Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tạo Tượng Công đức - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đề Cù Trí, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA TẠO TƯỢNG CÔNG ĐỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Đề Cù Trí, Đời Đường  

PHẦN BA  

Cũng không ngắn gãy, sần sùi, răng không thiếu gãy, không đen, không vàng, lưỡi không ngắn hẹp, trán không bướu nhọt, thân không gù lưng, nước da không xanh xao, tay không ngắn cụt, chân không đi cà thọt, không gầy ốm cũng không quá mập, không dài lắm, cũng không ngắn lắm, tất cả những tướng không đáng ưa này đều không thể có.

Thân vị ấy đoan trang, mặt mày tròn trịa, tóc màu xanh biếc, mềm mại óng ánh, môi đỏ như trái Tần Bà, mắt như hoa sen xanh, tướng lưỡi dài rộng, răng trắng bằng khít, lời nói im dịu làm cho mọi người nghe đều ưa thích, cánh tay thon dài, bàn tay bằng phẳng, đùi chân tròn đầy, ngực rộng lớn, tay chân mềm mại như lụa Đâu La, các tướng đầy đủ không chỗ nào khuyết giảm, như Trời Na La Diên có nhiều sức mạnh.

Này Bồ Tát Di Lặc! Ví như có người bị rơi vào hố nhà xí rồi được thoát ra sau đó dùng nước sạch tẩy rửa phân hôi thối, đem hương thơm xoa thân, mặc quần áo sạch sẽ.

Người này sánh với người đang còn ở trong hầm xí vẫn chưa ra được thì sạch, nhơ, thơm, thối cách nhau như thế nào?

Nhưng việc này cách xa không bao nhiêu. Nếu người nào ở trong sinh tử, có thể phát tâm tin hiểu tạo Hình Tượng Phật, so với lúc chưa tạo tượng thì cách xa nhau, cũng như vậy.

Nên biết người này sinh bất cứ ở nơi nào đều thanh tịnh trừ hết các nghiệp chướng, đối với tất cả các kỹ thuật không có thầy dạy mà vẫn tự biết rõ, dù sinh vào cõi người cũng đạt được sáu căn của Cõi Trời, nếu sinh vào Cõi Trời thì vượt hơn chúng trời, đã sinh vào nơi nào cũng không có bệnh tật, khổ đau, không có ghẻ lở, bệnh hủi, không có ung thư.

Không bị ma quỷ dựa nhập, không có điên cuồng, khô gầy, các bệnh dịch tả, sốt rét, táo bón, mụt nhọt mọc cả thân, thổ tả, kiết lị, ăn uống quá điều độ bị thương hàn, bại liệt nửa thân, cử đông đau đớn, có bốn trăm lẻ bốn thứ bênh lác như vậy, đều không có, cũng không bị thuốc độc, binh lính, hổ, sói, sư tử, nước lửa, giăc cướp, các duyên như vậy gây hại, thường đạt được an ổn, không phạm các tội.

Này Bồ Tát Di Lặc! Nếu có chúng sinh đời trước đã tạo nghiệp ác, cho nên phải thọ nhận vô số các việc khổ não, do đó nên bị gông cùm xiềng xích trói buộc, đanh đập, mắng chửi, thiêu, nướng, lột da, nhổ tóc, treo ngược lên cao, tậm chí hoặc bị phân ra từng khúc, nếu phát tâm tin hiểu tạo hình tượng của Phật, đều không phải bị như vậy.

Nếu giặc cướp phá hoại xâm lấn thành ấp, các tinh biến hóa những điều quỷ quái, đói khát, bệnh tật, ung dịch thì người ấy không sinh vào những chỗ như vậy. Nếu nói người sinh vào đó thì đây là không thật.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai luôn giảng nói về thiện nghiệp và bất thiện đều không bị hoại mất. Nếu chúng sinh nào tạo các tội nặng thì sẽ sinh vào nhà dòng họ thấp hèn, nghèo cùng khốn khổ, bệnh tật hành hạ, mạng sống ngắn ngủi.

Sau khi phát tâm tin hiểu tạo Hình Tượng Phật những tội báo này sẽ còn phải thọ lấy hay không?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Bồ Tát Di Lặc! Ông hãy lắng nghe! Ghi nhớ ta sẽ giảng nói cho ông. Nếu chúng sinh nào tạo các tội ấy rồi, phát tâm tạo hình tượng mong cầu thiết tha, bày tỏ ăn năn cương quyết chấm dứt hết, thề không có tái phạm thì tội đã tạo đều được tiêu diệt. Hôm nay ta vì ông mà giảng nói việc làm này rõ ràng.

Này Bồ Tát Di Lặc! Ví như có người đời trước keo kiệt, do nhân duyên đó mà chịu sự bần cùng khốn khổ, không có các thứ tài sản vật báu đắt giá. Bỗng nhiên, gặp vị Tỳ Kheo đang nhập Diệt tận định, rồi từ định ấy xuất ra, liền đem thức ăn uống cung kính cúng dường vị Tỳ Kheo ấy.

Người này đã cúng dường rồi thì không bao giờ bần cùng khốn khổ nữa, phàm có mong cầu gì cũng đều được như ý của mình.

Này Bồ Tát Di Lặc! Nghiệp ác đời trước của người bần cùng ấy đã tạo nhưng hiện tại được quả báo tốt là do đâu?

Bồ Tát Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Do cúng dường thức ăn cho nên nghiệp ác đời trước thảy đều tiêu diệt hết, vĩnh viễn xa lìa sự nghèo khổ, được giàu có đầy đủ.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Như lời ông đã nói, nên biết người này cũng như vậy, do tạo hình tượng cho nên các nghiệp xấu ác ấy đều dứt sạch không còn sót, sự thọ nhận báo ứng thì không còn nhận nữa.

Này Bồ Tát Di Lặc! Nghiệp có ba loại:

1. Hiện thọ.

2. Sinh thọ.

3. Hậu thọ.

Ba loại nghiêp này, trong mỗi mỗi nghiệp đều có định và bất định. Nếu người tín tâm tạo Hình Tượng Phật thì chỉ có chịu định nghiệp của hiện tại một phần ít, ngoài ra đều không còn phải chịu.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch: Bạch Thế Tôn! Như Lai luôn giảng nói có năm loại nghiệp sâu nặng, chắc chắn phải đọa vào địa ngục Vô gián.

Đó là tội giết cha, hại mẹ, giết A La Hán, đem tâm ác nghịch làm thân Phật chảy máu, phá sự hòa hợp của Tăng Chúng, nếu có chúng sinh đời trước đã tạo tội này đời sau đối với Đức Phật sinh tâm tin hiểu thanh tịnh, tạo Hình Tượng Phật, người này bị đọa vào địa ngục hay không đọa?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Bồ Tát Di Lặc! Hôm nay, ta sẽ giảng nói ví dụ này cho ông. Ví như có người tay cầm cung tên ở giữa rừng cây, bắn lên chiếc lá, mũi tên ấy xuyên suốt, chẳng bị trở ngại. Nếu có chúng sinh phạm tội nghịch này, đời sau tạo Hình Tượng Phật, thành tâm tỏ bày ăn năn đạt được vô căn tín, ngã tưởng mỏng cạn thì tuy đọa vào địa ngục, liền được ra khỏi, như mũi tên không dừng lại, cũng như vậy.

Lại nữa, như Tỳ Kheo đạt được thần túc thông, từ bờ bên này đến bờ bên kia, xoay vòng khắp bốn châu, cũng không bị ngăn ngại, người này cũng vậy. Do tội đời trước đã phạm, tạm thời đọa vào địa ngục, không phải nghiệp đời trước làm chướng ngại hẳn.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Thân của Chư Phật Như Lai là pháp tánh, chẳng phải là sắc tướng, nếu lấy sắc tướng làm thân Phật thì Tỳ Kheo Nan đà cùng Chuyển luân thánh vương đều sẽ thành Phật, vì đều đầy đủ các tướng tốt.

Hoặc có chúng sinh hủy hoại Pháp thân của Phật, chánh pháp nói không phải chánh pháp, không phải chánh pháp nói là chánh pháp, nhưng sau đó phát tâm tin hiểu tạo Hình Tượng Phật, thì tội nặng này được tiêu diệt hay không tiêu diệt?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Bồ Tát Di Lặc! Nếu chúng sinh ấy đối với chánh pháp nói chẳng phải là chánh pháp, không phải là chánh pháp nói là chánh pháp, tuy nói bằng miệng mà không phá chánh kiến, sau đó tin thích tạo Hình Tượng Phật, thì nghiệp ác trước đây chỉ ở nơi thân hiện tại thọ quả báo nhẹ, không đọa vào đường ác nhưng vẫn còn ở trong sinh tử chưa được giải thoát.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch: Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh trộm cướp vật trong Chùa Chiền hoặc trộm cướp vật của Chúng Tăng, vật của Tăng bốn phương, hoặc của Tăng hiện tiền, tự mình lấy dùng, đem cho người khác, tưởng như vật của mình.

Bạch Thế Tôn! Đã thường giảng nói người dùng vật của chùa chiền, vật của Chúng Tăng thì tội rất nặng, nhưng chúng sinh ấy tạo tội này rồi lại tự mình hết sức ăn năn hối hận, phát khởi tâm tin thanh tịnh mà tạo Hình Tượng Phật.

Những tội như vậy có tiêu diệt không?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Bồ Tát Di Lặc! Nếu chúng sinh ấy đã từng dùng vật này, sau đó tự mình quán sát rõ ràng có lòng hổ thẹn bày tỏ ăn năn, tùy theo số ấy mà đền trả lại gấp bội, thề không dám trái phạm. Hôm nay ta sẽ nói rõ một ví dụ cho ông.

Như có một người nghèo khổ, đời trước bị thiếu nợ nhiều, bỗng gặp được kho của cải có vô số vật báu, đem về trả hết nợ ấy rồi, mà của cải ấy vẫn còn dư. Nên biết người này cũng như vậy, đã trả gấp bội lần ấy. Lại nữa, tạo Hình Tượng Phật là thoát khỏi các nạn khổ đau, vĩnh viễn được an vui.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch: Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã giảng nói ở trong giáo pháp của Phật, phạm Ba La Di thì không còn được sống chung, hoặc có người đã tạo tội ấy rồi, nên phát tâm nhớ nghĩ công đức của Chư Phật mà tạo Hình Tượng Phật, ở trong giáo pháp của Phật có được sống lại không?

Lại nữa, trong đời sống này, được tái sinh lại lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư có chứng đắc được pháp chăng?

Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Bồ Tát Di Lặc! Ví như có người thân bị năm dây trói ràng buộc, nếu được thoát ra như chim thoát ra khỏi lưới đến nơi an ổn không có ngăn ngại. Người này cũng vậy, nếu phát tâm tin hiểu mà nhớ nghĩ công đức của Phật, tạo Hình Tượng Phật, tất cả nghiệp chướng đều được tiêu trừ, ở trong sinh tử được thoát ra một cách mau chóng không bị chướng ngại.

Bồ Tát Di Lặc nên biết! Xe có ba loại: Đó là xe của hàng Thanh Văn, xe của hàng Độc Giác, xe của Chư Phật, người này thích nương vào xe nào thì phát khởi nguyện đó, liền nhờ xe đó mà được giải thoát, nếu chỉ cầu thành Phật mà không cầu quả báo gì khác thì tuy có tội chướng nặng vẫn mau được diệt trừ.

Tuy ở trong sinh tử mà không bị khổ nạn, cho đến sẽ được chứng quả vô thượng bồ đề. Đạt được cõi thanh tịnh đầy đủ các tướng tốt, mạng sống và tuổi thọ được lâu dài.

Bấy giờ, ở trong hội chúng những người chưa phát tâm Đại Thừa, đều sinh tâm nghi ngờ: Thời quá khứ Như Lai có tạo Hình Tượng Phật hay chưa tạo Hình Tượng Phật?

Giả như đã tạo thì tại sao tuổi thọ sống có giới hạn, có bệnh tật, có khổ đau như thế?

Ở trong cõi nước có nhiều thứ nhơ bẩn không được sạch sẽ.

Bấy giờ, Vua Ba tư nặc nương theo oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch: Bạch Thế Tôn! Con thấy các căn tướng tốt của Như Lai và các dòng họ đều là đệ nhất nên tâm đã chắc chắn không có điều gì nghi ngờ. Nhưng có lúc Đức Thế Tôn đã từng bị mảnh ván gỗ làm chân Phật bị thương.

Lại có lúc bị Đề Bà Đạt Đa trên núi xô đá xuống làm chân Phật chảy máu, trước đây cũng có lúc Ngài nói có bệnh, sai Kỳ Bà Điều lấy thuốc chữa bệnh kiết lị, lại có lúc từng bị bệnh đau lưng, bảo Đại Ca Diếp tụng bảy lần pháp bồ đề phần để dứt trừ sự đau khổ ấy.

Lại có lúc từng có các bệnh hoạn, sai A Nan Đà đến nhà Bà La Môn xin sữa bò, cũng có lúc trong thôn Bà La Môn an cư ba tháng chỉ ăn lúa của ngựa ăn, lại có lúc đi khất thực mang bát không trở về.

Như Thế Tôn nói: Nếu có người nào tạo Hình Tượng Phật thì các nghiệp chướng đã tạo đều được tiêu diệt, xa lìa các khổ não, không còn có bệnh tật.

Đức Thế Tôn đời trước đã từng tạo tượng hay không?

Nếu ở đời trước đã từng tạo Tượng Phật, vậy vì sao lại có những việc như vậy?

Đức Phật bảo Vua Ba tư nặc: Hãy lắng nghe, lắng nghe! Ghi nhớ kỹ, Như Lai sẽ giảng nói rõ ràng cho Đại Vương!

Này Đại Vương! Ta ở đời trước vì mong cầu quả bồ đề, đem các vật báu bằng gỗ chiên đàn họa vẽ tạo Hình Tượng Phật, vô số lượng ấy nhiều hơn Trời người ở trong hội này, nhờ phước đức ấy, tuy ở trong sinh tử chưa dứt hết các hoặc nghiệp nhưng đã thọ thân vững chắc, giống như Kim Cang không bị tổn hoại.

Này Đại Vương! Ta nhớ ở trong quá khứ vô lượng kiếp sinh tử đã tạo Hình Tượng Phật. Lúc ấy, tuy vẫn còn tham lam giận dữ, vô lượng phiền não xen lẫn, nhưng ta chưa từng lúc nào bị các nghiệp bệnh khổ, bốn đại không điều hòa và quỷ thần xấu ác, các vật cần dùng luôn luôn đầy đủ.

Huống chi ngày nay, ta đã chứng đắc vô thượng bồ đề mà còn có việc không vừa ý như vậy hay sao?

Này Đại Vương! Nếu xưa kia ta đã tạo Hình Tượng Phật, nay còn chút dư nghiệp để thọ quả báo này thì làm sao ta tuyên bố bằng lời không sợ hãi rằng tạo Hình Tượng Phật chắc chắn có thể dứt hết các nghiệp ác.

Này Đại Vương! Ở trong quá khứ ta đã bố thí vô lượng thức ăn uống, của báu. Vì sao hôm nay đi khất thực xin không được nên ăn lúa của ngựa. Nếu việc hôm nay có thật.

Vì sao ta trong vô lượng Kinh Điển khen ngợi vô số bố thí Ba la mật?

Giảng nói phước nghiệp ấy hoàn toàn có kết quả tốt.

Này Đại Vương! Ta là người nói lời chân thật, không nói lời dối, nếu ta mà nói dối thì người khác như thế nào?

Này Đại Vương! Từ lâu ta đã đoạn dứt nghiệp ác, đã xả bỏ những việc khó bỏ, có thể thực hành những điều khó làm, đã xả bỏ thân mạng qua hơn bảy trăm ngàn ức kiếp, đã tạo vô lượng hình tượng Chư Phật, đã sám hối vô lượng các tội ác nghiệp báo, làm sao có thể bị nhưng việc như chê bai, thương tích, đau khổ, bệnh tật, đói khát và ăn lúa của ngựa?

Nếu đã từng chứng đắc hôm nay lại thoái lui thì cần gì siêng năng tu tập các phước thiện này?

Này Đại Vương! Pháp thân thường trụ của Chư Phật Như Lai, vì độ thoát chúng sinh cho nên hiện ra việc này mà chẳng phải là sự thật, bị thương ở chân, đau lưng, xin sữa uống thuốc cho đến Niết Bàn, phân chia xá lợi lưu truyền xây dựng Tháp đều là phương tiện quyền xảo của Như Lai nên làm cho các chúng sinh thấy tướng như vậy.

Này Đại Vương! Ở trong thế gian, ta hiện ra các việc bệnh hoạn như vậy nhằm chỉ dạy nghiệp báo không mất của chúng sinh, làm cho họ lo sợ, để đoạn trừ các tội lỗi, tu tập các hạnh lành, nhưng sau đó biết rõ thân là thường còn, pháp thân, tuổi thọ mạng sống không có giới hạn, ở nước thanh tịnh.

Này Đại Vương! Chư Phật Như Lai không có hư vọng, đại bi thuần nhất, trí tuệ thiện xảo, cho nên có thể dùng vô số sự thị hiện như vậy.

Lúc ấy, Vua Ba Tư Nặc nghe lời nói này rồi hết sức vui mừng, cùng vô lượng trăm ngàn chúng sinh đều phát tâm vô thượng bồ đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần