòng hoa vị Trời ấy có nhiều con ong có cánh bằng bảy báu. Chúng phát ra thiên nhạc trong mọi lúc.

Ở Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại này, lúc nghiệp hết, sắp thoái đọa, con ong có cánh bằng bảy báu ấy phát ra tiếng không hay, bỏ vị Trời này và các hương hoa bay đến chỗ khác.

Biết vị Trời ấy sắp bị thoái đọa, các vị Trời có trí tuệ khác nói với vị này là: Hôm nay, do ông phóng dật nên giờ thoái đọa sắp đến mà không hay biết.

Nghe như vậy rồi, lại thấy các con ong bỏ đi chỗ khác, vị Trời có nghiệp lành đã hết nghĩ rằng: Phước nghiệp của mình đã hết.

Do thấy thú vui của mình sắp chấm dứt, vị ấy sinh tâm buồn rầu vô độ. Tâm nóng bức như vậy không khác gì lửa địa ngục và chỉ ở địa ngục mới có loại lửa này. Đó là sự thoái thất đầu tiên của Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại.

Sự thoái thất thứ hai của Cõi Trời Tha Hóa là: Thân của vị Trời ấy trơn láng bậc nhất, ánh sáng đầy khắp, sáng đến nỗi ánh sáng của Mặt Trời cũng giống như ánh sáng của đom đóm. Anh lạc vị Trời ấy đeo trên thân và các thứ trang sức khác có ánh sáng.

Chúng đều có các ngọn núi và vách báu hiện ở bên trong đó không khác gì hiện ở trong gương. Nếu sắp đến lúc thoái đọa, anh lạc và các đồ trang sức mà vị Trời ấy đeo không còn hiện ngọn núi và vách ở bên trong nữa.

Thấy như vậy, các vị Trời có trí tuệ khác nói với vị Trời đã hết nghiệp sắp thoái đọa: Ông sống phóng dật, sắp đến lúc thoái đọa nên anh lạc, đồ trang sức ông đeo trên người không có ánh sáng, vách báu và núi không hiện trong đó. Các vị Trời có trí tuệ đã từng thấy các vị Trời lúc sắp đến giờ thoái đọa có tướng như vậy. Đó là sự thoái đọa thứ hai của Cõi Trời Tha Hóa.

Sự thoái thất thứ ba của Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại là: Lúc vị Trời ấy thoái đọa, sắp đến xứ khác, các vị Trời chưa hết nghiệp cỡi cung điện sáng rỡ làm bằng đủ loại châu báu. Họ có thể đi một cách mau chóng, không bị chướng ngại, không bị chao đảo ở ba chỗ là hư không, mặt đất và nước.

Vị Trời nào hết nghiệp, sắp thoái đọa thì cung điện họ bị chao đảo và đi chậm. Các vị Trời khác thấy cung điện đó lay động mới nói với vị ấy: Nay ông đã sắp đến giờ thoái đọa, trước đây ta đã từng thấy các vị Trời khác lúc sắp đến giờ chết có tướng như vậy.

Nghe đến việc mình sắp xa cảnh giới Cõi Trời, vị Trời mà nghiệp đã hết bị lửa sầu thiêu đốt tâm giống như bị lửa địa ngục thiêu vậy. Đó là sự thoái thất thứ ba của Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại.

Sự thoái thất thứ tư của Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại là: Vị Trời nào chưa hết nghiệp lành thì được nghe năm loại âm nhạc, được tô điểm bằng tiếng ca dịu dàng, dễ nghe, nghe xong tâm sinh vui vẻ.

Nếu vị Trời nào nghiệp lành đã hết, thì năm loại âm nhạc mà họ được nghe không hay, tiếng ca mà họ nghe cũng vậy. Nó giống như bị ngọng. Nghe rồi họ không sinh tâm vui. Đó là do nghiệp của mình nên mới như vậy.

Trong đồ trang sức phát ra tiếng nói: Do ông sống phóng dật, nay nghiệp thiện của ông đã hết. Vì nghiệp trói buộc, ông sắp đến Thế Giới khác.

Do nghiệp của mình, nghe đồ trang sức nói, vị Trời ấy rất buồn rầu, than: Nay thú vui của cảnh giới và nghiệp lành của ta đã hết.

Cái mão trang sức trên đầu liền rơi xuống. Thấy vậy, vị ấy vô cùng đau khổ. Đó là sự thoái thất thứ tư của Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại. Ở trong Ba Cõi, chỗ nào cũng không có vật gì là thường còn, tất cả đều vô thường. Như vậy, sáu Cõi Trời đều là chỗ thoái thất.

Khi nghiệp thiện hết, các vị Trời ấy nhất định phải thoái đọa. Vị Trời thoái đọa này cầu các vị Trời khác nhờ trì giới mà được sinh Thiên cứu giúp, nhưng khi nghiệp thiện hết nhất định phải như vậy.

Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà nói: Như vậy đó, hỡi các vị Trời ở Sơn thọ cụ túc, Kinh Điển ở trong Tháp của Phật Ca Ca Thôn Đà đã dạy các vị Trời như vậy. Chư Thiên các ông phải lìa bỏ phóng dật, chớ có sống phóng dật nữa.

Vị khổ của phóng dật sẽ được thọ nhận trong địa ngục. Tất cả các mùi vị của tham dục đều như vậy. Sau khi nghe Kinh mà Đức Phật thứ ba dạy rồi, vị Trời nào trong số đó đang thích sống phóng dật liền giảm bớt phóng dật. Kinh thứ ba trong sáu Kinh Phật Ca Ca Thôn Đà đã dạy xong.

Bấy giờ, biết Thiên Chúng ấy đã sinh tâm nhàm chán dục lạc, Thiên Chủ Dạ Ma ở nơi ấy mới bảo họ: Thiên Chúng các ông đã nghe chánh pháp do bậc Đại tiên thuyết, có thể dứt sạch các khổ, trừ bỏ phóng dật, nói pháp trong sạch cho hàng Trời, Người.

Thiên Chúng các ông đã nghe pháp của Đức Phật thứ ba. Nay các ông nghe pháp, nghe luật rồi nên siêng năng tu hành, lại nghe pháp mà các vị Phật khác thuyết giảng, nghe rồi giữ gìn liền được lợi ích, khi thoái đọa khỏi Cõi Trời này không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà nói như vậy rồi, tất cả Thiên Chúng đều bạch với Thiên Chủ: Cúi xin Thiên Vương hãy làm cho chúng con được lợi ích, làm cho chúng con được an lạc.

Bấy giờ, Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà bảo Thiên Chúng: Tất cả Thiên Chúng các ông đều thấy Tháp Phật thứ tư được trang điểm bằng đủ loại châu báu, có rất nhiều ánh sáng chiếu rực rỡ và đủ loại vật báu xinh đẹp, kỳ lạ xen lẫn nhau, được trang nghiêm với vô lượng công đức, ánh sáng trùm khắp tất cả Cõi Trời này.

Bấy giờ, Thiên Chúng bạch Thiên Vương: Chúng con đã thấy.

Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà bảo Thiên Chúng: Bây giờ tất cả các ông hãy cùng ta viếng thăm Tháp của Như Lai.

Thiên chúng đáp: Thưa Thiên Vương, chúng con xin tuân lệnh.

Bấy giờ, Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà và Thiên Chúng cùng nhau đi. Sau khi đến Tháp Phật, với tâm thanh tịnh, họ đảnh lễ Tháp của Đức Như Lai, tâm liền được mát mẻ. Sau khi lễ xong, họ chiêm ngưỡng Tháp của Đức Phật Tỳ Diệp Bà.

Tháp ấy có đủ loại châu báu kỳ diệu, ánh sáng chiếu rực rỡ như đã nói ở trước. Trên vách báu trong Tháp ấy có chép Kinh Pháp làm lợi ích cho hàng Trời, Người. Đó là Kinh nói về bảy pháp mà nếu ai thành tựu thì sẽ sinh lên Trời.

Những gì là bảy?

Pháp thứ nhất là có thiện nam nghe pháp liền hiểu nghĩa, nghe pháp rồi tu hành, nghe pháp với thiện ý, tùy theo pháp được nghe tâm họ liền thâu giữ một cách chắc chắn, nghe rồi họ thọ trì, nghe rồi họ ưa thích, sinh tâm vui mừng. Người thiện nam này gần kề với bảy loại hiểu biết đầy đủ công đức.

Những gì là bảy loại hiểu biết đầy đủ công đức?

1. Như thuyết tu hành.

2. Gần người làm đúng như lời nói.

3. Có thể như thuyết tu hành, kiên cố thâu giữ.

4. Đắc pháp kiên cố tư duy.

5. Trụ ý.

6. Gần người có cùng nghiệp thiện.

7. Không nghe điều ác của người khác dạy. Người thiện nam ấy gần kề bảy loại hiểu biết đầy đủ công đức này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần